NON NƯỚC NINH THUẬN
PHẦN HAI (A)
Công trình đánh máy: Ông và Bà Nguyễn Nghiêm
Hiệu chỉnh kỹ thuật: Lê Tự Do
Lần đầu tiên được đăng tải trên Diễn Đàn Ái Hữu Ninh Thuận 04/2007
KÍNH DÂNG
ANH LINH CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ HY SINH CHO TRƯỜNG TỒN CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM
Tháp Chàm Po KLong Garai và Nhà thờ PhanRang cũ (1966)
MỤC LỤC
LỜI NÓI ÐẦU
PHẦN THỨ NHẤT: CẢNH ĐẸP THIÊN NHIÊN
Chương 1: GIỚI THIỆU
Chương 2: ĐỊA CHẤT
Chương 3: NÚI NON
Chương 4: SÔNG NGÒI
Chương 5: ĐỒNG BẰNG
Chương 6: BỜ BIỂN
Chương 7: KHÍ HẬU
Chương 8: DANH LAM THẮNG CẢNH
PHẦN THỨ HAI: TAY NGƯỜI TÔ ÐIỂM
A
Chương 1: Lịch sử
Chương 2: Di tích lịch sử
B
Chương 3: Phong tục tập quán của đồng bào Kinh
Chương 4: Phong tuc tập quán của đồng bào Sắc Tộc
C
Chương 5: Tôn giáo
Chương 6: Nhân vật
PHẦN THỨ BA: NGUỒN LỢI KINH TẾ
Chương 1: Tài nguyên
Chương 2: Hoạt động nông nghiệp
Chương 3: Hoạt động ngư nghiệp
Chương 4: Muối Cà Ná
Chương 5: Ðường giao thông
HẾT
PHẦN THỨ HAI
TAY NGƯỜI TÔ ĐIỂM
(A)
CHƯƠNG I
LỊCH SỬ
Phần đất tỉnh Ninh Thuận ngày nay về thời cổ có lẽ thuộc về phần đất nước Tây Đồ Di. Theo sách Hậu Hán Thư chép rằng: Phía Nam Quận Nhật Nam có nước Hoàng Chi, những rợ man di ở ngoài bờ cõi quận Nhật Nam đều gọi là nước Khiếu Ngoại, lại theo sách Vân Đài Loại Ngữ của ông Quế Đường Lê Quý Đôn dẫn lời Tống Bạch nói rằng Mã Viện nhà Hán đánh nước Giao chỉ (năm 43) từ phía Nam đi 400 dặm đến nước Lâm Ấp, lại đi về phía Nam 200 dặm đến nước Tây Đồ Di. Tại đây Mã Viện dựng ba cột đồng ở bờ cõi Tượng Lâm, chia địa giới với nước Tây Đồ Di, nước này sau bị Chiêm Thành lấy mất.
Khảo cứu về cột đồng Mã Viện nói trên đây, nhiều tài liệu xưa cho rằng nơi trồng là núi Đá Bia giáp ranh hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa ngày nay (1). Núi này trước khi vua Lê Thánh Tôn khắc bia nơi tảng đá trên đỉnh và đổi lại là Thạch Bi Sơn (2) thì gọi là Đồng Trụ Sơn, nơi địa giới cực Nam quận Nhật Nam nhà Hán. Bên kia ranh giới về phía Nam thuộc nước Tây Đồ Di, tức vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay.
_________________________________________________________________________________
(1) Xem kỹ hơn ở chương lịch sử trong NON NƯỚC PHÚ YÊN của tác giả xuất bản.
(2) Tức tên chữ của núi Đá Bia
_________________________________________________________________________________
Lại xét trong cổ sử Trung Hoa thì từ vua Thuận Đế nhà Hán năm thứ 2 niên hiệu Vĩnh Hòa (137) sau Tây Lịch nhân lúc bên Tàu có loạn, quan Công Tào huyện Tượng Lâm là Khu Liên giết quan huyện lệnh mà tự lập quốc gia riêng. Nhân vùng đất Tượng Lâm là huyện Lâm Ấp cũ của Tượng Quận đời nhà Tần, nên Khu Liên đặt quốc hiệu là Lâm Ấp, tức là khoảng từ đèo Hải Vân xuống Đại Lãnh bây giờ. Lúc mới lập quốc, nước Lâm Ấp vẫn tôn trọng lãnh thổ nước Tây Đồ Di ở phía Nam. Về sau nước Lâm Ấp mới thôn tính nước này mà sáp nhập vào lãnh thổ, mở rộng bờ cõi đến Bình Thuận ngày nay.
Nước Tây Đồ Di ở giáp biển, ven biển gió bụi suốt ngày. Nay căn cứ vào địa lý Khánh Hòa và Ninh Thuận, ta thấy tại vùng Tu Bông gió từ ngoài biển thổi vào suốt ngày đêm (1) và tại Phan Rang về mùa nắng, gió thổi mạnh, cát bụi mù trời.
Ảnh số 14: Toà hành chánh Ninh Thuận (ảnh Lương Văn Hòa)
_________________________________________________________________________________
(1) Xem Non Nước Khánh Hòa của tác giả đã xuất bản.
_________________________________________________________________________________
Đến năm Qúy Dậu đời Vua Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng Đế năm thứ 3 (1693). Bà Tranh vẫn nuôi mộng khôi phục giang sơn cũ, bỏ không tiến cống lại đem quân sang đánh phá phủ Diên Ninh (nay là Diên Khánh), vua sai quan Chưởng Binh Nguyễn Hữu Kính đi đánh bắt đưọc Bà Tranh cùng các liêu thuộc đem về làm tù binh.Năm Đinh Sửu (1697) đời vua Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đến năm thứ 6, chúa Nguyễn quyết định chia đất từ Phan Lý (nay là Phan Rí) trở vào Nam đến biên giới Thủy Chân Lạp (Biên Hoà), đặt phủ Bình Thuận gồm hai huyện An Phước và Hoà Đa. Lại đặt dinh Bình Thuận và đặt các đạo Phan Rang, Phan Thiết, Ma Ly và Phố Hài, mỗi đạo có đặt một quan văn và một quan võ đều thống thuộc về dinh, còn phủ huyện thì không đặt quan chức, bỏ Thuận Thành Trấn và Phiên Vương hiệu.
Về sau Bà Tranh chết trong tù, dân chúng trong vùng đói khát, dịch tệ lan tràn, các liêu thuộc cũ tâu lên chúa Nguyễn cho rằng vì đổi tên nước nên dân mới không được yên. Chúa cho phục lại tên Thuận Thành trấn và Phiên Vương hiệu.
Mùa thu năm Qúy Tỵ (1773) anh em nhà Tây Sơn dấy nghiệp tại Qui Nhơn, tiến đánh Quảng Nam về phía Bắc, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận về phía Nam. Bấy giờ một danh tướng của chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Hiệp trấn đóng tại Phú Yên, cản đường Nam tiến của Quân Tây Sơn. Nguyễn Nhạc bèn lập mưu cử Nguyễn Huệ đánh chiếm được Phú Yên năm Ất Mùi (1775), kế đến Khánh Hòa, Bình Thuận (trong đó có phần đất Ninh Thuận ngày nay) lần lượt về tay Tây Sơn. Năm Mậu Tuất (1778) Nguyễn Nhạc lên ngôi vua, hiệu Thái Đức, cai trị suốt một vùng từ Quảng Nam vào giáp Biên Hòa. Phiên Vương Chàm là Chưởng Cơ Tá đem hết truyền quốc khí vật hàng Tây Sơn và nhận sự tấn Phong của vua Thái Đức (2).
