NON NƯỚC NINH THUẬN
Tác giả NGUYỂN ĐÌNH TƯ
PHẦN HAI (B)
Công trình đánh máy: Ông và Bà Nguyễn Nghiêm
Hiệu chỉnh kỹ thuật: Lê Tự Do
Lần đầu tiên được đăng tải trên Diễn Đàn Ái Hữu Ninh Thuận 04/2007
KÍNH DÂNG
ANH LINH CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ HY SINH CHO TRƯỜNG TỒN CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM
MỤC LỤC
LỜI NÓI ÐẦU
PHẦN THỨ NHẤT: CẢNH ĐẸP THIÊN NHIÊN
Chương 1: GIỚI THIỆU
Chương 2: ĐỊA CHẤT
Chương 3: NÚI NON
Chương 4: SÔNG NGÒI
Chương 5: ĐỒNG BẰNG
Chương 6: BỜ BIỂN
Chương 7: KHÍ HẬU
Chương 8: DANH LAM THẮNG CẢNH
PHẦN THỨ HAI: TAY NGƯỜI TÔ ÐIỂM
A
Chương 1: Lịch sử
Chương 2: Di tích lịch sử
B
Chương 3: Phong tục tập quán của đồng bào Kinh
Chương 4: Phong tuc tập quán của đồng bào Sắc Tộc
C
Chương 5: Tôn giáo
Chương 6: Nhân vật
PHẦN THỨ BA: NGUỒN LỢI KINH TẾ
Chương 1: Tài nguyên
Chương 2: Hoạt động nông nghiệp
Chương 3: Hoạt động ngư nghiệp
Chương 4: Muối Cà Ná
Chương 5: Ðường giao thông
HẾT
PHẦN THỨ HAI
(B)
CHƯƠNG III
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO KINH
Ninh Thuận là vùng
đất mới, lại do khí hậu nóng bức, ruộng đất khô cằn nên người Việt di cư đến
đây lâp nghiệp hồi xưa rất ít. Trước khi có những công trình thuỷ lợi cải tiến
nông nghiệp, vùng đất này có thể nói vẫn là quê hương riêng của người Chàm trên
thực tế. Người Việt chỉ đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng hạ lưu ven sông
Phan Rang làm nghề nông và ven biển làm nghề đánh cá.
Chỉ khoảng 80 năm gần
đây, sau nhiều phong trào ái quốc thất bại, một số đồng bào gốc các tỉnh miền
ngoài chạy tới đây, tìm các nơi hoang vắng xa xôi làm rẫy, khẩn hoang để tránh
con mắt dòm ngó của bọn quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Từ đó số
người Việt tại Ninh Thuận dần dần tăng lên, một số thôn ấp, trang trại tân lập
do đó mà xuất hiện thêm.
Chính vì vậy phong tục tập quán của đồng bào Kinh tại Ninh Thuận không có gì nổi bật, có khi còn đơn giản hơn các tỉnh miền ngoài.
Về phương diện tôn giáo, đại đa số dân chúng đều theo Phật Giáo, vì đây là tôn
giáo xưa nhất. Tôn giáo thứ hai cũng quan trọng là Thiên Chúa giáo, vì số
tín đồ tương đối đông, nhất là từ ngày có phong trào di cư sau hiệp định
Genève. Những năm gấn đây, một vài cơ sở Tin Lành giáo, Cao đài giáo và
Baháʼí giáo được thiết lập, nhưng số tín đồ hãy còn ít lắm.
Cũng như tất cả mọi nơi trong troàn quốc, trừ các tín đồ của Thiên Chúa giáo, và Tin Lành giáo, các tín đồ các tôn giáo khác, hoặc những người không theo tôn
giáo nào, vẫn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào cũng có một
bàn thờ gia tiên, vào ngày mồng năm và tết Nguyên Đán, các ngày kỵ giỗ, con
cháu đều cúng bái theo tục lệ cổ truyền.
Ngoài
các ngày kỵ giỗ không nhất định của mỗi gia đình, sau đây là các tục lệ chung,
trước 1945 tất cả các gia đình không Công giáo đều theo, nay một số không theo được
đầy đủ hoặc đã đơn giản hoá đi nhiều.
Ảnh
số 23: Đền Trần Hưng Đạo (ảnh của tác giả)
Ngày
23 tháng chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời, các gia đình đều có làm lễ,
lễ vật thường có một bộ đồ giấy: áo và các thứ đồ dùng, không có quần, bắt buộc
phải có xôi chè. Nhà có trẻ con thì phải làm thịt một con gà cồ mới tập
gáy, có ý nhờ ông Táo xin với Ngọc Hòang cho đứa trẻ lớn lên đầy nghị lực và
sinh khí, hiên ngang như chú gà cồ dậy thì vậy.
Sau lễ đưa ông Táo một số gia đình đi xủi mã, còn một số khác chờ đến lễ Thanh
Minh.
Tối 30 tháng chạp âm lịch là lễ rước ông bà, lễ vật không bắt buộc, nhưng đại
thể thì có mâm cộ, nhiều ít tuỳ theo gia đình, và dựng nêu, ngày nay người ta
thay vào cây quốc kỳ và Phật kỳ. Theo tập tục, người ta đổ lúa vào cối xay có ý
cầu mong sang năm gia đình được sung túc. Chổi quét nhà dù cũ hay mới gì
cũng bỏ hết thay lớp khác.
Đêm giao thừa, các gia đình đều có cúng đầu năm, lễ vật bắt buộc phải có bánh
tét. Sáng mồng một người ta kiêng cữ, người khó tánh, kẻ có tang không
nên đến xông đất nhà ai, vì sẽ mang đến sự xui xẻo cho gia chủ.
Qua ngày mồng hai trở đi, người ta làm lễ tết nhà, lễ vật được bày lên bàn đặt
giữa nhà, gồm có một đĩa hay một tô gạo đầy, các loại bạc, một đĩa trầu cau
xoay tròn, 12 đĩa bánh tết, 6 đĩa đường, vàng bạc giấy, nhang đèn. Cúng xong,
vàng bạc giấy được dán lên các cửa nhà.
Gia đinh nào có nuôi trâu thì làm lễ tết trâu, mỗi con trâu đực cúng một đòn
bánh tét, mỗi con trâu cái một cặp bánh chưng, vàng bạc giấy và nhang
đèn. Cúng xong, dán vàng bạc giấy lên cửa chuồng trâu.
Người làm rẫy thì tết rẫy, đem lễ vật ra rẫy cúng, ngoài bánh trái, vàng bạc
giấy, nhang đèn, có thêm một con gà luộc. Người làm biển thì tết
ghe. Tóm lại làm nghề gì thì tết nghề đó, cốt ý cầu mong năm mới làm ăn sẽ
phát đạt, kết quả tốt đẹp. Đến ngày mồng bốn hay mồng sáu thi lễ đưa ông
bà, cũng gọi là cúng tất. Ngày mồng năm là ngày nguyệt kỵ nên không gia đình
nào cúng tất vào ngày đó. Đến mồng bảy thì hạ nêu, không có cúng kiếng gì cả.
Đến rằm tháng giêng là tiết Thượng nguyên, các gia đình đều có làm lễ gia tiên,
thổ địa và các cô hồn, nhưng không phải gia đình nào cũng cúng như nhau.
Chỉ gia đình nào có lời hứa nguyện trước thì mới dùng hình thức cúng ngoài sân,
nếu không thì chỉ cúng nơi bàn thờ gia tiên mà thôi. Khi cúng ngoài sân
người ta bày biện lễ vật thành ba cấp. Trên hết là bàn thờ gia tiên, bàn
thứ hai là bàn thờ thổ địa, nơi nào cũng có hương đăng, hoa quả, xôi chè, bánh
trái. Còn cấp thứ ba gồm một hay hai cái nia đặt xuống đất, trong đó
người ta để bánh cấp, bánh cúng, vàng bạc giấy, bên cạnh có để một vò nước,
chưa rõ ý nghĩa như thế nào, trên miệng có cái gáo.
Ngoài ra, trong năm còn lễ Thanh minh vào tháng ba âm lịch, lễ Trung nguyên, Hạ
nguyên và các lễ trong gia đình, nhưng không có gì đặc biệt, cũng giống như các
nơi khác. Tại Ninh Thuận không có tục cúng cơm mới.
Một số gia đình có tục cúng đất (lễ Thổ trạch) là tục lệ mà chúng tôi đã trình
bày trong NON NƯỚC PHÚ YÊN và NON NƯỚC KHÁNH HOÀ. Tuy nhiên ở đây cũng có một
vài điểm hơi khác hai tỉnh nói trên, chúng tôi trình bày thêm để các bạn tiện
tham khảo.
Mùa cúng đất thường lệ vào tháng ba âm lịch, ngày thì chọn ngày tốt tuỳ theo
tuổi gia chủ. Trong lễ này gia chủ phải nhờ thầy Pháp. Người ta đặt
một cái bàn giữa sân, day mặt về hướng đại lợi hợp với tuổi của gia chủ.
Trên bàn có bình bông, nải chuối và con gà luộc để nguyên, xôi chè với một bộ
đồ giấy có bán sẵn ngoài chợ gồm các hình vẽ con cọp, hình người ghe thuyền
v.v… Dưới đất trải chiếu, trên có để năm cái đĩa làm bằng bẹ chuối. Trong
mỗi đĩa để một ít thịt gà chặt vụn, cá nhám luộc xắt quân cờ. Bên cạnh có
mâm cơm dành cho chư ngung Man nương, trong mâm có cá khô nướng, đĩa rau luộc,
chén mắm nêm, một con gà luộc để nguyên, một bộ tam sên (3 con cua hay tôm, một
cái trứng, một miếng thịt ba rọi đều luộc chín), xôi chè, chén gạo, chén
muối. Đặc biệt còn có một cái thuyền bằng bẹ chuối, một cái cung và năm
mũi tên.
Bắt đầu làm lễ gia chủ khăn áo chỉnh tề, đứng vào chiếu, hướng mặt về bàn cúng.
Thầy pháp đứng một bên, đốt nhang đèn, xướng cho gia chủ lạy ba lạy, rồi Thầy
pháp đọc:
"Phục dĩ
Càn khôn tạo hóa hỗn độn sơ phân
Định tam tài bát quái chi cung
Vận tứ quí ngũ hành chi sơ
Sơn xuyên thảo mộc, hoa quả chi trung
Thị nhựt kim thời tỉnh Ninh Thuận, quận…xã…ấp
Cung thỉnh.
Cao các thành hoàng đại vương chi thần thỉnh đáo lai lâm thỉnh đồng hiệp tạ.
Thái giám bạch mạ linh quan chi thần đồng lai hiệp tạ
Thiên Y A Na Diện phi chúa ngọc bỗng nương, phổ tế chi đức Thượng đẳng thần
đồng lai hiệp tạ
Kim niên hành binh, hành khiển chi thần
Bổn gia hương nhoá tư mạng táo quận.
Đương cánh thổ địa chi thần
Tả bản liệt vị chi thần
Bổn thổ quan cai ngũ phương chư ngung Man nương phu thê nhị vị vãng
thần.
Môn thừ hộ qúy trung lự tỉnh táo liệt vị đẳng thần đồng lai hiệp tạ."
Tiến đến thầy pháp rót rượu, rót trà mời chư thần, gia chủ lạy ba lạy.
Sau đó thầy pháp đốt đồ giấy, lấy đũa gắp mỗi thức ăn bày nơi chiếu, một chút
bỏ vào thuyền chuối, truyền cho người nhà mang ra thả xuống sông, ngụ ý chở đi
các tai nạn để gia chủ khỏi vướng trong năm.
Sau cùng là bắn cung. Trước khi bắn, thầy pháp đọc chú như sau:
"Pháp
sư vâng chỉ linh thần đại tướng, tiểu vương, lãnh ngọc thủy cung, trường quái
mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc. (Giơ cung lên nói) Cung này luyện hơn năm
khối sắt, dây đúc bảy cân đồng, (giơ tên lên nói) năm tên này ở núi Xuy Phong,
hiệu nó Tô Ngũ Tiễn, tướng Tiểu Vương thuở trước, kỵ bạch mã cung tên, đời
Nghiêu Vương đế vị, Trương Hườn xạ thập nhật tiêu trừ sắc xá. Đời Nghiêu
vương mới khiến Nghi thiện xạ ra tay, trương cung lên nhờ có cao dày, tự nhiên
mất trên trời chín mặt. Dưới đất trừ loại trùng độc, lai diệc xạ Đông
phương hích hích (bắn một mũi tên về hướng Đông), lại diệc xạ Nam phương hích
hích, xạ quái mộng, quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên). Lại
diệc xạ Tây phương hích hích, xạ quái mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn
một mũi tên). Lại diệc xạ Bắc phương hích hích, xạ quái mộng quái mị, xạ
hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên). Lại diệc xạ Tây Nam phương, xạ quái
mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên sau cùng)." Bắn hết năm mũi
tên, thầy pháp bẻ cung vứt đi luôn.
Thế là mãn khoá lễ, mọi người hạ mâm xuống đánh chén vui vẻ.
Sau những hình thức cúng bái trong gia đình, chúng tôi xin trình bày các nghi
thức tế lễ , tam sinh hương đăng nên những tục lệ rườm rà, phức tạp và đòi hỏi
ít nhiều kiến thức mới am hiểu, không được những người di cư mang đến.
Điều nhận xét của chúng tôi không phải là võ đoán, vì xét ngay tại Phan Rang là
nơi phủ lỵ, đạo lỵ rồi tỉnh lỵ, không có văn thi thờ Khổng Tử và thất thập nhị
hiếu, không có đàn xã tắc, miếu thần nông thì đủ thấy các lệ nghi tại đây bị
coi nhẹ.
Đến như ngôi đển thờ Thành Hoàng mà cũng chỉ một số rất ít làng cũ có thôi….còn
chùa chiền thì không thuộc sở hữu công cộng của làng mà do các vị tăng đi hoằng
pháp tạo nên và tín đồ phát tâm trợ giúp. Vì lẽ đó, việc tế đình hàng
năm, việc làm chay thí thực vào rằm tháng bảy không phải là việc tế lễ chung
của các làng như ở các tỉnh miền ngoài, mà là việc riêng của làng nào có đình
hoặc của nhà chùa mà thôi.
Về nghi thức tế lễ thì cũng có chánh tế, bồi tế, thông xướng, có người đi đìện,
có cổ nhạc, chiêng trống, lễ vật thì có trầu rượu, tam sinh hương đăng.
Sau đây chúng tôi xin ghi lại bài văn tế đình vào dịp Xuân Thu nội dung cũng
rất đơn giản (1)
"Tuế
thứ…niên…nguyệt kiến…Việt…nhật…., Ninh Thuận tỉnh…xã…thôn.
Chủ tế…(mộ), bồi
tế…(mộ), Đông hiến…(mộ), Tây hiến (mộ).
Cẩn
đi bàn soạn hương đăng, tư sinh quả phẩm, thứ phẩm chi lễ.
Cảm
cáo vụ:
Bổn cảnh Thành Hoàng.
Quản hậu chánh trực hộ thiên đôn ngung khâm mông sắc tặng:
Dực bảo Trung hưng bửu chiến đàm ân lễ long đăng trật thượng đẳng
thần,
Đại càn hoàng triệu Quốc Gia Nam Hải tôn thần.
Chiếc linh ứng tứ vị thánh nương vương tôn thần,
Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi thị ti linh quang Hồng nhơn phổ tế tôn
thần.
Chưởng Thái Giám Bạch Mã tôn thần.
Tả ban liệt vị hữu ban liệt vi tôn thần,
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị âm thần
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị dương thần.
Đương niên Việt Vương Thiên Tào hành binh hành khiển chi thần, Kim
Mộc Thuỷ Hoả Thổ chi thần.
Chu sơn quân chi thần
Tiền hiền khai khẩn chi vị
Hậu hiền khai khẩn chi vị
Ky:
Thiên thiên lực sĩ, vạn vạn tinh binh đồng lai phối hướng.
Viết cung dùy
Âm dương kiết tú
Hà nhạc chung linh
Bất khả độ thẩn khả xạ
Thị vô hình thính vô thành
Thành tắc cảm thông,
Quyền cơ mạc trắc
Hiển hữu linh ứng
Thạnh Đức nan danh
Thích dương xuân lịnh,
Tái thiết tế nghi tư sinh (con heo)
Nguyện kỳ giảm cách
Tích dĩ hoà bình
Tỷ an ấp lý
Bá độ duy hinh, chi gia huệ giả.
Cẩn cáo “
Lược dịch:
"Năm…(âm lịch), tháng….(âm lịch), kiến….việt…ngày...(âm lich)
Tại tỉnh Ninh Thuận, quận….xã…..thôn…
Chủ tế là ông… Phụ tá là ông… trợ giúp hành lễ ở phía Đông là
ông……ở phía Tây là ông…..
Thành kính sửa soạn hương đèn, heo sống , hoa quả, lễ phẩm các thứ,
dâng lên và trình với chư vị thần linh :
( xướng tên các vị thần trong nguyên văn)
…………………………………………..
Kính thưa rằng:
Chư vị là do:
Khí tốt âm dương gây dựng,
Hồn thiêng sông núi un thành
Không thể đo dò nhưng vẫn thơm ngát,
Xem không thấy hình dáng, nghe không có tiếng vang
Ai có thành tâm ắt được sự cảm thông
Biến hoá không thể ước lượng được
Sự linh ứng quá rõ ràng
Ân đức ban bố nhiều không thể nói được.
Nay nhân tiết trọng Xuân
Đồng dâng biện lễ phẩm gồm có con heo.
Nguyện xin thần linh chứng giám,
Để phù hộ cho đất nước thanh bình,
Xóm làng an lạc,
Trăm họ thảy đều mạnh khỏe.
Lại mong chư vị tôn thần ban thêm ân huệ
Nay kính“
Ngoài ra còn có một số đền miễu thờ các vị thần có tên hiệu rõ
ràng do hội tư nhân hoặc dân trong ấp (làng cũ) phụ trách việc tế tự.
Tại thị trấn Phan rang có chùa Ông của đồng bào Việt gốc Hoa thuộc
bang Quảng Đông ở ngay chợ, kiến trúc theo cùng một kiểu như tất cả các chùa
Ông ở các tỉnh. Chùa này lập từ hồi nào không rõ, chi biết trùng tu cách đây
khoảng 60 năm, sơn phết rất đẹp. Chùa ông thờ Đức Quan thánh Đế quân.
Hàng năm cứ vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, các tín đồ tụ họp làm lễ tế Xuân
ngày 13 tháng 5 âm lịch, là ngày vía, và cứ cách một năm một lần (các năm Tý,
Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) vào tháng 7 âm lịch, chọn ngày tốt làm chay ba ngày
đêm. Ở Nại cũng có chùa Bà cũng bang Quảng Đông thờ bà Thiên Hậu ngày vía
là ngày 23 tháng 3 âm lịch, và cách một năm một lần như chùa Ông (các năm Sửu,
Mẹo, Tị , Mùi, Dậu, Hợi) vào tháng 7 âm lịch, chọn ngày tốt làm chay ba ngày
đêm. Trong những ngày có lễ, đồng bào Việt gốc Hoa ở Phan Rang kéo nhau
xuống đây dự hội. Ngoài ra còn có chùa Ông khác của bang Hải Nam ở phía
đi lên Tháp Chàm. Tại các chùa Ông chùa Bà đều có tục xin xăm, nhưng
không có lên đồng.
Cũng tại Phan Rang, ngày đầu dương lịch đi lên Tháp Chàm.
Đối diện với trường trung học Duy Tân, có đền thờ Trần Hưng Đạo do hội Đào Viên
trông nom. Hội Đào Viên là một hội văn do một số thân hào nhân sĩ địa
phương thành lập, chính là để thờ ba vị anh hùng đời Tam Quốc đã kết nghĩa đào
viên, uống máu ăn thề quyết phò nhà Hán. Hội này cũng đồng thời thờ đức
Thánh Trần, vị anh hùng Việt Nam đã bao phen phá tan quân xăm lăng Mông
Cổ. Với đà phát triển của ý thức dân tộc, có lẽ hội nhận thấy người Việt
Nam thờ các vị anh hùng Trung Hoa là điều vô lý nên gân đây hội chỉ còn chuyên
trách vào việc thờ cúng vị anh hung dân tộc Trần Hưng Đạo mà thôi...
Hàng năm cứ đến ngày kỵ, 20 tháng 8 âm lịch, hội tổ chức cúng tế
theo nghi thức cổ truyền. Cũng như tất cả các đền thờ Thánh Trần khắp
toàn quốc, người ta cũng tổ chức lên đồng bóng và xin xăm.
Sau đây chúng tôi xin sao lục bài văn tế viết bằng quốc ngữ do cụ
cử nhân Hán học Tu Trai soạn và được đọc trong buổi lễ ngày 20 tháng 8 năm Quí
Tỵ (1953).
"Đại Vương xưa: Dòng đế Đông A
Giống tiên Nam Đảo
Thần Thanh Y ứng mộng Thánh Từ
Đất Tức Mặc chính nơi tọa thảo.
Chí anh hùng Nam Bắc xưng vương
Tay hào kiệt càn khôn đào tạo.
Văn võ toàn tài
Hiếu trung trọn đạo.
Ấn quốc công trọn quyền tiết chế, thuỷ lục hùng cường,
Giặc Mông Cổ vượt ải xăm lăng, nước nhà điên đảo.
Không nỡ để quân thù giày xéo, gươm Minh Phong trăm trận xông pha.
Đâu chịu nhìn đất nưóc đổi đời, hịch tâm huyết mấy lời khuyên bảo.
Binh thư yếu lược, mưu xuất thần nhập quỷ khó đo lường,
Sát đát hùng tâm, chi phá phủ trầm châu không núng náo.
Dưới nhung liền nỗ lực đua tài, nào Dã Tượng, Yết Kiều, nào Nghĩa
Xuyên, Hùng Thắng, theo Ngũ Lão khi công khi hãm, tranh phong ra cướp lũy đánh
thành.
Ngoài Hồ Lỗ kinh hồn mất vía, kìa Mã Nhi, Lưu Thẩm, kia Cơ Ngọc,
Toa Đô, theo Thoát Hoan hoặc tử hoặc đào, chung cuộc phải quăng cờ liệng giáo.
Sông Bạch Đằng, đò Vạn Kiếp, giết quân thù trả nợ giang sơn.
Ải Hàm Tử, bến Chương Dương, lập công lớn đủ Tay nha trảo.
Bảo tồn đất Việt ngàn xưa
Đánh đuổi quân Nguyên hai đạo.
Con Hồng cháu Lạc, chung nhau hưởng cảnh thanh bình.
Sông Nhị non Hùng, khỏi lọt vào tay cường bạo
Ôi! Chí hùng công cả, sánh Trưng Vương, Lê Tổ, muôn thưở hình
hương.
Đức trọng nghĩa dầy, đối Tản Lãnh, Lam Giang, ngàn thu thọ khảo.
Vườn An Lạc an nơi phiếm trạch, hoa thảo thê lương,
Đền Kiếp Bạc hiển thánh thiên tôn, xuân thu sùng bái.
Nay:
Nhớ ngày siêu thăng
Dùng lễ cẩn cáo
Tỏ niệm chân thành
Tấu nơi minh ảo.
Kính mong: phù trì lãnh thổ, dân phồn thịnh, nước an ninh.
Ban bố phước lành, trong phú cường, ngoài hòa hảo.
Thượng hưởng."
Tại chân núi Kiền Kiền, sát quốc lộ số 1, thuộc địa phận ấp Mỹ
Nhơn, trước thuộc làng An Nhơn, có lăng Ông (1) thờ Cai Cơ Bái Cương Hầu, Lăng
gồm có ba tòa nhà. Ngôi chánh diện ba gian, vách đá, lợp ngói âm dương, sườn và
cột bằng gỗ, trên có cổ lầu, trước có tiền đình. Một cái nhà Đông cũng
bằng gỗ, vách đá lợp ngói âm dương và một cái nhà trù cũng kiến trúc với các
vật liệu ấy. Năm 1946, khi Pháp trở lại chiếm Việt Nam, quân đội thực dân
đã dùng ngôi lăng này làm đồn binh. Chúng đã không ngần ngại phá phách và
lấy đá xây lô cốt phòng thủ. Việc thờ phụng bị trở ngại. Sau khi bọn
chúng bỏ đi thì ngôi làng hoàn toàn bị tàn phá.
Theo tài liệu ghi tóm tắt trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 12,
Cai Cơ Bái Cương Hầu, không rõ tên họ là gì, là một võ quan đầu đời nhà Nguyễn
có công đánh dẹp sự chống đối của các sắc dân thiểu số ở Ninh thuận, khi chết
được phong làm phúc thần và lập đền thờ tại đây. Theo tục truyền thì lăng
này rất thiêng, ai đau yếu đến đây cầu nguyện đều được linh nghiệm.
Sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn còn giữ lại gồm có một đạo
về đời nhà Minh Mạng thứ 5 phong Phấn Võ Cai Cơ Bái Cương Phủ Quân chi thần,
một đạo về đời Thiệu Trị thứ 3 phong Phấn Võ Tường Oai Chi Thần, một đạo về đời
Tự Đức thứ 3 phong Cai Cơ Bái Cương Hầu, khải gia tặng Phấn Võ Tương Oai Chủ
Mãnh Ðoan Túc chi thần, một đạo về đời Đồng Khánh thứ hai phong Phấn Võ Chủ
Mãnh Ðoan Túc Dực Bảo Trung Hưng chi thần, một đạo vể đời Khải Định thứ 9 phong
Tiền Triều Khâm Sai Bái Cương Hầu Tôn Thần, nguyên tặng Võ Tương Oai Cú Mãnh
Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng Quang Ý Trung Đẳng thần.
________________________________________________________________
(1) Danh từ lăng ông thường được dùng để chỉ đền thờ Cá Voi.
Không hiểu sao người ta cũng gọi đền thờ một vị công thần là lăng Ông?
________________________________________________________________
Từ năm 1945 trở về trước, tại ngôi lăng này có lễ quốc tế, nghĩa
là quan đầu tỉnh hàng năm vào mùa Xuân phải đích thân tới đây làm lễ. Năm
Duy Tân thứ ba có chiếu chỉ nhà vua ra lệnh cho viên Quản đạo Ninh Thuận đích
thân tới lăng làm lễ với dân làng, lễ vật phải có một con heo. Mỗi lần có
một vị quan mới đổi đến Ninh Thuận, thì việc đầu tiên phải đến đây cũng như đến
đền thờ Cố Hỷ Phu Nhân làm lễ cầu an.
Nhưng từ sau chiến tranh bùng nổ, thời cuộc đổi thay, việc quốc tế
bị bãi bỏ, lăng miếu bị phá nát, hào lão và dân chúng thôn Nhơn Sơn thuộc xã
Khánh Hải mới rước sắc phong và bài vị về thờ chung với vị Thành Hoàng tại đình
làng. Hàng năm cứ đến ngày tế, dân làng tổ chức rước sắc ra lăng cách
thôn 18 cây số làm lễ, xong lại rước sắc về thờ tại đình, đây là bài văn quốc
tế:
"Niên…. nguyệt…. nhật….. thời…..
-Cảm cáo vu
Tiền triều công thần khâm sai Bái Cương Hầu tôn thần, nguyện tặng
Phấn Oai Chủ Mảnh Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng.
Chi thần, quốc tỷ dân nẫm trước linh ứng kim trước tặng Quang Ý
Trung Đẳng thần.
Viết cung duy:
Tôn thần
Sơn hà khí tác
Vũ trụ danh thùy
Tinh thần bất tán
Linh sang bằng y.
Tuy sinh tiền chi sự tích cách mạng, khí hùng yên tại.
Nhi tử hậu chi cử linh hách trạc, vô địch nhân tư.
Lịch triều tần gia tăng dũ, nhất phương vĩnh lại hội trì,
Vì đức kỳ thịnh hỹ,
Hữu công tắc tự, chi,
Kim giả tiết phùng Xuân trọng,
Lễ cụ phỉ nghi,
Phục kỳ cảm cách,
Vĩnh thuỳ tại tư
Hoà bình chi phúc,
Duy thần tích chi.
Công tư thanh cát,
Thứ đắc hàm hy,
Thật lại
Tôn thần chi phù trì dã”
Dịch ý như sau:
Năm .. tháng…ngày… buổi.
Dám trình rõ ràng lên:
Vị thần tôn kính ngài là Bái Cương Hầu, bậc công thần của triều,
nguyên lúc đầu được phong tặng hiệu Phấn Võ Tương Oai Chủ Mãnh Đoan Túc Dực Bảo
Trung Hưng chi thần, nhờ có công giúp nước an dân, xét thấy linh ứng rõ rệt nên
nay được phong hiệu Quang Ý Trung Đẳng Thần.
Thành kính rằng:
Sông núi đúc nên
Danh vang vũ trụ
Tinh thần không mất, oai linh sáng còn giữ nguyên
Tuy lúc còn sống đã gây nên sự tích rực rỡ,
Tiếng vẫn để đời.
Nên sau đã thác, anh linh còn hiển hách không ai là không biết.
Trải mấy triều vua đều tấn phong thêm chức,
Chốn này đã nhờ ơn giúp đỡ,
Đức đã thịnh lắm,
Kẽ có công phải được thờ phụng,
Nay nhân gặp tiết tháng hai,
Lễ vật đầy dủ
Kính dâng nghĩ tình chứng giám,
Lâu đòi không quên,
Phước được hoà bình, chỉ có thần mới cho được
Có công lẫn tư đều tốt đẹp, ngõ hầu được ân huệ lâu dài
Thực là nhờ ơn Thần đã giúp đỡ vậy.
Tại chân núi Ô Cam ở cực Nam tỉnh, sát quốc lộ số 1 và thiết lộ xuyên
Việt, có một cái miếu cũng thuộc loại quốc tế gọi là miếu Cố Hỷ Phu Nhân.
Miếu này không lớn bằng lăng Ông ở núi Kiền Kiền, nhưng cũng làm
bằng gỗ lợp ngói âm dương và vách đá, hướng ra mặt biển.
Theo tục truyền thì xưa kia, khi vùng đất này còn thuộc Chiêm
Thành, tại một làng kia trên bờ sông Dinh có một người đàn ông nuôi một bé gái
làm con nuôi. Khi bé gái đến tuổi dậy thì, nhan sắc mặn mà khiến ông cha
nuôi động lòng dục. Ông bèn hỏi ý kiến người xung quanh xem mình có công
nuôi nấng thì có quyền hưởng của trời không. Quái ác thay, những người
kia bảo là có quyền, ông ta bèn phạm tội loạn luân.
Bỗng nhiên năm đó trong vùng xẩy ra tai hoạ, bảo lụt mất mùa, dân
chúng trong vùng đổ tội cho cô con gái kia thông dâm với cha nuôi mà gây nên,
bên giết chết bỏ vào sọt thả trôi sông.
Bị thác oan, hồn cô gái không thể siêu thoát được, vẫn theo xác
trôi theo dòng sông Dinh ra biển, rồi theo ngọn gió mà hướng về Nam, đến vùng
biển Cà Ná, xác cô giạt vào chân núi Ô Cam, dân chúng địa phương vớt lên chôn ở
đó coi như một xác chết không có người nhìn nhận và lập am để thờ.
Dưới thời Nguyễn Ánh chống nhau với Tây Sơn, có lần tả quân Lê Văn
Duyệt (1) tiến quân qua đây, thấy bên đường có cái am, khói hương đang nghi
ngút, bèn dừng ngựa mà cầu nguyện xin phù hộ cho cuộc hành quân thắng lợi, khi
trở về sẽ cho tu bổ lại ngôi am.
Vì không biết rõ danh tánh, chỉ bằng vào truyền thuyết của dân
chúng kể lại, ông Lê Văn Duyệt mới tâu xin vua Gia Long phong hiệu cho vị thần
ngôi miếu này là Cố Hỷ Phu Nhân.
Tại ấp Sơn Hải (2) xã Dinh Hải, quận An Phước(3) có đền Ngọc Lâm
thờ Cá Voi mà dân chúng thường gọi là Dinh Ông. nVì dân chúng đã tản lạc nơi
khác và cũng không đến tận nơi khảo sát, chúng tôi chỉ thuật lại theo tài liệu
ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí.
Tục truyền rằng, ngày mồng hai tháng năm Nhâm Ngọ (4) người trong
thôn ra biển trông thấy một đoạn xương sống cá voi và một cái thùng vuông bằng
gỗ thông, trôi giạt vào bãi. Là dân chài lưới vốn sẳn lòng sùng kính đối
với cá voi, dân chúng bèn xúm nhau lại khiêng khúc xương, định bỏ vào thùng gỗ
đem chôn chỗ cao ráo, nhưng không làm sao khiêng nổi. Giữa lúc mọi người
đang hết sức kinh ngạc thì tự nhiên trong bọn có người quát to một tiếng và bảo
rằng: "không nên vội vàng, thần ta định ở đậu tại đây, không được
đem táng chỗ khác".
_______________________________________________________________
(1) Theo tài liệu trong Đại Nam Nhất Thống Chí, thì tướng Nguyễn
Vương là Tổng Phúc Hoà có dừng chân nghỉ đêm tại chân núi này, còn chuyện trên
đây là lời thuật lại của dân chúng địa phương.
(2) Ấp này đã bị xóa tên trong danh sách các đơn vị hành chánh
tỉnh Ninh Thuận vào năm 1969 vì dân chúng phải di cư nơi khác.
(3) Trong tài liệu Đại Nam Nhất Thống Chí được bổ túc đến đời
Thành Thái thứ 18 (1906), vậy năm Nhâm Ngọ theo dương lịch là các năm 1882 (đời
Tự Đức), 1822 (triều Minh Mạng),1762 ( đời chúa Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế
Nguyễn Phúc Khoát ).
________________________________________________________________
Dân chúng biết đó là vị thần phụ đồng phán bảo, nên không dám khiêng đi đâu
nữa, bèn táng ngay tại chỗ, lập đền thờ, đắp tượng bằng đất, sơn quét màu sắc,
còn cái thùng gỗ thì sơn đỏ để thờ sau pho tượng. Vị thần được suy tôn là
“ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần.”
Ngoài ra dọc theo bờ biển từ Vĩnh Hy vào đến Cà Ná, rải rác có các
lăng Ông khác và một số lăng nhỏ thờ cá voi, con cái được gọi là lăng Cô.
Vào các ngày vía, ngư dân tổ chức tế lễ linh đình, có rước phường hát bội về
hát ba đêm ngày. Các nơi sau đây có lăng Ông: Vinh Hy, Thái An, Tri Thủy,
Khánh Hội, Dư Khánh, Hải Chữ, Sơn Hải, Cà Ná; và lăng Cô thì ở Ninh Chữ, Sơn
Hải và Cà Ná.
Ảnh: Miếu Cậu (ảnh của Lương Văn Hoà)
Miếu Cậu:
Ngày nay Quốc lộ 11 được chỉnh trang lại, không còn đi trước miếu
nữa, không rõ rồi đây người ta còn có sùng bái miếu như từ trước? Hoặc giả
người ta có làm lại miếu để ngoảnh mặt ra đường cái?