_________________________________________________________________________________
(1) & (2) Hai Thiên Vương do Tây Sơn tấn phong là: 1/Chây Krây Brây (1783-1786), và 2/ Pô Ti Thun Da Pa Rang(1786-1793).
_________________________________________________________________________________
Mười năm sau, nhằm năm Mậu Thân (1788) Nguyễn Ánh từ giã đất Xiêm trở về Gia Định khôi phục toàn cõi Nam Phần, chuẩn bị lực lượng tiến chiếm các tỉnh miền ngoài. Năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Vương sai tướng Lê Văn Câu đem 5.000 quân thủy ra đánh chiếm Bình Thuận, qua vùng Phan Rí, Phan Rang. Tại đây Lê Văn Câu cho lập bốn đồn binh, chia quân đóng giữ. Nhưng quân Tây Sơn trở lại đông, Lê Văn Câu không chống nổi, phải bỏ các tiền đồn tháo lui, phần đất Ninh Thuận lại lọt về tay quân Tây Sơn. Năm Nhâm Tý (1792) Nguyễn Vương lại cất quân ra đánh Tây Sơn, bộ binh tiến vào vùng Bình Thuận, còn thủy quân vượt biển ra đánh Thị Nại ở Qui Nhơn. Thủy quân là lực lượng chính, còn lục quân chỉ là để yểm trợ, nên sau khi đại phá thủy quân Tây Sơn ở Thị Nại, Nguyễn Vương lại rút quân thủy bộ về Gia Định.
Qua năm Qúy Sửu (1793) nhân lúc gió mùa Tây Nam thổi mạnh Nguyễn Vương lại cất quân ra đánh Thị Nại lần thứ hai, trên bộ thì giao cho Tôn Thất Hội chỉ huy, kéo vào đánh Bình Thuận, tiến dần ra Khánh Hòa phối hợp với thủy quân do Nguyễn Ánh đích thân chỉ huy đổ bộ Nha Trang, rồi tiến chiếm hai phủ Diên Khánh và Bình Khang. Kể từ đó, thành Diên Khánh là địa đầu của quân chúa Nguyễn, nên phần đất từ Ninh Thuận trở vào hoàn toàn thoát khỏi hệ thống hành chánh của nhà Tây Sơn.Khi quân Nguyễn Ánh ra đánh Bình Thuận, Vương cho gọi Phiên Vương ra hàng, nhưng y không chịu ra, lại còn đón đánh quân chúa Nguyễn mỗi lần hành quân qua địa hạt. Chúa Nguyễn căm tức lắm. Lúc đó Phiên Vương có hai phiên liêu là Nguyễn văn Hảo và Nguyễn văn Chấn trốn về hàng chúa Nguyễn, dẫn đường cho Nguyễn Vương ra đánh Bình Thuận, Phan Rang, bắt được Phiên Vương giết đi. Từ đó bỏ hiệu Phiên Vương, đặt chánh phó Trấn Thủ, giao cho hai Phiên liêu qui thuận nói trên đảm trách. Hai Phiên liêu này được đổi họ tên. Hảo được phong Chưởng Cơ làm Chánh Trấn, Chấn Thăng Cai Cơ làm phó Trấn. Hảo chết, Chấn lên thay.
Sau khi thống nhất sơn hà, Gia Long vẫn giữ y tổ chức hành chánh cũ. Năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đặt chức tri phủ Bình Thuận kiêm lý huyện An Phước (1) bỏ đạo Phan Rang. Năm thứ 6 (1825) đặt chức tri huyện An Phước. Năm thứ 13 (1832) nhân dịp cải tổ hành chánh toàn quốc, nhà vua cho chia đất Bình Thuận làm hai phủ, phía Đông Bắc là phủ Ninh Thuận, phía Tây Nam lập phủ Hàm Thuận và chia địa hạt các huyện gồm có từ địa giới tỉnh Khánh Hoà đến sông Ma Bố tức sông Lu là huyện An Phước, từ sông Ma Bố đến sông Duồng là huyện Tuy Phong đều thuộc phủ Ninh Thuận, từ sông Duồng trở vào là huyện Hoà Đa và huyện Tuy Định thuộc phủ Hàm Thuận, ngày nay là tỉnh Bình Thuận và Bình Tuy, bỏ hẳn danh trấn Thuận Thành làm tỉnh Bình Thuận, đặt chức Thuận Khánh Tuần Phủ (2) và hai ty Bố Chánh và Án Sát.
Đến năm Quý Tỵ Minh Mạng thứ 14(1833), Lê Văn Khôi nổi loạn ở thành Phiên An trong Gia Định, chiếm trọn lục tỉnh Nam Phần và tiến ra đánh Bình thuận và Ninh Thuận (3) có lẽ lúc bấy giờ Lê Văn Khôi đã đưa ra những luận điệu tuyên truyền hứa hẹn để mua chuộc, nên đa số dân Chàm ở vùng này đã tích cực theo hợp tác với chủ mới. Do đó, sau khi đàn áp được phong trào Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng thẳng tay khủng bố và đàn áp dân, khiến cho số nào chưa bị ngọn gươm oan nghiệt kết liễu cuộc đời bèn bỏ trốn qua Cam Bốt hay lên ẩn náu trên vùng Thượng.
_________________________________________________________________________________
(1) Tức phần đất Ninh Thuận ngày nay.
(2) Chức Tuần phủ cũng như tỉnh trưởng ngày nay coi luôn cả hai tỉnh Bình Thuận và Khánh Hoà, lỵ sở đóng ở Diên Khánh.
(3) Năm Gia Long thứ 11 (1812) nhân việc vua Chân Lạp chạy sang Gia Định cầu cứu vì bị mấy người em đưa quân Xiêm về đánh cướp ngôi, nhà vua bèn cử ông Lê Văn Duyệt vào làm tổng trấn Gia Định thành để kinh lý mọi việc và cho đặt trấn Bình Thuận (trong đó có phần đất của Ninh Thuận) và trấn Hà Tiên nguyên là biệt trấn của họ Mạc trực thuộc vào quyền Gia Định Tổng Trấn cho đến ngày Lê Văn Duyệt mất. Do đó dân chúng ở đây chịu ơn ông Lê Văn Duyệt rất nhiều.
_________________________________________________________________________________
Đến đời Thiệu Trị, nhà vua mới hủy bỏ lệnh đàn áp và xuống chiếu phủ dụ, một số người mới hồi cư lập nghiệp và truyền hạ đến ngày nay. Suốt đời Tự Đúc không có sự thay đổi nào quan trọng về mặt hành chánh đối với vùng đất Ninh Thuận.
Năm Ất Dậu (1885) dưới đời Hàm Nghi, cuộc đánh úp quân Pháp ở Huế do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chủ trương bị thất bại, vua phải chạy ra Quảng Trị xuống chiếu Cần Vương. Văn Thân và sĩ phu khắp nước hưởng ứng nổi lên chống Pháp. Tại Bình Thuận, thân hào địa phương cũng đánh chiếm phủ Ninh Thuận, và tỉnh thành Phan Thiết (1). Các quan Tuần Vũ, Bố Chánh, Án Sát, Tri Phủ, Tri Huyện đều bỏ trốn.
Quân Cần Vương chiếm giữ được mấy tháng, qua năm Bính Tuất (1866), sau khi đã đưa Đồng Khánh lên làm vua bù nhìn đầu tiên trong lịch sử vong quốc của ta, chính phủ Pháp bèn dùng ý thức tôn quân mù quáng sẵn có trong đầu óc đa số, dùng quân lính và một số tay sai đắc lực đàn áp những ổ kháng chiến.
_________________________________________________________________________________
(1)) Chúng tôi rất tiếc là không tìm đau ra tài liệu để biết rõ tên tuổi các nhà ái quốc Cần Vương ở Ninh Thuận. Tới nghiên cứu tại địa phương, chúng tôi cũng đã gặp rất nhiều vị nhân sĩ lão thành, nhưng không một ai biết cả. Theo ông Mai Xuân Nga, trưởng ty Hành Chánh Ninh Thuận cho biết trong lúc công tác với ông Thái Văn Kiểm bấy giờ làm tỉnh trưởng Ninh Thuận, sưu tầm tra cứu thì biết được một cách mơ hồ là có 4 người họ Trương, họ Nguyễn, Họ Phan và họ Bùi, nhưng không rõ tên và cũng không biết quê quán ở đâu. Thật là một thiếu sót lớn của hậu thế đối với tiền nhân vậy.
_________________________________________________________________________________
Tại các tỉnh cực Nam Trung Kỳ, viên Thống Đốc Nam Kỳ ở Sài Gòn sai Trần Bá Lộc, một tên chó săn khét tiếng tàn ác, hợp cùng Thiếu Tá De Lorme, công sứ Aymonier, đánh dẹp các nơi, khoảng tháng 8 năm Bính Tuất, tỉnh thành Bình Thuận và các phủ huyện đều lọt vào tay quân Pháp.
Người ta kể lại rằng bấy giờ quân Pháp đi đường biển đổ bộ vùng Ninh Chữ. Quân Cần Vương đóng trong thành Phan Rang, phủ lỵ Ninh Thuận, liền kéo ra phục kích ở vùng núi Dư Khánh. Viên chỉ huy ngồi trên mình ngựa, có hai tên lính cầm cương hai bên, dắt ngựa đi đi lại lại để viên chỉ huy điều động ba quân. Khốn nổi lúc bấy giờ quân Cần Vương chỉ được trang bị bằng gươm giáo, một ít cây súng điểu thương cổ lổ sỉ, nên không sao chống nổi súng ống tối tân của địch quân. Chỉ một loạt súng đầu tiên của quân Pháp nổ như bắp rang, hàng ngũ quân Cần Vương đã tan rã, mạnh ai nấy chạy trốn. Quân Pháp tiến vào phủ lỵ như chỗ không người.
Qua tháng 7 năm Đinh Hợi (1887), sau khi đã bình định xong các tỉnh Nam Trung Kỳ từ Quảng Nam đến Bình Thuận, Trần Bá Lộc rút về Nam Kỳ, quân Pháp trả lại các tỉnh cho triều đình Huế để tổ chức lại nền hành chánh dưới sự kiểm soát của chính phủ bảo hộ. Ông Phan Thanh Liêm, con cụ Phan Thanh Giản, được cử giữ chức Tổng đốc Thuận Khánh, Án sát Bình Định là Nguyễn Đình Văn làm Bố chánh Bình Thuận, thay thế nguyên Tuần vũ , viên Bố chánh Võ Doản Tuân được cử giữ chức Bố chánh Khánh Hòa. Các quan phủ huyện cũng đều bổ người mới.
Năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) trích huyện An Phước thuộc phủ Ninh Thuận tỉnh Bình Thuận, 7 xã của huyện Tuy Phong và hai tổng của huyện Hoà Đa sáp nhập vào tỉnh Khánh Hoà. Bảy xã là Phú Mỹ, Từ Sơn, Từ Thiện, Sơn Hải, Nho Lâm, Thạnh Đức và Lạc Nghiệp. Hai tổng Tú Trà và Ninh Gia. Kể từ đó phần đất tỉnh Ninh Thuận từ Lạc Nghiệp trở ra tách khỏi địa hạt tỉnh Bình Thuận cho đến ngày nay. Trái lại về phía Bắc, tỉnh Ninh Thuận với tỉnh Khánh Hòa có nhiều duyên nợ dan díu với nhau, khi thì sáp nhập toàn bộ vào Khánh Hòa, chỉ giữ cương vị một phủ, khi thì tách riêng thành một đơn vị hành chánh cấp tỉnh. Cái bảng ranh giới giữa hai tỉnh trên Quốc lộ số 1 cũng đưa ra lùi vào nhiều lần.
Năm Thành Thái thứ 13 (1901) Phủ Ninh Thuận đổi làm đạo Ninh Thuận, tách các phần đất trên đây khỏi địa hạt Khánh Hoà, gồm có huyện An Phước, và 5 tổng là Phú Quí, Kinh Dinh, Mỹ Tường, Vạn Phước và Đắc Nhơn. Đến năm Khải Định thứ 7 (1922) một lần nữa phần đất Ninh Thuận lại được tách khỏi tỉnh Khánh Hòa để lập thành đạo Ninh Thuận. Đến năm Bảo Đại thứ 17 (1942) đạo Ninh Thuận được cải thành tỉnh Ninh Thuận cho đến ngày nay.
Sau cuộc đảo chánh Nhật 9-3-1945. Chính phủ Trần Trọng Kim cải tổ nền hành chánh, Ninh Thuận vẫn giữ làm một tỉnh, đứng đầu là một viên Tuần vũ, đóng trụ sở tại tòa sứ cũ, ở Phan Rang.
Tháng 8 năm ấy, Việt Minh tổng khởi nghĩa thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, cải tổ toàn bộ nền hành chánh trong toàn quốc, đổi phủ thành huyện, đứng đầu mỗi đơn vị hành chánh từ xã trở lên có một ủy ban Nhân Dân lâm thời, gồm một chủ tịch và nhiều uỷ viên. Tỉnh Ninh Thuận cũng một qui chế như vậy.