Vị thần thờ trong miếu Cậu không rõ là ai, vì không có sắc phong,
chỉ nghe lời truyền miệng thì bảo trong đó thờ “ một Bà ba Cậu “ nhưng bà nào,
cậu nào, nguồn gốc ra sao thì không ai biết gì hết...
Theo ông từ Huệ một người ở Tri Thủy đã từng đi khắp tỉnh Ninh
Thuân, kể cả vùng rừng núi, thì Cậu là vị thần của Đồng bào Thượng. Dọc
các đường đi vào rừng sâu, nơi gốc cây, nơi mõm đá, người Thượng thường bày ra
một nơi thờ cúng, khiến cho Đồng bào kinh đi qua đem lòng sợ hãi và cũng mang
theo lễ vật, chuối chín và trứng vịt sống cúng để mong cầu sự an lành trên con
đường đầy nguy hiểm, ma thiêng nước độc, mà cọp rắn, có thể sát hại mình lúc
nào cũng được. Sau khi cúng xong, lễ vật đều để lại đó cả, và không hiểu
ai nơi rừng sâu hoang vắng này hưởng? Những người dễ tin tưởng thì cho là
Thần núi, các Cậu hưởng.
Vốn người không tin chuyện nhảm nhí và thắc mắc ai là người hưởng
những lễ vật ấy, nên có lần trên con đường mòn heo hút từ Vĩnh Hy đi lên rừng
vùng đồng bào Thượng Cà Tiên, ông đã núp sau bụi cây gần nơi có bàn thờ
Cậu. Khi một đoàn người lễ bái xong, tiếp tục lên đường, anh thấy mấy anh
Thượng trong bụi đi ra nhặt hết các lễ vật bỏ vào gùi, ông liền lấy đá ném, bọn
kia bỏ chạy trối chết.
Câu chuyện ông Từ Huệ kể ra phù hợp với việc lễ vật phải là trứng
vịt sống chứng tỏ người bày ra sự tín ngưỡng ấy cốt để buôn thần bán thánh, vì
trứng vịt sống có thể cất được lâu ngày.
Tuy biết là chuyện dị đoan mê tín, không ai có can đảm bác bỏ,
nhất là những người đi buôn Thượng hoặc các tài xế lái xe đò hay xe hàng chạy
trên đoạn đường đèo nguy hiểm mà sự sống chết chỉ trong giây lát và phó mặc cho
các đấng thiêng liêng.
Chúng tôi hỏi thăm một anh tài xế Thiên Chúa giáo, anh ta cũng bảo
dù mình không tin cũng phải theo, bởi vì các bạn đã làm như vậy, mình không làm
lỡ xảy ra tai nạn thì ân hận, mặt khác để cho khách trên xe được yên tâm, khỏi
có oán trách mình, nhất là sợ người ta mặc nhiên tẩy chay xe mình vì mình đã
không làm theo sự tín ngưỡng của họ. Vì lẽ đó mà miếu Cậu trở nên linh
thiêng vậy.
Sau cùng một hình thức lễ bái mà một số ít còn duy trì tại Ninh
Thuận là lễ Múa Bóng, tục gọi là Dâng Bông Hội Lễ.
Nguyên múa bóng là một cổ tục của Chiêm Thành do các bà Bóng phụ
trách. Trong xã hội người Chàm, Bà Bóng là người đưọc tôn qúy nhất, vì họ
vừa phái nữ (6) vừa đảm trách các sinh hoạt tín ngưỡng của dân. Muốn làm bà
Bóng phải có dòng, chứ không phải ai muốn làm cũng được.
Bà Bóng có nhiều chức từ thấp lên cao do công phu tu tập của mình,
mỗi lần được lên chức, gia đình và môn hộ phải tổ chức cuộc lễ trọng thể, tự
đài thọ mọi phí tổn, các lễ phong chức bà Bóng có:
Lễ - “Chà và múa” thứ nhất tổ chức đơn sơ, vì đây như là lễ mới
nhậm chức.
Lễ “Chà và múa” thứ hai tổ chức lớn hơn, phải qua hai đêm và trải
nhiều nghi thức phức tạp.
Lễ “Chà và múa” thứ ba cũng tổ chức lớn hơn như lễ thứ hai, trong
lễ này có ăn mừng, bà con dâng tặng lễ vật.
Bà Bóng phải kiêng cử thịt heo và thịt con nhông (7).
________________________________________________________________
(6) Người Chàm theo chế độ mẫu hệ, nên người đàn bà được quý trọng
hơn.
(7) Sự kiêng cử này có liên hệ đến truyền thuyết về vua Chế Bồng
Nga (xin xem lại chương cổ tích).
________________________________________________________________
Múa bóng là vũ điệu của các bà Bóng dâng lễ tại các đền tháp trong
những ngày lễ lớn. Có nhiều điệu múa khác nhau và người múa phải luyện tập hết
sức công phu. Tại tháp Bà Nha Trang trước 1945, mỗi lần cúng bái cũng có múa
bóng.
Khi người Việt di cư vào đây sống chung với người Chàm, các phụ nữ
Việt, nhất là những bà hay lên đồng lên bóng học theo điệu múa bóng và áp dụng
trong việc tế lễ thần linh, biến thành một tục lệ hoàn toàn Việt Nam.
Trong một vài thôn xóm, có một số các bà chuyên môn về múa bóng và được dân
chúng mời đến làm lễ như những thầy pháp.
Lễ múa bóng thường được tổ chức tại các miếu Bà, lăng Cô, nhà thờ
Đức Mụ (?) hay tại nhà riêng. Người ta làm một cái rạp lớn trước
sân miếu hay trước sân nhà... Chính giữa đặt một cái hương án, có lộng che,
trên đó có bày một cái long vị đề tên vị thần được cúng, hai bên có đèn nến,
bình bông, cộ chuối hay cộ bánh ngọt, phía trước có lư hương.
Hai phía trái và phải hương án còn có hai bàn khác cũng có long vị
để danh hiệu các vị thần bộ hạ của vị thần chính, gọi là Tả ban liệt vị và Hữu
ban liệt vị. Tại mỗi bàn cũng có bày các thứ hương đèn, hoa như bàn
chính.
Khi làm lễ , nếu gia chủ đủ điều kiện là một vị lão thành có chức
tước, hoặc là người đạo đức uy tín thì vào làm chủ lễ, thắp nhang khấn
nguyện. Trái lại thì phải nhờ một vị ở trong họ trong xóm thay thế làm chủ
lễ. Một ban cổ nhạc được mời tới để phụ họa theo điệu múa và lời kệ của
bà Bóng. Ban nhạc gồm có trống nhỏ, phèng la, đàn sáo và kèn.
Bà bóng đầu đội mũ kim cô, mình bận áo dài màu đỏ viền xanh, hoặc
màu vàng viền đỏ, lưng mang củn (gùi) màu có thêu hoa, chân mang vớ, trên đầu
đội một cái mâm, trên mâm có hình một ngôi tháp, hoặc để trên một trái dừa, hoặc
thắp đèn nến. Khi múa hai tay bà bóng vung vẫy, thân mình uốn éo, chân bước
qua lượn lại rất nhẹ nhàng, hoà nhịp với tiếng trống tiếng đàn, đầu lắc lư giữ
thăng bằng cho cái mâm không đổ, bà bóng còn dùng sức rung chuyển của toàn thân
tạo nên một sức ly tâm có thể nhắc nhẹ các mâm lên để di chuyển từ trên đầu
xuống vai, rồi từ vai xuống cánh tay, và ngược trở lại mà khỏi phải dùng đến
hai bàn tay. Đó là điều rất lạ.
Bà bóng vừa múa, miệng đọc bài kệ sau đây tuỳ từng trường hợp để
mời các vị thần đến chứng kiến cuộc lễ và ban phước lành cho gia chủ.
Những bài này không có gía trị về văn chương, nhưng có tính chất tài liệu, nên
chúng tôi xin ghi lại nguyên văn, có nhiều câu vô nghĩa hoặc tối nghĩa, lại có
câu bị thiếu sót vì nạn tam sao thất bổn, và cũng không biết tác giả là
ai. Nếu có vị nào thấy được những câu, những chữ bị chép sai xin vui lòng
bổ chính cho, thành thật cảm tạ:
THƯỢNG THIÊN
Đại khấu oai linh chí
Tiếng dâng chầu nhị vi Thượng Thiên
…………….sót một câu…………….
Oai linh bẩm thụ hào quyền quí nhơn
Xưa song thân nhờ dày âm đức
Mượn cửa từ dưỡng dục hôm mai
Phút đâu văn võ toàn tài
Sơn hà lưu khí tú tài chung linh
Huyền Thiêng từ thuở giáng sinh,
Anh hùng tuấn kiệt nên danh quân thần.
Tuổi đến tuần quan đang bạc sĩ
Trấn bốn phuơng sửa trị gần xa
Dậy nên nghiệp nước công nhà
Đức nhuần tỏ rạng oai ra vang rần
Phép hay giả vũ đằng vân
Công đồng nghị luận lãnh phần chép ghi.
Phục thừa Thánh Mẫu uy nghi,
Thần thông quảng đại một khi trau dồi.
Cưỡi ngựa hồng nhịp khoan chân bước
Trương cung sừng bắn luột lá dương
Thông hay chùy biến sở trường,
Bác ban võ bị lại nhường trượng phu,
Chí ước nguyền đôi ông mảnh tướng
Cưỡi đôi thần bạch tượng cửu gia
Ra tay phò hộ quốc gia
Lục thao tam lược ấy là gồm tinh...
Khắp thiên đình đều nhường quyền bính
Cùng trong Nam đề lịnh trở ra
Bắc phương đìều động can qua
Bày sai binh mã trở ra trấn thành.
Bạt chông gai hoành sơn chốn nọ
Quyết ra tay hùng hổ một phen
Phi sa tẩu thạch băng ngàn
Hô phong hoán vũ một cơn tức thì
Khâm thừa lãnh mạng ra đi
Bày sai tả hữu chánh vì quân cai.
Xưng danh hoàng Cả hoàng Hai
Tả phủ hữu phủ khâm sai triều đình.
Sắc phong chương đức trọng binh
Thần thông biến hoá hiển linh chẳng lầm
Khi thời Ông dạo sơn lâm
Ra chơi Phố Cát ầm ầm gió bay
Lại về chầu chực Phủ Giầy
Khi thời dạo khắp Đông Tây Điện đài
Khi chơi các cảnh bồng lai
Vầy đoàn tiên nữ thơ bài xướng ca
Về nơi phủ chánh quê nhà viếng thăm
Cứu người niên thiếu xuân xanh
Hoàn sanh cải tử nên danh tướng trời
Dạo chơi bồng đảo thiên thai.
Thần thông biến hoá nên tài tuấn anh
Tiết thu thiên một ngày hiển thánh
Quan dân đều cảm cảnh oai linh
Kính xin lập tuấn hạ tình(?)
Trừ tà trừ quỷ nên danh huân thần
Dương dương vị thánh vị thần
Tiêu tai giáng phước thiên xuân thọ trường.
Nam mô A Di Đà Phật (!).
NGŨ VỊ THÁNH BÀ
Kính dâng một nén hương tin
Trường sanh ngũ vị Thượng thiên thưở này
Chúng tôi trong giới lê dân
Khấu đầu vọng bái thánh ân cửu trùng
Con vua Thánh đế hành cung
Sớm khuya chầu chực điện rồng vào ra.
Sắc phong ngũ vị Thánh Bà
Kính tinh vi thủ ngôi là Tây Phương
Thánh Đế Thần Nữ tiên nương
Nguyện xin giáng hạ am đường chứng minh
Hắc đế Thần Nữ anh linh
Thần hương vọng bái thỉnh nghinh Bà về
Xich đế Thần Nữ tuyên phi
Giáng lai điện thượng hiến vì đăng hương
Huynh đế Thần Nữ trung ương,
Hành phong, hành vũ tứ phương thuận hòa
Phương phi yểu điệu năm Bà
Mày tằm mắt phượng đầu là tóc mây
Thanh tân cốt cách ai tầy
Hình dung nhan sắc khác rày trần gian.
Phụng thờ khắp hết sơn xuyên
Đâu đâu đều cũng sợ kiêng oai Bà
Lại mời ngũ vị đến nơi.
Tạm tần hiến tửu chén vơi chén đầy
Xuân thu ngũ Vị những ngày
Kim ngân lễ vật đáo lai phụng thờ
Nguyện xin tật bệnh tiêu trừ
Năm xung tháng hạn tiễn đưa ải ngoài
Lòng thành tin tưởng chẳng sai.
Cầu chi tất ứng phước Bà ban cho
Hương bay ngào ngạt thơm tho
Tâm thành lễ vật Bà cho độ trì
Năm bà quảng đại từ bi
Nam Tào Bắc Đẩu chép ghi lầu lầu
Xã thôn lập miếu khắp nơi
Xuân kỳ thu tế đời đời rạng danh
Dưỡng nuôi vạn vật chúng sanh
Mưa hòa gió thuận đủ dành ấm no
Sĩ công nông nghệ ban cho
Kim mộc hỏa thổ là đồ thổ nghi
Sắc làng ban xuống một khi
Tấu phong ngũ vị Tuyên Phi Thánh Bà
Cành dương rưới khắp muôn nhà
Thánh môn đệ tử âu ca thái bình
Ngài ban hài cốt trường sinh
Tam đông xuất nhập nông canh thọ trường.
Ảnh số 28: Chùa Ông ở Phan Rang (Ảnh tác giả)
THẬP NHỊ TRIẾU CÔ
Cô Cả khăn ngự áo chầu
Cô Hai vấn thuốc tiêm trầu dâng lên
Cô Ba chầu chực cõi tiên
Thiên đình trung giới thượng ngàn thuỷ cung
Cô Tư thiệt đã có lòng
Đêm ngày chầu chực đêm ngày vào ra.
Cô năm ở chốn hằng nga
Trở về lại đón ngã ba ghẹo người.
Cô Sáu hay nói hay cười.
Dương gian thiện ác lầm thời phải mang
Cô Bảy giữ bạc giữ vàng
Kiệu rồng ngai phụng lọng tàn phủ phê
Cô Tám dạo khắp sơn khê,
Tầm hoa hái quả đêm về tiến dâng
Cô Chín lịch sự thanh tân
Giữ bề trắp đậy y cân lược cài
Cô Mười chầu chực năm Ngài.
Dương gian cô bác thường ngày vào tâu
Cô Mười Một ở chốn sông cầu
Ra chơi xứ Huế vào chầu điện Ông,
Cô Mười hai chầu chực địên rồng
Thấy ai lịch sự bắt đồng vui chơi.
Khói đưa hương lửa ngãt ngào
Để người trăng gió vui sao lại buồn.
Hai hàng nước mắt nhỏ tuôn
Đã về âm phủ lại vương tay nàng.
Mẹ cha có một nhà vàng
Rêu rao cho thấu Ngọc Hoàng chuộc ra
May mà gặp đức Thánh Bà
Chư ông chư vị chầu Bà Chúa Tiên
Sau nhờ trên cõi Thượng Thiên
Đem hồn về đặng chầu bên điện rồng
Bây gìờ vui sướng vui thay
Hết hay âm phủ trong hay việc trần
Tuy là mượn của mẫu thân.
Một ngày là đạo tấn tần sinh ra.
Lấy gì đền nghĩa mẹ cha
Nên còn đứng bóng đặng mà làm tin
……………Sót một câu…………
Rập rình cho kẻ lịch thanh cô nường
Cô cho mua bán thủ thương
Vốn thời có một lời thường ba trăm
Đặng cùng sớm viếng tối thăm
Cám ơn Cô kể trăm năm chẳng rời.
Báo cho thời phải nghe lời
Một lòng hậu hạ một đời hiển vinh
Đồng anh linh chị có tình
Cô cho tài lộc trường sanh vi thường
Chữ rằng thánh giá phò khương
Cô giáng lưu phước kỷ cương đời đời.
MỜI VỌNG CÔ HỒN
Kính bày lễ vật sẵn sàng
Hai hàng nam nữ phần nhang vọng cầu
Lòng thành cung kính cao xa
Tôi xin Cô Bà giáng tọa oai linh
Đêm nay con cháu lòng thành
Đồng chư đệ tử cung văn khẩn cầu,
Hương chong đèn vọng làm đầu
Tiến dâng thành kính khấn chầu cô nương
Xin về giáng tại miếu đường,
Dụng kỳ lễ vật yến diên đặt bày.
Rượu huỳnh chén ngọc vui vầy,
Kính mời cô xuống dương gian chứng đàn,
Đêm nay con cháu cầu an
Cho nên đệ tử khấn nguyền Cô lên.
Luyện đồng luyện mạo luyện hình
Truyền ngôn chuyển ngữ phân minh tỏ tường
Cô về tòa thánh miếu đường
Xin Cô chiếu giám vội vàng chớ lâu
Chùa rách vách dựa quán cầu
……….Sót câu 8 chữ………….
Cô còn ở chốn phương trời
Cưỡi mây nương gió thảnh thơi du hồ
Mảng vui chén rượu câu thơ
Nơi ăn chốn ở quên đời bấy lâu
Cô nghe đệ tử khuyên mời
Toàn thân tiên thỉnh (?) rước mời cô lên.
Hoặc còn ở chốn huỳnh tuyền
Thường hay biến chuyển ngả nghiêng chuyện trò,
Hay là Cô dạo cảnh Tây Hồ
Đông Tây Nam Bắc đâu đâu sẵn sàng.
Nhơn nay thiết lập đàn tràng
Phân minh hiển hiện dương gian chớ chầy
Hay là Cô còn ở phương Tây
Âm thanh cực lạc theo thầy Thích Ca
Hay là Cô xuống chốn gian tà
Cùng bầy qủy sứ vào ra lạc loài,
Hay là Cô còn ở Thiên thai
Xa hoành trực mã chưa ai bạn cùng.
Hay là lảng vảng phương Đông
Ngao du Nam Bắc chưa thông chốn nào.
Khuyên Cô nghe lấy lời tâu
Nhất hô bá ứng mau mau mà về
Hay là Cô xuống âm ty
Phân minh hiển hiện vậy thì cho khôn
Hay là sút sảo oan hồn
Cũng về báo ứng kẻo lòng yêu đương
Hay là Cô phảng phất, Cô nương,
Hồn phiêu phách lạc biết phương chốn nào.
Hay là chầu chực Thiên Tào
Cùng về Bắc Đẩu ngôi sao chầu hoài,
Hay là còn ở tuyền đài
Tốc lai báo ứng ra đời hóa sanh,
Hay là thính pháp thính kinh
Xin về Tịnh độ siêu sinh thiên đình
Từ rày đã khỏi huỳnh tuyền
Lại lìa địa ngục về miền tiêu diêu
CHƯƠNG IV
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO SẮC TỘC
Hiện nay, tại tỉnh Ninh Thuận có ba sắc dân thiểu số đang sống
chung với đồng bào Kinh, đó là người Chàm, người Roglai (Raglai) và người Chu
ru.
Trong ba sắc dân này, người Chàm chiếm một dân số tương đối đông,
khoảng 20.000 người, đã lưu lại trên mảnh đất này nhiều di tích lịch sử quan
trọng, và hiện còn duy trì được những phong tục tập quán cổ truyền về các khía
cạnh sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy trong chương này, chúng tôi dành nhiều
trang hơn để trình bày những nét độc đáo ấy cống hiến quý bạn.
A. PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO CHÀM
Hiện nay tại tỉnh Ninh Thuận, một số đồng bào Chàm đã sinh sống
xen lẫn với đồng bào Kinh và đã Việt hóa hoàn toàn, từ phong tục tâp quán đến
cả ngôn ngữ, chỉ còn phân biệt được là nhờ vào họ, ví dụ như họ Từ, họ Tiêu
v.v...
Nhưng còn một số khá đông vào khoảng 20.000 người, sống tập trung
tại nhiều ấp, nhất là tại quận An Phước, như các ấp Hậu Sanh, Hữu Đức, Phước
Đồng, Hiếu Lễ v.v… Tại đây những hình ảnh sinh hoạt còn giữ được đặc tính của
dân tộc Chàm tự ngàn xưa, nhất là đối với phụ nữ và cụ già.
Về ngôn ngữ người Chàm nào cũng nói được hai thứ tiếng, khi giao
thiệp với người Việt thì nói tiếng Việt, khi giao thiệp với nhau thì nói tiếng
Chàm. Những thanh niên đi học từ nhỏ trong các trường, sống lẫn lộn
với các người bạn Việt thì giọng nói không có gì sai biệt, còn các cụ già, các
phụ nữ thì giọng nói hơi đớt và cứng.
Riêng về tiếng Chàm, theo các nhà ngôn ngữ học là một thứ tiếng
hỗn hợp, pha trộn nhiều thứ tiếng của các dân tộc ở trên các đảo Mã Lai, Java
v.v… gọi chung là ngôn ngữ malayo-polynésienne. Do sự giao thiệp với các
nước láng giềng từ ngày lập quốc, tiếng Chàm cũng chịu ảnh hưởng của tiếng
Việt, tiếng Trung Hoa và tiếng Cao Miên. Ngoài ra, về phương diện tôn
giáo, người Chàm còn mượn một số tiếng Phạn và Á Rập nữa.
Ảnh số 29: Vũ Chàm ở Phú Nhuận (ảnh của Lương Văn Hoà)
Đồng bào Chàm hiện còn giữ được thứ văn tự riêng, nhưng số người
đọc thông viết thạo rất ít. Chữ Chàm bắt nguồn từ chữ Phạn, rồi dần theo thời
gian mà biến đổi thành lối viết ngày nay. Theo các văn bia ghi chú thì
chữ Phạn đã du nhập vào Chiêm Thành và chữ Chàm nguyên thuỷ đã có từ thế kỷ thứ
IV sau Tây Lịch. Ngày nay trong một số gia đình còn giữ được ít nhiều
sách vở viết bằng chữ Chàm đủ môn loại như tôn giáo, y học, sử ký, thiên văn,
văn chương, thơ phú v.v…
Về nhà cửa, đồng bào Chàm thường làm nhà trong một khuôn viên có
hàng rào bằng cây khô, trong vườn không có trồng cây cối gì cả, cửa cổng được
mở về hướng Tây.
Tùy theo giàu nghèo mà xây cất, nhưng đại khái một khu nhà đúng
với tập tục thì phải có các nhà sau đây:
1- Nhà Than Jơ cất trên nền đất thấp, cột gỗ, mái rui mây,
lợp tranh, vách trét đất, có lót đà, gồm hai căn một chái, một căn làm buồng
chứa lúa, một căn làm phòng ngủ, còn căn chái làm phòng khách. Cửa chính
mở về hướng Tây, cửa phụ về hướng Nam, không có cửa sổ.
2- Nha Than Gar cất trên nền thấp, làm bằng các vật liệu như
nhà Than jơ, cất nối tiếp mặt tiền nhà này, cửa chính cũng mở về hướng Tây, cửa
phụ và cửa sổ mở về hướng Nam.
3- Nhà Than Mư Jâu cất trên nền thấp, cũng bằng vật liệu như
nhà trên, cất nối tiếp cửa phụ của nhà Than Jơ. Nhà này có ba gian, trong
đó một gian làm buồng ngủ, hai gian làm phòng khách, một chái phía trước là Sà
lan, một mái gãy phía sau. Cửa chính mở về hướng Tây, cửa phụ và cửa sổ
mở về hướng Nam.
4- Nhà bếp Than Ging cất về hướng Tây, cách nhà Than Jơ lối 20
thưóc, cửa chính về hướng Đông và chính tim nhà Than Jơ. Điểm này được
hiểu như là sự thể hiện của quan niệm âm dương về việc xây cất nhà cửa.
5- Nhà khách Than Tôn, cất nối tiếp với nhà bếp, nằm về
hướng Tây, chính tim và cách nhà Thanh Mư Jâu lối 20 thước, cửa chính về hướng
Đông, có nhiều cửa sổ.
6- Sau cùng nhà lẫm Than Lâm, nền được đắp cao hơn tất cả
các nhà vừa kể lối hai tấc, cũng bằng vật liệu như các nhà kia. Nhà này
có hai căn và hai mái, cửa chính về hướng Nam. Có nhiều cửa sổ. Có
điểm đặc biệt là mái thứ nhất đan bằng tre và trét đất, mái thứ nhì thì lại lợp
tranh. Nhà này nằm khoảng giữa nhà bếp và nhà Than Jơ.
Trên đây là những kiểu nhà đầy đủ nhất trong một khuôn viên. Tuy
nhiên không phải gia đình nào cũng làm được như vậy, vì còn tùy thuộc khả năng
tài chánh nữa. Hiện nay đa số đồng bào Chàm vẫn cất nhà theo lối xưa, nhưng vật
liệu xây cất thì kiên cố hơn, như nền thì xây bằng đá xanh, vách bằng gạch, mái
lợp bằng ngói hay tôn. Ngoài ra một số gia đình theo lối mới, xây cấy nhà
theo kiểu Tây phương, có lầu, trong khuôn viên có trồng cây ăn trái.
Nhà của đồng bào Chàm được xây cất vào những ngày thứ tư và thứ
năm, mà phải là những ngày chẵn của hạ tuần trong tháng 3, 6, 8, 10 và 11 lịch
Chàm.
Để giữ vệ sinh chung, những chuồng trâu chuồng bò được làm xa nhà
ở, cách lối xóm chừng một trăm thước.
Đồng bào Chàm cũng có tục ăn mừng nhà mới, gia chủ bày biện lễ vật
chính gồm có gà, vịt bánh trái hoa quả, cúng thổ thần, và sắm mâm cộ, có thịt
heo, dê để đãi bà con. Còn bà con chòm xóm, bạn bè cũng mang tặng vật
hoặc tiền bạc đến mừng gia chủ về nhà mới.
Về phương điện tín ngưỡng, đại đa số đồng bào Chàm ở Ninh Thuận
theo đạo Bà La Môn mà người ta thường gọi là đạo Bà Xế (Brasaih). Mỗi
tháp vua như Pô Klong Garai, Pô Romé, và Pô Nưgar có một môn phái đạo Bà Xế
riêng. Mỗi môn đạo có một vị Cả Sư lãnh đạo, có Phó Cả Sư và nhiều thầy
Bà Xế.
Thầy Bá Xế phải có dòng, không phải người nào cũng làm được, cũng
như các bà bóng vậy. Các hàng giáo phẩm của đạo Bà Xế được làm lễ tấn phong đến
bốn lần:
- Tấn phong thầy Bà Xế lần thứ nhất gọi là Tagok Lah
- Tấn phong thầy Bà Xế thứ hai gọi là Tagok Puah
- Tấn phong chức phó Cả sư gọi là Tagok Pô Phại
- Tấn phong chức Cả sư gọi là Tagok Pô Xà
Lễ tấn phong thường đưọc cử hành vào tháng 11 Chàm. Các thầy
thuộc đạo Bà Xế đều phải kiêng thịt bò và cá trê.
Hàng năm, đồng bào Chàm Ninh Thuận có những cuộc tế lễ công cộng
và tại tư gia như sau:
Quan trọng nhất là lễ Păng Ka Tê và lễ Păng Cha Bur. Theo
các vị chức sắc nhớ đến nguồn gốc. Tê là Ngài tức là vua dặn đến ngày
quan trọng trong năm theo lịch Chàm, thì tổ chức tế lễ. Do đó hàng năm cứ
đến ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chàm, dân chúng tập trung ba nơi tôn nghiêm nhất
là tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Romé và đền thờ Pô Nagar cử hành lễ Katê để
tưởng niệm các vua Chàm khi xưa đã có công dựng nước và hướng dẫn dân Chàm làm
ruộng và tiểu công nghệ.
Ngày Katê là ngày lễ các vua chúa thuộc về cha, tượng trưng cho
dương. Đối lại ngày quan trọng thứ hai là lễ Păng Cha Bur được cử hành
vào ngày 16 tháng 9 lịch Chàm để mở cửa đền cúng các vị thần Pô Giang nữ, tức là
các công chúa, hoàng hậu thuộc về mẹ, tượng trưng cho âm. Như vậy tập tục
tín ngưỡng của đồng bào Chàm cũng dựa trên quan niệm âm dương hòa hợp tạo sinh
vũ trụ.
Lễ Katê và Cha Bur đối với người Chàm cũng giống như ngày Tết của
đồng bào Kinh, ăn uống và tế lễ linh đình.
Sáng sớm mồng 1 tháng 7 hay 16 tháng 9 Chàm lịch các vị chức sắc
và dân chúng Chàm đã kéo đến ba nơi tôn nghiêm trên đây để cử hành lễ.
Các thầy Cả và Bóng ngồi theo phẩm trật trong căn nhà phía trước tháp hay trước
đền với vẻ mặt trang nghiêm, miệng nhai trầu ngót ngoét.
Ở ngoài sân và chung quanh tháp, các nam thanh nữ tú, các ông già
bà cả, trẻ con ăn bận quần áo mới tinh, đi đi lại lại nói chuyện vui vẻ.
Ông thủ tháp thì lo chùi đồ thờ bằng một tấm vải đỏ. Đồ thờ gồm có chén
uống nước, uống rượu, mâm rượu có chân, đĩa đựng trầu cau, bát ăn cơm, đũa v.v…
trong khi đó một vài bà Bóng lo sắp đặt những hoa quả cộ chay và cộ mặn để đợi
giờ hành lễ.
Giờ hành lễ đã điểm, các vị chức sắc thuộc ban nghi lễ lần lượt
vào trong tháp để cúng vua mà đồng bào gọi chung là Ngài. Ban nghi lễ gồm
có thầy Cả Sư, thầy Phó Cả Sư, các thầy Bà Xế và thầy Kè Ke (Opôn ka thành) kéo
đờn mu rùa (Ka nhi) và xướng văn tế lễ, các bà Bóng thì làm lễ dâng rượu và múa
mừng. Dân chúng tập trung phía trước tháp để chiêm ngưỡng.
Ảnh số 30: Đập Nha Trinh (ảnh Lương văn Hoà)
Thời gian một buổi lễ có khi kéo dài 3-4 giờ đồng hồ.
Sau ngày lễ ở các tháp và đền, qua ngày thứ hai( 2 tháng 7 và 17
tháng 9) các vị chức sắc ăn tết ở nhà, và bắt đầu từ ngày thứ ba đến ngày thứ 7
hay thứ 9, dân chúng ăn tết tại nhà riêng, tuy thời gian dài như vậy, nhưng mỗi
gia đình chỉ ăn tết có một ngày tùy ý lựa chọn.
Khi ăn tết tại nhà các vị Cả Sư cũng như đồng bào, lễ vật gồm có
gà, vịt bánh trái, hoa quả v.v… Nếu là tết Katê thì thiết bàn cúng ở giữa sân
vào buổi sáng không có nhạc lễ và múa bóng, nếu là tết Cha Bur thì cúng vào
buổi chiều. Trong dịp ăn tết tại tư gia, đồng bào Chàm không có tục kiêng
cữ, nên bà con hàng xóm, bạn bè thân thuộc cùng đến dự đông đủ.
Ngoài hai lễ lớn vừa kể, đồng bào Chàm Ninh Thuận còn có các cuộc
lễ công cộng sau đây:
- Lễ Tống Ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào ngày mồng một tháng
giêng Chàm, tại riêng một xóm có người Chàm ở. Mục đích của lễ này là cầu
cho năm mới làm ăn khá giả, xua đuổi những vận hạn xui xẻo từ năm trước còn
lại.
- Lễ cầu điều hoà hoa màu (Plao Pa Xah) tổ chức vào tháng
giêng Chàm, cử hành tại cửa biển: Cửa Nại ở thôn Dư Khánh, cửa Phan Rang
ở thôn Đông Giang, và cửa Cà Ná ở thôn Lạc Nghiệp.
- Lễ Thần Nông (Jôn Jang) vào tháng tư Chàm, cử hành tại ba
tháp Pô Klong Garai, Pô Pômé và Pô Nưgar.
- Lễ cầu đảo cho mưa hòa gió thuận (Chakap Hlâu Kron) vào
tháng 7 Chàm, cử hành tại các đập lớn hoặc đầu sông.
- Lễ cúng ruộng (Pô Phùm) được tổ chức hàng năm.
Nguyên từ xưa theo chế độ phong kiến, người Chàm quan niệm đất đai trong nước
là của nhà vua. Gia đình nào bỏ công ra khai phá được sở ruộng đất nào
thì cũng coi như mặc nhiên xin vua phần diện tích ấy để làm của sở hữu, cho nên
khi đất ruộng đã thành thuộc và gia chủ đã được hưởng hoa lợi rồi, thì tự động
làm lễ ăn mừng và tạ ơn vua, rồi từ đó năm nào cũng cúng một lần thành tập tục.
Những lễ cúng hàng năm tại ruộng có:
- Lễ xuống cày
- Lễ xuống gieo mạ.
- Lễ lúa chửa.
- Lễ mừng lúa vào nhà.
- Lễ tết mùa.
- Lễ dâng gạo lên tháp, tức là cúng vị vua thờ trong tháp.
Lễ vật dùng trong khóa lễ trên đây toàn bằng thịt nấu chín, và
cũng tùy theo sở ruộng, hoặc là một con heo, hoặc một con ngạnh (dê), hoặc hai
con gà, hoặc chỉ ba trứng gà.
Những lễ trên đây do từng gia đình làm. Ngoài ra, một cuộc lễ tập
thể toàn xứ đồng thuộc về khu tháp nào thì các điền chủ thuộc khu tháp ấy góp
sức nhau tổ chức tại tháp, 7 năm một lần. Lễ vật chính là một con trâu
làm thịt nấu chín.
Sau hết, tại làng Hữu Đức, Xã Hữu Phước, Quận An phước, có tục lệ
chém trâu gọi là Ngap Kubao. Lễ này cứ 7 năm cử hành một lần. Lễ
mới nhất tổ chức ngày 5-10-1966. Địa diểm tổ chức là chân núi Đá Trắng,
một quả núi chỉ cao độ 40 thước, cách trụ sở thôn Hữu Đức chừng một cây số rưỡi
theo đường thẳng...
Tục lệ này xuất phát từ truyền thuyết cho rằng thời xưa, khi bà Pô
Nagar vị sáng lập ra xứ Chàm, có thai sắp ngày sanh thì bị thần Sư Tử ở núi Đá
Trắng đòi ăn thịt đứa con. Dân chúng sợ hãi bèn dâng vị thần một con bạch
tượng để thế mạng cho đứa trẻ. Ngày nay vì không có bạch tượng nên phải
dùng trâu trắng thay vào, và cứ 7 năm một lần vào khoảng tháng 7 Chàm lịch, sau
khi đã gặt xong mùa lúa phụ, dân chúng làm lễ chém trâu dâng lên thần Sư Tử để
cầu mong mọi sự an lành.
Vào lúc thanh bình, dân chúng tổ chức lễ chém trâu rất long
trọng. Một căn nhà được dựng lên dưới chân núi Đá Trắng làm nơi cúng
lễ. Ngay tối hôm trước, dân chúng ở các thôn lân cận đã tập trung về địa
điểm hành lễ một cách đông đảo, và ai nấy đều sốt sắng góp tay vào công việc
chuẩn bị cho cuộc lễ ngày mai.
Ban tổ chức gồm có một ông cai đập chịu trách nhiệm tổng quát, ông
cai mương lo việc sắm sửa lễ vật và ông ủy viên doanh điền tức là thầy Cả phụ
trách việc cắt cổ trâu và dựng căn nhà tạm nói trên. Qua thành phần ban
tổ chức, chúng ta thấy rằng cuộc lễ này có tánh cách tôn giáo, nhưng mục đích
của nó vẫn xoay quanh vấn đề nông vụ, cầu thần phù hộ cho được mưa thuận gió
hoà. Về việc cúng tế thì đã có các vị giáo sĩ Bà La Môn, các thầy đàn
Kathar và Modvon lo việc hát kinh, ba Bóng Pajao lo việc múa hát trong lúc làm
lễ.
Lễ phục của các giáo sĩ toàn màu trắng, trên đầu là chiếc khăn bao
lấy búi tóc đã bối, hai đầu khăn có tua đỏ thả xuống mang tai. Mình mặc
áo dài không cổ, tay rộng và khép lại bằng những vải buộc. Phía dưới quấn
chân, có thêu những đường chỉ nâu và đỏ ở gấu. Mỗi giáo sĩ đều có những
chiếc khăn màu vàng hay đỏ đựng trầu cau treo tòn ten trước ngực hay vắt ra sau
lưng.
Bà Bóng Pajao cũng bận toàn đồ trắng, cùng với các phụ tá lo việc
bày soạn lễ vật căn nhà. Căn nhà hướng mặt về phía Đông, phía sau quay
lên đỉnh núi được che kín. Trong nhà trải chiếu xuống đất khắp một
lượt. Theo dõi công việc họ làm ta thấy bà Bóng thong thả xúc một thứ gạo
đỏ, có lẽ đó là thứ nếp cẩm mà người Việt dùng làm rượu cẩm, đổ trên mặt chiếu
gần vách nhà phía sau, rồi lấy lá chuối phủ lên làm thành một cái ụ nho nhỏ,
tượng trưng cho “bụng chửa của thần Pô Nagar”. Trên bụng chửa đó bà đặt
một cái mâm bồng, trong có để ba chén rượu và mấy miếng trầu. Với vẻ mặt
trang nghiêm, với điệu bộ hết sức kính cẩn, bà lấy từng miếng bánh tráng nướng,
một quả chuối, một chiếc bánh lá, một cây nến sáp ong để vào mảnh lá chuối đưa
lên ngang trán, miệng khấn lẩm bẩm, rồi mới khẽ đặt xuống gần chân mâm.
Các phụ tá thì lo têm trầu, xếp trứng luộc ra bát, cứ ba quả một
bát, và bày các mâm cộ. Mỗi mâm được xếp một lớp bánh lá lại đến
một lớp oản cơm tấm, xếp chừng 4 lớp bánh và ba lớp oản là được. Họ đổ
thêm một ít bỏng nẻ cho lọt xuống cái khe hở rồi lấy bao chuối tươi dựng xung
quanh, buộc dây thật chặt che kín các thức ở trong. Phía trên hết,
họ còn để một nải chuối, một đĩa trầu cau và cắm một cây nến sáp ong, tuyệt đối
không có dùng nhang.
Ngoài sân cách căn nhà chừng 20 thước, người ta đào sẵn một cái hố
vuông, mỗi cạnh chừng 40 phân, sâu chừng nửa thước để hứng huyết trâu.
Các giáo sĩ sửa soạn tiến hành lễ chém trâu. Đầu tiên thầy Cả
Pariyahamu lấy ra một cuộn sợi dây dài chừng môt thước tây. Thầy Kathar
lấy ra một cây gươm dài ra khỏi vỏ, lấy một miếng trầu cột vào sợi dây của thầy
Cả rồi cắm lên mũi gươm. Đoạn kèm một cây nến sáp ong vào lưỡi gươm, lấy
lá chuối bọc ngoài thành ba đoạn. Sợi dây lòng thòng từ mũi gươm xuống
được cột chặt vào ba đoạn lá chuối ấy.
Người ta còn thấy một chùm lá cây tươi dùng để che không cho huyết
vọt lên cao khi cắt cổ trâu. Theo tục lệ, tùy con vật hy sinh mà chùm lá
có sự thay đổi. Nếu là con trâu thì dùng năm cành lá trâm bầu, nếu là con
dê thì ba cành lá mãng cầu.
Thanh gươm và chùm lá được để trên chiếc mâm gỗ có lót lá, cuối
cùng mấy miếng trầu, hủ nước phép và chiếc lược có hai cây trâm dài xuyên qua
răng lược. Sau đây là diễn tiến cuộc lễ:
Trước hết là lễ xin phép Ya Tikub, tức là vị thổ thần tại địa
phương. Xưa kia có đền thờ Bhadradipatisvara, nhưng đã bị người Java đốt
phá năm 787 khi họ đến cướp phá Chiêm Thành. Hiện nay chỉ còn 4 tấm
bia Ya Tikuh để lộ thiên trong một khu cây cối rậm rạp, chừng một cây số.
Xung quanh bia có những đống đá vứt lộn xộn, cao chừng nửa thước tây.
Thầy Cả và đoàn người mang lễ vật đi, gồm một cơi trầu, hai cây
nến, ba quả trứng để trong cái bát và một chai rượu trắng, mấy chén nhỏ.
Dẫn đầu là người vác con dao rừng lưỡi cong, cán dài, gợi lại cảnh tiền nhân
thưở xa xưa phải dọn đường phát lối mà đi. Thầy Cả xách theo cây gậy là vật bất
ly thân của các giáo sĩ Bà La Môn.
Ảnh số 31: Chùa Thoàn Lâm (ảnh của tác giả)
Khi làm lễ, thầy Cả ngồi sát tấm bia, ngoảnh mặt về hướng Nam,
phía trước để các lễ vật, cây gậy để bên trái bia. Bắt đầu thầy chắp tay
khấn rồi xá lên không trung, đọan bẻ đôi miếng trầu ném ra sau. Thầy rót rượu
vào chén, tiếp tục khấn vái rồi tưới rượu vào cây gậy hai lần. Cuối cùng
thầy đổ rượu xuống tấm đá trước bia, ung dung vén vạt áo lên, đưa hai đầu mối
dây lưng tẩm hết rượu trong các chén mà xoa vào bụng mình nhiều lần.
Thế là xong. Mấy người đi theo chia nhau hưởng lộc phần rượu
còn lại và mấy cái trứng, còn trầu cau thì để lại cạnh tấm bia.
Tiếp đến là lễ chém trâu chính thức. Một con trắng đực bị
cột bốn chân nằm chờ chết bên cạnh cái hố hứng huyết, hướng đầu về phía Tây,
đưa mắt nhìn mọi người xung quanh với vẻ tuyệt vọng. Một cái cọc xuyên
qua sợi dây buộc mõm nó ghì chặt xuống đất.
Mở đầu người ta bưng đến một mâm lễ vật đặt trước đầu trâu.
Thầy Cả làm lễ tẩy uế, miệng đọc kinh, tay cầm bát nước đổ lên cổ và mõm con
vật để rửa cho sạnh, sau dùng nước phép rảy tượng trưng lên cổ nó.
Thầy Cathar giữ vai phụ tá, đưa chiếc lược cho thầy Cả, và giúp
tháo sợi dây buộc miệng trâu ở mũi gươm ra. Thầy Cả cầm lược chải chải
trên không chứ không sát cổ con trâu, rồi miệng đọc kinh tay cầm thanh gươm
tuốt trần cứa ngay cổ nó. Một dòng máu đỏ tươi vọt ra. Một người
vội cầm lá che phía trên. Hai ba cái nồi được thay nhau hứng huyết đổ qua
một nồi lớn, nhưng vẫn cố ý làm rơi vào hố một ít huyết để thổ thần hưởng.
Khi con trâu đã chết hẳn, thầy Cả lau bớt máu trên gươm, đoạn cầm
vạch một đường tượng trưng từ ngực đến háng con trâu làm dấu vết mổ, và gạch
hai đường ngang hai đùi phía sau ngụ ý chặt đùi trâu ra rồi mới vào nhà nghỉ
ngơi.
Lát sau, trong khi các thanh niên lo làm thịt trâu, xào nấu để làm
tiệc cúng, thầy Cả và hai người phụ tá lại ra gần bờ mương làm lễ cầu xin
Thượng Đế xá tội sát sinh.
Người ta đem thanh gươm còn vết máu, một mâm lễ vật và các đồ cần
thiết khi chém trâu. Thầy Cả chọn một nơi trống trải, yên tĩnh để có thể
dễ dàng giao cảm với trời đất. Thầy ngồi xuống hướng mặt về phía Đông,
trước đặt một mâm lễ vật. Với vẻ mặt ăn năn xám hối, thầy chấp tay vái
lên không trung, miệng cầu khẩn van xin. Đoạn thầy cúi xuống vẽ trên mặt
đất phía trái mâm lễ vật ba vòng nhỏ bằng miệng chén rượu, đặt vào mỗi vòng một
miếng trầu và đổ lên một chén rượu đầy. Thầy lại vén vạt áo lấy hai đầu
dây lưng tẩm rượu ấy xoa vào bụng nhiều lần.
Lễ tạ tội sát sinh chấm dứt mau chóng. Hai người phụ tá chia
nhau rượu còn trong chai. Trầu cau và bỏng nẻ trên mâm thì đổ xuống chỗ
thầy Cả vừa đứng dậy.
Khi thầy cả trở lại căn nhà thì mọi việc đã sửa soạn xong để bắt
đầu làm lễ. Các mâm lễ vật được xếp làm ba hàng, từ trong vách phía sau
trở ra. Chính giữa phía trong cùng là mâm cơm lớn để các thần linh hưởng
chung. Bà bóng xới cơm lên và lấy lá chuối đậy kín mâm. Phiá trước mâm
cơm là ụ gạo tượng trưng bụng chửa của nữ thần Pô Nagar và chiếc mâm
bồng. Bà bóng ngồi trước ụ gạo ấy để cử hành lễ.
Từ ngoài trong vào, các mâm cộ bên phải dành cho các nữ thần U Mã,
Lakami, Pô Nagar, Yan Kati (thần tứ phương). Lại có một mâm dành cho Chế
Bồng Nga ở phía này. Người ta cho biết trường hợp đặc biệt này là do lúc
sanh tiền, Chề Bồng Nga thích phụ nữ, nên bây giờ xếp ông ngồi chung với thần
nữ giới. Cũng ở phía này còn một mâm lễ vật có kèm theo thịt trâu dành
cho thầy Cả. Thầy lại ngồi trước mâm này để phụ họa với bà Bóng trong lúc
lễ...
Phía trái là những mâm cộ dành cho nam thần, và các vua Chàm có
thờ tại các tháp, các đền như Civa, Yan Pong, Pô Klong Garai, Pô Romé v.v… Lại
có một mâm lễ vật hơi khác, gồm một vò rượu cần, thịt, lá chuối, một con gà
luộc và một mớ cá khô. Có lẽ mâm cộ này dành cho các thần núi là nơi dân
Chàm đã ẩn tránh lúc quốc biến hay gửi gấm kho tàng.
Sát bên vách là chỗ ngồi của hai nhạc công, thầy Kathar (thầy Kò
Ke) kéo nhị hai dây, tang nhị làm bằng mai rùa (Đàn mu rùa ca-nhi) còn thầy
Modrom đánh chiếc trống da một mặt. Dân chúng đến dự lễ ngồi bao quanh
phía ngoài, tức là sau lưng thầy Cả và bà Bóng. Tất cả đều có vẻ mặt
thành kính và trang nghiêm.
Mở đầu cuộc lễ, bà Bóng hát bài kinh mời các vị thần đến dự
tiệc. Bà ngồi xoài, hai chân xếp về một bên ra phía sau, tay tự rót rượu
vào một chén lễ, nâng cao ngang trán khấn vái và đọc to tên vị thần được mời,
và thầy Cả phụ họa. Trong lúc đó các thầy nhạc công vẫn tấu liên miên
những bản nhạc lễ cổ truyền. Sau mỗi tuần rượu dâng mời thần linh, bà đổ
vào một cái bát, khi trong bát đã khá nhiều rồi, bà ban rượu ấy cho khách và
các chức sắc trong làng đến dự lễ.
Phần nghi lễ này vẫn tiếp tục cho đến khi dân phu bưng vào nhiều
mâm thịt trâu, mỗi mâm có một bát cơm, hai bát xáo trâu, hai bát canh nấu dọc
khoai môn, một đĩa thịt và lòng hay sách trâu luộc, kèm theo muối ớt, có thêm
một đĩa rau ghém làm bằng lá chùm ruột xắt nhỏ trộn với thân chuối non xắt
mỏng.
Các vị giáo sĩ liền ngồi vào tiệc, mỗi người ăn riêng một
mâm. Trưóc khi ăn bà Bóng súc miệng nhiều lần, rồi nhặt một hạt muối
trắng bỏ vào miệng nhấm qua loa rồi nhổ đi. Cử chỉ đó cũng được các giáo
sĩ lập lại y hệt. Đối với cơm cũng vậy, họ nhấm nháp từng hột rồi nhổ đi
đủ ba lượt rồi mới bắt tay vào bốc thật sự, không dùng đũa.
Về hình thức thì đây là bữa tiệc thực sự, nhưng về ý nghĩa thì đây
vẫn là một nghi thức của cuộc lễ, theo sự tín ngưỡng của người Chàm, nếu các
thầy ăn nhiều chừng nào thì mùa màng sẽ thu hoạch nhiều hơn.
Quá trưa thì tiệc tàn. Thầy Cả lại chuẩn bị thực hiện một nghi
thức khác là dâng lễ cho thần Sư tử Simba. Thầy Cả dẫn đầu, đoàn trai
tráng theo sau thẳng đường lên đỉnh núi Đá Trắng. Kẻ đội nồi huyết trâu,
người bưng mâm lễ vật, trầu cau và rượu. Thầy Modvon cũng mang các trống
đi theo.
Tới đỉnh phía Nam, nơi có một vực sâu ăn thông xuống chân núi là
nơi ngự trị của thần Sư Tử Simha. Nơi miệng hố có một tảng đá lớn nhô ra,
được dùng làm nơi cúng lễ. Thầy Cả ngồi day về hướng Đông, trước mặt là
mâm lễ vật, bắt đầu mật nguyện. Bỗng tiếng trống bập bùng nổi lên man rợ
giữa chốn núi non hoang vắng, thầy Cả bỗng vụt đứng lên, quay về hướng Nam nhảy
múa và hát kinh. Thầy đã nhập đồng rồi đó. Một hồi lâu, thầy quay
lại bưng mâm lễ vật ném xuống vực sâu. Mọi người đều reo vang như muốn chia sẻ
nỗi vui mừng của thần Sư Tử chờ đợi 7 năm trời mới được một lần hưởng lễ.
Một thanh niên bưng thế cho thầy Cả nồi huyết trâu còn đỏ tươi vứt xuống hố sâu
sau một tiếng la hét man rợ.
Thế là chấm dứt cuộc lễ, mọi người lại theo thầy Cả trở xuống căn
nhà tạm trong đó bà Bóng đang làm phận sự của mình: dâng lễ vật lên thần
linh qua những vũ điệu thuần túy Chiêm Thành mà người ta thường gọi là múa
bóng. Một bà phụ tá giúp việc dâng lễ. Bà này xếp dần một vài miếng
thịt trâu luộc, một ít miếng cá khô lên đĩa nhỏ. Bà ngồi xuống khấn vái
rồi đổ các món ấy ra trước mặt hoặc hất sang bên phải, phía thầy Cả ngồi.
Khác lần trước, lần này bà không mời quan khách uống những chén rượu lễ sau khi
bà đã dâng cúng thần linh, mà tất cả mọi thứ đều để lại trên chiếu, chờ lễ tất
mọi người mới được chia nhau (1).
Việc dâng món ăn vẫn tiếp tục trong tiếng đàn hát cho đến khi
không còn gì trên mâm bồng nữa, bà Bóng đổ dồn mọi thứ xuống chiếu và lễ cúng chấm
dứt. Sau cùng đến nghi thức lễ tạ thổ thần.
Lần này không bắt buộc phải thầy Cả làm chủ lễ, mà các thầy phụ tá
cũng được. Người ta mang hai mâm cộ đến một góc núi, khi đi người dẫn đầu
cũng vác dao đi rừng như khi đi xin lễ thần Yan Tikuh. Tới địa điểm hành
lễ, họ đặt mâm cộ xuống đất, khấn vái vị thổ thần rồi lấy một ít cơm, canh,
bánh trái đổ xuống đất và cấm trẻ con không được nhặt lấy, vì phải để đó cho vị
thổ thần hưởng. Số còn lại họ mang về.
Thế là trọn một ngày dành hoàn toàn cho nghĩa vụ tôn giáo.
Mọi người tuy mệt nhọc về thể xác nhưng rất sung sướng và hãnh diện về tinh
thần, nét mặt tươi cười hớn hở, rủ nhau ra về với một niềm tin mãnh lịệt trong
tâm hồn về những hạnh phúc ngày mai, và thầm hẹn với nhau 7 năm nữa, lại trở
lên núi Đá Trắng dâng lễ cúng thần Sư Tử. (2)
________________________________________________________________
(1) Nghi thức dâng lễ này có lẽ là nghi thức mà đồng bào Kinh
thường làm trong lễ Tạ thổ để cúng vợ chồng chủ ngung Man Nương Nguyễn Thị
Thúc, xin xem lại phần phong tục tập quán của đồng bào Kinh.
(2) Theo tài liệu của ông Nguyễn văn Luận trong Khảo cổ Tập san số
5.
________________________________________________________________
Về việc sinh đẻ, ngày nay hầu hết sản phụ Chàm cũng như Việt đều
vào nằm tại các nhà bảo sanh, nhưng trước kia khi lâm bồn, các sản phụ Chàm
được một bà mụ săn sóc theo phuơng pháp cổ truyền trong một cái chòi riêng gọi
là trại sanh. Sản phụ nằm ở đây khoảng một tuần lễ, xông hơ bằng lửa ngọn
nên gọi là nằm “lửa lớn”. Thời gian này việc kiêng cữ rất được chú y, vì
sợ sản phụ lây các chứng bịnh do người khác mang tới, vì máu còn non. Để
người ngoài biết trong nhà mới có người sinh, gia chủ treo nơi hai cột cổng hai
nhánh dứa gai, hay hai lọ sơn vôi trắng.
Ảnh số 32: Chùa Trùng Khánh (ảnh Lương Văn Hoà)
Qua một tuần, bà mụ làm lễ vái tổ và cho dời sản phụ vào trong
nhà, xông hơ bằng lửa than, và từ đó hết kiêng cữ. Bà con lối xóm tới
thăm sản phụ và mừng đứa bé. Giáp tháng, có làm lễ cúng như đồng bào
Kinh.
Về hôn nhân, người Chàm theo chế độ gia đình mẫu hệ. Vốn có tính
chất bảo thủ, họ vẫn còn duy trì chế độ ấy mặc dầu họ đã sống chung với người
Việt trong mấy thế kỷ và cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng của nền văn minh Âu Mỹ
trong sinh hoạt hàng ngày.
Khảo cứu về chế độ mẫu hệ Chàm, nhà nhân chủng học Nguyễn Khắc Ngữ
(1) có nêu lên mấy nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân thứ nhất là do nguồn gốc lập quốc. Theo truyền
thuyết thì vị sáng lập ra nước Chiêm Thành là nữ thần Thiên Y A Na mà hiện nay
đền thờ còn tồn tại nhiều nơi, từ Thừa Thiên vào đến Bình Thuận. Do lòng
ngưỡng mộ công đức của bà Thiên Y A Na, người Chàm đều cho đàn bà là hơn hết,
trời sinh ra để họ nắm quyền chúa tể nhân loại.
Nguyên nhân thứ hai là do yếu tố kinh tế và chính trị. Người
Chàm hầu hết theo đạo Hồi hay đạo Bà La môn, đạo trước kiêng thịt heo, đạo sau
kiêng thịt bò, nên ngoài gà vịt, món thực phẩm quan trọng của họ là cá ngoài
biển. Do đó người đàn ông Chàm rất giỏi nghề đánh cá và suốt ngày lênh
đênh trên mặt biển. Họ không có thì giờ trông nom, quản xuyến công việc
nhà, quản trị tài sản gia đình, chưa kể đến trường hợp họ bị đắm thuyền hoặc
giao chiến với tàu cướp mà bỏ thân nơi biển cả, vì lẽ đó, người đàn bà ở lại
nhà đương nhiên được giao trách nhiệm làm chủ gia đình.
Nguyên nhân thứ ba là lý do tình cảm. Người mẹ sinh con đẻ
cái, bú mớm, nuôi nấng từ lúc lọt lòng cho đến thành thân, tình thâm nghĩa
trọng, có nhiều trường hợp đứa con chào đời chỉ thấy có mẹ và suốt đời không
biết đến cha. Vì cha đã bỏ mình nơi biển cả hoặc ngoài chiến
trường. Sự tập trung tình cảm của con cái vào người mẹ đã tạo nên quyền
uy của người đàn bà trong gia đình.
________________________________________________________________
(1) Mẫu Hệ Chàm của Nguyễn Khắc Ngữ do Trình Bày xuất bản
________________________________________________________________
Bất luận trong xã hội nào, nam nữ đến tuổi trưởng thành đều phải thành lập gia
đình qua chế độ hôn nhân. Vì đồng bào Chàm theo chế độ mẫu hệ, nên con
gái đi cưới con trai, và khi đã thành hôn, con trai phải về ở nhà vợ trọn
đời. Việc hôn nhân cũng trải qua nhiều nghi thức bắt buộc của một tôn
giáo. Đồng bào Chàm ở Ninh Thuận đa số theo đạo Bà La môn một số ít theo
Hồi giáo. Trong tập sách này chúng tôi chỉ trình bày việc hôn nhân của
đồng bào Chàm theo đạo Bà La môn mà thôi, còn việc hôn nhân theo đạo hồi sẽ
được trình bày trong cuốn NON NƯỚC BÌNH THUẬN, vì tại đây đồng bào Chàm theo
Hồi Giáo nhiều hơn.
Vai trò trung gian và thuyết phục đối tượng để đưa cuộc hôn nhân
đi đến kết quả trong xã hội người Chàm cũng vẫn là ông mai. Tùy theo từng
trường hợp, ông mai sẽ đóng vai trò đánh tiếng với nhà trai mỗi khi bên gái đã
chấm cậu nào, cũng có khi nhà gái uỷ thác cho ông mai tìm kiếm cho một cậu trai
vừa mắt về mách lại, nếu nhà gái bằng lòng thì nhờ ông mai liên lạc. Cũng
có khi chàng trai thích cô nào đó thì cậy ông mai sang đánh tiếng cho nhà gái
biết để sang dạm hỏi.
Đồng bào Chàm rất rộng rãi trong việc để cho con cái tìm bạn trăm
năm nhân cuộc hội hè, trong lúc đi làm ngoài đồng hay đi chợ. Hai bên
trao đổi ý kiến, tìm hiểu nhau, ngỏ lời với nhau rồi về thưa với cha mẹ hợp
thức hóa mối lương duyên.
Mở đầu là chạm ngõ, hay lễ đi chơi hoặc lễ trầu cau gọi là “bỏ
hàng rào thưa”. Nhà gái nhờ ông mai mang sang nhà trai bánh trái.
Nếu nhà trai bằng lòng thì nhận lễ vật, trái lại thi từ chối, nhà gái mang về.
Sau lễ chạm ngõ, nếu không có gì trắc trở, nhà gái yêu cầu nhà
trai định ngày làm lễ hỏi. Nhà trai bèn nhờ thầy Bà Xế xem ngày tốt xấu
để báo cho nhà gái. Bấy gìờ nhà trai cũng tìm một ông mai để liên lạc với
nhà gái. Đến ngày đã định, nhà gái mở tiệc mời nhà trai đến tiếp đãi linh
đình. Hôm đó nhà trai cũng cho biết sẽ có bao nhiêu người đưa rể về nhà
vợ để bên gái chuẩn bị.
Lễ hỏi xong, hai ông mai cùng gia trưởng đôi bên biện lễ đến xin
với các thầy Cả để định ngày cưới. Lễ thành hôn thường được tổ chức ít
lâu sau lễ hỏi vào những ngày trong tháng ba, tháng sáu, thàng tám, tháng mười,
tháng mười một Chàm, từ khi trăng tròn đến khi hết trăng, tức là giai đọan từ
rằm đến cuối tháng âm lịch.
Tới ngày cưới nhà trai làm lễ cáo tế gia tiên và cầu trời phù hộ
cho cuôc hôn nhân của đôi trẻ được tốt đẹp, mời họ hàng ăn uống. Sau đó
đúng ba giờ chiều họ nhà trai đưa chú rể về nhà vợ. Đi đầu là ông mai kế
đến chú rể, các lão ông rồi đến các thanh niên, không có phụ nữ. Khi đến
gần nhà gái, nếu chưa đúng giờ tốt, nhà gái sẽ trải chiếu mời nhà trai ngồi
nghỉ, ăn trầu uống nước để chờ đến giờ. Đến giờ đã định, họ nhà trai lại
xếp hàng dài theo thứ tự trên đây đi vào nhà gái.
Tại cổng vào có để một cái chậu nước lớn, một gia nhân nhà gái múc
nước rửa chân cho từng người, trước khi họ bước trên hàng chiếu trải từ đó vào
đến cửa nhà. Tại đây ông mai và nhà gái đứng tiếp đón niềm nở. Trong nhà cũng
trải chiếu la liệt thành ba hàng, hàng giữa dành cho hai ông mai, chú rể cùng
các vị già cả, hàng chiếu bên phải dành cho họ nhà trai, hàng bên trái dành cho
họ nhà gái.
Họ hàng ngồi đâu đó xong, trầu nước một tuần rồi, hai ông mai dẫn
chú rể vào buồng cô dâu. Buồng này là gian trung của một căn nhà kiến
trúc theo lối cổ truyền, cửa ra vào mở phía hồi, sàn bằng gỗ gọi là nhà
tục. Trong phòng kê một bộ phản đã được làm phép rồi, cô dâu đã trang
điểm và bận toàn đồ trắng sẵn sàng ngồi đợi.
Ông mai trai đứng phía Đông, ông mai gái đứng phía Tây, cùng cầm
chiếc chiếu mới đập xuống phản làm ba lần, khấn vái hồi lâu rồi trải lên phản,
đầu quay về phía Bắc chân hướng về phía Nam. Mỗi ông mai cầm một cái gối
để lên phản sát vào nhau, rồi ra hiệu cho cô dâu chú rể ngồi vào bên cạnh ông
mai nhà mình. Tiếp đến người nhà bưng vào một mâm lễ tơ hồng gồm có cau,
trầu, vôi, bánh trái, hoa quả và rượu, hai cây nến bằng sáp ong, mâm được đặt
giữa hai người. Một thầy cả được mời vào làm lễ, ông thắp hai cây nến làm
đèn bổn mạng của hai vợ chồng, rót rượu vào chén, khấn vái các vị thần Chàm,
ông bà tổ tiên về chứng giám hôn lễ. Thầy cả trịnh trọng lấy một lá trầu xé
đôi, trao cho hai vợ chồng mỗi người một nửa. Chàng rể lấy một quả cau bổ
đôi đưa cho vợ một nửa. Cô dâu lấy một ít vôi bôi vào trầu của chú rể
trước, của mình sau rồi cùng nhai, cốt trầu nhổ chung vào một ống nhổ.
Thầy cả lại rót rượu một lần nữa, lẩm nhẩm khấn vái một hồi lâu
rồi đưa cho cô dâu chú rể cùng uống, đoạn trao nhẫn cho hai người đeo lẫn
nhau. Nhẫn cưới thường chạm vẩy cá và giữa mặt có hình con mắt.
Lễ xong, mâm cộ vẫn để nguyên chỗ cũ, cô dâu ở lại trong phòng,
còn chú rể ra ngoài tiếp đãi họ nhà trai. Chú rể phải quỳ dâng rượu mời
hai ông mai, rồi lại lùi dần cầm khay đi mời khắp mọi người. Khi được mời
rượu, mỗi người nói một vài lời chúc tụng rồi mới uống cạn chén rượu. Từ
giờ phút lễ tơ hồng, chú rể đã thực sự là người của nhà vợ, nên có bổn phận
phải thay cô dâu tiếp đãi hai họ. Đặc biệt thức ăn hôm đó chỉ làm bằng
toàn hải sản (tôm cá). Nhưng qua hôm sau trở đi có thể thết đãi bằng thịt
heo, vịt, dê v.v…nhưng không có thịt bò, vì người Bà La Môn giáo kiêng thịt bò.
Tàn tiệc, họ hàng ra về hết, chú rể mới được vào phòng cô dâu, mỗi
người nằm một bên phản, lúc đó tối rồi, ở giữa vẫn để nguyên mâm lễ tơ hồng và hai
cây nến bổn mạng vẫn cháy sáng cả gian phòng. Hai người nằm nói chuyện
cho đến lúc ngủ quên, cứ như vậy liên tiếp ba đêm, chưa được động phòng hoa
chúc, vì làm trái lệ sẽ bị tội lớn với thần thánh.
Ba ngày trôi qua, nhà gái sửa soạn lễ vật bánh trái, hoa quả cho
hai vợ chồng về bên nhà trai bái biệt cha mẹ cùng tặng quà cho bà con.
Cha mẹ, họ hàng chú rể cũng tặng lại các phẩm vật qúy giá như vải lụa, đồ nữ
trang, tiền bạc. Nếu cha mẹ khá giả thì cho một con trâu, một con ngựa,
hoặc một ít sở ruộng để làm của hồi môn. Ruộng đất này chỉ giao cho bên
vợ hưởng huê lợi, chứ không được chuyển quyền. Sau khi người chồng qua
đời, dù chồng có con hay không, số ruộng đất này cũng phải giao trả lại cho bên
nội nhà chồng sau khi người chồng chết mãn tang.
Của hồi môn này ngoài ý nghĩa cho con làm vốn, còn có tác dụng che
thân cho chàng rể. Nhờ của hồi môn mà sau này chàng rể có lười biếng
không chịu làm ăn, bên vợ không có quyền trách cứ, vì lẽ có trâu ngựa thay
người rồi. Trái lại không có của hồi môn mà chàng rể lười nhác thì thật
là tủi thân.
Về sau, nếu vì lý do này hay lý do khác, hai vợ chồng không thể ăn
đời ở kiếp với nhau thì có thể ly dị. Theo cổ tục, họ sẽ biện một cơi
trầu đến nhà thầy Cả, vị thầy đã làm lễ thành hôn cho họ lúc trước để xin phép
được ly dị. Sau nhiều lời khuyên giải nếu không kết quả, thầy mới khấn
xin thần linh cho phép hai người xa nhau, và xé một lá trầu đưa cho mỗi người
một nửa tượng trưng cho sự chia rẽ ấy.
Về nhà, hai người phải trình cho cha mẹ họ hàng biết, rồi lấy một
chiếc đũa chẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa làm tin. Có nửa chiếc đũa
rồi, người con trai có thể về nhà cha mẹ, mang theo các của hồi môn. Nếu
sự ly dị do lỗi người chồng thì phải bồi thường thiệt hại cho nhà vợ. Của
bồi thường này trích trong của hồi môn hoặc do cha mẹ, họ hàng bên chồng đài
thọ, thường là một cặp trâu, nên người Chàm có câu:
"Hỏng cặp vú
Mất đôi trâu."
Trường hợp người vợ trước kia có một đời chồng thì chỉ lấy được
một trâu thôi. Nếu hai người đã có con thì người vợ giữ cả. Sau khi
ly dị, ai muốn lập gia đình lúc nào tùy ý.
Dưới triều Nguyễn, vì chịu ảnh hưởng của luật lệ quốc gia, một vài
sự thay đổi được áp dụng cho thích hợp. Do đó khi muốn ly dị, hai người
phải được cha mẹ ưng thuận rồi ra trước nhà chức trách sở tại làm giấy ly dị là
xong. Nếu sự ly dị do hai đàng thỏa thuận thì mỗi bên phải viết cho bên
kia một giấy cho phép lấy vợ hay lấy chồng khác, có xã thị thực. Nếu chỉ
một bên xin ly dị thì phải đưa ra cửa quan để quan cứu xét, chuẩn y hay bác bỏ
sau khi đã điều tra kỹ. Ngày nay việc ly dị phải ra toà án. Về tài
sản chung, nếu có con trừ phần chia cho con, số còn lại chia ba, người vợ hai
phần, chồng một phần. Nếu không có con thì tất cả chia ba như vậy.
Nếu vợ phạm gian mà chồng xin ly dị, của cải được chia đôi, nếu có con thì chia
đều theo đầu người giữa cha mẹ và các con. Ngày nay người vợ ly dị phải
đợi ba tháng sau mới được lấy chồng khác.
Khi đã có chồng rồi hai vợ chồng phải ra ở riêng kể từ ngày làm lễ
thành hôn. Nhà riêng cũng làm chung trong khuôn viên nhà cha mẹ, điều đó
không bắt buộc, vì có thể làm ở nơi khác được. Tuy ở riêng nhưng đến bữa
ăn cơm hai vợ chồng vẫn phải về ăn cơm chung với cha mẹ, đến khi nào cha mẹ xem
xét việc ăn ở cũng như cách thức sinh hoạt của hai vợ chồng có thể tự lập được,
hoặc có em gái lấy chồng, thì cha mẹ cho tách ăn riêng.
Con cái ra riêng ngoài của hồi môn do người chồng đem về, cha mẹ
cho con gái nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, tiền bạc v.v… để tự túc làm ăn, cha
mẹ về già thì sống chung với con gái út.
Trong thời gian chung sống với nhau mà có một người chết trước,
thì người kia phải để tang 12 tháng mới được lấy người khác, nếu lấy trong thời
gian cư tang thì bị coi như là bất nghĩa. Riêng người đàn bà góa chồng,
sau khi mãn tang, còn phải làm tròn bổn phận cuối cùng đối với người quá cố rồi
mới được phép cưới chồng khác. Đó là việc trao trả hài cốt chồng cho nhà
chồng, vì lẽ người sống bên nhà vợ chỉ là sống nhờ ở gởi, khi chết phải đem hài
cốt về chôn ở nghĩa trang nhà mình mới yên phần được. Do đó khi chồng
chềt, vợ phải làm lễ thiêu xác và lấy 7 miếng xương trán bỏ vào hộp klong để
thờ trong nhà đủ 12 tháng mới giao cho nhà chồng vào kút.
Khi đem di cốt người chồng về trả cho gia đình, nếu lúc sanh tiền,
hai vợ chồng làm ăn khá giả, có tạo mãi được một ít ruộng đất, thì bên vợ có
thể trích một phần ruộng đất ấy tặng cho bên chồng làm của "di tặng"
để lấy hoa lợi cúng kiếng người chồng. Ruộng đất này bên nội nhà chồng có
quyền xin cải tên đứng bộ làm sở hữu chủ cho các chị em gái người chồng nhưng
không được chuyển mãi, cũng giống như người Kinh dùng ruộng đất lập “kỵ điền”
cho con cái quá cố vậy.