Ảnh số 15 : Thị Trấn Sông Pha (ảnh Lương Văn Hòa)
Uỷ Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Thuận hoạt động chưa được mấy tháng thì sau khi dựa vào quân đội Anh, Ấn sang giải giới quân Nhật, quân đội Pháp trở lại Đông Dương. Ngày 25-1-1946, tướng tổng chỉ huy quân đội Pháp là Leclere sai tướng Massu chỉ huy 15.000 quân mở chiến dịch Gaur, tái chiếm các tỉnh vùng cao nguyên, rồi tràn xuống các tỉnh miền duyên hải. Đội quân thiết giáp chia thành hai cánh, một từ Ban Mê Thuột theo quốc lộ 21 tiến xuống M’Drak, quận lỵ Khánh Dương ngày nay, rồi xuống Ninh Hòa, tiến vào cứu toán quân Pháp đổ bộ Nha Trang từ hồi tháng 11-1945 và đang bị cầm chân tại đó. Cánh thứ hai từ Đà Lạt theo quốc lộ số 11 tiến chiếm Dran, rồi xuống Phan Rang, tràn vào Phan Rí, Phan Thiết chạy thẳng ra Bà Rịa, chỉ trong mấy ngày, quân Pháp tái chiếm toàn khu vực miền Nam Trung Phần, trong đó có tỉnh Ninh Thuận.
Ủy ban Nhân Dân lâm thời các cấp phần bị tan rã, phần rút lên miền núi lập chiến khu chống Pháp. Ủy ban Nhân Dân lâm thời tỉnh đổi thành Ủy Ban hành chánh kháng chiến, chia tỉnh Ninh Thuận thành hai huyện là Thuận Nam và Thuận Bắc lấy con sông Dinh làm ranh giới thiên nhiên. Việc phân chia ấy chỉ có giá trị với lực lượng kháng chiến mà thôi. Tại vùng đồng bằng quân Pháp chiếm trọn, thiết lập đồn bót đứng đầu tỉnh là viên sĩ quan Tiểu Khu Trưởng. Công việc hành chánh cũng do các viên sĩ quan Pháp kiêm nhiệm.
Đến năm 1949, Bảo Đại về nước thành lập chính quyền, một cuộc cải tổ hành chánh nữa lại được thực hiện, tỉnh Ninh Thuận thuộc về miền Trung.
Tính đến cuối năm 1970, toàn tỉnh Ninh Thuận có 4 quận, 26 xã và 122 ấp.
CHƯƠNG II
DI TÍCH LỊCH SỬ
Ninh Thuận là đất mới của nước ta. Đối với chủ mới, phần đất này là vùng khô cằn, cát bụi, không một chút nào quan trọng về kinh tế và quân sự nên trải mấy trăm năm, chỉ xếp vào hạng một phủ hay một huyện, mặc dầu diện tích lớn bằng một tỉnh. Do đó người Việt Nam tới sinh cơ lập nghiệp tại đây rất ít và chưa để lại một công trình văn hoá nào đáng kể.
Tuy nhiên, ngày nay đất Ninh Thuận đã là một phần lãnh thổ Việt Nam, đồng bào Việt hay Chàm sống trên dải dất này đều là con dân nước Việt Nam cả. Cũng như một cặp trai gái trước khi lấy nhau, mỗi người có của cải tư trang riêng. Nhưng khi đã lấy nhau rồi, sum hợp một nhà rồi, thì của cải ấy, tư trang ấy sẽ thành chung. Đây cũng thế, dân Việt dân Chàm ngày nay đều mang chung một quốc tịch, thờ chung một Tổ Quốc, sống chung trên một lãnh thổ, thở chung một bầu không khí, thì những công trình văn hoá hiện hữu trên lãnh thổ này đều là bảo vật chung của Quốc gia, bất luận nguồn gốc của nó ra sao, mọi người Việt Nam đều hãnh diện ca ngợi nó.
Đứng trên quan điểm đó, trong chương này, chúng tôi hân hạnh mời quý bạn du khách đi thăm các di tích lịch sử còn lại trên khắp tỉnh Ninh Thuận mà người Chàm đã góp vào kho tàng văn hoá của quốc gia chúng ta.
Trong số những tháp còn lại trong địa hạt tỉnh Ninh Thuận, tháp Pô Klong Garai còn nguyên vẹn hơn cả. Tháp xây trên một ngọn đồi gọi là đồi Trầu (Chok Hala) ở về phía Tây Bắc ga Tháp Chàm, thuộc thôn Phù Niên, tổng Vạn Phước cũ, nay là thôn Đô Vinh, xã Tân Sơn, cách quốc lộ số 11 về phía Nam chừng 3 cây số.
Đồi Trầu cao độ 100m, ba phía Đông, Nam và Tây dốc đứng, cho nên khi xây tháp, người ta phải xây tường đá làm bờ, còn phía Bắc thì sườn đồi thoai thoải. Nhưng hiện nay lối đi lên tháp được trổ về phía Nam, qua nhiều bực đá.
Ảnh số 16: Tháp Pô Klong Garai (ảnh Lương Văn Hoà)
Từ ga Tháp Chàm nhìn lên, du khách sẽ thấy tháp chính và hai tháp phụ còn lại. Theo tài liệu cũ thì khu này có tất cả 6 cái, một tháp chính và 5 tháp phụ, phân phối trên một khoảng đất khá rộng, tháp chính ở giữa, trưóc mặt có hai tháp con thẳng hàng, tháp gần tháp chính đã đổ, phía Tây Nam có một tháp phụ đã đổ, phía Nam ngang với tháp con trước tháp chính có một tháp nữa. Tất cả tháp đều xây mặt về hướng Đông và du khách sẽ lấy làm lạ là phía sườn đồi dốc đứng, không có một chút dấu vết gì chứng tỏ lối đi lên, tháp lại xây giáp bờ thành, trái hẳn với lối kiến trúc của người Việt.
Năm 1903, ông H. Parmentier đến nghiên cứu khu tháp này thì cả hai tháp con trước tháp chính hãy còn nguyên. Khi quan sát hai tháp ấy, ông thấy một điều khó hiểu việc tháp trước nhất có hai cửa trước sau thông nhau cũng giống như nhà tam quan ở các đền chùa Việt Nam, nhưng tháp án tiền của tháp chính thì lại chỉ có một cửa ngoảnh ra phía trước, ngay với cửa sau của tháp kia và chung nhau một lối lên xuống. Như vậy tuy đứng trước tháp chính, hai tháp phụ này không có liên hệ gì với tháp chính cả. Ngày nay, người ta xây lên nền cũ của tháp phụ trước tháp chính một ngôi nhà bằng gạch lợp ngói, cao vừa quá đầu và mở cửa thông với tháp chính.
Khác với các tháp kia, tháp phía Nam có hai phòng thông nhau, cửa ra vào mở về hướng Bắc, thẳng vào phòng phía Tây và giáp liền tường ngăn. Tháp góc Tây Nam mở cửa về hướng Đông, còn tháp phía Đông Bắc lại mở cửa về hướng Tây. Chỉ có tháp phía Nam hình chữ nhật, vì có hai phòng, còn các tháp kia, kể cả tháp chính đều hình vuông.
Quan sát tháp chính, du khách sẽ thấy tương đối còn nguyên vẹn, thuận tiện cho những nhà khảo cứu về kỹ thuật và nền kiến trúc Chiêm Thành. Riêng đối với chúng ta, những du khách, chúng ta chỉ thấy rằng tháp này được xây trên nền khá cao, lối kiến trúc đơn giản, nhất là các bộ phận trang trí, không cầu kỳ, tỉ mỉ như những tháp còn lại ở các tỉnh miền ngoài.