Ảnh số 33: Nhà thờ Tấn Tài (ảnh của tác giả)
Xét về chế độ điền địa và quyền sở hữu ruộng đất của đồng bào
Chàm. Chúng ta thấy từ nguyên thuỷ, nhằm mở mang kinh tế, các vua chúa
kêu gọi dân chúng khai khẩn đất hoang lập thành ruộng cấy lúa, đất trồng hoa
màu. Ai khai phá được sở nào thì làm chủ vĩnh viễn sở đó, sau khi đã làm
lễ cúng vua như đã trình bày ở đoạn trên kia. Cha mẹ chết thì để lại cho
con cháu gái thừa hưởng, truyền từ đời nọ đến đòi kia, không có văn kiện nào
chứng minh, ấy thế mà không xảy ra sự tranh giành nào cả. Quyền sở hữu
từng cá nhân coi là tuyệt đối
Đến đời Gia Long và Minh Mạng, khi có lệnh của triều đình lập địa
bộ thu thuế, các quan lại địa phương chỉ căn cứ vào lời khai miệng của họ để
ghi bộ. Những quyển địa bộ này hiện còn lưu giữ tại các ấp có đồng bào
Chàm.
Từ đời Khải Định trở đi, chịu ảnh hưởng của luật lệ quốc gia và
tập quán của đồng bào Kinh, gia đình đồng bào Chàm nào có mua bán ruộng đất thì
lập văn tự bằng chữ Hán, chữ Chàm hay chữ Quốc ngữ.
Về việc phân chia tài sản cho con cháu, đồng bào Chàm theo phong
tục cổ truyền chỉ chia bằng miệng. Nhưng từ thời Bảo Đại, một số gia đình
có lập thành văn tự hoặc chúc ngôn để quy định sự phân chia ấy.
Đồng bào Chàm cũng có ruộng đất hương hỏa, xét về hình thức và
tính chất cũng giống như đồng bào Kinh. Hương hoả gồm hai loại:
hương hỏa của tộc và hương hỏa của gia đình. Hương hỏa của họ tộc là do
công lao của con cháu trong một họ chung sức khai phá mà thành, khẩu truyền lưu
hạ cho con cháu thừa hưởng, lấy hoa lợi cúng giỗ tổ tiên, ông bà trong
họ. Ruộng đất này được luân phiên canh tác giữa các chi trong họ.
Hương hỏa của gia đình thi do ruộng đất của từng gia đình lập ra,
sau khi đã phân chia cho con cháu. Diện tích không có mức nhất
định. Hương hỏa này cũng do khẩu truyền lưu hạ, không được chuyển mãi,
dùng hoa lợi cúng giỗ ông bà. Ruộng này thường giao cho con gái nào làm
bóng trong gia đình canh quản, gia đình nào không có con cháu gái làm bà bóng
thì giao cho các con cháu gái luân phiên canh tác làm giỗ.
Về tang chế, trong gia đình đồng bào Chàm, tục lệ được thi hành
với trình độ khác nhau, tùy theo người quá cố thuộc vào thành phần nào trong xã
hội hoặc lứa tuổi nào.
Khi một thân nhân nào có chức tước hoặc đã già nua đau ốm, xem
chừng khó thoát được bàn tay tử thần, thì con cháu lo đi mời vị Cả Sư Cột Băng
(Kăk Thòng) đến để lo liệu các nghi lễ tôn giáo cho người chết.
Khi bịnh nhân tắt thở, xác được thay quần áo mới và đắp chăn, toàn
bằng vải trắng, quàn lại trong nhà lâu hay mau tùy việc chôn cất thực hiện sớm
hay muộn, đầu quay về hướng Tây. Thầy Cả cột băng đọc kinh chú và rảy
nước phép lên xác rồi cho quay đầu trở về hướng Nam.
Nếu người chết gặp ngày tốt, thì nội ngày hôm đó, con cháu họ hàng
lo làm một cái rạp gọi là Cà Dàng xa nhà độ vài chục thước, rồi khiêng xác ra
quàn ở đó, có thắp đèn nến sáng choang, không dùng nhang. Thầy Cả Sư lại
được mời tới làm phép tẩm rửa xác chết sạch sẽ, rồi con cháu mới tẩm liệm
xác. Đồ liệm gồm có quần áo mới, thường được may sẵn cất dành từ trước,
vì khi đến tuổi già, ai cũng lo đến việc chết cả. Sau khi thay quần áo,
xác được bọc vào trong chăn trắng cả thảy đến 10 lớp. Người Chàm không
dùng hòm để bỏ xác chết.
Tẩm liệm xong, xác được đậy bằng một cái Ta-kung làm bằng tre,
được phủ bằng một tấm khăn vĩ đại đủ màu sắc sặc sỡ và các tràng hoa tươi v.v…
Trường hợp chết nhằm ngày xấu cần phải kiêng cử, xác vẫn được quàn lại trong
nhà, chờ đến ngày tốt mới khiêng ra Cà Dàng để làm thủ tục khâm liệm.
Người chết vào hạng thanh niên và trung niên, từ 18 tuổi trở lên
thì nghi thức cũng tương tự như vừa trình bày, nhưng kém phần trọng thể hơn, vì
người làm lễ rảy nước phép cho xác chết không phải là vị Cả Sư, mà chỉ là một
thầy Cả thường như thầy pháp, và khi xác đã được khiêng ra Cà Dàng thì một thầy
Bà Xế làm phép tắm rửa cho xác.
Sau cùng nếu người chết là trẻ con và thiếu niên dưới 17 tuổi,
nghi thức cũng phải thực hiện đầy đủ như người lớn, nhưng đơn sơ hơn, và đặc
biệt khi đã tẩm liệm xong, xác được bỏ vào hòm gỗ như đồng bào Kinh, rồi đem đi
chôn.
Đám tang của đồng bào Chàm cũng phân ra lớn, vừa và nhỏ.
Đám tang lớn tức là trọng thể, đúng nghi thức cổ truyền phải do vị Cả Sư
làm chủ lễ, có bốn thầy Bà Xế chính và hai thầy Bà Xế phụ giúp sức. Trong
đám tang không có cờ xí, nhưng có kèn, trống và chiêng, có ban cổ nhạc kéo đờn
ca-nhi là thứ đờn làm bằng mu rùa, vừa đi vừa đọc kinh cầu nguyện.
Đám tang vừa thì Bà Xế làm phép tắm rửa khi tẩm liệm sẽ làm chủ
lễ, có hai thầy Bà Xế chính và hai thầy Bà Xế phụ giúp sức, không có kèn chiêng
trống, nhưng vẫn có ban cổ nhạc kéo đờn và đọc kinh cầu nguyện, nhưng lời kinh
được rút ngắn hơn.
Dù đám tang lớn hay vừa, thời gian được ấn định là 4 ngày, một
ngày cho ăn, một ngày nghỉ, một ngày chém cây, và một ngày hỏa táng.
Ngày hỏa táng phải là ngày tốt, cho nên nếu gặp được ngày tốt thì thời
gian trên đây được kéo dài thêm, những ngày thêm ấy được xếp vào những ngày
nghỉ. Như trên đã nói, đồng bào Chàm không dùng hòm và xác phải để lâu
ngày mới hỏa táng, vậy là không hôi thối gi cả, vì theo họ, các vị thầy Cả đã
làm phép đã có sự linh ứng khiến cho xác không thể thối được.
Đồng bào Chàm quan niệm người chết sang thế giới bên kia vẫn phải
ăn uống, nếu khi đi mà no đủ thì qua bên kia được sung sướng, cho nên trước khi
đem xác đi hoả táng hay chôn, phải cho xác ăn bằng cách bỏ những hạt nổ vào
miệng người chết, cũng giống như đồng bào Việt, khi quan hàm thì bỏ gạo và tiền
vào miệng. Đó là điều bắt buộc, bất luận già trẻ, giàu nghèo, sang hèn
khi chết phải được một vị thầy Cả cho ăn.
Khi khiêng xác đi, người Chàm cũng dùng đòn rồng do bốn người
chính khiêng, bốn người này phải mặc đồng phục Chàm toàn bằng vải trắng, ngoài
ra còn có những người khiêng phụ khác nếu đòn khiêng quá nặng. Người Chàm cũng
dùng nhà cái để che xác chết giống như nhà cái của đồng bào Việt.
Còn đám tang nào dành cho trẻ con thì rất đơn giản, chỉ có một
thầy Bà Xế phụ trách mọi nghi lễ cần thiết, thời gian chôn cất thường một ngày
lâu nhất là ba ngày. Hòm của trẻ con được đem chôn tại nghĩa địa gia tộc, đầu
mả hướng về Tây, nấm mả đắp theo hình chữ nhật và không cao lắm.
Trong đám tang của đồng bào Chàm Ninh Thuận cũng có sự phúng đìếu
của bà con, họ hàng, làng xóm, có mâm cỗ, lễ bái và ăn uống thết đãi như đồng
bào Việt. Có điểm đặc biệt là lễ vật được dùng trong đám tang là phải
thịt các loài vật đẻ trứng như gà, vịt, cá v.v… tuyệt đối không được dùng các
loài vật đẻ con như heo, bò, dê….
Những người chết được hoả táng thì hài cốt được cho vào kút đem để
tại nghĩa trang gia tộc. Kút là mộ chí của người Chàm. Kút có nhiều
hình tượng khác nhau. Sự khác nhau này do sự biến đổi mà ra, chứ không phải do
qui lệ nào cả. Ngày xưa, khi các triều đại vua Chàm còn thịnh, kút được
tạc bằng đá theo hình người với dáng điệu nghiêm trang như một pho tượng
thờ. Lần lần kút được tạo đơn giản hơn. Không có đầu và tay, chỉ
còn hình dáng một khoảng thân người với những nét chạm trổ hoa lá và những
đường xoáy ốc trên y phục. Đến ngày nay thì kút chỉ còn là những phiến đá đẽo
thon thon, trên nhỏ dưới to thật vững chắc.
Các kút được xếp trong một túp liều bốn mái sơ sài và trống trải,
cách sắp xếp phải theo một qui lệ hẳn hoi. Đó là nghĩa trang của đồng bào
Chàm, rải rác dưới chân đồi, trong một khoảng đất khá rộng tại các làng có đồng
bào Chàm ở, phần nhiều ở quận An Phước.
Thông thường một nghĩa trang gồm hai khu vực, khu chính là một căn
lều dựng trên đất cao, rộng trung bình khoảng 6 thước, dài 8 thước, với 4 hàng
cột gồm 16 cây, mái lều lợp cỏ và cành cây sơ sài, các kút được xếp trong lều
theo một hàng ngang, hướng mặt về phương Bắc. Kút ở giữa là của PO DHI
tức là vị tổ sáng lập ra dòng họ mẫu hệ ấy, vì mỗi dòng huyết hệ ấy có nhiều
thế hệ nên kút này chỉ có tính cách tượng trưng, chứ không có xương chôn phía
dưới. Đứng ngoài trông vào, phía bên trái kút PO DHI là hàng kút của nam
phái, xếp theo thứ tự tôn quý từ gần ra xa.
Sát PO DHI là kút của những người đã làm thầy Cả, Bà Xế, hay thầy
lễ (thầy pháp), rồi đến kút những người làm quan, sau chót là đến kút những
người thường dân. Những kút về phía bên phải cũng được xếp theo thứ tụ
tương tự như vậy. Gần PO DHI là kút những bà Bóng là những người được tôn
trọng nhất trong xã hội người Chàm, rồi mới đến kút các phụ nữ thường.
Xung quanh căn lều có một bờ rào xếp bằng đá, có tính cách phân
ranh giới tượng trưng. Trong vòng rào, tuỳ theo từng nghĩa trang, có khi
còn có một kút đứng lẻ loi ở phía trái lối vào. Đó là kút của một người
đàn ông có công hoặc một chàng rể mà dòng họ đã điêu tàn, không còn nơi nương
tựa.
Khu thứ hai ở ngoài vòng rào, phía bên phải là kút của những người
bất đắc kỳ tử. Những kút này không có lều che. Khu này cũng có kút PO DHI
ở giữa để phân biệt bên nam bên nữ.
Theo chế độ mẫu hệ Chàm, khi một người quá vãng, thì hài cốt phải
chôn nơi nghĩa trang bên dòng huyết tộc của họ, tức là bên nội, do đó, hài cốt
của hai vợ chồng không bao giờ được chôn bên nhau.
Không phải tất cả mọi người sau khi chết đều được vào kút, mà phải
hội đủ điều kiện bắt buộc như sau:
1- Chết bình thường trước sự chứng kiến của thân nhân, như
chết già, chết bệnh. Vì vậy các ông già bà lão Chàm ít dám đi xa, chỉ sợ không
được chết trước sự chứng kiến của thân nhân.
2- Thể xác phải toàn vẹn, nghĩa là không bị tàn tật, như,
đui, què, vì một tai nạn nào đó.
3- Đã đến tuổi thành niên và đã lập gia đình. Nếu chưa
lập gia đình xác chết phải chịu hình phạt, để chó nhảy qua đầu.
Thỏa mãn ba điều kiện nêu trên rồi, xác chết được hoả thiêu và cho
vào kút. Như vậy trẻ con chết không được vào kút như đã trình bày ở đoạn
trên. Các chiến sĩ chết ngoài mặt trận cũng không được vào kút vì thiếu
mất điều kiện thứ nhất kể trên. Nhưng gần đây, để tỏ lòng tri ân chiến
sĩ, một vài dòng họ đã châm chước đối với các chiến sĩ bị thương, nhưng khi
chết có sự hiện diện của thân nhân cũng được hoả thiêu và cho vào kút.
Việc vào kút phải được thực hiện qua nghi lễ phiền phức và long
trọng. Trước hết là lễ hỏa táng xác chết. Dàn hỏa được lập xa làng
xòm chừng vài trăm thước. Khi xác chết được khiêng đi đến nơi, thầy Cả
đọc kinh làm phép rồi cho đưa xác lên giàn, thầy châm lửa. Trong khi ngọn
lửa đang cháy thi thầy Cả dùng dao chặt đầu lâu đem ra khỏi giàn hỏa, đập lấy
chín miếng xương trán nếu là phụ nữ, hay bảy miếng nếu là nam giới, sau đó làm
lễ Patrip Talang để thanh khiết hóa và mài các mảnh xương ấy cho nhẵn nhụi,
tròn tợ bằng cỡ đồng tiền, rồi bỏ vào hộp klong, hộp này bao giờ cũng có hai
cái lồng vào nhau, nếu nhà giàu sang hộp bên trong làm bằng vàng, hộp ngoài
bằng thau, nhà vừa thì hộp bằng bạc, còn nhà nghèo thì có thể làm bằng
thiếc. Có chỗ người ta khiêng hộp klong về nhà. Trong thời gian chờ
đợi vào kút, người ta chôn tạm hộp klong ở trong rừng hay trong bụi rậm, và phải
giấu không cho bọn gian phi đào trộm vì hộp klong bằng vàng hay bằng bạc quý
giá.
Sở dĩ có việc chôn tạm như vậy là để chờ khi có đủ hộp klong của
hai phái nam và nữ, người ta mới tổ chức một lễ lớn để đem xương đựng trong các
hộp klong phải chôn xuống kút cùng một lượt. Vì phải chờ như vậy, nên có
nhiều khi một hộp klong phải chôn tạm đến bảy tám năm.
Gặp trường hợp gia chủ quên mất nơi chôn tạm hoặc bị kẻ gian trộm
mất hộp klong, kẻ qua đời không được vào kút nữa. Đó là một điều bất
hạnh. Do đó nhiều gia đinh chôn hộp klong rất cẩn thận. Họ lấy hai
viên gạch Chàm (loại gạch rất lớn) khoét ruột cho vừa hộp klong, rồi dùng nhiều
chốt gỗ đóng xéo ghì chặt hai viên gạch vào nhau, sau đó còn tô gắn qua loa rồi
mới chôn xuống đất đã rào kỹ.
Có lẽ để tránh tình trạng quên hay bị mất trộm là điều đại bất
hạnh cho người quá cố, nên nhiều nơi người ta mang hộp klong đựng di cốt về nhà
để con cháu làm tuần ba ngày và tuần giáp tháng, rồi đem chôn ra ngoài khuôn
rào nhà mình thay vì chôn trong rừng hay bụi rậm….mất ba hàng không đọc được ……………..
Ảnh số 34: Nhà thờ Hộ Diêm (ảnh của Lương Văn Hoà)
Trong khi di cốt của người chết chưa đem vào kút thì con cháu phải
chịu tang, đồ tang chỉ mặc trong lúc làm lễ mà thôi, bằng vải màu trắng cũng
như đồng bào Việt.
Khi xương đã bỏ vào túi kút rồi , hộp klong có thể dùng lại được,
nhưng phải tẩy uế bằng một khóa lễ theo nghi thức tôn giáo.
Như trên kia đã nói, trong khi lửa đang cháy rực thi thầy Cả lôi
đầu lâu ra lấy mấy miếng xương trán, còn lại bỏ vào lửa đốt cháy cho đến khi
lửa tàn. Tất cả tro tàn và những xương nát vụn còn sót lại được hốt đổ
vào bụi rậm gần đó.
Hàng năm tháng giêng đến tháng ba Chàm lịch tức từ khoảng tháng ba
đến tháng sáu dương lịch, người Chàm đi viếng kút và làm lễ giỗ tổ. Lễ
vật bao giờ cũng có một con dê, 35 con gà với trầu cau, bánh trái.
Trước hết người ta cúng tại mộ mấy đứa con nít, rồi đến kút của
những người bất đắc kỳ tử, sau cùng mới đến kút trong căn lều. Khi cúng
người ta mặc áo cho kút tùy theo địa vị của từng loại. Kút Po Dhi được
mặc y phục như hoàng hậu, công chúa Chàm, kút các thầy Bà Xế, thầy tế lễ thì
mặc y phục hàng giáo sĩ, kút các bà Bóng mặc y phục hàng nữ tu. Tại kút
đơn độc lối vào nghĩa trang thì các chàng rể cúng và hưởng luôn lễ vật.
Đây là loại kút ngoại tộc.
Những dòng họ nào bị tuyệt tự, nghĩa là hết sanh con gái thì nghĩa
trang bị bỏ hoang vắng, và các kút không người cúng quảy. Đồng bào Chàm
kể lại rằng, những nơi như vậy, vào những đêm mưa đầu mùa, dưới ánh trăng mờ
ảo, trong hơi sương lạnh lẽo, những đám lửa chập chờn trên các kút như những
con ma trơi, làm cho khách đi qua phải rợn tóc gáy, lạnh xương sống. Gặp
những trường hợp ấy, khách chỉ còn cách duy nhất là tẩu thoát.
Về phong tục tập quán của đồng bào Chàm tại Ninh Thuận, còn lắm điều
đáng nói, nhưng trong khuôn khổ một chương sách, chúng tôi chỉ trình bày những
nét chính về các phương diện sinh hoạt để bắt chiếc cầu thông cảm giữa đồng bào
Kinh và đồng bào Chàm khi phải tiếp xúc với nhau trong cuộc sống chung trong
cộng đồng quốc gia, để tình đoàn kết dân tộc ngày một thêm thắm thiết.
B- PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO THƯỢNG ROGLAI
Theo thống kê năm 1967, tỉnh Ninh thuận có khoảng 12.000 người
Thượng thuộc hai sắc dân chính là Roglai ở miền Tây Bắc và Churu ở miền Tây
Nam. Người Roglai chiếm đại đa số ở các xã É-lâm-thượng, É-lâm-hạ, Cam
Ly, Cam Thọ còn thiểu số người Churu sống ở xã Tà Lương Quận An Phước, mỗi sắc
dân có phong tục tập quán riêng.
Theo các nhà nhân chủng học, người Roglai được cấu tạo hơi giống
Chàm và giống Rhadé thành các chi phái Agglai, Tring v.v… Một phần phối hợp
giữa giống Koho và Chàm thành chi phái Sré. Do đó phong tục tập quán của
người Roglai chịu ảnh hưởng của sắc dân Chàm, Rhadé và Koho. Mặt khác,
nhờ ở gần đồng bào Kinh đã giúp họ cải tiến khá nhiều các tập quán quá cổ.
Về ăn mặc và trang sức, họ bắt chước theo lối người Kinh, nhưng
lại thích diêm dúa, nên vẫn giữ được sắc thái riêng. Họ cũng ở nhà sàn,
nhưng không cao quá một thước, nhà lại chật hẹp, nên không được sạch sẽ.
Trong lúc ăn uống, số đông đã biết dùng bát, một số còn dùng túi nhỏ đan bằng
cói.
Người Roglai theo chế độ mẫu hệ nên con gái cưới con trai.
Tuy nhiên việc lựa chọn lúc ban đầu thì do chàng trai quyết định. Yêu một
cô gái nào, chàng trai liền đem đồ đạc đến cư ngụ nhà gái và làm lụng chung như
một người trong gia đình. Nhà gái không hề phản đối sự hiện diện tự động
hoặc ngăn cấm đôi trai gái tìm hiểu nhau.
Sau một thời gian, nếu chàng muốn đi đến hôn nhân, thì trao cho
nàng một vật kỷ niệm như bông tai, ca rá, vòng v.v… Nếu nàng đồng ý thì nhận,
bằng không thì trả lại và chàng phải rút lui êm.
Người con gái nhận tặng vật rồi, liền trình cho cha mẹ biết để
mang rượu đến nhà trai và bàn chuyện cưới xin. Tuy nói vợ cưới chồng
nhưng mọi phí tổn đều do nhà trai chịu cả, từ quần áo, nữ trang của cô dâu đến
tiệc tùng ăn uống. Nhà nghèo thì phải giết một heo, nhà giàu thì làm thịt
trâu bò. Một cái rạp được dựng lên, người ta trải chiếu xuống đất ngồi la
liệt, ăn uống thả giàn, cho đến khi say mèm mới thôi.
Sau tiệc cưới người chồng phải về nhà vợ sống chung mãn đời.
Người Roglai rất kỵ việc trai gái ăn nằm vụng trộm với nhau.
Nếu việc này xảy ra, các người phạm pháp sẽ bị trừng phạt rất nặng.
Hiện nay, để răn dạy con cái, người Roglai thường kể cho con cháu
nghe câu chuyện ba lon gạo và một mũi tên như sau. Hồi xưa, có một thanh
niên và một thiếu nữ yêu nhau mà không xin phép cha mẹ cưới hỏi, chẳng may
người con gái có thai. Tự nhiên trong xóm xẩy ra nhiều tai nạn: rẫy
mất mùa, trâu bò, heo gà chết dịch, người không bệnh mà chết v.v…
Mọi người đều quy tội cho hai người đã yêu nhau vụng trộm, không
ra mắt ông bà và cúng Nhang, nên cả buôn bị Nhang phạt. Cả buôn mới hợp lại
bắt tội hai người, giao cho ba lon gạo và một mũi tên để tùy ý lựa chọn sự
trừng phạt. Nếu chọn mũi tên thi họ sẽ bị bắn chết ngay, nếu chọn ba lon
gạo thì hai người dắt nhau vào rừng ăn hết gạo thì chết đói. Họ chọn ba
lon gạo và sau bảy ngày họ đã ôm nhau chết bên bờ suối với mối tình tuyệt vọng.
Về sinh đẻ, khi người vợ có thai, người chồng vào rừng kiếm lá và
rễ cây về phơi khô làm món thuốc gia truyền, khi vợ sanh thì sắc lên cho uống,
sinh được 3-4 ngày, người vợ ra suối tắm rửa sạch sẽ rồi từ đó cõng con trên
lưng mà làm việc như thường. Trẻ con lớn lên được người lớn tập cho uống
rượu và hút thuốc, nên không một người nào mà không sành hai món đó, kể cả đàn
bà.
Người Roglai không biết tính ngày tháng. Nhưng họ quả quyết
rằng có thai con trai trong chín tháng, con gái trong 10 tháng.
Khi có người chết, nếu là thân nhân của vị chủ làng thì xác được
bỏ vào hòm làm bằng một thân cây khoét lỗ, nếu là thường dân thì bó bằng vỏ
cây. Hi liệm có ông thầy cúng làm phép, xong đốt nhang đèn và để hòm đó mấy
ngày, tụ họp họ hàng, làng xóm ăn uống no say rồi mới chôn. Mỗi ngôi mộ
có một cái trại bằng lá, dụng cụ chia gia tài cho người chết được treo ở trại,
giáp năm thì đốt cháy hết.
Người Roglai thờ Nhang. Mọi việc phưóc tội đều do Nhang định
đoạt, cho nên khi làm việc gì họ cũng phải cúng Nhang trước. Khi đau ốm
cũng cúng Nhang. Họ không có tục ăn Tết, mà có “mùa uống rượu” sau khi
gặt hái xong, khoảng từ tháng 12 dương lịch đến tháng tư năm sau. Họ
chuẩn bị mấy vò rượu cần từ nửa tháng trước. Gia chủ giết trâu bò, heo
gà, mời dân làng và các làng lân cận đến ăn uống, thanh niên nam nữ thì múa
nhảy ca hát, uống đến khi say mèm và ngủ thiếp cho đến hôm sau mới về. Có
khi làng này cách làng kia 5-7 cây số đường rừng, họ cũng rủ nhau đi, nhà này
tiếp đến nhà kia tiệc tùng liên miên.
Người Roglai cũng có những sự kiêng cữ, chẳng hạn như không được
dùng dao rựa chặt vào cây trong rẫy, vì họ tin có Nhang ngự trị trong
rẫy. Sau mùa gặt họ cúng Nhang xong xuôi mới đốn củi trong rẫy. Họ
kiêng không lấy cái rế chụp trên đầu trẻ con, vì đứa trẻ sẽ bị cọp ăn.
Khi ăn cơm những dụng cụ nhà bếp bằng đất không được đem tới bên cạnh mâm cơm,
vì sợ bị chết, bằng kim khí thì được. Các đồ nấu cũng không được đem từ
nhà này qua nhà khác, không được giặt hay tắm rửa phía trên dòng suối lúc có
đàn bà đang tắm giặt phía dưới. Khi đổ gạo vào nồi thì phải lấy gáo hay
chén múc nước đổ vào, chứ không được nhúng nồi xuống nước mà múc, vì làm như
vậy sẽ gặp tai nạn. Khi khách đến nhà họ mời rượu, khách phải uống và mời
lại họ, họ mới vui lòng.
Ảnh số 35: Trung tâm thực nghiệm Nha Hố (ảnh của Lương Văn
Hoà)
C- PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI THƯỢNG CHURU
Người Churu là một bộ lạc thuộc dòng Koho, sống nhiều ở vùng Đơn
Dương, lan xuống các vùng núi phía Tây Nam Ninh Thuận. Koho nguyên là
tiếng Chàm dùng chỉ những người dân sơn cước không thuộc dòng Chiêm Thành, về
sau được dùng để chỉ bộ lạc Thượng sống trên cao nguyên Di Linh.
Phong tục tập quán của người Churu gần giống với người Rhadé và
Roglai. Về nhà cửa, họ cũng ở nhà sàn, nhưng gác cách mặt đất từ 2 thước đến
3 thước, trong cũng chia ra buồng ngủ, phòng khách như người Rhadé. Phục
sức của đàn ông cũng là chiếc khố và của ngưòi đàn bà là chiếc “yêng” dài tới
bắp chân.
Khi sanh nở, sản phụ được nằm trong một góc nhà, do bà mụ trong
buôn đến săn sóc, sau khi sanh cũng được uống thuốc sắc bằng các thứ lá và rễ
cây phơi khô như người Roglai.
Khi trong nhà có người chết, cả làng sẽ đến giúp tang chủ làm áo
quan và tẩm liệm, gia chủ phải mổ trâu bò cúng lễ và đãi làng ăn uống.
Xác chết để trong nhà 2-3 ngày mới chôn. Trong một đại gia đình chỉ có
một nhà, chôn chung tất cả thân quyến chết vào một hố, người chết sau nằm đè
lên người chết trước. Một hai năm sau, đến ngày giỗ, thân quyến đến thăm
lần cuối cùng sau khi đã giết trâu bò cúng lễ, rồi bỏ hẵn nếu trong gia đình
không có ai chết kế tiếp.
Khi người vợ chết, con cái phải để lại cho dì nuôi, bất đắc dĩ
giao cho người cậu.
Tài sản do hai vợ chồng làm nên đều để lại cả cho dì hay cậu lũ
trẻ. Người chồng trở về cha mẹ mình với hai bàn tay trắng. Thời
gian tang chế là một năm chung cho tất cả vợ và chồng. Nếu chưa mãn tang
mà muốn lập gia đình, đương sự phải biện lễ xin phép gia đình vợ hay chồng.
Người Churu cũng theo chế độ mẫu hệ, gái đi cưới chồng. Khi
một cô gái ưng một chàng trai nào thì tin cho cha mẹ biết, sau đó lảng vảng
trước nhà để chàng trai có dịp tìm hiểu. Tuy vậy, khi có người đến dạm
hỏi, chàng trai cũng e lệ như cô gái Kinh, nên cũng từ chối lấy lệ hai ba lần,
khiến cho nhà gái phải nhờ người mai mối năm bảy lượt mới xong. Theo tục
lệ, dù cha mẹ đàng trai bằng lòng cũng phải chờ sự chấp thuận của người con
trưởng, việc hôn nhân mới thành tựu. Nếu người con trưởng ở xa, phải bằng
mọi cách báo cho biết, nếu không sau này người ấy trở về vẫn bắt vạ và nọc cả
hai ra đánh đòn.
Được sự đồng ý của nhà trai, ít hôm sau nhà gái đem lễ vật sang ăn
uống rồi trước mặt họ hàng, nhà gái lấy hột cườm chia cho tất cả trẻ con, người
lớn trong nhà để làm chứng, đeo vào cổ cô dâu chú rể mỗi người một chuỗi và vào
tay chiếc nhẫn cưới bằng bạc. Có nhà chỉ trao đổi vòng đồng. Cũng
trong dịp này, hai bên cha mẹ thoả thuận với nhau về đồ lễ.
Vài hôm hay mấy tháng sau, nhà gái sang rước rể, họ hàng lại họp
ăn uống, bà con đem đồ đạc, trâu bò, lúa giống v.v… đến tặng chàng trai làm của
hồi môn. Ăn uống bên nhà trai xong, họ hàng đưa chú rể về nhà vợ. Ở
đây mâm cộ lại dọn ra thết đãi hai họ cho đến khuya, vào khoảng nửa đêm, họ
hàng sẽ làm lễ nhập phòng cho đôi tân hôn. Cả họ đưa chú rể vào phòng mới
trở ra.
Tuần lễ sau, hai vợ chồng trở về nhà chồng ở một vài tháng, trong
thời gian này người vợ làm việc để gọi là đền ơn trả nghĩa. Một năm sau,
nếu hai vợ chồng làm ăn khá giả, lại trở về nhà chồng đem theo hoa lợi kiếm
được do của hồi môn để biếu cha mẹ chồng.
Nếu đôi trai gái lấy nhau không được sự đồng ý của cha mẹ thì nhà
gái phải đền vạ cho nhà trai, thường thì một con heo lớn làm thịt để đãi
làng. Vợ chồng có thể xin ly dị nhau, người khởi xướng phải đền cho người
kia từ hai đến bảy con trâu nếu có duyên cớ chính đáng, 15 con trâu nếu không
có duyên cớ.
Trường hợp phạm gian bị bắt quả tang, gian phu dâm phụ phải bồi
thường 15 con trâu cho kẻ bị bội phản trong số đó có một con giết đãi
làng. Nhưng nếu nạn nhân xin ly dị thì người chồng phạm gian chỉ bồi
thường một nửa. Trái lại người vợ phạm gian phải trả đủ. Trước
chiến tranh, theo tục lệ, người quyến rũ chồng hay vợ thường bị thủ tiêu, không
cần chờ đền vạ.
Trường hợp loạn dâm, người làng sẽ bỏ rọ cả hai thả trôi sông một
quãng vớt lên, rồi mọi người thay nhau đánh đập tội nhân, sau mới đưa ra mắt vị
tộc trưởng xử trị.
Người Churu theo quan niệm đa thần, hiện tượng thiên nhiên nào đối
với họ cũng đều do một vị thần cai quản, tuy nhiên mỗi gia đình được tự ý lựa
chọn vị thần hộ mệnh. Khi ốm đau, bệnh tật, cầu nắng, cầu mưa, cầu mùa
màng v.v… họ đều cúng bái vị thần ấy. Đặc biệt khi cúng thần, họ giết
trâu bò, còn khi cúng giỗ thì chỉ giết heo gà.
Người Churu không có lễ Tết, nhưng mỗi năm họ có một tháng ăn chơi
gọi là “tháng quên”. Thường cuối mùa nắng, trước khi đốt rẫy làm
mùa, họ tạm đình công việc trong một tháng, tổ chức ăn uống linh đình, làng nọ
kéo qua làng kia dự hội. Ngoài ra họ còn vào rừng săn thú hoặc xuống suối bắt
cá làm thú tiêu khiển, hết “tháng quên” họ bắt tay vào việc, và đốt rẫy xong là
gặp mùa mưa.
Ở đây người ta cũng có sự kiêng cữ giống như người Roglai. Ngoài
ra còn kiêng không gọt cam hay trái cây trong nhà. Không được bắn chim, không
được vào buồng họ để thay quần áo, và không được để quần áo trên đầu giường.
NON NƯỚC NINH THUẬN
Tác giả NGUYỂN ĐÌNH TƯ
PHẦN HAI (B)
Công trình đánh máy: Ông và Bà Nguyễn Nghiêm
Hiệu chỉnh kỹ thuật: Lê Tự Do
Lần đầu tiên được đăng tải trên Diễn Đàn Ái Hữu Ninh Thuận 04/2007
KÍNH DÂNG
ANH LINH CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ HY SINH CHO TRƯỜNG TỒN CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM
MỤC LỤC
LỜI NÓI ÐẦU
PHẦN THỨ NHẤT: CẢNH ĐẸP THIÊN NHIÊN
Chương 1: GIỚI THIỆU
Chương 2: ĐỊA CHẤT
Chương 3: NÚI NON
Chương 4: SÔNG NGÒI
Chương 5: ĐỒNG BẰNG
Chương 6: BỜ BIỂN
Chương 7: KHÍ HẬU
Chương 8: DANH LAM THẮNG CẢNH
PHẦN THỨ HAI: TAY NGƯỜI TÔ ÐIỂM
A
Chương 1: Lịch sử
Chương 2: Di tích lịch sử
B
Chương 3: Phong tục tập quán của đồng bào Kinh
Chương 4: Phong tuc tập quán của đồng bào Sắc Tộc
C
Chương 5: Tôn giáo
Chương 6: Nhân vật
PHẦN THỨ BA: NGUỒN LỢI KINH TẾ
Chương 1: Tài nguyên
Chương 2: Hoạt động nông nghiệp
Chương 3: Hoạt động ngư nghiệp
Chương 4: Muối Cà Ná
Chương 5: Ðường giao thông
HẾT
PHẦN THỨ HAI
(B)
CHƯƠNG III
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO KINH
Ninh Thuận là vùng
đất mới, lại do khí hậu nóng bức, ruộng đất khô cằn nên người Việt di cư đến
đây lâp nghiệp hồi xưa rất ít. Trước khi có những công trình thuỷ lợi cải tiến
nông nghiệp, vùng đất này có thể nói vẫn là quê hương riêng của người Chàm trên
thực tế. Người Việt chỉ đến sinh cơ lập nghiệp tại vùng hạ lưu ven sông
Phan Rang làm nghề nông và ven biển làm nghề đánh cá.