Tháp có năm tầng, kể cả tầng trệt, càng lên cao, càng thu nhỏ lại, theo nguyên tắc chung như các tháp. Ở mỗi phía ngoài tường tầng trệt có những đường đố chạy ngang. Riêng về phía trên cột còn có những hình tượng trang trí khác.
Trừ phía tường hường Đông có cửa ra vào, ba phiá tường còn lại đều có cửa giả. Cửa giả xây nhô ra khỏi tường, gồm ba lớp, mỗi lớp là một loại cột trụ dính liền với nhau. Các cửa gỉả cũng được trang trí bằng những hình cây leo bằng đất nung và gắn dính vào gạch. Phía trên mỗi cửa có gắn một tấm đá chạm trổ tinh vi, chính giữa có hình người.
Tầng thứ nhất kế tiếp mỗi phía tường chỉ có ba cột trụ, cách trang trí cũng tương tự như tầng trệt, tuy có giảm về số lượng, vì như trên đã nói, càng lên cao thì các tầng càng rút bớt chiều cao và bề rộng. Bốn mặt cũng có bốn cửa giả, nhưng chỉ xây hai lớp.
Tầng thứ hai cũng xây như vậy, chỉ khác là mỗi phía tường chỉ còn lại hai trụ, không có đường đố chạy ngang, nhưng trên đầu cột các góc vẫn còn những hình tượng trang trí.
Tầng thứ ba thì đã thu nhỏ khá nhiều, nên các hình tượng trang trí trên đầu cột bốn góc chỉ còn là những cái sừng đơn giản, không còn những đường nét trang trí nào khác. Các cửa giả cũng không còn rõ rệt nữa.
Sau cùng tầng chót thì chỉ là tượng trưng bằng một khối gạch vuông, tại bốn góc có bốn hình bò đực bán thân nhô đầu lên, và chính giữa đỉnh tháp để một khối đá như hình búp sen.
Tiền đình của tháp là nơi cửa ra vào thì xây một tầng, hai bên tường phía ngoài có bốn cột trụ, không có đường đố chạy ngang. Phía trưóc cửa xây thành ba lớp và cuốn theo lối tò vò. Phía trên có một tấm đá chạm hình thần Civa đứng, có 6 tay, hai tay trước chấp vào nhau, các tay kia cầm một cái đinh ba, một bông sen, một cây gươm và một chén nước.
Phía trong tháp có phòng rộng, có các lỗ chiếu sáng ở phía tường. Cửa phía trong có khung bằng đá khắc chữ. Nơi lối vào hiện có tượng con bò đực ngoảnh mặt lên bàn thờ, nhưng bị ngăn cách bởi cánh cửa ván mới làm sau này và thường nhật khóa kín, chỉ khi nào có lễ mới mở. Con bò này người Chàm gọi là Kapil, vì thời bấy giờ người Chàm còn chịu ảnh hưởng sâu đậm của đạo Bà La Môn từ Ấn Độ truyền sang nên họ cho rằng bò Kapil là bò thần Civa, được coi như viên quản lý đứng hàng đầu tôi tớ, đủ uy lực bảo vệ cho các sinh vật bốn chân.
Tháp này do vua Chiêm Thành Sinhavarman đệ III xây vào thế kỷ 13, sau tháp Bà Pô Nagar ở Nha Trang. Trong thời Pháp thuộc tháp này gọi là Tourcham, do đó mới có những địa danh như ga Tourcham, quận lỵ Tourcham (quận lỵ Bửu Sơn).
Tháp hiện thờ thần Pô Klong Garai, nên cũng mang tên ấy. Thần Pô Klong Garai là tên gọi nởm của người dân Chàm đối với vua Sinhavarma đệ III là tên hiệu theo tiếng Phạn, ít dùng trong quần chúng. Trong sử viết gọi là Chế Mân. Thần Pô Klong Garai (1) cũng được gọi là THIÊN Y A NA (2) có một sự tích thần thoại khá ly kỳ và hấp dẫn, chúng tôi xin liệt kê sau đây để du khách nhàn lãm:
_________________________________________________________________________________
Chú thich của Ái Hữu Ninh Thuận:
(1) Po Klong Garai theo nghĩa tiếng Champa là Vua Rồng của người J'rai (Gia Rai), còn có nghĩa là ông Vua Trở Lại.
(2) Xin xem sự tích tháp Bà trong NON NƯỚC KHÁNH HOÀ. Thiên Y A Na hay Bà Thánh Mẫu Chúa Ngọc, người Chiêm Thành (gọi tắt là người Chiêm hay Chăm), gọi là nữ thần Poh Yang Inư Nagar (hay Po Ino Nogor), tuy chỉ là một vị thần theo truyền thuyết, nhưng đã được cư dân Việt và Chăm thờ phụng, và đã được nhà Nguyễn xếp vào bậc thượng đẳng thần
_________________________________________________________________________________
Một thời xa xưa tại vùng đất Ninh Thuận ngày nay có hai vợ chồng già người Chiêm Thành không có con, một hôm hai ông bà đi qua bến Dâu phía trên đập Nha Trinh, thấy một cái bọc trôi lềnh bềnh giữa sông. Ông già bèn vớt lên, xé bọc ra thì liền thấy một đứa bé gái rất khôi ngô. Hai ông bà rất đổI mừng rỡ, đem về nhà nuôi làm con.
Thấm thoát thời gian trôi qua, cô bé đã khôn lớn, thường ngày theo bố mẹ nuôi vào rừng kiếm củi. Một hôm trời nắng gắt, cô bé khát nước, khu rừng mà ba người đang hái củi lại không có khe suối gì cả. Ông bà già khuyên cô bé cố chờ, hái củi xong về nhà tha hồ uống. Nhưng không chịu đựng nổi sự dày vò của cơn khát, cô bé lén đi tìm nước uống. Đi cách một quãng xa, tình cờ thấy một tảng đá lớn, ở giữa có một vũng nước trong vắt. Cô mừng quá, cúi xuống lấy tay vục nước đưa lên miệng uống một hồi thỏa thuê, bèn trở lại chỗ cha mẹ đang kiếm củi báo tin và mời hai ông bà uống cho đỡ khát.
Khi hai ông bà tới thì thấy vũng nước cạn dần, khi đến sát tảng đá thì chẳng còn lấy một giọt nước. Mọi người đều cho là lạ, đành quay về.
Từ hôm đó cô gái tự nhiên thụ thai và mãn ngày đủ tháng, hạ sanh một đứa bé trai, mình mẩy đầy lác và phong cùi, ai trông thấy cũng hết sức kinh tởm. Nhưng ông bà nuôi vẫn nâng niu trìu mến và nuôi nấng rất cẩn thận, đặt tên là Pô Ông.
Lên bảy tuổi Pô Ông đi ở chăn bò cho vua, ngày nào đàn bò của chàng cũng về chuồng đầy đủ. Một hôm theo một đoàn người lên Eara chơi khiến cho một con bò bị lạc, chàng tìm kiếm khắp nơi mà không thấy, bèn trèo lên cây cao nhìn về phía chân trời thì thấy con bò đang bị cột trong vườn một dinh thự to lớn. Mừng quá, Pô Ông tụt xuống đất làm cho cây rung chuyển và bỗng nhiên trở nên đỏ chói, rồi biến thành một con rồng nhìn chàng một cách kính cẩn.