Chỉ khoảng 80 năm gần
đây, sau nhiều phong trào ái quốc thất bại, một số đồng bào gốc các tỉnh miền
ngoài chạy tới đây, tìm các nơi hoang vắng xa xôi làm rẫy, khẩn hoang để tránh
con mắt dòm ngó của bọn quan lại phong kiến và thực dân Pháp. Từ đó số
người Việt tại Ninh Thuận dần dần tăng lên, một số thôn ấp, trang trại tân lập
do đó mà xuất hiện thêm.
Chính vì vậy phong tục tập quán của đồng bào Kinh tại Ninh Thuận không có gì nổi bật, có khi còn đơn giản hơn các tỉnh miền ngoài.
Về phương diện tôn giáo, đại đa số dân chúng đều theo Phật Giáo, vì đây là tôn giáo xưa nhất. Tôn giáo thứ hai cũng quan trọng là Thiên Chúa giáo, vì số tín đồ tương đối đông, nhất là từ ngày có phong trào di cư sau hiệp định Genève. Những năm gấn đây, một vài cơ sở Tin Lành giáo, Cao đài giáo và Baháʼí giáo được thiết lập, nhưng số tín đồ hãy còn ít lắm.
Cũng như tất cả mọi nơi trong troàn quốc, trừ các tín đồ của Thiên Chúa giáo, và Tin Lành giáo, các tín đồ các tôn giáo khác, hoặc những người không theo tôn giáo nào, vẫn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào cũng có một bàn thờ gia tiên, vào ngày mồng năm và tết Nguyên Đán, các ngày kỵ giỗ, con cháu đều cúng bái theo tục lệ cổ truyền.
Về phương diện tôn giáo, đại đa số dân chúng đều theo Phật Giáo, vì đây là tôn giáo xưa nhất. Tôn giáo thứ hai cũng quan trọng là Thiên Chúa giáo, vì số tín đồ tương đối đông, nhất là từ ngày có phong trào di cư sau hiệp định Genève. Những năm gấn đây, một vài cơ sở Tin Lành giáo, Cao đài giáo và Baháʼí giáo được thiết lập, nhưng số tín đồ hãy còn ít lắm.
Cũng như tất cả mọi nơi trong troàn quốc, trừ các tín đồ của Thiên Chúa giáo, và Tin Lành giáo, các tín đồ các tôn giáo khác, hoặc những người không theo tôn giáo nào, vẫn giữ phong tục thờ cúng tổ tiên. Gia đình nào cũng có một bàn thờ gia tiên, vào ngày mồng năm và tết Nguyên Đán, các ngày kỵ giỗ, con cháu đều cúng bái theo tục lệ cổ truyền.
Ngoài
các ngày kỵ giỗ không nhất định của mỗi gia đình, sau đây là các tục lệ chung,
trước 1945 tất cả các gia đình không Công giáo đều theo, nay một số không theo được
đầy đủ hoặc đã đơn giản hoá đi nhiều.
Ảnh số 23: Đền Trần Hưng Đạo (ảnh của tác giả)
Ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời, các gia đình đều có làm lễ, lễ vật thường có một bộ đồ giấy: áo và các thứ đồ dùng, không có quần, bắt buộc phải có xôi chè. Nhà có trẻ con thì phải làm thịt một con gà cồ mới tập gáy, có ý nhờ ông Táo xin với Ngọc Hòang cho đứa trẻ lớn lên đầy nghị lực và sinh khí, hiên ngang như chú gà cồ dậy thì vậy.
Sau lễ đưa ông Táo một số gia đình đi xủi mã, còn một số khác chờ đến lễ Thanh Minh.
Tối 30 tháng chạp âm lịch là lễ rước ông bà, lễ vật không bắt buộc, nhưng đại thể thì có mâm cộ, nhiều ít tuỳ theo gia đình, và dựng nêu, ngày nay người ta thay vào cây quốc kỳ và Phật kỳ. Theo tập tục, người ta đổ lúa vào cối xay có ý cầu mong sang năm gia đình được sung túc. Chổi quét nhà dù cũ hay mới gì cũng bỏ hết thay lớp khác.
Đêm giao thừa, các gia đình đều có cúng đầu năm, lễ vật bắt buộc phải có bánh tét. Sáng mồng một người ta kiêng cữ, người khó tánh, kẻ có tang không nên đến xông đất nhà ai, vì sẽ mang đến sự xui xẻo cho gia chủ.
Ảnh số 23: Đền Trần Hưng Đạo (ảnh của tác giả)
Ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày đưa ông Táo về trời, các gia đình đều có làm lễ, lễ vật thường có một bộ đồ giấy: áo và các thứ đồ dùng, không có quần, bắt buộc phải có xôi chè. Nhà có trẻ con thì phải làm thịt một con gà cồ mới tập gáy, có ý nhờ ông Táo xin với Ngọc Hòang cho đứa trẻ lớn lên đầy nghị lực và sinh khí, hiên ngang như chú gà cồ dậy thì vậy.
Sau lễ đưa ông Táo một số gia đình đi xủi mã, còn một số khác chờ đến lễ Thanh Minh.
Tối 30 tháng chạp âm lịch là lễ rước ông bà, lễ vật không bắt buộc, nhưng đại thể thì có mâm cộ, nhiều ít tuỳ theo gia đình, và dựng nêu, ngày nay người ta thay vào cây quốc kỳ và Phật kỳ. Theo tập tục, người ta đổ lúa vào cối xay có ý cầu mong sang năm gia đình được sung túc. Chổi quét nhà dù cũ hay mới gì cũng bỏ hết thay lớp khác.
Đêm giao thừa, các gia đình đều có cúng đầu năm, lễ vật bắt buộc phải có bánh tét. Sáng mồng một người ta kiêng cữ, người khó tánh, kẻ có tang không nên đến xông đất nhà ai, vì sẽ mang đến sự xui xẻo cho gia chủ.
Qua ngày mồng hai trở đi, người ta làm lễ tết nhà, lễ vật được bày lên bàn đặt
giữa nhà, gồm có một đĩa hay một tô gạo đầy, các loại bạc, một đĩa trầu cau
xoay tròn, 12 đĩa bánh tết, 6 đĩa đường, vàng bạc giấy, nhang đèn. Cúng xong,
vàng bạc giấy được dán lên các cửa nhà.
Gia đinh nào có nuôi trâu thì làm lễ tết trâu, mỗi con trâu đực cúng một đòn
bánh tét, mỗi con trâu cái một cặp bánh chưng, vàng bạc giấy và nhang
đèn. Cúng xong, dán vàng bạc giấy lên cửa chuồng trâu.
Người làm rẫy thì tết rẫy, đem lễ vật ra rẫy cúng, ngoài bánh trái, vàng bạc
giấy, nhang đèn, có thêm một con gà luộc. Người làm biển thì tết
ghe. Tóm lại làm nghề gì thì tết nghề đó, cốt ý cầu mong năm mới làm ăn sẽ
phát đạt, kết quả tốt đẹp. Đến ngày mồng bốn hay mồng sáu thi lễ đưa ông
bà, cũng gọi là cúng tất. Ngày mồng năm là ngày nguyệt kỵ nên không gia đình
nào cúng tất vào ngày đó. Đến mồng bảy thì hạ nêu, không có cúng kiếng gì cả.
Đến rằm tháng giêng là tiết Thượng nguyên, các gia đình đều có làm lễ gia tiên,
thổ địa và các cô hồn, nhưng không phải gia đình nào cũng cúng như nhau.
Chỉ gia đình nào có lời hứa nguyện trước thì mới dùng hình thức cúng ngoài sân,
nếu không thì chỉ cúng nơi bàn thờ gia tiên mà thôi. Khi cúng ngoài sân
người ta bày biện lễ vật thành ba cấp. Trên hết là bàn thờ gia tiên, bàn
thứ hai là bàn thờ thổ địa, nơi nào cũng có hương đăng, hoa quả, xôi chè, bánh
trái. Còn cấp thứ ba gồm một hay hai cái nia đặt xuống đất, trong đó
người ta để bánh cấp, bánh cúng, vàng bạc giấy, bên cạnh có để một vò nước,
chưa rõ ý nghĩa như thế nào, trên miệng có cái gáo.
Ngoài ra, trong năm còn lễ Thanh minh vào tháng ba âm lịch, lễ Trung nguyên, Hạ
nguyên và các lễ trong gia đình, nhưng không có gì đặc biệt, cũng giống như các
nơi khác. Tại Ninh Thuận không có tục cúng cơm mới.
Một số gia đình có tục cúng đất (lễ Thổ trạch) là tục lệ mà chúng tôi đã trình
bày trong NON NƯỚC PHÚ YÊN và NON NƯỚC KHÁNH HOÀ. Tuy nhiên ở đây cũng có một
vài điểm hơi khác hai tỉnh nói trên, chúng tôi trình bày thêm để các bạn tiện
tham khảo.
Mùa cúng đất thường lệ vào tháng ba âm lịch, ngày thì chọn ngày tốt tuỳ theo
tuổi gia chủ. Trong lễ này gia chủ phải nhờ thầy Pháp. Người ta đặt
một cái bàn giữa sân, day mặt về hướng đại lợi hợp với tuổi của gia chủ.
Trên bàn có bình bông, nải chuối và con gà luộc để nguyên, xôi chè với một bộ
đồ giấy có bán sẵn ngoài chợ gồm các hình vẽ con cọp, hình người ghe thuyền
v.v… Dưới đất trải chiếu, trên có để năm cái đĩa làm bằng bẹ chuối. Trong
mỗi đĩa để một ít thịt gà chặt vụn, cá nhám luộc xắt quân cờ. Bên cạnh có
mâm cơm dành cho chư ngung Man nương, trong mâm có cá khô nướng, đĩa rau luộc,
chén mắm nêm, một con gà luộc để nguyên, một bộ tam sên (3 con cua hay tôm, một
cái trứng, một miếng thịt ba rọi đều luộc chín), xôi chè, chén gạo, chén
muối. Đặc biệt còn có một cái thuyền bằng bẹ chuối, một cái cung và năm
mũi tên.
Bắt đầu làm lễ gia chủ khăn áo chỉnh tề, đứng vào chiếu, hướng mặt về bàn cúng.
Thầy pháp đứng một bên, đốt nhang đèn, xướng cho gia chủ lạy ba lạy, rồi Thầy
pháp đọc:
"Phục dĩ
Càn khôn tạo hóa hỗn độn sơ phân
Định tam tài bát quái chi cung
Vận tứ quí ngũ hành chi sơ
Sơn xuyên thảo mộc, hoa quả chi trung
Thị nhựt kim thời tỉnh Ninh Thuận, quận…xã…ấp
Cung thỉnh.
Cao các thành hoàng đại vương chi thần thỉnh đáo lai lâm thỉnh đồng hiệp tạ.
Thái giám bạch mạ linh quan chi thần đồng lai hiệp tạ
Thiên Y A Na Diện phi chúa ngọc bỗng nương, phổ tế chi đức Thượng đẳng thần
đồng lai hiệp tạ
Kim niên hành binh, hành khiển chi thần
Bổn gia hương nhoá tư mạng táo quận.
Đương cánh thổ địa chi thần
Tả bản liệt vị chi thần
Bổn thổ quan cai ngũ phương chư ngung Man nương phu thê nhị vị vãng
thần.
Môn thừ hộ qúy trung lự tỉnh táo liệt vị đẳng thần đồng lai hiệp tạ."
Tiến đến thầy pháp rót rượu, rót trà mời chư thần, gia chủ lạy ba lạy.
Sau đó thầy pháp đốt đồ giấy, lấy đũa gắp mỗi thức ăn bày nơi chiếu, một chút
bỏ vào thuyền chuối, truyền cho người nhà mang ra thả xuống sông, ngụ ý chở đi
các tai nạn để gia chủ khỏi vướng trong năm.
Sau cùng là bắn cung. Trước khi bắn, thầy pháp đọc chú như sau:
"Pháp sư vâng chỉ linh thần đại tướng, tiểu vương, lãnh ngọc thủy cung, trường quái mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc. (Giơ cung lên nói) Cung này luyện hơn năm khối sắt, dây đúc bảy cân đồng, (giơ tên lên nói) năm tên này ở núi Xuy Phong, hiệu nó Tô Ngũ Tiễn, tướng Tiểu Vương thuở trước, kỵ bạch mã cung tên, đời Nghiêu Vương đế vị, Trương Hườn xạ thập nhật tiêu trừ sắc xá. Đời Nghiêu vương mới khiến Nghi thiện xạ ra tay, trương cung lên nhờ có cao dày, tự nhiên mất trên trời chín mặt. Dưới đất trừ loại trùng độc, lai diệc xạ Đông phương hích hích (bắn một mũi tên về hướng Đông), lại diệc xạ Nam phương hích hích, xạ quái mộng, quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên). Lại diệc xạ Tây phương hích hích, xạ quái mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên). Lại diệc xạ Bắc phương hích hích, xạ quái mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên). Lại diệc xạ Tây Nam phương, xạ quái mộng quái mị, xạ hung thần hắc sắc (bắn một mũi tên sau cùng)." Bắn hết năm mũi tên, thầy pháp bẻ cung vứt đi luôn.
Thế là mãn khoá lễ, mọi người hạ mâm xuống đánh chén vui vẻ.
Sau những hình thức cúng bái trong gia đình, chúng tôi xin trình bày các nghi thức tế lễ , tam sinh hương đăng nên những tục lệ rườm rà, phức tạp và đòi hỏi ít nhiều kiến thức mới am hiểu, không được những người di cư mang đến.
Điều nhận xét của chúng tôi không phải là võ đoán, vì xét ngay tại Phan Rang là nơi phủ lỵ, đạo lỵ rồi tỉnh lỵ, không có văn thi thờ Khổng Tử và thất thập nhị hiếu, không có đàn xã tắc, miếu thần nông thì đủ thấy các lệ nghi tại đây bị coi nhẹ.
Đến như ngôi đển thờ Thành Hoàng mà cũng chỉ một số rất ít làng cũ có thôi….còn chùa chiền thì không thuộc sở hữu công cộng của làng mà do các vị tăng đi hoằng pháp tạo nên và tín đồ phát tâm trợ giúp. Vì lẽ đó, việc tế đình hàng năm, việc làm chay thí thực vào rằm tháng bảy không phải là việc tế lễ chung của các làng như ở các tỉnh miền ngoài, mà là việc riêng của làng nào có đình hoặc của nhà chùa mà thôi.
Về nghi thức tế lễ thì cũng có chánh tế, bồi tế, thông xướng, có người đi đìện, có cổ nhạc, chiêng trống, lễ vật thì có trầu rượu, tam sinh hương đăng. Sau đây chúng tôi xin ghi lại bài văn tế đình vào dịp Xuân Thu nội dung cũng rất đơn giản (1)
"Tuế thứ…niên…nguyệt kiến…Việt…nhật…., Ninh Thuận tỉnh…xã…thôn.
Chủ tế…(mộ), bồi
tế…(mộ), Đông hiến…(mộ), Tây hiến (mộ).
Cẩn đi bàn soạn hương đăng, tư sinh quả phẩm, thứ phẩm chi lễ.
Cảm cáo vụ:
Bổn cảnh Thành Hoàng.
Quản hậu chánh trực hộ thiên đôn ngung khâm mông sắc tặng:
Dực bảo Trung hưng bửu chiến đàm ân lễ long đăng trật thượng đẳng thần,
Đại càn hoàng triệu Quốc Gia Nam Hải tôn thần.
Chiếc linh ứng tứ vị thánh nương vương tôn thần,
Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi thị ti linh quang Hồng nhơn phổ tế tôn thần.
Chưởng Thái Giám Bạch Mã tôn thần.
Tả ban liệt vị hữu ban liệt vi tôn thần,
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị âm thần
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị dương thần.
Đương niên Việt Vương Thiên Tào hành binh hành khiển chi thần, Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ chi thần.
Chu sơn quân chi thần
Tiền hiền khai khẩn chi vị
Hậu hiền khai khẩn chi vị
Ky:
Cẩn đi bàn soạn hương đăng, tư sinh quả phẩm, thứ phẩm chi lễ.
Cảm cáo vụ:
Bổn cảnh Thành Hoàng.
Quản hậu chánh trực hộ thiên đôn ngung khâm mông sắc tặng:
Dực bảo Trung hưng bửu chiến đàm ân lễ long đăng trật thượng đẳng thần,
Đại càn hoàng triệu Quốc Gia Nam Hải tôn thần.
Chiếc linh ứng tứ vị thánh nương vương tôn thần,
Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi thị ti linh quang Hồng nhơn phổ tế tôn thần.
Chưởng Thái Giám Bạch Mã tôn thần.
Tả ban liệt vị hữu ban liệt vi tôn thần,
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị âm thần
Hạt cảnh thượng, trung, hạ chư vị dương thần.
Đương niên Việt Vương Thiên Tào hành binh hành khiển chi thần, Kim Mộc Thuỷ Hoả Thổ chi thần.
Chu sơn quân chi thần
Tiền hiền khai khẩn chi vị
Hậu hiền khai khẩn chi vị
Ky:
Thiên thiên lực sĩ, vạn vạn tinh binh đồng lai phối hướng.
Viết cung dùy
Âm dương kiết tú
Hà nhạc chung linh
Bất khả độ thẩn khả xạ
Thị vô hình thính vô thành
Thành tắc cảm thông,
Quyền cơ mạc trắc
Hiển hữu linh ứng
Thạnh Đức nan danh
Thích dương xuân lịnh,
Tái thiết tế nghi tư sinh (con heo)
Nguyện kỳ giảm cách
Tích dĩ hoà bình
Tỷ an ấp lý
Bá độ duy hinh, chi gia huệ giả.
Cẩn cáo “
Lược dịch:
"Năm…(âm lịch), tháng….(âm lịch), kiến….việt…ngày...(âm lich)
Tại tỉnh Ninh Thuận, quận….xã…..thôn…
Chủ tế là ông… Phụ tá là ông… trợ giúp hành lễ ở phía Đông là
ông……ở phía Tây là ông…..
Thành kính sửa soạn hương đèn, heo sống , hoa quả, lễ phẩm các thứ,
dâng lên và trình với chư vị thần linh :
( xướng tên các vị thần trong nguyên văn)
…………………………………………..
Kính thưa rằng:
Chư vị là do:
Khí tốt âm dương gây dựng,
Hồn thiêng sông núi un thành
Không thể đo dò nhưng vẫn thơm ngát,
Xem không thấy hình dáng, nghe không có tiếng vang
Ai có thành tâm ắt được sự cảm thông
Biến hoá không thể ước lượng được
Sự linh ứng quá rõ ràng
Ân đức ban bố nhiều không thể nói được.
Nay nhân tiết trọng Xuân
Đồng dâng biện lễ phẩm gồm có con heo.
Nguyện xin thần linh chứng giám,
Để phù hộ cho đất nước thanh bình,
Xóm làng an lạc,
Trăm họ thảy đều mạnh khỏe.
Lại mong chư vị tôn thần ban thêm ân huệ
Nay kính“
Ngoài ra còn có một số đền miễu thờ các vị thần có tên hiệu rõ
ràng do hội tư nhân hoặc dân trong ấp (làng cũ) phụ trách việc tế tự.
Tại thị trấn Phan rang có chùa Ông của đồng bào Việt gốc Hoa thuộc bang Quảng Đông ở ngay chợ, kiến trúc theo cùng một kiểu như tất cả các chùa Ông ở các tỉnh. Chùa này lập từ hồi nào không rõ, chi biết trùng tu cách đây khoảng 60 năm, sơn phết rất đẹp. Chùa ông thờ Đức Quan thánh Đế quân. Hàng năm cứ vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, các tín đồ tụ họp làm lễ tế Xuân ngày 13 tháng 5 âm lịch, là ngày vía, và cứ cách một năm một lần (các năm Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất) vào tháng 7 âm lịch, chọn ngày tốt làm chay ba ngày đêm. Ở Nại cũng có chùa Bà cũng bang Quảng Đông thờ bà Thiên Hậu ngày vía là ngày 23 tháng 3 âm lịch, và cách một năm một lần như chùa Ông (các năm Sửu, Mẹo, Tị , Mùi, Dậu, Hợi) vào tháng 7 âm lịch, chọn ngày tốt làm chay ba ngày đêm. Trong những ngày có lễ, đồng bào Việt gốc Hoa ở Phan Rang kéo nhau xuống đây dự hội. Ngoài ra còn có chùa Ông khác của bang Hải Nam ở phía đi lên Tháp Chàm. Tại các chùa Ông chùa Bà đều có tục xin xăm, nhưng không có lên đồng.
Cũng tại Phan Rang, ngày đầu dương lịch đi lên Tháp Chàm.
Đối diện với trường trung học Duy Tân, có đền thờ Trần Hưng Đạo do hội Đào Viên
trông nom. Hội Đào Viên là một hội văn do một số thân hào nhân sĩ địa
phương thành lập, chính là để thờ ba vị anh hùng đời Tam Quốc đã kết nghĩa đào
viên, uống máu ăn thề quyết phò nhà Hán. Hội này cũng đồng thời thờ đức
Thánh Trần, vị anh hùng Việt Nam đã bao phen phá tan quân xăm lăng Mông
Cổ. Với đà phát triển của ý thức dân tộc, có lẽ hội nhận thấy người Việt
Nam thờ các vị anh hùng Trung Hoa là điều vô lý nên gân đây hội chỉ còn chuyên
trách vào việc thờ cúng vị anh hung dân tộc Trần Hưng Đạo mà thôi...
Hàng năm cứ đến ngày kỵ, 20 tháng 8 âm lịch, hội tổ chức cúng tế
theo nghi thức cổ truyền. Cũng như tất cả các đền thờ Thánh Trần khắp
toàn quốc, người ta cũng tổ chức lên đồng bóng và xin xăm.
Sau đây chúng tôi xin sao lục bài văn tế viết bằng quốc ngữ do cụ
cử nhân Hán học Tu Trai soạn và được đọc trong buổi lễ ngày 20 tháng 8 năm Quí
Tỵ (1953).
"Đại Vương xưa: Dòng đế Đông A
Giống tiên Nam Đảo
Thần Thanh Y ứng mộng Thánh Từ
Đất Tức Mặc chính nơi tọa thảo.
Chí anh hùng Nam Bắc xưng vương
Tay hào kiệt càn khôn đào tạo.
Văn võ toàn tài
Hiếu trung trọn đạo.
Ấn quốc công trọn quyền tiết chế, thuỷ lục hùng cường,
Giặc Mông Cổ vượt ải xăm lăng, nước nhà điên đảo.
Không nỡ để quân thù giày xéo, gươm Minh Phong trăm trận xông pha.
Đâu chịu nhìn đất nưóc đổi đời, hịch tâm huyết mấy lời khuyên bảo.
Binh thư yếu lược, mưu xuất thần nhập quỷ khó đo lường,
Sát đát hùng tâm, chi phá phủ trầm châu không núng náo.
Dưới nhung liền nỗ lực đua tài, nào Dã Tượng, Yết Kiều, nào Nghĩa
Xuyên, Hùng Thắng, theo Ngũ Lão khi công khi hãm, tranh phong ra cướp lũy đánh
thành.
Ngoài Hồ Lỗ kinh hồn mất vía, kìa Mã Nhi, Lưu Thẩm, kia Cơ Ngọc,
Toa Đô, theo Thoát Hoan hoặc tử hoặc đào, chung cuộc phải quăng cờ liệng giáo.
Sông Bạch Đằng, đò Vạn Kiếp, giết quân thù trả nợ giang sơn.
Ải Hàm Tử, bến Chương Dương, lập công lớn đủ Tay nha trảo.
Bảo tồn đất Việt ngàn xưa
Đánh đuổi quân Nguyên hai đạo.
Con Hồng cháu Lạc, chung nhau hưởng cảnh thanh bình.
Sông Nhị non Hùng, khỏi lọt vào tay cường bạo
Ôi! Chí hùng công cả, sánh Trưng Vương, Lê Tổ, muôn thưở hình
hương.
Đức trọng nghĩa dầy, đối Tản Lãnh, Lam Giang, ngàn thu thọ khảo.
Vườn An Lạc an nơi phiếm trạch, hoa thảo thê lương,
Đền Kiếp Bạc hiển thánh thiên tôn, xuân thu sùng bái.
Nay:
Nhớ ngày siêu thăng
Dùng lễ cẩn cáo
Tỏ niệm chân thành
Tấu nơi minh ảo.
Kính mong: phù trì lãnh thổ, dân phồn thịnh, nước an ninh.
Ban bố phước lành, trong phú cường, ngoài hòa hảo.
Thượng hưởng."
Tại chân núi Kiền Kiền, sát quốc lộ số 1, thuộc địa phận ấp Mỹ
Nhơn, trước thuộc làng An Nhơn, có lăng Ông (1) thờ Cai Cơ Bái Cương Hầu, Lăng
gồm có ba tòa nhà. Ngôi chánh diện ba gian, vách đá, lợp ngói âm dương, sườn và
cột bằng gỗ, trên có cổ lầu, trước có tiền đình. Một cái nhà Đông cũng
bằng gỗ, vách đá lợp ngói âm dương và một cái nhà trù cũng kiến trúc với các
vật liệu ấy. Năm 1946, khi Pháp trở lại chiếm Việt Nam, quân đội thực dân
đã dùng ngôi lăng này làm đồn binh. Chúng đã không ngần ngại phá phách và
lấy đá xây lô cốt phòng thủ. Việc thờ phụng bị trở ngại. Sau khi bọn
chúng bỏ đi thì ngôi làng hoàn toàn bị tàn phá.
Theo tài liệu ghi tóm tắt trong Đại Nam Nhất Thống Chí quyển 12,
Cai Cơ Bái Cương Hầu, không rõ tên họ là gì, là một võ quan đầu đời nhà Nguyễn
có công đánh dẹp sự chống đối của các sắc dân thiểu số ở Ninh thuận, khi chết
được phong làm phúc thần và lập đền thờ tại đây. Theo tục truyền thì lăng
này rất thiêng, ai đau yếu đến đây cầu nguyện đều được linh nghiệm.
Sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn còn giữ lại gồm có một đạo
về đời nhà Minh Mạng thứ 5 phong Phấn Võ Cai Cơ Bái Cương Phủ Quân chi thần,
một đạo về đời Thiệu Trị thứ 3 phong Phấn Võ Tường Oai Chi Thần, một đạo về đời
Tự Đức thứ 3 phong Cai Cơ Bái Cương Hầu, khải gia tặng Phấn Võ Tương Oai Chủ
Mãnh Ðoan Túc chi thần, một đạo về đời Đồng Khánh thứ hai phong Phấn Võ Chủ
Mãnh Ðoan Túc Dực Bảo Trung Hưng chi thần, một đạo vể đời Khải Định thứ 9 phong
Tiền Triều Khâm Sai Bái Cương Hầu Tôn Thần, nguyên tặng Võ Tương Oai Cú Mãnh
Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng, gia tặng Quang Ý Trung Đẳng thần.
________________________________________________________________
(1) Danh từ lăng ông thường được dùng để chỉ đền thờ Cá Voi.
Không hiểu sao người ta cũng gọi đền thờ một vị công thần là lăng Ông?
________________________________________________________________
Từ năm 1945 trở về trước, tại ngôi lăng này có lễ quốc tế, nghĩa
là quan đầu tỉnh hàng năm vào mùa Xuân phải đích thân tới đây làm lễ. Năm
Duy Tân thứ ba có chiếu chỉ nhà vua ra lệnh cho viên Quản đạo Ninh Thuận đích
thân tới lăng làm lễ với dân làng, lễ vật phải có một con heo. Mỗi lần có
một vị quan mới đổi đến Ninh Thuận, thì việc đầu tiên phải đến đây cũng như đến
đền thờ Cố Hỷ Phu Nhân làm lễ cầu an.
Nhưng từ sau chiến tranh bùng nổ, thời cuộc đổi thay, việc quốc tế
bị bãi bỏ, lăng miếu bị phá nát, hào lão và dân chúng thôn Nhơn Sơn thuộc xã
Khánh Hải mới rước sắc phong và bài vị về thờ chung với vị Thành Hoàng tại đình
làng. Hàng năm cứ đến ngày tế, dân làng tổ chức rước sắc ra lăng cách
thôn 18 cây số làm lễ, xong lại rước sắc về thờ tại đình, đây là bài văn quốc
tế:
"Niên…. nguyệt…. nhật….. thời…..
-Cảm cáo vu
Tiền triều công thần khâm sai Bái Cương Hầu tôn thần, nguyện tặng
Phấn Oai Chủ Mảnh Đoan Túc Dực Bảo Trung Hưng.
Chi thần, quốc tỷ dân nẫm trước linh ứng kim trước tặng Quang Ý
Trung Đẳng thần.
Viết cung duy:
Tôn thần
Sơn hà khí tác
Vũ trụ danh thùy
Tinh thần bất tán
Linh sang bằng y.
Tuy sinh tiền chi sự tích cách mạng, khí hùng yên tại.
Nhi tử hậu chi cử linh hách trạc, vô địch nhân tư.
Lịch triều tần gia tăng dũ, nhất phương vĩnh lại hội trì,
Vì đức kỳ thịnh hỹ,
Hữu công tắc tự, chi,
Kim giả tiết phùng Xuân trọng,
Lễ cụ phỉ nghi,
Phục kỳ cảm cách,
Vĩnh thuỳ tại tư
Hoà bình chi phúc,
Duy thần tích chi.
Công tư thanh cát,
Thứ đắc hàm hy,
Thật lại
Tôn thần chi phù trì dã”
Dịch ý như sau:
Năm .. tháng…ngày… buổi.
Dám trình rõ ràng lên:
Vị thần tôn kính ngài là Bái Cương Hầu, bậc công thần của triều,
nguyên lúc đầu được phong tặng hiệu Phấn Võ Tương Oai Chủ Mãnh Đoan Túc Dực Bảo
Trung Hưng chi thần, nhờ có công giúp nước an dân, xét thấy linh ứng rõ rệt nên
nay được phong hiệu Quang Ý Trung Đẳng Thần.
Thành kính rằng:
Sông núi đúc nên
Danh vang vũ trụ
Tinh thần không mất, oai linh sáng còn giữ nguyên
Tuy lúc còn sống đã gây nên sự tích rực rỡ,
Tiếng vẫn để đời.
Nên sau đã thác, anh linh còn hiển hách không ai là không biết.
Trải mấy triều vua đều tấn phong thêm chức,
Chốn này đã nhờ ơn giúp đỡ,
Đức đã thịnh lắm,
Kẽ có công phải được thờ phụng,
Nay nhân gặp tiết tháng hai,
Lễ vật đầy dủ
Kính dâng nghĩ tình chứng giám,
Lâu đòi không quên,
Phước được hoà bình, chỉ có thần mới cho được
Có công lẫn tư đều tốt đẹp, ngõ hầu được ân huệ lâu dài
Thực là nhờ ơn Thần đã giúp đỡ vậy.
Tại chân núi Ô Cam ở cực Nam tỉnh, sát quốc lộ số 1 và thiết lộ xuyên
Việt, có một cái miếu cũng thuộc loại quốc tế gọi là miếu Cố Hỷ Phu Nhân.
Miếu này không lớn bằng lăng Ông ở núi Kiền Kiền, nhưng cũng làm
bằng gỗ lợp ngói âm dương và vách đá, hướng ra mặt biển.
Theo tục truyền thì xưa kia, khi vùng đất này còn thuộc Chiêm
Thành, tại một làng kia trên bờ sông Dinh có một người đàn ông nuôi một bé gái
làm con nuôi. Khi bé gái đến tuổi dậy thì, nhan sắc mặn mà khiến ông cha
nuôi động lòng dục. Ông bèn hỏi ý kiến người xung quanh xem mình có công
nuôi nấng thì có quyền hưởng của trời không. Quái ác thay, những người
kia bảo là có quyền, ông ta bèn phạm tội loạn luân.
Bỗng nhiên năm đó trong vùng xẩy ra tai hoạ, bảo lụt mất mùa, dân
chúng trong vùng đổ tội cho cô con gái kia thông dâm với cha nuôi mà gây nên,
bên giết chết bỏ vào sọt thả trôi sông.
Bị thác oan, hồn cô gái không thể siêu thoát được, vẫn theo xác
trôi theo dòng sông Dinh ra biển, rồi theo ngọn gió mà hướng về Nam, đến vùng
biển Cà Ná, xác cô giạt vào chân núi Ô Cam, dân chúng địa phương vớt lên chôn ở
đó coi như một xác chết không có người nhìn nhận và lập am để thờ.
Dưới thời Nguyễn Ánh chống nhau với Tây Sơn, có lần tả quân Lê Văn
Duyệt (1) tiến quân qua đây, thấy bên đường có cái am, khói hương đang nghi
ngút, bèn dừng ngựa mà cầu nguyện xin phù hộ cho cuộc hành quân thắng lợi, khi
trở về sẽ cho tu bổ lại ngôi am.
Vì không biết rõ danh tánh, chỉ bằng vào truyền thuyết của dân
chúng kể lại, ông Lê Văn Duyệt mới tâu xin vua Gia Long phong hiệu cho vị thần
ngôi miếu này là Cố Hỷ Phu Nhân.
Tại ấp Sơn Hải (2) xã Dinh Hải, quận An Phước(3) có đền Ngọc Lâm
thờ Cá Voi mà dân chúng thường gọi là Dinh Ông. nVì dân chúng đã tản lạc nơi
khác và cũng không đến tận nơi khảo sát, chúng tôi chỉ thuật lại theo tài liệu
ghi trong Đại Nam Nhất Thống Chí.
Tục truyền rằng, ngày mồng hai tháng năm Nhâm Ngọ (4) người trong
thôn ra biển trông thấy một đoạn xương sống cá voi và một cái thùng vuông bằng
gỗ thông, trôi giạt vào bãi. Là dân chài lưới vốn sẳn lòng sùng kính đối
với cá voi, dân chúng bèn xúm nhau lại khiêng khúc xương, định bỏ vào thùng gỗ
đem chôn chỗ cao ráo, nhưng không làm sao khiêng nổi. Giữa lúc mọi người
đang hết sức kinh ngạc thì tự nhiên trong bọn có người quát to một tiếng và bảo
rằng: "không nên vội vàng, thần ta định ở đậu tại đây, không được
đem táng chỗ khác".
_______________________________________________________________
(1) Theo tài liệu trong Đại Nam Nhất Thống Chí, thì tướng Nguyễn
Vương là Tổng Phúc Hoà có dừng chân nghỉ đêm tại chân núi này, còn chuyện trên
đây là lời thuật lại của dân chúng địa phương.
(2) Ấp này đã bị xóa tên trong danh sách các đơn vị hành chánh
tỉnh Ninh Thuận vào năm 1969 vì dân chúng phải di cư nơi khác.
(3) Trong tài liệu Đại Nam Nhất Thống Chí được bổ túc đến đời
Thành Thái thứ 18 (1906), vậy năm Nhâm Ngọ theo dương lịch là các năm 1882 (đời
Tự Đức), 1822 (triều Minh Mạng),1762 ( đời chúa Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế
Nguyễn Phúc Khoát ).
________________________________________________________________
Dân chúng biết đó là vị thần phụ đồng phán bảo, nên không dám khiêng đi đâu
nữa, bèn táng ngay tại chỗ, lập đền thờ, đắp tượng bằng đất, sơn quét màu sắc,
còn cái thùng gỗ thì sơn đỏ để thờ sau pho tượng. Vị thần được suy tôn là
“ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn thần.”
Ngoài ra dọc theo bờ biển từ Vĩnh Hy vào đến Cà Ná, rải rác có các
lăng Ông khác và một số lăng nhỏ thờ cá voi, con cái được gọi là lăng Cô.
Vào các ngày vía, ngư dân tổ chức tế lễ linh đình, có rước phường hát bội về
hát ba đêm ngày. Các nơi sau đây có lăng Ông: Vinh Hy, Thái An, Tri Thủy,
Khánh Hội, Dư Khánh, Hải Chữ, Sơn Hải, Cà Ná; và lăng Cô thì ở Ninh Chữ, Sơn
Hải và Cà Ná.
Ảnh: Miếu Cậu (ảnh của Lương Văn Hoà)
Miếu Cậu:
Ngày nay Quốc lộ 11 được chỉnh trang lại, không còn đi trước miếu
nữa, không rõ rồi đây người ta còn có sùng bái miếu như từ trước? Hoặc giả
người ta có làm lại miếu để ngoảnh mặt ra đường cái?
Vị thần thờ trong miếu Cậu không rõ là ai, vì không có sắc phong,
chỉ nghe lời truyền miệng thì bảo trong đó thờ “ một Bà ba Cậu “ nhưng bà nào,
cậu nào, nguồn gốc ra sao thì không ai biết gì hết...
Theo ông từ Huệ một người ở Tri Thủy đã từng đi khắp tỉnh Ninh
Thuân, kể cả vùng rừng núi, thì Cậu là vị thần của Đồng bào Thượng. Dọc
các đường đi vào rừng sâu, nơi gốc cây, nơi mõm đá, người Thượng thường bày ra
một nơi thờ cúng, khiến cho Đồng bào kinh đi qua đem lòng sợ hãi và cũng mang
theo lễ vật, chuối chín và trứng vịt sống cúng để mong cầu sự an lành trên con
đường đầy nguy hiểm, ma thiêng nước độc, mà cọp rắn, có thể sát hại mình lúc
nào cũng được. Sau khi cúng xong, lễ vật đều để lại đó cả, và không hiểu
ai nơi rừng sâu hoang vắng này hưởng? Những người dễ tin tưởng thì cho là
Thần núi, các Cậu hưởng.
Vốn người không tin chuyện nhảm nhí và thắc mắc ai là người hưởng
những lễ vật ấy, nên có lần trên con đường mòn heo hút từ Vĩnh Hy đi lên rừng
vùng đồng bào Thượng Cà Tiên, ông đã núp sau bụi cây gần nơi có bàn thờ
Cậu. Khi một đoàn người lễ bái xong, tiếp tục lên đường, anh thấy mấy anh
Thượng trong bụi đi ra nhặt hết các lễ vật bỏ vào gùi, ông liền lấy đá ném, bọn
kia bỏ chạy trối chết.
Câu chuyện ông Từ Huệ kể ra phù hợp với việc lễ vật phải là trứng
vịt sống chứng tỏ người bày ra sự tín ngưỡng ấy cốt để buôn thần bán thánh, vì
trứng vịt sống có thể cất được lâu ngày.
Tuy biết là chuyện dị đoan mê tín, không ai có can đảm bác bỏ,
nhất là những người đi buôn Thượng hoặc các tài xế lái xe đò hay xe hàng chạy
trên đoạn đường đèo nguy hiểm mà sự sống chết chỉ trong giây lát và phó mặc cho
các đấng thiêng liêng.
Chúng tôi hỏi thăm một anh tài xế Thiên Chúa giáo, anh ta cũng bảo
dù mình không tin cũng phải theo, bởi vì các bạn đã làm như vậy, mình không làm
lỡ xảy ra tai nạn thì ân hận, mặt khác để cho khách trên xe được yên tâm, khỏi
có oán trách mình, nhất là sợ người ta mặc nhiên tẩy chay xe mình vì mình đã
không làm theo sự tín ngưỡng của họ. Vì lẽ đó mà miếu Cậu trở nên linh
thiêng vậy.
Sau cùng một hình thức lễ bái mà một số ít còn duy trì tại Ninh
Thuận là lễ Múa Bóng, tục gọi là Dâng Bông Hội Lễ.
Nguyên múa bóng là một cổ tục của Chiêm Thành do các bà Bóng phụ
trách. Trong xã hội người Chàm, Bà Bóng là người đưọc tôn qúy nhất, vì họ
vừa phái nữ (6) vừa đảm trách các sinh hoạt tín ngưỡng của dân. Muốn làm bà
Bóng phải có dòng, chứ không phải ai muốn làm cũng được.
Bà Bóng có nhiều chức từ thấp lên cao do công phu tu tập của mình,
mỗi lần được lên chức, gia đình và môn hộ phải tổ chức cuộc lễ trọng thể, tự
đài thọ mọi phí tổn, các lễ phong chức bà Bóng có:
Lễ - “Chà và múa” thứ nhất tổ chức đơn sơ, vì đây như là lễ mới
nhậm chức.
Lễ “Chà và múa” thứ hai tổ chức lớn hơn, phải qua hai đêm và trải
nhiều nghi thức phức tạp.
Lễ “Chà và múa” thứ ba cũng tổ chức lớn hơn như lễ thứ hai, trong
lễ này có ăn mừng, bà con dâng tặng lễ vật.
Bà Bóng phải kiêng cử thịt heo và thịt con nhông (7).
________________________________________________________________
(6) Người Chàm theo chế độ mẫu hệ, nên người đàn bà được quý trọng
hơn.
(7) Sự kiêng cử này có liên hệ đến truyền thuyết về vua Chế Bồng
Nga (xin xem lại chương cổ tích).
________________________________________________________________
Múa bóng là vũ điệu của các bà Bóng dâng lễ tại các đền tháp trong
những ngày lễ lớn. Có nhiều điệu múa khác nhau và người múa phải luyện tập hết
sức công phu. Tại tháp Bà Nha Trang trước 1945, mỗi lần cúng bái cũng có múa
bóng.
Khi người Việt di cư vào đây sống chung với người Chàm, các phụ nữ
Việt, nhất là những bà hay lên đồng lên bóng học theo điệu múa bóng và áp dụng
trong việc tế lễ thần linh, biến thành một tục lệ hoàn toàn Việt Nam.
Trong một vài thôn xóm, có một số các bà chuyên môn về múa bóng và được dân
chúng mời đến làm lễ như những thầy pháp.
Lễ múa bóng thường được tổ chức tại các miếu Bà, lăng Cô, nhà thờ
Đức Mụ (?) hay tại nhà riêng. Người ta làm một cái rạp lớn trước
sân miếu hay trước sân nhà... Chính giữa đặt một cái hương án, có lộng che,
trên đó có bày một cái long vị đề tên vị thần được cúng, hai bên có đèn nến,
bình bông, cộ chuối hay cộ bánh ngọt, phía trước có lư hương.
Hai phía trái và phải hương án còn có hai bàn khác cũng có long vị
để danh hiệu các vị thần bộ hạ của vị thần chính, gọi là Tả ban liệt vị và Hữu
ban liệt vị. Tại mỗi bàn cũng có bày các thứ hương đèn, hoa như bàn
chính.
Khi làm lễ , nếu gia chủ đủ điều kiện là một vị lão thành có chức
tước, hoặc là người đạo đức uy tín thì vào làm chủ lễ, thắp nhang khấn
nguyện. Trái lại thì phải nhờ một vị ở trong họ trong xóm thay thế làm chủ
lễ. Một ban cổ nhạc được mời tới để phụ họa theo điệu múa và lời kệ của
bà Bóng. Ban nhạc gồm có trống nhỏ, phèng la, đàn sáo và kèn.
Bà bóng đầu đội mũ kim cô, mình bận áo dài màu đỏ viền xanh, hoặc
màu vàng viền đỏ, lưng mang củn (gùi) màu có thêu hoa, chân mang vớ, trên đầu
đội một cái mâm, trên mâm có hình một ngôi tháp, hoặc để trên một trái dừa, hoặc
thắp đèn nến. Khi múa hai tay bà bóng vung vẫy, thân mình uốn éo, chân bước
qua lượn lại rất nhẹ nhàng, hoà nhịp với tiếng trống tiếng đàn, đầu lắc lư giữ
thăng bằng cho cái mâm không đổ, bà bóng còn dùng sức rung chuyển của toàn thân
tạo nên một sức ly tâm có thể nhắc nhẹ các mâm lên để di chuyển từ trên đầu
xuống vai, rồi từ vai xuống cánh tay, và ngược trở lại mà khỏi phải dùng đến
hai bàn tay. Đó là điều rất lạ.
Bà bóng vừa múa, miệng đọc bài kệ sau đây tuỳ từng trường hợp để
mời các vị thần đến chứng kiến cuộc lễ và ban phước lành cho gia chủ.
Những bài này không có gía trị về văn chương, nhưng có tính chất tài liệu, nên
chúng tôi xin ghi lại nguyên văn, có nhiều câu vô nghĩa hoặc tối nghĩa, lại có
câu bị thiếu sót vì nạn tam sao thất bổn, và cũng không biết tác giả là
ai. Nếu có vị nào thấy được những câu, những chữ bị chép sai xin vui lòng
bổ chính cho, thành thật cảm tạ:
THƯỢNG THIÊN
Đại khấu oai linh chí
Tiếng dâng chầu nhị vi Thượng Thiên
…………….sót một câu…………….
Oai linh bẩm thụ hào quyền quí nhơn
Xưa song thân nhờ dày âm đức
Mượn cửa từ dưỡng dục hôm mai
Phút đâu văn võ toàn tài
Sơn hà lưu khí tú tài chung linh
Huyền Thiêng từ thuở giáng sinh,
Anh hùng tuấn kiệt nên danh quân thần.
Tuổi đến tuần quan đang bạc sĩ
Trấn bốn phuơng sửa trị gần xa
Dậy nên nghiệp nước công nhà
Đức nhuần tỏ rạng oai ra vang rần
Phép hay giả vũ đằng vân
Công đồng nghị luận lãnh phần chép ghi.
Phục thừa Thánh Mẫu uy nghi,
Thần thông quảng đại một khi trau dồi.
Cưỡi ngựa hồng nhịp khoan chân bước
Trương cung sừng bắn luột lá dương
Thông hay chùy biến sở trường,
Bác ban võ bị lại nhường trượng phu,
Chí ước nguyền đôi ông mảnh tướng
Cưỡi đôi thần bạch tượng cửu gia
Ra tay phò hộ quốc gia
Lục thao tam lược ấy là gồm tinh...
Khắp thiên đình đều nhường quyền bính
Cùng trong Nam đề lịnh trở ra
Bắc phương đìều động can qua
Bày sai binh mã trở ra trấn thành.
Bạt chông gai hoành sơn chốn nọ
Quyết ra tay hùng hổ một phen
Phi sa tẩu thạch băng ngàn
Hô phong hoán vũ một cơn tức thì
Khâm thừa lãnh mạng ra đi
Bày sai tả hữu chánh vì quân cai.
Xưng danh hoàng Cả hoàng Hai
Tả phủ hữu phủ khâm sai triều đình.
Sắc phong chương đức trọng binh
Thần thông biến hoá hiển linh chẳng lầm
Khi thời Ông dạo sơn lâm
Ra chơi Phố Cát ầm ầm gió bay
Lại về chầu chực Phủ Giầy
Khi thời dạo khắp Đông Tây Điện đài
Khi chơi các cảnh bồng lai
Vầy đoàn tiên nữ thơ bài xướng ca
Về nơi phủ chánh quê nhà viếng thăm
Cứu người niên thiếu xuân xanh
Hoàn sanh cải tử nên danh tướng trời
Dạo chơi bồng đảo thiên thai.
Thần thông biến hoá nên tài tuấn anh
Tiết thu thiên một ngày hiển thánh
Quan dân đều cảm cảnh oai linh
Kính xin lập tuấn hạ tình(?)
Trừ tà trừ quỷ nên danh huân thần
Dương dương vị thánh vị thần
Tiêu tai giáng phước thiên xuân thọ trường.
Nam mô A Di Đà Phật (!).
NGŨ VỊ THÁNH BÀ
Kính dâng một nén hương tin
Trường sanh ngũ vị Thượng thiên thưở này
Chúng tôi trong giới lê dân
Khấu đầu vọng bái thánh ân cửu trùng
Con vua Thánh đế hành cung
Sớm khuya chầu chực điện rồng vào ra.
Sắc phong ngũ vị Thánh Bà
Kính tinh vi thủ ngôi là Tây Phương
Thánh Đế Thần Nữ tiên nương
Nguyện xin giáng hạ am đường chứng minh
Hắc đế Thần Nữ anh linh
Thần hương vọng bái thỉnh nghinh Bà về
Xich đế Thần Nữ tuyên phi
Giáng lai điện thượng hiến vì đăng hương
Huynh đế Thần Nữ trung ương,
Hành phong, hành vũ tứ phương thuận hòa
Phương phi yểu điệu năm Bà
Mày tằm mắt phượng đầu là tóc mây
Thanh tân cốt cách ai tầy
Hình dung nhan sắc khác rày trần gian.
Phụng thờ khắp hết sơn xuyên
Đâu đâu đều cũng sợ kiêng oai Bà
Lại mời ngũ vị đến nơi.
Tạm tần hiến tửu chén vơi chén đầy
Xuân thu ngũ Vị những ngày
Kim ngân lễ vật đáo lai phụng thờ
Nguyện xin tật bệnh tiêu trừ
Năm xung tháng hạn tiễn đưa ải ngoài
Lòng thành tin tưởng chẳng sai.
Cầu chi tất ứng phước Bà ban cho
Hương bay ngào ngạt thơm tho
Tâm thành lễ vật Bà cho độ trì
Năm bà quảng đại từ bi
Nam Tào Bắc Đẩu chép ghi lầu lầu
Xã thôn lập miếu khắp nơi
Xuân kỳ thu tế đời đời rạng danh
Dưỡng nuôi vạn vật chúng sanh
Mưa hòa gió thuận đủ dành ấm no
Sĩ công nông nghệ ban cho
Kim mộc hỏa thổ là đồ thổ nghi
Sắc làng ban xuống một khi
Tấu phong ngũ vị Tuyên Phi Thánh Bà
Cành dương rưới khắp muôn nhà
Thánh môn đệ tử âu ca thái bình
Ngài ban hài cốt trường sinh
Tam đông xuất nhập nông canh thọ trường.
Ảnh số 28: Chùa Ông ở Phan Rang (Ảnh tác giả)
THẬP NHỊ TRIẾU CÔ
Cô Cả khăn ngự áo chầu
Cô Hai vấn thuốc tiêm trầu dâng lên
Cô Ba chầu chực cõi tiên
Thiên đình trung giới thượng ngàn thuỷ cung
Cô Tư thiệt đã có lòng
Đêm ngày chầu chực đêm ngày vào ra.
Cô năm ở chốn hằng nga
Trở về lại đón ngã ba ghẹo người.
Cô Sáu hay nói hay cười.
Dương gian thiện ác lầm thời phải mang
Cô Bảy giữ bạc giữ vàng
Kiệu rồng ngai phụng lọng tàn phủ phê
Cô Tám dạo khắp sơn khê,
Tầm hoa hái quả đêm về tiến dâng
Cô Chín lịch sự thanh tân
Giữ bề trắp đậy y cân lược cài
Cô Mười chầu chực năm Ngài.
Dương gian cô bác thường ngày vào tâu
Cô Mười Một ở chốn sông cầu
Ra chơi xứ Huế vào chầu điện Ông,
Cô Mười hai chầu chực địên rồng
Thấy ai lịch sự bắt đồng vui chơi.
Khói đưa hương lửa ngãt ngào
Để người trăng gió vui sao lại buồn.
Hai hàng nước mắt nhỏ tuôn
Đã về âm phủ lại vương tay nàng.
Mẹ cha có một nhà vàng
Rêu rao cho thấu Ngọc Hoàng chuộc ra
May mà gặp đức Thánh Bà
Chư ông chư vị chầu Bà Chúa Tiên
Sau nhờ trên cõi Thượng Thiên
Đem hồn về đặng chầu bên điện rồng
Bây gìờ vui sướng vui thay
Hết hay âm phủ trong hay việc trần
Tuy là mượn của mẫu thân.
Một ngày là đạo tấn tần sinh ra.
Lấy gì đền nghĩa mẹ cha
Nên còn đứng bóng đặng mà làm tin
……………Sót một câu…………
Rập rình cho kẻ lịch thanh cô nường
Cô cho mua bán thủ thương
Vốn thời có một lời thường ba trăm
Đặng cùng sớm viếng tối thăm
Cám ơn Cô kể trăm năm chẳng rời.
Báo cho thời phải nghe lời
Một lòng hậu hạ một đời hiển vinh
Đồng anh linh chị có tình
Cô cho tài lộc trường sanh vi thường
Chữ rằng thánh giá phò khương
Cô giáng lưu phước kỷ cương đời đời.
MỜI VỌNG CÔ HỒN
Kính bày lễ vật sẵn sàng
Hai hàng nam nữ phần nhang vọng cầu
Lòng thành cung kính cao xa
Tôi xin Cô Bà giáng tọa oai linh
Đêm nay con cháu lòng thành
Đồng chư đệ tử cung văn khẩn cầu,
Hương chong đèn vọng làm đầu
Tiến dâng thành kính khấn chầu cô nương
Xin về giáng tại miếu đường,
Dụng kỳ lễ vật yến diên đặt bày.
Rượu huỳnh chén ngọc vui vầy,
Kính mời cô xuống dương gian chứng đàn,
Đêm nay con cháu cầu an
Cho nên đệ tử khấn nguyền Cô lên.
Luyện đồng luyện mạo luyện hình
Truyền ngôn chuyển ngữ phân minh tỏ tường
Cô về tòa thánh miếu đường
Xin Cô chiếu giám vội vàng chớ lâu
Chùa rách vách dựa quán cầu
……….Sót câu 8 chữ………….
Cô còn ở chốn phương trời
Cưỡi mây nương gió thảnh thơi du hồ
Mảng vui chén rượu câu thơ
Nơi ăn chốn ở quên đời bấy lâu
Cô nghe đệ tử khuyên mời
Toàn thân tiên thỉnh (?) rước mời cô lên.
Hoặc còn ở chốn huỳnh tuyền
Thường hay biến chuyển ngả nghiêng chuyện trò,
Hay là Cô dạo cảnh Tây Hồ
Đông Tây Nam Bắc đâu đâu sẵn sàng.
Nhơn nay thiết lập đàn tràng
Phân minh hiển hiện dương gian chớ chầy
Hay là Cô còn ở phương Tây
Âm thanh cực lạc theo thầy Thích Ca
Hay là Cô xuống chốn gian tà
Cùng bầy qủy sứ vào ra lạc loài,
Hay là Cô còn ở Thiên thai
Xa hoành trực mã chưa ai bạn cùng.
Hay là lảng vảng phương Đông
Ngao du Nam Bắc chưa thông chốn nào.
Khuyên Cô nghe lấy lời tâu
Nhất hô bá ứng mau mau mà về
Hay là Cô xuống âm ty
Phân minh hiển hiện vậy thì cho khôn
Hay là sút sảo oan hồn
Cũng về báo ứng kẻo lòng yêu đương
Hay là Cô phảng phất, Cô nương,
Hồn phiêu phách lạc biết phương chốn nào.
Hay là chầu chực Thiên Tào
Cùng về Bắc Đẩu ngôi sao chầu hoài,
Hay là còn ở tuyền đài
Tốc lai báo ứng ra đời hóa sanh,
Hay là thính pháp thính kinh
Xin về Tịnh độ siêu sinh thiên đình
Từ rày đã khỏi huỳnh tuyền
Lại lìa địa ngục về miền tiêu diêu
CHƯƠNG IV
PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO SẮC TỘC
Hiện nay, tại tỉnh Ninh Thuận có ba sắc dân thiểu số đang sống
chung với đồng bào Kinh, đó là người Chàm, người Roglai (Raglai) và người Chu
ru.
Trong ba sắc dân này, người Chàm chiếm một dân số tương đối đông,
khoảng 20.000 người, đã lưu lại trên mảnh đất này nhiều di tích lịch sử quan
trọng, và hiện còn duy trì được những phong tục tập quán cổ truyền về các khía
cạnh sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy trong chương này, chúng tôi dành nhiều
trang hơn để trình bày những nét độc đáo ấy cống hiến quý bạn.
A. PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO CHÀM
Hiện nay tại tỉnh Ninh Thuận, một số đồng bào Chàm đã sinh sống
xen lẫn với đồng bào Kinh và đã Việt hóa hoàn toàn, từ phong tục tâp quán đến
cả ngôn ngữ, chỉ còn phân biệt được là nhờ vào họ, ví dụ như họ Từ, họ Tiêu
v.v...
Nhưng còn một số khá đông vào khoảng 20.000 người, sống tập trung
tại nhiều ấp, nhất là tại quận An Phước, như các ấp Hậu Sanh, Hữu Đức, Phước
Đồng, Hiếu Lễ v.v… Tại đây những hình ảnh sinh hoạt còn giữ được đặc tính của
dân tộc Chàm tự ngàn xưa, nhất là đối với phụ nữ và cụ già.
Về ngôn ngữ người Chàm nào cũng nói được hai thứ tiếng, khi giao
thiệp với người Việt thì nói tiếng Việt, khi giao thiệp với nhau thì nói tiếng
Chàm. Những thanh niên đi học từ nhỏ trong các trường, sống lẫn lộn
với các người bạn Việt thì giọng nói không có gì sai biệt, còn các cụ già, các
phụ nữ thì giọng nói hơi đớt và cứng.
Riêng về tiếng Chàm, theo các nhà ngôn ngữ học là một thứ tiếng
hỗn hợp, pha trộn nhiều thứ tiếng của các dân tộc ở trên các đảo Mã Lai, Java
v.v… gọi chung là ngôn ngữ malayo-polynésienne. Do sự giao thiệp với các
nước láng giềng từ ngày lập quốc, tiếng Chàm cũng chịu ảnh hưởng của tiếng
Việt, tiếng Trung Hoa và tiếng Cao Miên. Ngoài ra, về phương diện tôn
giáo, người Chàm còn mượn một số tiếng Phạn và Á Rập nữa.
Ảnh số 29: Vũ Chàm ở Phú Nhuận (ảnh của Lương Văn Hoà)
Đồng bào Chàm hiện còn giữ được thứ văn tự riêng, nhưng số người
đọc thông viết thạo rất ít. Chữ Chàm bắt nguồn từ chữ Phạn, rồi dần theo thời
gian mà biến đổi thành lối viết ngày nay. Theo các văn bia ghi chú thì
chữ Phạn đã du nhập vào Chiêm Thành và chữ Chàm nguyên thuỷ đã có từ thế kỷ thứ
IV sau Tây Lịch. Ngày nay trong một số gia đình còn giữ được ít nhiều
sách vở viết bằng chữ Chàm đủ môn loại như tôn giáo, y học, sử ký, thiên văn,
văn chương, thơ phú v.v…
Về nhà cửa, đồng bào Chàm thường làm nhà trong một khuôn viên có
hàng rào bằng cây khô, trong vườn không có trồng cây cối gì cả, cửa cổng được
mở về hướng Tây.
Tùy theo giàu nghèo mà xây cất, nhưng đại khái một khu nhà đúng
với tập tục thì phải có các nhà sau đây:
1- Nhà Than Jơ cất trên nền đất thấp, cột gỗ, mái rui mây,
lợp tranh, vách trét đất, có lót đà, gồm hai căn một chái, một căn làm buồng
chứa lúa, một căn làm phòng ngủ, còn căn chái làm phòng khách. Cửa chính
mở về hướng Tây, cửa phụ về hướng Nam, không có cửa sổ.
2- Nha Than Gar cất trên nền thấp, làm bằng các vật liệu như
nhà Than jơ, cất nối tiếp mặt tiền nhà này, cửa chính cũng mở về hướng Tây, cửa
phụ và cửa sổ mở về hướng Nam.
3- Nhà Than Mư Jâu cất trên nền thấp, cũng bằng vật liệu như
nhà trên, cất nối tiếp cửa phụ của nhà Than Jơ. Nhà này có ba gian, trong
đó một gian làm buồng ngủ, hai gian làm phòng khách, một chái phía trước là Sà
lan, một mái gãy phía sau. Cửa chính mở về hướng Tây, cửa phụ và cửa sổ
mở về hướng Nam.
4- Nhà bếp Than Ging cất về hướng Tây, cách nhà Than Jơ lối 20
thưóc, cửa chính về hướng Đông và chính tim nhà Than Jơ. Điểm này được
hiểu như là sự thể hiện của quan niệm âm dương về việc xây cất nhà cửa.
5- Nhà khách Than Tôn, cất nối tiếp với nhà bếp, nằm về
hướng Tây, chính tim và cách nhà Thanh Mư Jâu lối 20 thước, cửa chính về hướng
Đông, có nhiều cửa sổ.
6- Sau cùng nhà lẫm Than Lâm, nền được đắp cao hơn tất cả
các nhà vừa kể lối hai tấc, cũng bằng vật liệu như các nhà kia. Nhà này
có hai căn và hai mái, cửa chính về hướng Nam. Có nhiều cửa sổ. Có
điểm đặc biệt là mái thứ nhất đan bằng tre và trét đất, mái thứ nhì thì lại lợp
tranh. Nhà này nằm khoảng giữa nhà bếp và nhà Than Jơ.
Trên đây là những kiểu nhà đầy đủ nhất trong một khuôn viên. Tuy
nhiên không phải gia đình nào cũng làm được như vậy, vì còn tùy thuộc khả năng
tài chánh nữa. Hiện nay đa số đồng bào Chàm vẫn cất nhà theo lối xưa, nhưng vật
liệu xây cất thì kiên cố hơn, như nền thì xây bằng đá xanh, vách bằng gạch, mái
lợp bằng ngói hay tôn. Ngoài ra một số gia đình theo lối mới, xây cấy nhà
theo kiểu Tây phương, có lầu, trong khuôn viên có trồng cây ăn trái.
Nhà của đồng bào Chàm được xây cất vào những ngày thứ tư và thứ
năm, mà phải là những ngày chẵn của hạ tuần trong tháng 3, 6, 8, 10 và 11 lịch
Chàm.
Để giữ vệ sinh chung, những chuồng trâu chuồng bò được làm xa nhà
ở, cách lối xóm chừng một trăm thước.
Đồng bào Chàm cũng có tục ăn mừng nhà mới, gia chủ bày biện lễ vật
chính gồm có gà, vịt bánh trái hoa quả, cúng thổ thần, và sắm mâm cộ, có thịt
heo, dê để đãi bà con. Còn bà con chòm xóm, bạn bè cũng mang tặng vật
hoặc tiền bạc đến mừng gia chủ về nhà mới.
Về phương điện tín ngưỡng, đại đa số đồng bào Chàm ở Ninh Thuận
theo đạo Bà La Môn mà người ta thường gọi là đạo Bà Xế (Brasaih). Mỗi
tháp vua như Pô Klong Garai, Pô Romé, và Pô Nưgar có một môn phái đạo Bà Xế
riêng. Mỗi môn đạo có một vị Cả Sư lãnh đạo, có Phó Cả Sư và nhiều thầy
Bà Xế.
Thầy Bá Xế phải có dòng, không phải người nào cũng làm được, cũng
như các bà bóng vậy. Các hàng giáo phẩm của đạo Bà Xế được làm lễ tấn phong đến
bốn lần:
- Tấn phong thầy Bà Xế lần thứ nhất gọi là Tagok Lah
- Tấn phong thầy Bà Xế thứ hai gọi là Tagok Puah
- Tấn phong chức phó Cả sư gọi là Tagok Pô Phại
- Tấn phong chức Cả sư gọi là Tagok Pô Xà
Lễ tấn phong thường đưọc cử hành vào tháng 11 Chàm. Các thầy
thuộc đạo Bà Xế đều phải kiêng thịt bò và cá trê.
Hàng năm, đồng bào Chàm Ninh Thuận có những cuộc tế lễ công cộng
và tại tư gia như sau:
Quan trọng nhất là lễ Păng Ka Tê và lễ Păng Cha Bur. Theo
các vị chức sắc nhớ đến nguồn gốc. Tê là Ngài tức là vua dặn đến ngày
quan trọng trong năm theo lịch Chàm, thì tổ chức tế lễ. Do đó hàng năm cứ
đến ngày mồng 1 tháng 7 lịch Chàm, dân chúng tập trung ba nơi tôn nghiêm nhất
là tháp Pô Klong Garai, tháp Pô Romé và đền thờ Pô Nagar cử hành lễ Katê để
tưởng niệm các vua Chàm khi xưa đã có công dựng nước và hướng dẫn dân Chàm làm
ruộng và tiểu công nghệ.
Ngày Katê là ngày lễ các vua chúa thuộc về cha, tượng trưng cho
dương. Đối lại ngày quan trọng thứ hai là lễ Păng Cha Bur được cử hành
vào ngày 16 tháng 9 lịch Chàm để mở cửa đền cúng các vị thần Pô Giang nữ, tức là
các công chúa, hoàng hậu thuộc về mẹ, tượng trưng cho âm. Như vậy tập tục
tín ngưỡng của đồng bào Chàm cũng dựa trên quan niệm âm dương hòa hợp tạo sinh
vũ trụ.
Lễ Katê và Cha Bur đối với người Chàm cũng giống như ngày Tết của
đồng bào Kinh, ăn uống và tế lễ linh đình.
Sáng sớm mồng 1 tháng 7 hay 16 tháng 9 Chàm lịch các vị chức sắc
và dân chúng Chàm đã kéo đến ba nơi tôn nghiêm trên đây để cử hành lễ.
Các thầy Cả và Bóng ngồi theo phẩm trật trong căn nhà phía trước tháp hay trước
đền với vẻ mặt trang nghiêm, miệng nhai trầu ngót ngoét.
Ở ngoài sân và chung quanh tháp, các nam thanh nữ tú, các ông già
bà cả, trẻ con ăn bận quần áo mới tinh, đi đi lại lại nói chuyện vui vẻ.
Ông thủ tháp thì lo chùi đồ thờ bằng một tấm vải đỏ. Đồ thờ gồm có chén
uống nước, uống rượu, mâm rượu có chân, đĩa đựng trầu cau, bát ăn cơm, đũa v.v…
trong khi đó một vài bà Bóng lo sắp đặt những hoa quả cộ chay và cộ mặn để đợi
giờ hành lễ.
Giờ hành lễ đã điểm, các vị chức sắc thuộc ban nghi lễ lần lượt
vào trong tháp để cúng vua mà đồng bào gọi chung là Ngài. Ban nghi lễ gồm
có thầy Cả Sư, thầy Phó Cả Sư, các thầy Bà Xế và thầy Kè Ke (Opôn ka thành) kéo
đờn mu rùa (Ka nhi) và xướng văn tế lễ, các bà Bóng thì làm lễ dâng rượu và múa
mừng. Dân chúng tập trung phía trước tháp để chiêm ngưỡng.
Ảnh số 30: Đập Nha Trinh (ảnh Lương văn Hoà)
Thời gian một buổi lễ có khi kéo dài 3-4 giờ đồng hồ.
Sau ngày lễ ở các tháp và đền, qua ngày thứ hai( 2 tháng 7 và 17
tháng 9) các vị chức sắc ăn tết ở nhà, và bắt đầu từ ngày thứ ba đến ngày thứ 7
hay thứ 9, dân chúng ăn tết tại nhà riêng, tuy thời gian dài như vậy, nhưng mỗi
gia đình chỉ ăn tết có một ngày tùy ý lựa chọn.
Khi ăn tết tại nhà các vị Cả Sư cũng như đồng bào, lễ vật gồm có
gà, vịt bánh trái, hoa quả v.v… Nếu là tết Katê thì thiết bàn cúng ở giữa sân
vào buổi sáng không có nhạc lễ và múa bóng, nếu là tết Cha Bur thì cúng vào
buổi chiều. Trong dịp ăn tết tại tư gia, đồng bào Chàm không có tục kiêng
cữ, nên bà con hàng xóm, bạn bè thân thuộc cùng đến dự đông đủ.
Ngoài hai lễ lớn vừa kể, đồng bào Chàm Ninh Thuận còn có các cuộc
lễ công cộng sau đây:
- Lễ Tống Ôn (Rija Nưgar) tổ chức vào ngày mồng một tháng
giêng Chàm, tại riêng một xóm có người Chàm ở. Mục đích của lễ này là cầu
cho năm mới làm ăn khá giả, xua đuổi những vận hạn xui xẻo từ năm trước còn
lại.
- Lễ cầu điều hoà hoa màu (Plao Pa Xah) tổ chức vào tháng
giêng Chàm, cử hành tại cửa biển: Cửa Nại ở thôn Dư Khánh, cửa Phan Rang
ở thôn Đông Giang, và cửa Cà Ná ở thôn Lạc Nghiệp.
- Lễ Thần Nông (Jôn Jang) vào tháng tư Chàm, cử hành tại ba
tháp Pô Klong Garai, Pô Pômé và Pô Nưgar.
- Lễ cầu đảo cho mưa hòa gió thuận (Chakap Hlâu Kron) vào
tháng 7 Chàm, cử hành tại các đập lớn hoặc đầu sông.
- Lễ cúng ruộng (Pô Phùm) được tổ chức hàng năm.
Nguyên từ xưa theo chế độ phong kiến, người Chàm quan niệm đất đai trong nước
là của nhà vua. Gia đình nào bỏ công ra khai phá được sở ruộng đất nào
thì cũng coi như mặc nhiên xin vua phần diện tích ấy để làm của sở hữu, cho nên
khi đất ruộng đã thành thuộc và gia chủ đã được hưởng hoa lợi rồi, thì tự động
làm lễ ăn mừng và tạ ơn vua, rồi từ đó năm nào cũng cúng một lần thành tập tục.
Những lễ cúng hàng năm tại ruộng có:
- Lễ xuống cày
- Lễ xuống gieo mạ.
- Lễ lúa chửa.
- Lễ mừng lúa vào nhà.
- Lễ tết mùa.
- Lễ dâng gạo lên tháp, tức là cúng vị vua thờ trong tháp.
Lễ vật dùng trong khóa lễ trên đây toàn bằng thịt nấu chín, và
cũng tùy theo sở ruộng, hoặc là một con heo, hoặc một con ngạnh (dê), hoặc hai
con gà, hoặc chỉ ba trứng gà.
Những lễ trên đây do từng gia đình làm. Ngoài ra, một cuộc lễ tập
thể toàn xứ đồng thuộc về khu tháp nào thì các điền chủ thuộc khu tháp ấy góp
sức nhau tổ chức tại tháp, 7 năm một lần. Lễ vật chính là một con trâu
làm thịt nấu chín.