Pô Ông đã nhờ một người lớn dẫn đến xin bò, không ngờ đó là một nhà Thầy Cả, trong đó có một cô gái rất xinh đẹp, khi thấy Pô Ông lác đầy mình thì cô ấy bèn thưa với cha là thả bò cho anh ta và đuổi anh ta ra ngay. Nhưng khi Thầy Cả trông thấy chàng có nhiều tướng lạ thì rất vui mừng nói cho con gái biết và hứa gả cho chàng, an ủi rằng đến ngày lành tháng tốt, những điều xấu xí bên ngoài sẽ biến mất.
Sau đó Pô Ông kết bạn với Pô Klong Chanh đi buôn trầu. Thường ngày hai người đội trầu về nghỉ tại một địa điểm, thay phiên nhau về nhà lấy cơm ra cùng ăn. Một hôm, đến lượt Pô Klong Chanh về lấy cơm, Pô Ông nằm nghỉ rồi ngủ thiếp lúc nào không hay. Khi Pô Klong Chanh trở lại thì thấy một con rồng đang liếm khắp mình Pô Ông, bao nhiêu dấu vết phong lác đều biến hết, da dẻ trở lại hồng hào, mặt mũi đẹp đẽ lạ thường. Pô Klong Chanh đứng ngắm nghía bạn không chán vừa lúc Pô Ông thức giấc để tiếp nhận những lời khen tụng của bạn. Chàng đỡ lấy gói cơm và rạch đôi lá chuối chia cho Pô Klong Chanh ăn một nửa. Vì có sự rạch đôi ấy mà ngày nay lá chuối mới có hai phía, ở giữa là sống lá.
Một ngày kia, nhớ tới vụ con bò và chàng trai phung lác, Thầy Cả chiêm tinh tìm đến nhà kết thân và Pô Ông nhận cô gái làm vợ. Được ít lâu vua băng hà mà không có hoàng tử kế vị, triều đình đang hoang mang lo nghĩ, bỗng có con bạch tượng trong hoàng cung phá chuồng chạy đến chỗ Pô Ông ở, quỳ xuống, đưa vòi ra mời. Chàng tưởng con vật cầu cứu chuyện gì, bèn nhảy lên mình voi, nó từ từ đứng dậy và đưa chàng đi về phía kinh thành.
Khi voi đi qua sông Đà Rằng (1) xuống uống nước, chàng nhân cơ hội bỏ trốn, nhưng bạch tượng không chịu, rống vang lên từng hồi, chạy tìm cho được chàng. Bất đắc dĩ chàng phải trèo lên lưng voi để nó chở đi. Dân chúng thấy thế rất vui mừng, rủ nhau đi theo voi, kéo theo một đoàn dài vô tận.
_________________________________________________________________________________
(1) Thuộc tỉnh Phú Yên.
_________________________________________________________________________________
Đến kinh đô, chàng được tôn lên ngôi vua. Nhưng có người tỏ ra không phục, cho là một anh chăn bò phung lác, nhà vua sinh ra buồn và bỏ lên núi tu. Nhưng khi ngài bỏ đi, trong nước xẩy ra nhiều tai ương, mất mùa, dịch tệ, nên triều đình và dân chúng tìm đến rước ngài hồi loan. Thể theo ý muốn toàn dân, ngài trở về tiếp tục làm vua. Do sự việc này, dân chúng mới gọi ngài là Pô Klong Garai nghĩa là ông vua trở lại.
Pô Klong Garai là một anh quân của Chiêm Thành. Ngài có tài về dẫn thủy nhập điền, nên ruộng vườn trưóc kia khô cạn, nhờ ngài mà lúa khoai tươi tốt, dân chúng no ấm. Ngài bèn chỉ cho dân đào hai con kênh hai bên để dẫn nước vào ruộng mà ngày nay chúng ta gọi là mương Chàm.
Theo truyền thuyết thì hai con mương này được giao cho hai giới nam và nữ đào riêng; phụ nữ đào kinh hữu ngạn, nhờ làm việc hăng say nên đã hoàn thành, đem nước sông Mai Nương tưới khắp ruộng vườn phia Nam (2). Nam giới đào kinh tả ngạn, vì cứ lo đi trêu ghẹo mấy cô gái, nên năng xuất rất kém, thành ra kinh tả ngạn đành bỏ dở, không dùng được.
_________________________________________________________________________________
(2) Truyền thuyết này giải thích đức tính siêng năng cần cù của người phụ nữ Chàm.
_________________________________________________________________________________
Trong xã hội cổ Chàm, họ đã hy sinh trọn đời, làm việc đồng án, dệt cửi, nấu ăn cho chồng con được thư nhàn, suốt ngày ăn trầu, uống rượu chán thì nằm ngủ.
Ngoài con kênh nói trên, vua Pô Klong Garai còn chỉ cho dân đắp các mương nhỏ khác, chảy men theo chân đồi núi, lầy nước từ các khe suối trên rừng cao về tưới ruộng, hễ nơi nào có một khoảnh đồng vài trăm mẫu ruộng là y như có mương nước dẫn thủy. Đặc biệt nhất là thời bấy giờ chưa có máy đo độ cao (niveau) mà người Chàm đã biết hướng dẫn dòng nước chảy quanh co theo một chiều dốc nhè nhẹ, khiến cho nước vẫn chảy đều đêu về xuôi quanh năm suốt tháng, không hề bị tắc nghẽn.
Vua Pô Klong Garai lại là người rất có mưu trí. Theo truyền thuyết lúc Ngài được dân chúng tôn làm vua, có một quan đại thần là Pô Đam không phục, cho ngài là một tên chăn bò vô tài. Để đánh bại kẻ dèm pha, ngài bèn thi với Pô Đam xây tháp, xem ai làm xong trước. Nhờ có óc thông minh, ngài đã đốc thúc dân chúng xây khu tháp này xong trước, còn tháp của Pô Đam thì đang xây lở dở.
Lại một lần khác, người Cam Bốt xâm chiếm lãnh thổ Chiêm Thành, ngài ra điều kiện với kẻ xâm lăng là thi đua xây tháp, nếu ngài xây xong trước thì người Cam Bốt phải rút về, trái lại thì Ngài nhường đất cho.
Ỷ vào số đông và tài xây tháp của mình, người Cam Bốt nhận lời và khởi công xây tháp Hoà Lai, tức Ba Tháp ở cạnh quốc lộ số 1. Trong lúc đó, ngài ra lệnh cho dân chúng lấy tre làm khung, lấy giấy phết lên làm gạch, chờ cho người Cam Bốt sắp hoàn thành thì trong đêm tối, ngài cho dựng mấy ngôi tháp giả lên ở vùng Phan Rang. Sáng sớm tinh sương, người Cam Bốt ngủ dậy thấy tháp của người Chàm đã mọc lên sừng sửng một góc trời, đành chịu thua và rút về nước (1).
_________________________________________________________________________________
(1) Câu chuyện xây tháp này cũng giống như chuyện Ông Phù Già xây tháp ở Tuy Hòa. Xin xem NON NƯỚC PHÚ YÊN đã xuất bản.