Sau hết, tại làng Hữu Đức, Xã Hữu Phước, Quận An phước, có tục lệ
chém trâu gọi là Ngap Kubao. Lễ này cứ 7 năm cử hành một lần. Lễ
mới nhất tổ chức ngày 5-10-1966. Địa diểm tổ chức là chân núi Đá Trắng,
một quả núi chỉ cao độ 40 thước, cách trụ sở thôn Hữu Đức chừng một cây số rưỡi
theo đường thẳng...
Tục lệ này xuất phát từ truyền thuyết cho rằng thời xưa, khi bà Pô
Nagar vị sáng lập ra xứ Chàm, có thai sắp ngày sanh thì bị thần Sư Tử ở núi Đá
Trắng đòi ăn thịt đứa con. Dân chúng sợ hãi bèn dâng vị thần một con bạch
tượng để thế mạng cho đứa trẻ. Ngày nay vì không có bạch tượng nên phải
dùng trâu trắng thay vào, và cứ 7 năm một lần vào khoảng tháng 7 Chàm lịch, sau
khi đã gặt xong mùa lúa phụ, dân chúng làm lễ chém trâu dâng lên thần Sư Tử để
cầu mong mọi sự an lành.
Vào lúc thanh bình, dân chúng tổ chức lễ chém trâu rất long
trọng. Một căn nhà được dựng lên dưới chân núi Đá Trắng làm nơi cúng
lễ. Ngay tối hôm trước, dân chúng ở các thôn lân cận đã tập trung về địa
điểm hành lễ một cách đông đảo, và ai nấy đều sốt sắng góp tay vào công việc
chuẩn bị cho cuộc lễ ngày mai.
Ban tổ chức gồm có một ông cai đập chịu trách nhiệm tổng quát, ông
cai mương lo việc sắm sửa lễ vật và ông ủy viên doanh điền tức là thầy Cả phụ
trách việc cắt cổ trâu và dựng căn nhà tạm nói trên. Qua thành phần ban
tổ chức, chúng ta thấy rằng cuộc lễ này có tánh cách tôn giáo, nhưng mục đích
của nó vẫn xoay quanh vấn đề nông vụ, cầu thần phù hộ cho được mưa thuận gió
hoà. Về việc cúng tế thì đã có các vị giáo sĩ Bà La Môn, các thầy đàn
Kathar và Modvon lo việc hát kinh, ba Bóng Pajao lo việc múa hát trong lúc làm
lễ.
Lễ phục của các giáo sĩ toàn màu trắng, trên đầu là chiếc khăn bao
lấy búi tóc đã bối, hai đầu khăn có tua đỏ thả xuống mang tai. Mình mặc
áo dài không cổ, tay rộng và khép lại bằng những vải buộc. Phía dưới quấn
chân, có thêu những đường chỉ nâu và đỏ ở gấu. Mỗi giáo sĩ đều có những
chiếc khăn màu vàng hay đỏ đựng trầu cau treo tòn ten trước ngực hay vắt ra sau
lưng.
Bà Bóng Pajao cũng bận toàn đồ trắng, cùng với các phụ tá lo việc
bày soạn lễ vật căn nhà. Căn nhà hướng mặt về phía Đông, phía sau quay
lên đỉnh núi được che kín. Trong nhà trải chiếu xuống đất khắp một
lượt. Theo dõi công việc họ làm ta thấy bà Bóng thong thả xúc một thứ gạo
đỏ, có lẽ đó là thứ nếp cẩm mà người Việt dùng làm rượu cẩm, đổ trên mặt chiếu
gần vách nhà phía sau, rồi lấy lá chuối phủ lên làm thành một cái ụ nho nhỏ,
tượng trưng cho “bụng chửa của thần Pô Nagar”. Trên bụng chửa đó bà đặt
một cái mâm bồng, trong có để ba chén rượu và mấy miếng trầu. Với vẻ mặt
trang nghiêm, với điệu bộ hết sức kính cẩn, bà lấy từng miếng bánh tráng nướng,
một quả chuối, một chiếc bánh lá, một cây nến sáp ong để vào mảnh lá chuối đưa
lên ngang trán, miệng khấn lẩm bẩm, rồi mới khẽ đặt xuống gần chân mâm.
Các phụ tá thì lo têm trầu, xếp trứng luộc ra bát, cứ ba quả một
bát, và bày các mâm cộ. Mỗi mâm được xếp một lớp bánh lá lại đến
một lớp oản cơm tấm, xếp chừng 4 lớp bánh và ba lớp oản là được. Họ đổ
thêm một ít bỏng nẻ cho lọt xuống cái khe hở rồi lấy bao chuối tươi dựng xung
quanh, buộc dây thật chặt che kín các thức ở trong. Phía trên hết,
họ còn để một nải chuối, một đĩa trầu cau và cắm một cây nến sáp ong, tuyệt đối
không có dùng nhang.
Ngoài sân cách căn nhà chừng 20 thước, người ta đào sẵn một cái hố
vuông, mỗi cạnh chừng 40 phân, sâu chừng nửa thước để hứng huyết trâu.
Các giáo sĩ sửa soạn tiến hành lễ chém trâu. Đầu tiên thầy Cả
Pariyahamu lấy ra một cuộn sợi dây dài chừng môt thước tây. Thầy Kathar
lấy ra một cây gươm dài ra khỏi vỏ, lấy một miếng trầu cột vào sợi dây của thầy
Cả rồi cắm lên mũi gươm. Đoạn kèm một cây nến sáp ong vào lưỡi gươm, lấy
lá chuối bọc ngoài thành ba đoạn. Sợi dây lòng thòng từ mũi gươm xuống
được cột chặt vào ba đoạn lá chuối ấy.
Người ta còn thấy một chùm lá cây tươi dùng để che không cho huyết
vọt lên cao khi cắt cổ trâu. Theo tục lệ, tùy con vật hy sinh mà chùm lá
có sự thay đổi. Nếu là con trâu thì dùng năm cành lá trâm bầu, nếu là con
dê thì ba cành lá mãng cầu.
Thanh gươm và chùm lá được để trên chiếc mâm gỗ có lót lá, cuối
cùng mấy miếng trầu, hủ nước phép và chiếc lược có hai cây trâm dài xuyên qua
răng lược. Sau đây là diễn tiến cuộc lễ:
Trước hết là lễ xin phép Ya Tikub, tức là vị thổ thần tại địa
phương. Xưa kia có đền thờ Bhadradipatisvara, nhưng đã bị người Java đốt
phá năm 787 khi họ đến cướp phá Chiêm Thành. Hiện nay chỉ còn 4 tấm
bia Ya Tikuh để lộ thiên trong một khu cây cối rậm rạp, chừng một cây số.
Xung quanh bia có những đống đá vứt lộn xộn, cao chừng nửa thước tây.
Thầy Cả và đoàn người mang lễ vật đi, gồm một cơi trầu, hai cây
nến, ba quả trứng để trong cái bát và một chai rượu trắng, mấy chén nhỏ.
Dẫn đầu là người vác con dao rừng lưỡi cong, cán dài, gợi lại cảnh tiền nhân
thưở xa xưa phải dọn đường phát lối mà đi. Thầy Cả xách theo cây gậy là vật bất
ly thân của các giáo sĩ Bà La Môn.
Ảnh số 31: Chùa Thoàn Lâm (ảnh của tác giả)
Khi làm lễ, thầy Cả ngồi sát tấm bia, ngoảnh mặt về hướng Nam,
phía trước để các lễ vật, cây gậy để bên trái bia. Bắt đầu thầy chắp tay
khấn rồi xá lên không trung, đọan bẻ đôi miếng trầu ném ra sau. Thầy rót rượu
vào chén, tiếp tục khấn vái rồi tưới rượu vào cây gậy hai lần. Cuối cùng
thầy đổ rượu xuống tấm đá trước bia, ung dung vén vạt áo lên, đưa hai đầu mối
dây lưng tẩm hết rượu trong các chén mà xoa vào bụng mình nhiều lần.
Thế là xong. Mấy người đi theo chia nhau hưởng lộc phần rượu
còn lại và mấy cái trứng, còn trầu cau thì để lại cạnh tấm bia.
Tiếp đến là lễ chém trâu chính thức. Một con trắng đực bị
cột bốn chân nằm chờ chết bên cạnh cái hố hứng huyết, hướng đầu về phía Tây,
đưa mắt nhìn mọi người xung quanh với vẻ tuyệt vọng. Một cái cọc xuyên
qua sợi dây buộc mõm nó ghì chặt xuống đất.
Mở đầu người ta bưng đến một mâm lễ vật đặt trước đầu trâu.
Thầy Cả làm lễ tẩy uế, miệng đọc kinh, tay cầm bát nước đổ lên cổ và mõm con
vật để rửa cho sạnh, sau dùng nước phép rảy tượng trưng lên cổ nó.
Thầy Cathar giữ vai phụ tá, đưa chiếc lược cho thầy Cả, và giúp
tháo sợi dây buộc miệng trâu ở mũi gươm ra. Thầy Cả cầm lược chải chải
trên không chứ không sát cổ con trâu, rồi miệng đọc kinh tay cầm thanh gươm
tuốt trần cứa ngay cổ nó. Một dòng máu đỏ tươi vọt ra. Một người
vội cầm lá che phía trên. Hai ba cái nồi được thay nhau hứng huyết đổ qua
một nồi lớn, nhưng vẫn cố ý làm rơi vào hố một ít huyết để thổ thần hưởng.
Khi con trâu đã chết hẳn, thầy Cả lau bớt máu trên gươm, đoạn cầm
vạch một đường tượng trưng từ ngực đến háng con trâu làm dấu vết mổ, và gạch
hai đường ngang hai đùi phía sau ngụ ý chặt đùi trâu ra rồi mới vào nhà nghỉ
ngơi.
Lát sau, trong khi các thanh niên lo làm thịt trâu, xào nấu để làm
tiệc cúng, thầy Cả và hai người phụ tá lại ra gần bờ mương làm lễ cầu xin
Thượng Đế xá tội sát sinh.
Người ta đem thanh gươm còn vết máu, một mâm lễ vật và các đồ cần
thiết khi chém trâu. Thầy Cả chọn một nơi trống trải, yên tĩnh để có thể
dễ dàng giao cảm với trời đất. Thầy ngồi xuống hướng mặt về phía Đông,
trước đặt một mâm lễ vật. Với vẻ mặt ăn năn xám hối, thầy chấp tay vái
lên không trung, miệng cầu khẩn van xin. Đoạn thầy cúi xuống vẽ trên mặt
đất phía trái mâm lễ vật ba vòng nhỏ bằng miệng chén rượu, đặt vào mỗi vòng một
miếng trầu và đổ lên một chén rượu đầy. Thầy lại vén vạt áo lấy hai đầu
dây lưng tẩm rượu ấy xoa vào bụng nhiều lần.
Lễ tạ tội sát sinh chấm dứt mau chóng. Hai người phụ tá chia
nhau rượu còn trong chai. Trầu cau và bỏng nẻ trên mâm thì đổ xuống chỗ
thầy Cả vừa đứng dậy.
Khi thầy cả trở lại căn nhà thì mọi việc đã sửa soạn xong để bắt
đầu làm lễ. Các mâm lễ vật được xếp làm ba hàng, từ trong vách phía sau
trở ra. Chính giữa phía trong cùng là mâm cơm lớn để các thần linh hưởng
chung. Bà bóng xới cơm lên và lấy lá chuối đậy kín mâm. Phiá trước mâm
cơm là ụ gạo tượng trưng bụng chửa của nữ thần Pô Nagar và chiếc mâm
bồng. Bà bóng ngồi trước ụ gạo ấy để cử hành lễ.
Từ ngoài trong vào, các mâm cộ bên phải dành cho các nữ thần U Mã,
Lakami, Pô Nagar, Yan Kati (thần tứ phương). Lại có một mâm dành cho Chế
Bồng Nga ở phía này. Người ta cho biết trường hợp đặc biệt này là do lúc
sanh tiền, Chề Bồng Nga thích phụ nữ, nên bây giờ xếp ông ngồi chung với thần
nữ giới. Cũng ở phía này còn một mâm lễ vật có kèm theo thịt trâu dành
cho thầy Cả. Thầy lại ngồi trước mâm này để phụ họa với bà Bóng trong lúc
lễ...
Phía trái là những mâm cộ dành cho nam thần, và các vua Chàm có
thờ tại các tháp, các đền như Civa, Yan Pong, Pô Klong Garai, Pô Romé v.v… Lại
có một mâm lễ vật hơi khác, gồm một vò rượu cần, thịt, lá chuối, một con gà
luộc và một mớ cá khô. Có lẽ mâm cộ này dành cho các thần núi là nơi dân
Chàm đã ẩn tránh lúc quốc biến hay gửi gấm kho tàng.
Sát bên vách là chỗ ngồi của hai nhạc công, thầy Kathar (thầy Kò
Ke) kéo nhị hai dây, tang nhị làm bằng mai rùa (Đàn mu rùa ca-nhi) còn thầy
Modrom đánh chiếc trống da một mặt. Dân chúng đến dự lễ ngồi bao quanh
phía ngoài, tức là sau lưng thầy Cả và bà Bóng. Tất cả đều có vẻ mặt
thành kính và trang nghiêm.
Mở đầu cuộc lễ, bà Bóng hát bài kinh mời các vị thần đến dự
tiệc. Bà ngồi xoài, hai chân xếp về một bên ra phía sau, tay tự rót rượu
vào một chén lễ, nâng cao ngang trán khấn vái và đọc to tên vị thần được mời,
và thầy Cả phụ họa. Trong lúc đó các thầy nhạc công vẫn tấu liên miên
những bản nhạc lễ cổ truyền. Sau mỗi tuần rượu dâng mời thần linh, bà đổ
vào một cái bát, khi trong bát đã khá nhiều rồi, bà ban rượu ấy cho khách và
các chức sắc trong làng đến dự lễ.
Phần nghi lễ này vẫn tiếp tục cho đến khi dân phu bưng vào nhiều
mâm thịt trâu, mỗi mâm có một bát cơm, hai bát xáo trâu, hai bát canh nấu dọc
khoai môn, một đĩa thịt và lòng hay sách trâu luộc, kèm theo muối ớt, có thêm
một đĩa rau ghém làm bằng lá chùm ruột xắt nhỏ trộn với thân chuối non xắt
mỏng.
Các vị giáo sĩ liền ngồi vào tiệc, mỗi người ăn riêng một
mâm. Trưóc khi ăn bà Bóng súc miệng nhiều lần, rồi nhặt một hạt muối
trắng bỏ vào miệng nhấm qua loa rồi nhổ đi. Cử chỉ đó cũng được các giáo
sĩ lập lại y hệt. Đối với cơm cũng vậy, họ nhấm nháp từng hột rồi nhổ đi
đủ ba lượt rồi mới bắt tay vào bốc thật sự, không dùng đũa.
Về hình thức thì đây là bữa tiệc thực sự, nhưng về ý nghĩa thì đây
vẫn là một nghi thức của cuộc lễ, theo sự tín ngưỡng của người Chàm, nếu các
thầy ăn nhiều chừng nào thì mùa màng sẽ thu hoạch nhiều hơn.
Quá trưa thì tiệc tàn. Thầy Cả lại chuẩn bị thực hiện một nghi
thức khác là dâng lễ cho thần Sư tử Simba. Thầy Cả dẫn đầu, đoàn trai
tráng theo sau thẳng đường lên đỉnh núi Đá Trắng. Kẻ đội nồi huyết trâu,
người bưng mâm lễ vật, trầu cau và rượu. Thầy Modvon cũng mang các trống
đi theo.
Tới đỉnh phía Nam, nơi có một vực sâu ăn thông xuống chân núi là
nơi ngự trị của thần Sư Tử Simha. Nơi miệng hố có một tảng đá lớn nhô ra,
được dùng làm nơi cúng lễ. Thầy Cả ngồi day về hướng Đông, trước mặt là
mâm lễ vật, bắt đầu mật nguyện. Bỗng tiếng trống bập bùng nổi lên man rợ
giữa chốn núi non hoang vắng, thầy Cả bỗng vụt đứng lên, quay về hướng Nam nhảy
múa và hát kinh. Thầy đã nhập đồng rồi đó. Một hồi lâu, thầy quay
lại bưng mâm lễ vật ném xuống vực sâu. Mọi người đều reo vang như muốn chia sẻ
nỗi vui mừng của thần Sư Tử chờ đợi 7 năm trời mới được một lần hưởng lễ.
Một thanh niên bưng thế cho thầy Cả nồi huyết trâu còn đỏ tươi vứt xuống hố sâu
sau một tiếng la hét man rợ.
Thế là chấm dứt cuộc lễ, mọi người lại theo thầy Cả trở xuống căn
nhà tạm trong đó bà Bóng đang làm phận sự của mình: dâng lễ vật lên thần
linh qua những vũ điệu thuần túy Chiêm Thành mà người ta thường gọi là múa
bóng. Một bà phụ tá giúp việc dâng lễ. Bà này xếp dần một vài miếng
thịt trâu luộc, một ít miếng cá khô lên đĩa nhỏ. Bà ngồi xuống khấn vái
rồi đổ các món ấy ra trước mặt hoặc hất sang bên phải, phía thầy Cả ngồi.
Khác lần trước, lần này bà không mời quan khách uống những chén rượu lễ sau khi
bà đã dâng cúng thần linh, mà tất cả mọi thứ đều để lại trên chiếu, chờ lễ tất
mọi người mới được chia nhau (1).
Việc dâng món ăn vẫn tiếp tục trong tiếng đàn hát cho đến khi
không còn gì trên mâm bồng nữa, bà Bóng đổ dồn mọi thứ xuống chiếu và lễ cúng chấm
dứt. Sau cùng đến nghi thức lễ tạ thổ thần.
Lần này không bắt buộc phải thầy Cả làm chủ lễ, mà các thầy phụ tá
cũng được. Người ta mang hai mâm cộ đến một góc núi, khi đi người dẫn đầu
cũng vác dao đi rừng như khi đi xin lễ thần Yan Tikuh. Tới địa điểm hành
lễ, họ đặt mâm cộ xuống đất, khấn vái vị thổ thần rồi lấy một ít cơm, canh,
bánh trái đổ xuống đất và cấm trẻ con không được nhặt lấy, vì phải để đó cho vị
thổ thần hưởng. Số còn lại họ mang về.
Thế là trọn một ngày dành hoàn toàn cho nghĩa vụ tôn giáo.
Mọi người tuy mệt nhọc về thể xác nhưng rất sung sướng và hãnh diện về tinh
thần, nét mặt tươi cười hớn hở, rủ nhau ra về với một niềm tin mãnh lịệt trong
tâm hồn về những hạnh phúc ngày mai, và thầm hẹn với nhau 7 năm nữa, lại trở
lên núi Đá Trắng dâng lễ cúng thần Sư Tử. (2)
________________________________________________________________
(1) Nghi thức dâng lễ này có lẽ là nghi thức mà đồng bào Kinh
thường làm trong lễ Tạ thổ để cúng vợ chồng chủ ngung Man Nương Nguyễn Thị
Thúc, xin xem lại phần phong tục tập quán của đồng bào Kinh.
(2) Theo tài liệu của ông Nguyễn văn Luận trong Khảo cổ Tập san số
5.
________________________________________________________________
Về việc sinh đẻ, ngày nay hầu hết sản phụ Chàm cũng như Việt đều
vào nằm tại các nhà bảo sanh, nhưng trước kia khi lâm bồn, các sản phụ Chàm
được một bà mụ săn sóc theo phuơng pháp cổ truyền trong một cái chòi riêng gọi
là trại sanh. Sản phụ nằm ở đây khoảng một tuần lễ, xông hơ bằng lửa ngọn
nên gọi là nằm “lửa lớn”. Thời gian này việc kiêng cữ rất được chú y, vì
sợ sản phụ lây các chứng bịnh do người khác mang tới, vì máu còn non. Để
người ngoài biết trong nhà mới có người sinh, gia chủ treo nơi hai cột cổng hai
nhánh dứa gai, hay hai lọ sơn vôi trắng.
Ảnh số 32: Chùa Trùng Khánh (ảnh Lương Văn Hoà)
Qua một tuần, bà mụ làm lễ vái tổ và cho dời sản phụ vào trong
nhà, xông hơ bằng lửa than, và từ đó hết kiêng cữ. Bà con lối xóm tới
thăm sản phụ và mừng đứa bé. Giáp tháng, có làm lễ cúng như đồng bào
Kinh.
Về hôn nhân, người Chàm theo chế độ gia đình mẫu hệ. Vốn có tính
chất bảo thủ, họ vẫn còn duy trì chế độ ấy mặc dầu họ đã sống chung với người
Việt trong mấy thế kỷ và cũng đã tiếp nhận ảnh hưởng của nền văn minh Âu Mỹ
trong sinh hoạt hàng ngày.
Khảo cứu về chế độ mẫu hệ Chàm, nhà nhân chủng học Nguyễn Khắc Ngữ
(1) có nêu lên mấy nguyên nhân sau đây:
Nguyên nhân thứ nhất là do nguồn gốc lập quốc. Theo truyền
thuyết thì vị sáng lập ra nước Chiêm Thành là nữ thần Thiên Y A Na mà hiện nay
đền thờ còn tồn tại nhiều nơi, từ Thừa Thiên vào đến Bình Thuận. Do lòng
ngưỡng mộ công đức của bà Thiên Y A Na, người Chàm đều cho đàn bà là hơn hết,
trời sinh ra để họ nắm quyền chúa tể nhân loại.
Nguyên nhân thứ hai là do yếu tố kinh tế và chính trị. Người
Chàm hầu hết theo đạo Hồi hay đạo Bà La môn, đạo trước kiêng thịt heo, đạo sau
kiêng thịt bò, nên ngoài gà vịt, món thực phẩm quan trọng của họ là cá ngoài
biển. Do đó người đàn ông Chàm rất giỏi nghề đánh cá và suốt ngày lênh
đênh trên mặt biển. Họ không có thì giờ trông nom, quản xuyến công việc
nhà, quản trị tài sản gia đình, chưa kể đến trường hợp họ bị đắm thuyền hoặc
giao chiến với tàu cướp mà bỏ thân nơi biển cả, vì lẽ đó, người đàn bà ở lại
nhà đương nhiên được giao trách nhiệm làm chủ gia đình.
Nguyên nhân thứ ba là lý do tình cảm. Người mẹ sinh con đẻ
cái, bú mớm, nuôi nấng từ lúc lọt lòng cho đến thành thân, tình thâm nghĩa
trọng, có nhiều trường hợp đứa con chào đời chỉ thấy có mẹ và suốt đời không
biết đến cha. Vì cha đã bỏ mình nơi biển cả hoặc ngoài chiến
trường. Sự tập trung tình cảm của con cái vào người mẹ đã tạo nên quyền
uy của người đàn bà trong gia đình.
________________________________________________________________
(1) Mẫu Hệ Chàm của Nguyễn Khắc Ngữ do Trình Bày xuất bản
________________________________________________________________
Bất luận trong xã hội nào, nam nữ đến tuổi trưởng thành đều phải thành lập gia
đình qua chế độ hôn nhân. Vì đồng bào Chàm theo chế độ mẫu hệ, nên con
gái đi cưới con trai, và khi đã thành hôn, con trai phải về ở nhà vợ trọn
đời. Việc hôn nhân cũng trải qua nhiều nghi thức bắt buộc của một tôn
giáo. Đồng bào Chàm ở Ninh Thuận đa số theo đạo Bà La môn một số ít theo
Hồi giáo. Trong tập sách này chúng tôi chỉ trình bày việc hôn nhân của
đồng bào Chàm theo đạo Bà La môn mà thôi, còn việc hôn nhân theo đạo hồi sẽ
được trình bày trong cuốn NON NƯỚC BÌNH THUẬN, vì tại đây đồng bào Chàm theo
Hồi Giáo nhiều hơn.
Vai trò trung gian và thuyết phục đối tượng để đưa cuộc hôn nhân
đi đến kết quả trong xã hội người Chàm cũng vẫn là ông mai. Tùy theo từng
trường hợp, ông mai sẽ đóng vai trò đánh tiếng với nhà trai mỗi khi bên gái đã
chấm cậu nào, cũng có khi nhà gái uỷ thác cho ông mai tìm kiếm cho một cậu trai
vừa mắt về mách lại, nếu nhà gái bằng lòng thì nhờ ông mai liên lạc. Cũng
có khi chàng trai thích cô nào đó thì cậy ông mai sang đánh tiếng cho nhà gái
biết để sang dạm hỏi.
Đồng bào Chàm rất rộng rãi trong việc để cho con cái tìm bạn trăm
năm nhân cuộc hội hè, trong lúc đi làm ngoài đồng hay đi chợ. Hai bên
trao đổi ý kiến, tìm hiểu nhau, ngỏ lời với nhau rồi về thưa với cha mẹ hợp
thức hóa mối lương duyên.
Mở đầu là chạm ngõ, hay lễ đi chơi hoặc lễ trầu cau gọi là “bỏ
hàng rào thưa”. Nhà gái nhờ ông mai mang sang nhà trai bánh trái.
Nếu nhà trai bằng lòng thì nhận lễ vật, trái lại thi từ chối, nhà gái mang về.
Sau lễ chạm ngõ, nếu không có gì trắc trở, nhà gái yêu cầu nhà
trai định ngày làm lễ hỏi. Nhà trai bèn nhờ thầy Bà Xế xem ngày tốt xấu
để báo cho nhà gái. Bấy gìờ nhà trai cũng tìm một ông mai để liên lạc với
nhà gái. Đến ngày đã định, nhà gái mở tiệc mời nhà trai đến tiếp đãi linh
đình. Hôm đó nhà trai cũng cho biết sẽ có bao nhiêu người đưa rể về nhà
vợ để bên gái chuẩn bị.
Lễ hỏi xong, hai ông mai cùng gia trưởng đôi bên biện lễ đến xin
với các thầy Cả để định ngày cưới. Lễ thành hôn thường được tổ chức ít
lâu sau lễ hỏi vào những ngày trong tháng ba, tháng sáu, thàng tám, tháng mười,
tháng mười một Chàm, từ khi trăng tròn đến khi hết trăng, tức là giai đọan từ
rằm đến cuối tháng âm lịch.
Tới ngày cưới nhà trai làm lễ cáo tế gia tiên và cầu trời phù hộ
cho cuôc hôn nhân của đôi trẻ được tốt đẹp, mời họ hàng ăn uống. Sau đó
đúng ba giờ chiều họ nhà trai đưa chú rể về nhà vợ. Đi đầu là ông mai kế
đến chú rể, các lão ông rồi đến các thanh niên, không có phụ nữ. Khi đến
gần nhà gái, nếu chưa đúng giờ tốt, nhà gái sẽ trải chiếu mời nhà trai ngồi
nghỉ, ăn trầu uống nước để chờ đến giờ. Đến giờ đã định, họ nhà trai lại
xếp hàng dài theo thứ tự trên đây đi vào nhà gái.
Tại cổng vào có để một cái chậu nước lớn, một gia nhân nhà gái múc
nước rửa chân cho từng người, trước khi họ bước trên hàng chiếu trải từ đó vào
đến cửa nhà. Tại đây ông mai và nhà gái đứng tiếp đón niềm nở. Trong nhà cũng
trải chiếu la liệt thành ba hàng, hàng giữa dành cho hai ông mai, chú rể cùng
các vị già cả, hàng chiếu bên phải dành cho họ nhà trai, hàng bên trái dành cho
họ nhà gái.
Họ hàng ngồi đâu đó xong, trầu nước một tuần rồi, hai ông mai dẫn
chú rể vào buồng cô dâu. Buồng này là gian trung của một căn nhà kiến
trúc theo lối cổ truyền, cửa ra vào mở phía hồi, sàn bằng gỗ gọi là nhà
tục. Trong phòng kê một bộ phản đã được làm phép rồi, cô dâu đã trang
điểm và bận toàn đồ trắng sẵn sàng ngồi đợi.
Ông mai trai đứng phía Đông, ông mai gái đứng phía Tây, cùng cầm
chiếc chiếu mới đập xuống phản làm ba lần, khấn vái hồi lâu rồi trải lên phản,
đầu quay về phía Bắc chân hướng về phía Nam. Mỗi ông mai cầm một cái gối
để lên phản sát vào nhau, rồi ra hiệu cho cô dâu chú rể ngồi vào bên cạnh ông
mai nhà mình. Tiếp đến người nhà bưng vào một mâm lễ tơ hồng gồm có cau,
trầu, vôi, bánh trái, hoa quả và rượu, hai cây nến bằng sáp ong, mâm được đặt
giữa hai người. Một thầy cả được mời vào làm lễ, ông thắp hai cây nến làm
đèn bổn mạng của hai vợ chồng, rót rượu vào chén, khấn vái các vị thần Chàm,
ông bà tổ tiên về chứng giám hôn lễ. Thầy cả trịnh trọng lấy một lá trầu xé
đôi, trao cho hai vợ chồng mỗi người một nửa. Chàng rể lấy một quả cau bổ
đôi đưa cho vợ một nửa. Cô dâu lấy một ít vôi bôi vào trầu của chú rể
trước, của mình sau rồi cùng nhai, cốt trầu nhổ chung vào một ống nhổ.
Thầy cả lại rót rượu một lần nữa, lẩm nhẩm khấn vái một hồi lâu
rồi đưa cho cô dâu chú rể cùng uống, đoạn trao nhẫn cho hai người đeo lẫn
nhau. Nhẫn cưới thường chạm vẩy cá và giữa mặt có hình con mắt.
Lễ xong, mâm cộ vẫn để nguyên chỗ cũ, cô dâu ở lại trong phòng,
còn chú rể ra ngoài tiếp đãi họ nhà trai. Chú rể phải quỳ dâng rượu mời
hai ông mai, rồi lại lùi dần cầm khay đi mời khắp mọi người. Khi được mời
rượu, mỗi người nói một vài lời chúc tụng rồi mới uống cạn chén rượu. Từ
giờ phút lễ tơ hồng, chú rể đã thực sự là người của nhà vợ, nên có bổn phận
phải thay cô dâu tiếp đãi hai họ. Đặc biệt thức ăn hôm đó chỉ làm bằng
toàn hải sản (tôm cá). Nhưng qua hôm sau trở đi có thể thết đãi bằng thịt
heo, vịt, dê v.v…nhưng không có thịt bò, vì người Bà La Môn giáo kiêng thịt bò.
Tàn tiệc, họ hàng ra về hết, chú rể mới được vào phòng cô dâu, mỗi
người nằm một bên phản, lúc đó tối rồi, ở giữa vẫn để nguyên mâm lễ tơ hồng và hai
cây nến bổn mạng vẫn cháy sáng cả gian phòng. Hai người nằm nói chuyện
cho đến lúc ngủ quên, cứ như vậy liên tiếp ba đêm, chưa được động phòng hoa
chúc, vì làm trái lệ sẽ bị tội lớn với thần thánh.
Ba ngày trôi qua, nhà gái sửa soạn lễ vật bánh trái, hoa quả cho
hai vợ chồng về bên nhà trai bái biệt cha mẹ cùng tặng quà cho bà con.
Cha mẹ, họ hàng chú rể cũng tặng lại các phẩm vật qúy giá như vải lụa, đồ nữ
trang, tiền bạc. Nếu cha mẹ khá giả thì cho một con trâu, một con ngựa,
hoặc một ít sở ruộng để làm của hồi môn. Ruộng đất này chỉ giao cho bên
vợ hưởng huê lợi, chứ không được chuyển quyền. Sau khi người chồng qua
đời, dù chồng có con hay không, số ruộng đất này cũng phải giao trả lại cho bên
nội nhà chồng sau khi người chồng chết mãn tang.
Của hồi môn này ngoài ý nghĩa cho con làm vốn, còn có tác dụng che
thân cho chàng rể. Nhờ của hồi môn mà sau này chàng rể có lười biếng
không chịu làm ăn, bên vợ không có quyền trách cứ, vì lẽ có trâu ngựa thay
người rồi. Trái lại không có của hồi môn mà chàng rể lười nhác thì thật
là tủi thân.
Về sau, nếu vì lý do này hay lý do khác, hai vợ chồng không thể ăn
đời ở kiếp với nhau thì có thể ly dị. Theo cổ tục, họ sẽ biện một cơi
trầu đến nhà thầy Cả, vị thầy đã làm lễ thành hôn cho họ lúc trước để xin phép
được ly dị. Sau nhiều lời khuyên giải nếu không kết quả, thầy mới khấn
xin thần linh cho phép hai người xa nhau, và xé một lá trầu đưa cho mỗi người
một nửa tượng trưng cho sự chia rẽ ấy.
Về nhà, hai người phải trình cho cha mẹ họ hàng biết, rồi lấy một
chiếc đũa chẻ làm đôi, mỗi người giữ một nửa làm tin. Có nửa chiếc đũa
rồi, người con trai có thể về nhà cha mẹ, mang theo các của hồi môn. Nếu
sự ly dị do lỗi người chồng thì phải bồi thường thiệt hại cho nhà vợ. Của
bồi thường này trích trong của hồi môn hoặc do cha mẹ, họ hàng bên chồng đài
thọ, thường là một cặp trâu, nên người Chàm có câu:
"Hỏng cặp vú
Mất đôi trâu."
Trường hợp người vợ trước kia có một đời chồng thì chỉ lấy được
một trâu thôi. Nếu hai người đã có con thì người vợ giữ cả. Sau khi
ly dị, ai muốn lập gia đình lúc nào tùy ý.
Dưới triều Nguyễn, vì chịu ảnh hưởng của luật lệ quốc gia, một vài
sự thay đổi được áp dụng cho thích hợp. Do đó khi muốn ly dị, hai người
phải được cha mẹ ưng thuận rồi ra trước nhà chức trách sở tại làm giấy ly dị là
xong. Nếu sự ly dị do hai đàng thỏa thuận thì mỗi bên phải viết cho bên
kia một giấy cho phép lấy vợ hay lấy chồng khác, có xã thị thực. Nếu chỉ
một bên xin ly dị thì phải đưa ra cửa quan để quan cứu xét, chuẩn y hay bác bỏ
sau khi đã điều tra kỹ. Ngày nay việc ly dị phải ra toà án. Về tài
sản chung, nếu có con trừ phần chia cho con, số còn lại chia ba, người vợ hai
phần, chồng một phần. Nếu không có con thì tất cả chia ba như vậy.
Nếu vợ phạm gian mà chồng xin ly dị, của cải được chia đôi, nếu có con thì chia
đều theo đầu người giữa cha mẹ và các con. Ngày nay người vợ ly dị phải
đợi ba tháng sau mới được lấy chồng khác.
Khi đã có chồng rồi hai vợ chồng phải ra ở riêng kể từ ngày làm lễ
thành hôn. Nhà riêng cũng làm chung trong khuôn viên nhà cha mẹ, điều đó
không bắt buộc, vì có thể làm ở nơi khác được. Tuy ở riêng nhưng đến bữa
ăn cơm hai vợ chồng vẫn phải về ăn cơm chung với cha mẹ, đến khi nào cha mẹ xem
xét việc ăn ở cũng như cách thức sinh hoạt của hai vợ chồng có thể tự lập được,
hoặc có em gái lấy chồng, thì cha mẹ cho tách ăn riêng.
Con cái ra riêng ngoài của hồi môn do người chồng đem về, cha mẹ
cho con gái nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò, tiền bạc v.v… để tự túc làm ăn, cha
mẹ về già thì sống chung với con gái út.