_________________________________________________________________________________
Chính do truyền thuyết này mà đồng bào Chàm ở Ninh Thuận không nhìn nhận tháp Hoà Lai là công trình xây dựng của tổ tiên họ, nên họ không trông nom mà cũng chẳng thờ vị thần nào trong đó cả.
Để nhớ ơn ngài, dân chúng tạc tượng thờ ngài ngay trong ngôi tháp do ngài xây lên. Từ đó ngôi tháp mang luôn tên ngài.
Trong tháp trên bệ thờ hiện còn pho tượng theo hình “linga”, trưóc mặt linga chạm nổi hình mặt người, có lông mày dài, râu mép và nhỏ, râu cằm nhọn, đầu đội vương miện.
Theo tài liệu cũ thì tại đây còn có tượng một con bạch tượng, nhưng bị thất lạc hồi nào không rõ. Năm Canh Dần (1050) quân đội Pháp lên xây lô cốt phòng thủ trên ngọn đồi này, khi đào đất đắp công sự, có đào được pho bạch tượng này đem về đồn. Dân chúng Chàm ở địa phương viện lý đây là bảo vật, xin rước về thờ tại thôn Phước Đồng, xã Hậu Phước, Quận An Phước.
Tháp Pô Klong Garai là nơi thờ phụng của đồng bào Chàm, được bảo vệ chu đáo. Mỗi năm có hai lễ lớn được tổ chức nơi đây: đó là lễ Păng Katê vào khoảng tháng 9 tháng 10 dương lịch, và lễ Păng Chabul vào khoảng tháng 2, tháng 3 dương lịch.
THÁP PÔ ROMÉ
Tại làng Hậu Sanh, tiếng Chàm là Palei Thuơn, xã Hữu Phước, quận An Phườc, có hai ngọn đồi thấp, sườn hơi dốc, cách nhau chừng 50 thước, nổi lên giữa đồng ruộng. Giữa hai ngọn đồi có một cái khe chảy qua. Trên ngọn đồi thấp có một tòa cổ tháp, hướng mặt về phía Đông và ngọn đồi kia cao hơn làm án. Đó là tháp Pô Romé.
Có lẽ ngày xưa có tam cấp bằng đá, đi từ phía khe nước lên tháp, nhưng ngày nay đã bị hư sụp mất cả. Lại cũng có một lối đi hơi lùi ở phía Tây Nam để lên tháp. Còn con đường hiện nay dẫn lên tháp là đường mòn do dân chúng tự tạo để lên tháp thì ở phía Đông Bắc.
Ảnh 17: Tháp Pô Romé trong ngày lễ Katé (ảnh Lương Văn Hoà)
Tháp chính được kiến thiết một cách đơn sơ, chứ không tỉ mỉ và mỹ thuật như các tháp khác, chứng tỏ nghệ thuật kiến thiết tháp của người Chàm vào những triều đại sau cùng đã sút kém. Tuy nhiên trên đại thể, tháp vẫn được xây theo một lối duy nhất là hình trụ, có nhiều tầng và cửa ra vào ngoảnh về hướng Đông.
Tháp được xây trên nền đá cao. Tại bốn góc có bốn cột trụ xây sát vào tường. Chân tháp là một cái bệ lớn, những đường chỉ đã bị sứt mẻ hết. Trên mỗi đầu trụ xây một cái chóp đơn giản, chớ không cầu kỳ như tháp Bà ở Nha Trang. Trừ phía trước là cửa ra vào, mỗi mặt tường đều có một cái cửa giả xây lồi ra ngoài, theo lối tò vò, gồm ba lớp. Trong cái cửa giả ấy có một khung lõm vào, trong đó đặt một tượng bán thân.
Phía cửa vào ở hướng Đông có xây dôi ra một cái tiền đình, cũng rất sơ sài, cuốn theo lối cửa tò vò. Phía trên đỉnh nóc bằng gạch đông đặc và đã bị sứt mẻ, nhưng người ta cũng đóan được rằng có thể trước kia chỗ cửa này là nơi có hình tượng một con bò đực Nadin theo lối kiến trúc Chàm.
Tiền đình có trần bằng gỗ và hai cánh cửa cũng bằng gỗ. Có lẽ xưa kia cửa này bằng đá, nhung sau bị vỡ mất. Hiện thời nơi sân vào có một tấm đá mỏng, bị vỡ đôi mà người ta lát xuống đất để làm lối đi, kích thưóc vừa với khung cửa.
Phía trước cửa vào có một cái nhà bằng gỗ lợp tranh, đây là nơi dân chúng tụ họp tế lễ trong những ngày khánh tiết. Theo dân chúng địa phương cho biết thì ngôi nhà này bị quân lính triều đình dưới thời vua Minh Mạng đốt cháy vào khoảng có loạn Lê Văn Khôi 1831 – 1835. Ngôi nhà hiện nay mới được làm lại.
Tháp có ba tầng, không kể tầng trệt. Cứ lên một tầng thì chu vi tháp lại nhỏ dần cho tới tầng chót, thì chỉ còn là một cái chóp. Kiến trúc của các tầng cũng giống nhau như tầng trệt đã tả trên đây, chỉ có cửa ra vào thay bằng cửa giả. Tầng trên hết, các cửa giả cũng đơn giản hơn, và thay vì trong khoảng trống để tượng bán thân, lại để các hình vòng tròn như hình hoa. Trên chóp đỉnh có một khối đá đẽo gọt trơn tru.
Phía trong tháp có khoảng trống hình vuông chóp nhọn là nơi dùng để thờ tự. Phía trong sát vách và ngay chính giữa, có một ngôi tượng bằng đá tám tay, tạc nổi trên một tấm bia tựa như một cái kút. Tượng hình đang ngồi, hai tay chính để trên bụng, các tay kia đều giơ cao lên mỗi bàn tay đều có cầm một vật. Hai tay trước cầm một con dao găm ở bên phải và một cái đinh ba phía bên trái. Hai tay kế cầm một búp sen có cuống dài và một cây kiếm lưỡi chạm trổ. Hai tay sau cùng cầm một cái lược và một cái chén có lẽ đựng dầu dừa.
Vẻ mặt ngôi tượng trang nghiêm, hai mắt hơi gần nhau và hơi xếch ngược, mũi tẹt và râu cá ngạnh. Đầu đội vương miện hình ống, phía dưới viền một hàng hoa hình bốn cánh. Cổ đeo nhiều vòng, tai đeo bông và cổ tay đeo xuyến. Ngang lưng thắt đai cũng chạm hoa bốn cánh, tượng dính sát vào mặt bia, phía trên bia hình bán nguyệt, được chạm trổ bằng nhiều hình rất tinh vi, có hình lông công, hình người đội mũ. Đó là tượng vua Chàm Pô Romé hiện được đồng bào Chàm thờ phụng như một vị thần linh.
Bên cạnh lại có tượng bà Hoàng Hậu người Rhadé cũng bằng đá, bán thân, đặt trên một cái bệ, phía trên khỏa thân, phía dưới bận xiêm y chạm trổ rất đẹp. Hai bàn tay chập lên nhau, tay trái trên tay phải, để trước bụng trong cái thế ngồi rất thoải mái. Tóc búi cao lên trên đỉnh đầu, cổ tay đeo xuyến, tai không đeo bông nhưng có xoi lổ.