Trong thời gian chung sống với nhau mà có một người chết trước,
thì người kia phải để tang 12 tháng mới được lấy người khác, nếu lấy trong thời
gian cư tang thì bị coi như là bất nghĩa. Riêng người đàn bà góa chồng,
sau khi mãn tang, còn phải làm tròn bổn phận cuối cùng đối với người quá cố rồi
mới được phép cưới chồng khác. Đó là việc trao trả hài cốt chồng cho nhà
chồng, vì lẽ người sống bên nhà vợ chỉ là sống nhờ ở gởi, khi chết phải đem hài
cốt về chôn ở nghĩa trang nhà mình mới yên phần được. Do đó khi chồng
chềt, vợ phải làm lễ thiêu xác và lấy 7 miếng xương trán bỏ vào hộp klong để
thờ trong nhà đủ 12 tháng mới giao cho nhà chồng vào kút.
Khi đem di cốt người chồng về trả cho gia đình, nếu lúc sanh tiền,
hai vợ chồng làm ăn khá giả, có tạo mãi được một ít ruộng đất, thì bên vợ có
thể trích một phần ruộng đất ấy tặng cho bên chồng làm của "di tặng"
để lấy hoa lợi cúng kiếng người chồng. Ruộng đất này bên nội nhà chồng có
quyền xin cải tên đứng bộ làm sở hữu chủ cho các chị em gái người chồng nhưng
không được chuyển mãi, cũng giống như người Kinh dùng ruộng đất lập “kỵ điền”
cho con cái quá cố vậy.
Ảnh số 33: Nhà thờ Tấn Tài (ảnh của tác giả)
Xét về chế độ điền địa và quyền sở hữu ruộng đất của đồng bào
Chàm. Chúng ta thấy từ nguyên thuỷ, nhằm mở mang kinh tế, các vua chúa
kêu gọi dân chúng khai khẩn đất hoang lập thành ruộng cấy lúa, đất trồng hoa
màu. Ai khai phá được sở nào thì làm chủ vĩnh viễn sở đó, sau khi đã làm
lễ cúng vua như đã trình bày ở đoạn trên kia. Cha mẹ chết thì để lại cho
con cháu gái thừa hưởng, truyền từ đời nọ đến đòi kia, không có văn kiện nào
chứng minh, ấy thế mà không xảy ra sự tranh giành nào cả. Quyền sở hữu
từng cá nhân coi là tuyệt đối
Đến đời Gia Long và Minh Mạng, khi có lệnh của triều đình lập địa
bộ thu thuế, các quan lại địa phương chỉ căn cứ vào lời khai miệng của họ để
ghi bộ. Những quyển địa bộ này hiện còn lưu giữ tại các ấp có đồng bào
Chàm.
Từ đời Khải Định trở đi, chịu ảnh hưởng của luật lệ quốc gia và
tập quán của đồng bào Kinh, gia đình đồng bào Chàm nào có mua bán ruộng đất thì
lập văn tự bằng chữ Hán, chữ Chàm hay chữ Quốc ngữ.
Về việc phân chia tài sản cho con cháu, đồng bào Chàm theo phong
tục cổ truyền chỉ chia bằng miệng. Nhưng từ thời Bảo Đại, một số gia đình
có lập thành văn tự hoặc chúc ngôn để quy định sự phân chia ấy.
Đồng bào Chàm cũng có ruộng đất hương hỏa, xét về hình thức và
tính chất cũng giống như đồng bào Kinh. Hương hoả gồm hai loại:
hương hỏa của tộc và hương hỏa của gia đình. Hương hỏa của họ tộc là do
công lao của con cháu trong một họ chung sức khai phá mà thành, khẩu truyền lưu
hạ cho con cháu thừa hưởng, lấy hoa lợi cúng giỗ tổ tiên, ông bà trong
họ. Ruộng đất này được luân phiên canh tác giữa các chi trong họ.
Hương hỏa của gia đình thi do ruộng đất của từng gia đình lập ra,
sau khi đã phân chia cho con cháu. Diện tích không có mức nhất
định. Hương hỏa này cũng do khẩu truyền lưu hạ, không được chuyển mãi,
dùng hoa lợi cúng giỗ ông bà. Ruộng này thường giao cho con gái nào làm
bóng trong gia đình canh quản, gia đình nào không có con cháu gái làm bà bóng
thì giao cho các con cháu gái luân phiên canh tác làm giỗ.
Về tang chế, trong gia đình đồng bào Chàm, tục lệ được thi hành
với trình độ khác nhau, tùy theo người quá cố thuộc vào thành phần nào trong xã
hội hoặc lứa tuổi nào.
Khi một thân nhân nào có chức tước hoặc đã già nua đau ốm, xem
chừng khó thoát được bàn tay tử thần, thì con cháu lo đi mời vị Cả Sư Cột Băng
(Kăk Thòng) đến để lo liệu các nghi lễ tôn giáo cho người chết.
Khi bịnh nhân tắt thở, xác được thay quần áo mới và đắp chăn, toàn
bằng vải trắng, quàn lại trong nhà lâu hay mau tùy việc chôn cất thực hiện sớm
hay muộn, đầu quay về hướng Tây. Thầy Cả cột băng đọc kinh chú và rảy
nước phép lên xác rồi cho quay đầu trở về hướng Nam.
Nếu người chết gặp ngày tốt, thì nội ngày hôm đó, con cháu họ hàng
lo làm một cái rạp gọi là Cà Dàng xa nhà độ vài chục thước, rồi khiêng xác ra
quàn ở đó, có thắp đèn nến sáng choang, không dùng nhang. Thầy Cả Sư lại
được mời tới làm phép tẩm rửa xác chết sạch sẽ, rồi con cháu mới tẩm liệm
xác. Đồ liệm gồm có quần áo mới, thường được may sẵn cất dành từ trước,
vì khi đến tuổi già, ai cũng lo đến việc chết cả. Sau khi thay quần áo,
xác được bọc vào trong chăn trắng cả thảy đến 10 lớp. Người Chàm không
dùng hòm để bỏ xác chết.
Tẩm liệm xong, xác được đậy bằng một cái Ta-kung làm bằng tre,
được phủ bằng một tấm khăn vĩ đại đủ màu sắc sặc sỡ và các tràng hoa tươi v.v…
Trường hợp chết nhằm ngày xấu cần phải kiêng cử, xác vẫn được quàn lại trong
nhà, chờ đến ngày tốt mới khiêng ra Cà Dàng để làm thủ tục khâm liệm.
Người chết vào hạng thanh niên và trung niên, từ 18 tuổi trở lên
thì nghi thức cũng tương tự như vừa trình bày, nhưng kém phần trọng thể hơn, vì
người làm lễ rảy nước phép cho xác chết không phải là vị Cả Sư, mà chỉ là một
thầy Cả thường như thầy pháp, và khi xác đã được khiêng ra Cà Dàng thì một thầy
Bà Xế làm phép tắm rửa cho xác.
Sau cùng nếu người chết là trẻ con và thiếu niên dưới 17 tuổi,
nghi thức cũng phải thực hiện đầy đủ như người lớn, nhưng đơn sơ hơn, và đặc
biệt khi đã tẩm liệm xong, xác được bỏ vào hòm gỗ như đồng bào Kinh, rồi đem đi
chôn.
Đám tang của đồng bào Chàm cũng phân ra lớn, vừa và nhỏ.
Đám tang lớn tức là trọng thể, đúng nghi thức cổ truyền phải do vị Cả Sư
làm chủ lễ, có bốn thầy Bà Xế chính và hai thầy Bà Xế phụ giúp sức. Trong
đám tang không có cờ xí, nhưng có kèn, trống và chiêng, có ban cổ nhạc kéo đờn
ca-nhi là thứ đờn làm bằng mu rùa, vừa đi vừa đọc kinh cầu nguyện.
Đám tang vừa thì Bà Xế làm phép tắm rửa khi tẩm liệm sẽ làm chủ
lễ, có hai thầy Bà Xế chính và hai thầy Bà Xế phụ giúp sức, không có kèn chiêng
trống, nhưng vẫn có ban cổ nhạc kéo đờn và đọc kinh cầu nguyện, nhưng lời kinh
được rút ngắn hơn.
Dù đám tang lớn hay vừa, thời gian được ấn định là 4 ngày, một
ngày cho ăn, một ngày nghỉ, một ngày chém cây, và một ngày hỏa táng.
Ngày hỏa táng phải là ngày tốt, cho nên nếu gặp được ngày tốt thì thời
gian trên đây được kéo dài thêm, những ngày thêm ấy được xếp vào những ngày
nghỉ. Như trên đã nói, đồng bào Chàm không dùng hòm và xác phải để lâu
ngày mới hỏa táng, vậy là không hôi thối gi cả, vì theo họ, các vị thầy Cả đã
làm phép đã có sự linh ứng khiến cho xác không thể thối được.
Đồng bào Chàm quan niệm người chết sang thế giới bên kia vẫn phải
ăn uống, nếu khi đi mà no đủ thì qua bên kia được sung sướng, cho nên trước khi
đem xác đi hoả táng hay chôn, phải cho xác ăn bằng cách bỏ những hạt nổ vào
miệng người chết, cũng giống như đồng bào Việt, khi quan hàm thì bỏ gạo và tiền
vào miệng. Đó là điều bắt buộc, bất luận già trẻ, giàu nghèo, sang hèn
khi chết phải được một vị thầy Cả cho ăn.
Khi khiêng xác đi, người Chàm cũng dùng đòn rồng do bốn người
chính khiêng, bốn người này phải mặc đồng phục Chàm toàn bằng vải trắng, ngoài
ra còn có những người khiêng phụ khác nếu đòn khiêng quá nặng. Người Chàm cũng
dùng nhà cái để che xác chết giống như nhà cái của đồng bào Việt.
Còn đám tang nào dành cho trẻ con thì rất đơn giản, chỉ có một
thầy Bà Xế phụ trách mọi nghi lễ cần thiết, thời gian chôn cất thường một ngày
lâu nhất là ba ngày. Hòm của trẻ con được đem chôn tại nghĩa địa gia tộc, đầu
mả hướng về Tây, nấm mả đắp theo hình chữ nhật và không cao lắm.
Trong đám tang của đồng bào Chàm Ninh Thuận cũng có sự phúng đìếu
của bà con, họ hàng, làng xóm, có mâm cỗ, lễ bái và ăn uống thết đãi như đồng
bào Việt. Có điểm đặc biệt là lễ vật được dùng trong đám tang là phải
thịt các loài vật đẻ trứng như gà, vịt, cá v.v… tuyệt đối không được dùng các
loài vật đẻ con như heo, bò, dê….
Những người chết được hoả táng thì hài cốt được cho vào kút đem để
tại nghĩa trang gia tộc. Kút là mộ chí của người Chàm. Kút có nhiều
hình tượng khác nhau. Sự khác nhau này do sự biến đổi mà ra, chứ không phải do
qui lệ nào cả. Ngày xưa, khi các triều đại vua Chàm còn thịnh, kút được
tạc bằng đá theo hình người với dáng điệu nghiêm trang như một pho tượng
thờ. Lần lần kút được tạo đơn giản hơn. Không có đầu và tay, chỉ
còn hình dáng một khoảng thân người với những nét chạm trổ hoa lá và những
đường xoáy ốc trên y phục. Đến ngày nay thì kút chỉ còn là những phiến đá đẽo
thon thon, trên nhỏ dưới to thật vững chắc.
Các kút được xếp trong một túp liều bốn mái sơ sài và trống trải,
cách sắp xếp phải theo một qui lệ hẳn hoi. Đó là nghĩa trang của đồng bào
Chàm, rải rác dưới chân đồi, trong một khoảng đất khá rộng tại các làng có đồng
bào Chàm ở, phần nhiều ở quận An Phước.
Thông thường một nghĩa trang gồm hai khu vực, khu chính là một căn
lều dựng trên đất cao, rộng trung bình khoảng 6 thước, dài 8 thước, với 4 hàng
cột gồm 16 cây, mái lều lợp cỏ và cành cây sơ sài, các kút được xếp trong lều
theo một hàng ngang, hướng mặt về phương Bắc. Kút ở giữa là của PO DHI
tức là vị tổ sáng lập ra dòng họ mẫu hệ ấy, vì mỗi dòng huyết hệ ấy có nhiều
thế hệ nên kút này chỉ có tính cách tượng trưng, chứ không có xương chôn phía
dưới. Đứng ngoài trông vào, phía bên trái kút PO DHI là hàng kút của nam
phái, xếp theo thứ tự tôn quý từ gần ra xa.
Sát PO DHI là kút của những người đã làm thầy Cả, Bà Xế, hay thầy
lễ (thầy pháp), rồi đến kút những người làm quan, sau chót là đến kút những
người thường dân. Những kút về phía bên phải cũng được xếp theo thứ tụ
tương tự như vậy. Gần PO DHI là kút những bà Bóng là những người được tôn
trọng nhất trong xã hội người Chàm, rồi mới đến kút các phụ nữ thường.
Xung quanh căn lều có một bờ rào xếp bằng đá, có tính cách phân
ranh giới tượng trưng. Trong vòng rào, tuỳ theo từng nghĩa trang, có khi
còn có một kút đứng lẻ loi ở phía trái lối vào. Đó là kút của một người
đàn ông có công hoặc một chàng rể mà dòng họ đã điêu tàn, không còn nơi nương
tựa.
Khu thứ hai ở ngoài vòng rào, phía bên phải là kút của những người
bất đắc kỳ tử. Những kút này không có lều che. Khu này cũng có kút PO DHI
ở giữa để phân biệt bên nam bên nữ.
Theo chế độ mẫu hệ Chàm, khi một người quá vãng, thì hài cốt phải
chôn nơi nghĩa trang bên dòng huyết tộc của họ, tức là bên nội, do đó, hài cốt
của hai vợ chồng không bao giờ được chôn bên nhau.
Không phải tất cả mọi người sau khi chết đều được vào kút, mà phải
hội đủ điều kiện bắt buộc như sau:
1- Chết bình thường trước sự chứng kiến của thân nhân, như
chết già, chết bệnh. Vì vậy các ông già bà lão Chàm ít dám đi xa, chỉ sợ không
được chết trước sự chứng kiến của thân nhân.
2- Thể xác phải toàn vẹn, nghĩa là không bị tàn tật, như,
đui, què, vì một tai nạn nào đó.
3- Đã đến tuổi thành niên và đã lập gia đình. Nếu chưa
lập gia đình xác chết phải chịu hình phạt, để chó nhảy qua đầu.
Thỏa mãn ba điều kiện nêu trên rồi, xác chết được hoả thiêu và cho
vào kút. Như vậy trẻ con chết không được vào kút như đã trình bày ở đoạn
trên. Các chiến sĩ chết ngoài mặt trận cũng không được vào kút vì thiếu
mất điều kiện thứ nhất kể trên. Nhưng gần đây, để tỏ lòng tri ân chiến
sĩ, một vài dòng họ đã châm chước đối với các chiến sĩ bị thương, nhưng khi
chết có sự hiện diện của thân nhân cũng được hoả thiêu và cho vào kút.
Việc vào kút phải được thực hiện qua nghi lễ phiền phức và long
trọng. Trước hết là lễ hỏa táng xác chết. Dàn hỏa được lập xa làng
xòm chừng vài trăm thước. Khi xác chết được khiêng đi đến nơi, thầy Cả
đọc kinh làm phép rồi cho đưa xác lên giàn, thầy châm lửa. Trong khi ngọn
lửa đang cháy thi thầy Cả dùng dao chặt đầu lâu đem ra khỏi giàn hỏa, đập lấy
chín miếng xương trán nếu là phụ nữ, hay bảy miếng nếu là nam giới, sau đó làm
lễ Patrip Talang để thanh khiết hóa và mài các mảnh xương ấy cho nhẵn nhụi,
tròn tợ bằng cỡ đồng tiền, rồi bỏ vào hộp klong, hộp này bao giờ cũng có hai
cái lồng vào nhau, nếu nhà giàu sang hộp bên trong làm bằng vàng, hộp ngoài
bằng thau, nhà vừa thì hộp bằng bạc, còn nhà nghèo thì có thể làm bằng
thiếc. Có chỗ người ta khiêng hộp klong về nhà. Trong thời gian chờ
đợi vào kút, người ta chôn tạm hộp klong ở trong rừng hay trong bụi rậm, và phải
giấu không cho bọn gian phi đào trộm vì hộp klong bằng vàng hay bằng bạc quý
giá.
Sở dĩ có việc chôn tạm như vậy là để chờ khi có đủ hộp klong của
hai phái nam và nữ, người ta mới tổ chức một lễ lớn để đem xương đựng trong các
hộp klong phải chôn xuống kút cùng một lượt. Vì phải chờ như vậy, nên có
nhiều khi một hộp klong phải chôn tạm đến bảy tám năm.
Gặp trường hợp gia chủ quên mất nơi chôn tạm hoặc bị kẻ gian trộm
mất hộp klong, kẻ qua đời không được vào kút nữa. Đó là một điều bất
hạnh. Do đó nhiều gia đinh chôn hộp klong rất cẩn thận. Họ lấy hai
viên gạch Chàm (loại gạch rất lớn) khoét ruột cho vừa hộp klong, rồi dùng nhiều
chốt gỗ đóng xéo ghì chặt hai viên gạch vào nhau, sau đó còn tô gắn qua loa rồi
mới chôn xuống đất đã rào kỹ.
Có lẽ để tránh tình trạng quên hay bị mất trộm là điều đại bất
hạnh cho người quá cố, nên nhiều nơi người ta mang hộp klong đựng di cốt về nhà
để con cháu làm tuần ba ngày và tuần giáp tháng, rồi đem chôn ra ngoài khuôn
rào nhà mình thay vì chôn trong rừng hay bụi rậm….mất ba hàng không đọc được ……………..
Ảnh số 34: Nhà thờ Hộ Diêm (ảnh của Lương Văn Hoà)
Trong khi di cốt của người chết chưa đem vào kút thì con cháu phải
chịu tang, đồ tang chỉ mặc trong lúc làm lễ mà thôi, bằng vải màu trắng cũng
như đồng bào Việt.
Khi xương đã bỏ vào túi kút rồi , hộp klong có thể dùng lại được,
nhưng phải tẩy uế bằng một khóa lễ theo nghi thức tôn giáo.
Như trên kia đã nói, trong khi lửa đang cháy rực thi thầy Cả lôi
đầu lâu ra lấy mấy miếng xương trán, còn lại bỏ vào lửa đốt cháy cho đến khi
lửa tàn. Tất cả tro tàn và những xương nát vụn còn sót lại được hốt đổ
vào bụi rậm gần đó.
Hàng năm tháng giêng đến tháng ba Chàm lịch tức từ khoảng tháng ba
đến tháng sáu dương lịch, người Chàm đi viếng kút và làm lễ giỗ tổ. Lễ
vật bao giờ cũng có một con dê, 35 con gà với trầu cau, bánh trái.
Trước hết người ta cúng tại mộ mấy đứa con nít, rồi đến kút của
những người bất đắc kỳ tử, sau cùng mới đến kút trong căn lều. Khi cúng
người ta mặc áo cho kút tùy theo địa vị của từng loại. Kút Po Dhi được
mặc y phục như hoàng hậu, công chúa Chàm, kút các thầy Bà Xế, thầy tế lễ thì
mặc y phục hàng giáo sĩ, kút các bà Bóng mặc y phục hàng nữ tu. Tại kút
đơn độc lối vào nghĩa trang thì các chàng rể cúng và hưởng luôn lễ vật.
Đây là loại kút ngoại tộc.
Những dòng họ nào bị tuyệt tự, nghĩa là hết sanh con gái thì nghĩa
trang bị bỏ hoang vắng, và các kút không người cúng quảy. Đồng bào Chàm
kể lại rằng, những nơi như vậy, vào những đêm mưa đầu mùa, dưới ánh trăng mờ
ảo, trong hơi sương lạnh lẽo, những đám lửa chập chờn trên các kút như những
con ma trơi, làm cho khách đi qua phải rợn tóc gáy, lạnh xương sống. Gặp
những trường hợp ấy, khách chỉ còn cách duy nhất là tẩu thoát.
Về phong tục tập quán của đồng bào Chàm tại Ninh Thuận, còn lắm điều
đáng nói, nhưng trong khuôn khổ một chương sách, chúng tôi chỉ trình bày những
nét chính về các phương diện sinh hoạt để bắt chiếc cầu thông cảm giữa đồng bào
Kinh và đồng bào Chàm khi phải tiếp xúc với nhau trong cuộc sống chung trong
cộng đồng quốc gia, để tình đoàn kết dân tộc ngày một thêm thắm thiết.
B- PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA ĐỒNG BÀO THƯỢNG ROGLAI
Theo thống kê năm 1967, tỉnh Ninh thuận có khoảng 12.000 người
Thượng thuộc hai sắc dân chính là Roglai ở miền Tây Bắc và Churu ở miền Tây
Nam. Người Roglai chiếm đại đa số ở các xã É-lâm-thượng, É-lâm-hạ, Cam
Ly, Cam Thọ còn thiểu số người Churu sống ở xã Tà Lương Quận An Phước, mỗi sắc
dân có phong tục tập quán riêng.
Theo các nhà nhân chủng học, người Roglai được cấu tạo hơi giống
Chàm và giống Rhadé thành các chi phái Agglai, Tring v.v… Một phần phối hợp
giữa giống Koho và Chàm thành chi phái Sré. Do đó phong tục tập quán của
người Roglai chịu ảnh hưởng của sắc dân Chàm, Rhadé và Koho. Mặt khác,
nhờ ở gần đồng bào Kinh đã giúp họ cải tiến khá nhiều các tập quán quá cổ.
Về ăn mặc và trang sức, họ bắt chước theo lối người Kinh, nhưng
lại thích diêm dúa, nên vẫn giữ được sắc thái riêng. Họ cũng ở nhà sàn,
nhưng không cao quá một thước, nhà lại chật hẹp, nên không được sạch sẽ.
Trong lúc ăn uống, số đông đã biết dùng bát, một số còn dùng túi nhỏ đan bằng
cói.
Người Roglai theo chế độ mẫu hệ nên con gái cưới con trai.
Tuy nhiên việc lựa chọn lúc ban đầu thì do chàng trai quyết định. Yêu một
cô gái nào, chàng trai liền đem đồ đạc đến cư ngụ nhà gái và làm lụng chung như
một người trong gia đình. Nhà gái không hề phản đối sự hiện diện tự động
hoặc ngăn cấm đôi trai gái tìm hiểu nhau.
Sau một thời gian, nếu chàng muốn đi đến hôn nhân, thì trao cho
nàng một vật kỷ niệm như bông tai, ca rá, vòng v.v… Nếu nàng đồng ý thì nhận,
bằng không thì trả lại và chàng phải rút lui êm.
Người con gái nhận tặng vật rồi, liền trình cho cha mẹ biết để
mang rượu đến nhà trai và bàn chuyện cưới xin. Tuy nói vợ cưới chồng
nhưng mọi phí tổn đều do nhà trai chịu cả, từ quần áo, nữ trang của cô dâu đến
tiệc tùng ăn uống. Nhà nghèo thì phải giết một heo, nhà giàu thì làm thịt
trâu bò. Một cái rạp được dựng lên, người ta trải chiếu xuống đất ngồi la
liệt, ăn uống thả giàn, cho đến khi say mèm mới thôi.
Sau tiệc cưới người chồng phải về nhà vợ sống chung mãn đời.
Người Roglai rất kỵ việc trai gái ăn nằm vụng trộm với nhau.
Nếu việc này xảy ra, các người phạm pháp sẽ bị trừng phạt rất nặng.
Hiện nay, để răn dạy con cái, người Roglai thường kể cho con cháu
nghe câu chuyện ba lon gạo và một mũi tên như sau. Hồi xưa, có một thanh
niên và một thiếu nữ yêu nhau mà không xin phép cha mẹ cưới hỏi, chẳng may
người con gái có thai. Tự nhiên trong xóm xẩy ra nhiều tai nạn: rẫy
mất mùa, trâu bò, heo gà chết dịch, người không bệnh mà chết v.v…
Mọi người đều quy tội cho hai người đã yêu nhau vụng trộm, không
ra mắt ông bà và cúng Nhang, nên cả buôn bị Nhang phạt. Cả buôn mới hợp lại
bắt tội hai người, giao cho ba lon gạo và một mũi tên để tùy ý lựa chọn sự
trừng phạt. Nếu chọn mũi tên thi họ sẽ bị bắn chết ngay, nếu chọn ba lon
gạo thì hai người dắt nhau vào rừng ăn hết gạo thì chết đói. Họ chọn ba
lon gạo và sau bảy ngày họ đã ôm nhau chết bên bờ suối với mối tình tuyệt vọng.
Về sinh đẻ, khi người vợ có thai, người chồng vào rừng kiếm lá và
rễ cây về phơi khô làm món thuốc gia truyền, khi vợ sanh thì sắc lên cho uống,
sinh được 3-4 ngày, người vợ ra suối tắm rửa sạch sẽ rồi từ đó cõng con trên
lưng mà làm việc như thường. Trẻ con lớn lên được người lớn tập cho uống
rượu và hút thuốc, nên không một người nào mà không sành hai món đó, kể cả đàn
bà.
Người Roglai không biết tính ngày tháng. Nhưng họ quả quyết
rằng có thai con trai trong chín tháng, con gái trong 10 tháng.
Khi có người chết, nếu là thân nhân của vị chủ làng thì xác được
bỏ vào hòm làm bằng một thân cây khoét lỗ, nếu là thường dân thì bó bằng vỏ
cây. Hi liệm có ông thầy cúng làm phép, xong đốt nhang đèn và để hòm đó mấy
ngày, tụ họp họ hàng, làng xóm ăn uống no say rồi mới chôn. Mỗi ngôi mộ
có một cái trại bằng lá, dụng cụ chia gia tài cho người chết được treo ở trại,
giáp năm thì đốt cháy hết.
Người Roglai thờ Nhang. Mọi việc phưóc tội đều do Nhang định
đoạt, cho nên khi làm việc gì họ cũng phải cúng Nhang trước. Khi đau ốm
cũng cúng Nhang. Họ không có tục ăn Tết, mà có “mùa uống rượu” sau khi
gặt hái xong, khoảng từ tháng 12 dương lịch đến tháng tư năm sau. Họ
chuẩn bị mấy vò rượu cần từ nửa tháng trước. Gia chủ giết trâu bò, heo
gà, mời dân làng và các làng lân cận đến ăn uống, thanh niên nam nữ thì múa
nhảy ca hát, uống đến khi say mèm và ngủ thiếp cho đến hôm sau mới về. Có
khi làng này cách làng kia 5-7 cây số đường rừng, họ cũng rủ nhau đi, nhà này
tiếp đến nhà kia tiệc tùng liên miên.
Người Roglai cũng có những sự kiêng cữ, chẳng hạn như không được
dùng dao rựa chặt vào cây trong rẫy, vì họ tin có Nhang ngự trị trong
rẫy. Sau mùa gặt họ cúng Nhang xong xuôi mới đốn củi trong rẫy. Họ
kiêng không lấy cái rế chụp trên đầu trẻ con, vì đứa trẻ sẽ bị cọp ăn.
Khi ăn cơm những dụng cụ nhà bếp bằng đất không được đem tới bên cạnh mâm cơm,
vì sợ bị chết, bằng kim khí thì được. Các đồ nấu cũng không được đem từ
nhà này qua nhà khác, không được giặt hay tắm rửa phía trên dòng suối lúc có
đàn bà đang tắm giặt phía dưới. Khi đổ gạo vào nồi thì phải lấy gáo hay
chén múc nước đổ vào, chứ không được nhúng nồi xuống nước mà múc, vì làm như
vậy sẽ gặp tai nạn. Khi khách đến nhà họ mời rượu, khách phải uống và mời
lại họ, họ mới vui lòng.
Ảnh số 35: Trung tâm thực nghiệm Nha Hố (ảnh của Lương Văn
Hoà)
C- PHONG TỤC TẬP QUÁN CỦA NGƯỜI THƯỢNG CHURU
Người Churu là một bộ lạc thuộc dòng Koho, sống nhiều ở vùng Đơn
Dương, lan xuống các vùng núi phía Tây Nam Ninh Thuận. Koho nguyên là
tiếng Chàm dùng chỉ những người dân sơn cước không thuộc dòng Chiêm Thành, về
sau được dùng để chỉ bộ lạc Thượng sống trên cao nguyên Di Linh.
Phong tục tập quán của người Churu gần giống với người Rhadé và
Roglai. Về nhà cửa, họ cũng ở nhà sàn, nhưng gác cách mặt đất từ 2 thước đến
3 thước, trong cũng chia ra buồng ngủ, phòng khách như người Rhadé. Phục
sức của đàn ông cũng là chiếc khố và của ngưòi đàn bà là chiếc “yêng” dài tới
bắp chân.
Khi sanh nở, sản phụ được nằm trong một góc nhà, do bà mụ trong
buôn đến săn sóc, sau khi sanh cũng được uống thuốc sắc bằng các thứ lá và rễ
cây phơi khô như người Roglai.
Khi trong nhà có người chết, cả làng sẽ đến giúp tang chủ làm áo
quan và tẩm liệm, gia chủ phải mổ trâu bò cúng lễ và đãi làng ăn uống.
Xác chết để trong nhà 2-3 ngày mới chôn. Trong một đại gia đình chỉ có
một nhà, chôn chung tất cả thân quyến chết vào một hố, người chết sau nằm đè
lên người chết trước. Một hai năm sau, đến ngày giỗ, thân quyến đến thăm
lần cuối cùng sau khi đã giết trâu bò cúng lễ, rồi bỏ hẵn nếu trong gia đình
không có ai chết kế tiếp.
Khi người vợ chết, con cái phải để lại cho dì nuôi, bất đắc dĩ
giao cho người cậu.
Tài sản do hai vợ chồng làm nên đều để lại cả cho dì hay cậu lũ
trẻ. Người chồng trở về cha mẹ mình với hai bàn tay trắng. Thời
gian tang chế là một năm chung cho tất cả vợ và chồng. Nếu chưa mãn tang
mà muốn lập gia đình, đương sự phải biện lễ xin phép gia đình vợ hay chồng.
Người Churu cũng theo chế độ mẫu hệ, gái đi cưới chồng. Khi
một cô gái ưng một chàng trai nào thì tin cho cha mẹ biết, sau đó lảng vảng
trước nhà để chàng trai có dịp tìm hiểu. Tuy vậy, khi có người đến dạm
hỏi, chàng trai cũng e lệ như cô gái Kinh, nên cũng từ chối lấy lệ hai ba lần,
khiến cho nhà gái phải nhờ người mai mối năm bảy lượt mới xong. Theo tục
lệ, dù cha mẹ đàng trai bằng lòng cũng phải chờ sự chấp thuận của người con
trưởng, việc hôn nhân mới thành tựu. Nếu người con trưởng ở xa, phải bằng
mọi cách báo cho biết, nếu không sau này người ấy trở về vẫn bắt vạ và nọc cả
hai ra đánh đòn.
Được sự đồng ý của nhà trai, ít hôm sau nhà gái đem lễ vật sang ăn
uống rồi trước mặt họ hàng, nhà gái lấy hột cườm chia cho tất cả trẻ con, người
lớn trong nhà để làm chứng, đeo vào cổ cô dâu chú rể mỗi người một chuỗi và vào
tay chiếc nhẫn cưới bằng bạc. Có nhà chỉ trao đổi vòng đồng. Cũng
trong dịp này, hai bên cha mẹ thoả thuận với nhau về đồ lễ.
Vài hôm hay mấy tháng sau, nhà gái sang rước rể, họ hàng lại họp
ăn uống, bà con đem đồ đạc, trâu bò, lúa giống v.v… đến tặng chàng trai làm của
hồi môn. Ăn uống bên nhà trai xong, họ hàng đưa chú rể về nhà vợ. Ở
đây mâm cộ lại dọn ra thết đãi hai họ cho đến khuya, vào khoảng nửa đêm, họ
hàng sẽ làm lễ nhập phòng cho đôi tân hôn. Cả họ đưa chú rể vào phòng mới
trở ra.
Tuần lễ sau, hai vợ chồng trở về nhà chồng ở một vài tháng, trong
thời gian này người vợ làm việc để gọi là đền ơn trả nghĩa. Một năm sau,
nếu hai vợ chồng làm ăn khá giả, lại trở về nhà chồng đem theo hoa lợi kiếm
được do của hồi môn để biếu cha mẹ chồng.
Nếu đôi trai gái lấy nhau không được sự đồng ý của cha mẹ thì nhà
gái phải đền vạ cho nhà trai, thường thì một con heo lớn làm thịt để đãi
làng. Vợ chồng có thể xin ly dị nhau, người khởi xướng phải đền cho người
kia từ hai đến bảy con trâu nếu có duyên cớ chính đáng, 15 con trâu nếu không
có duyên cớ.
Trường hợp phạm gian bị bắt quả tang, gian phu dâm phụ phải bồi
thường 15 con trâu cho kẻ bị bội phản trong số đó có một con giết đãi
làng. Nhưng nếu nạn nhân xin ly dị thì người chồng phạm gian chỉ bồi
thường một nửa. Trái lại người vợ phạm gian phải trả đủ. Trước
chiến tranh, theo tục lệ, người quyến rũ chồng hay vợ thường bị thủ tiêu, không
cần chờ đền vạ.
Trường hợp loạn dâm, người làng sẽ bỏ rọ cả hai thả trôi sông một
quãng vớt lên, rồi mọi người thay nhau đánh đập tội nhân, sau mới đưa ra mắt vị
tộc trưởng xử trị.
Người Churu theo quan niệm đa thần, hiện tượng thiên nhiên nào đối
với họ cũng đều do một vị thần cai quản, tuy nhiên mỗi gia đình được tự ý lựa
chọn vị thần hộ mệnh. Khi ốm đau, bệnh tật, cầu nắng, cầu mưa, cầu mùa
màng v.v… họ đều cúng bái vị thần ấy. Đặc biệt khi cúng thần, họ giết
trâu bò, còn khi cúng giỗ thì chỉ giết heo gà.
Người Churu không có lễ Tết, nhưng mỗi năm họ có một tháng ăn chơi
gọi là “tháng quên”. Thường cuối mùa nắng, trước khi đốt rẫy làm
mùa, họ tạm đình công việc trong một tháng, tổ chức ăn uống linh đình, làng nọ
kéo qua làng kia dự hội. Ngoài ra họ còn vào rừng săn thú hoặc xuống suối bắt
cá làm thú tiêu khiển, hết “tháng quên” họ bắt tay vào việc, và đốt rẫy xong là
gặp mùa mưa.
Ở đây người ta cũng có sự kiêng cữ giống như người Roglai. Ngoài
ra còn kiêng không gọt cam hay trái cây trong nhà. Không được bắn chim, không
được vào buồng họ để thay quần áo, và không được để quần áo trên đầu giường.
Merkur 37C Safety Razor Review – Merkur 37C
ReplyDeleteThe Merkur https://deccasino.com/review/merit-casino/ 37c 토토 is https://sol.edu.kg/ an excellent short apr casino handled DE safety razor. It is more suitable for both heavy and non-slip hands and is therefore a great option for experienced