Phía Nam tháp chính còn một tháp nữa nhỏ hơn và kiến trúc cũng sơ sài hơn. Cửa ra vào ngoảnh về phía Bắc. Phía trong bốn góc có bốn trụ dính vào tường để chống cái vòm bắng gạch rất dày.
Ngoài ra ở phía Tây Nam tháp chính, dưới mái một cái miễu nhỏ, người ta còn thấy một cái tượng đàn bà được thờ ở đó. Trên ngực có dòng chữ. Đó là tượng bà hoàng hậu người Chàm Bia Chanh Chik. Ở phía Đông Bắc còn có cái miễu khác, trong có cái bia hình vuông. Góc Tây Nam có tượng một con sư tử bằng đá. Còn một con nữa thì bị rớt xuống khe và vỡ nát, chỉ còn một ít dấu tích. Theo tục lệ thì có lẽ hai con sư tử này xưa kia được để ngay cửa tháp chầu vào trong, nhưng sau vì phía bậc tam cấp lên xuống bị hư sụp, con kia bị rớt xuống khe. Còn một con thì người ta khiêng để tại chỗ ngày nay. Sau cùng ở phía Bắc có một số kút đơn sơ bỏ trên mặt đất.
Theo các nhà khảo cổ thì hình như ngôi tháp hiện nay đã được xây lại trên nền cũ của một ngôi tháp xưa hơn đã bị đổ nát do người Cam Bốt xây lên khi phần đất này còn thuộc về vương quốc của họ. Các nhà khảo cổ đã căn cứ vào sự hiện diện của hai con sư tử, hình vẽ trên mặt bia phía sau tượng Pô Romé và các nét vẽ trên các cửa của tháp phía Nam là những hình ảnh rất ít thấy trong nền văn hoá Chàm, mà lại rất phổ biến ở Cam Bốt. Căn cứ vào các lời ghi trên bia hay cửa ra vào, người ta được biết tháp này do vua Chàm Pô Romé xây lên vào thế kỷ XVII, đánh dấu giai đoạn cuối cùng của nền tự chủ vương quốc Chiêm Thành mà sự kết thúc được thể hiện qua mỗt thiên tình sử bi đát sau đây.
Tương truyền rằng mẹ Pô Romé thuộc một gia đình khá giả. Bà đang tuổi con gái còn trinh mà tự nhiên thụ thai, nên bị cha mẹ tưởng lầm bà đã hư thân mất nết, la rầy và đuổi ra khỏi nhà. Không nơi nương tựa, bà phải tìm đến một gốc cây tạm trú, hàng ngày đi lượm từng hạt lúa, kiếm từng cọng rau cho đỡ đói. Đủ ngày mãn tháng, bà sinh được một con trai ngay dưới gốc cây. Khi đứa bé vừa lọt lòng thì tự nhiên có con rồng hiện đến làm cho mất hết dấu vết sinh đẻ này. Thấy vậy dân chúng địa phương cho là điều lạ, bèn đến nhòm lửa và che tạm túp lều cho mẹ con bà ở. Địa điểm này sau đó được gọi là Yang Thok (Thần Nhau) thuộc vùng Phan Rí, đứa bé ấy chính là Pô Romé.
Lớn lên, Pô Romé thường bị các trẻ đồng lứa chế nhạo là con hoang, liền chạy về hỏi mẹ xem cha là ai. Biết được sự thật, Pô Romé xấu hổ bèn bỏ làng sang cư ngụ tại làng Ha Mu Brâu ở Ka Rang (nay thuộc làng Lạc Tự). Nhưng tại đây, chàng vẫn bị chế nhạo, nên lại cùng mẹ qua ở làng Boh Mơ Thuh, xứ Phan Rang làm mục đồng cho vua Mưh Ta Ha.
Pô Romé có tài bắn cung, thường săn bắn được rất nhiều chim cu, công và gà rừng. Một hôm, sau hồi săn bắn chẳng được con mồi nào, chàng mệt nhoài, nên dựa lưng vào nghỉ ngơi trên một thân cây tróc gốc, miệng nhai trầu. Khi cúi xuống nhổ cốt trầu thì bỗng nhiên chàng nhận ra hai con mắt đỏ trên thân cây, thì ra thân cây này là một con rồng.
Sợ quá, Pô Romé bỏ chạy trốn, loanh quanh một hồi, khi định thần trở lại thì không còn tìm được đường về.
Ở nhà chờ lâu không thấy Pô Romé lùa trâu về, vua sai gia nhân chia nhau mỗi người một ngả đì tìm. Họ thấy đàn trâu mà không có chàng, bèn lùa trâu về trước, rồi lại đi tìm nữa. Mãi lâu sau mới gặp được chàng đang đi thất thểu. Chỗ gặp ấy được người ta gọi là Ka Plah Păp (con đường gặp gỡ).
Ngày tháng lần lựa trôi qua, Pô Romé đã trưởng thành. Vua Mưh Ta Ha có ý định nhường ngôi. Một hôm, bỗng nghe tiếng Pô Romé đuổi chó ở dưới nhà bếp, vị Trưởng Chiêm Tinh Gia của Hoàng Tộc kêu lên: "Tiếng nói của vua tương lai nước Chiêm Thành đó".
Sau khi cho vời Pô Romé đến, vị tiên tri đã xem tướng mạo của chàng, rồi tâu vua nuôi dưỡng chàng tử tế. Vua Mưh Ta Ha chẳng những đã làm theo lời khuyên ấy mà còn gả con gái cho Pô Romé là công chúa Bia Thanh Chih và sau cùng truyền ngôi cho chàng. Đó là năm Con Thỏ theo lịch Chàm, tức là năm 1627 dương lịch. Lên ngôi rồi, Pô Romé kiến tạo kinh đô Krong Laa tại làng Palei Bacon, bên cạnh sông Krong Binh, ngày nay còn di tích tại thôn Chung Mỹ, gần ga Hoà Trinh.
Có điều làm cho nhà vua không được vui lòng là Hoàng Hậu Bia Thanh Chih hiếm muộn. Nhà vua phải qua Lào tìm thuốc về cho Hoàng Hậu uống để mong có con nối ngôi, khi đi qua miền Darlac, nhà vua đã cưới một người con gái Rhadé làm vợ tên là Bia Thanh Chanh.
Với bà Hoàng Hậu mới này, vua Pô Romé có được mấy người con gái, mà người đầu gả cho ông hoàng Phik Chok. Ông này đã có sự liên kết với vua nhà Nguyễn lúc bấy giờ là chúa Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên, cho biết những nhược điểm của Pô Romé là hiếu sắc, và chưa có hoàng tử nối ngôi.
Chúa Nguyễn bèn dùng mỹ nhân kế và noi gương vua nhà Trần, dùng nhan sắc con gái của chính mình để mưu cầu đại sự cho đất nước, mới cho công chúa Ngọc Khoa sang Chiêm Thành lấy vua Pô Romé, với sự mai mối tay trong của Phik Chok.
Đóng vai trò một nữ khách thương duyên dáng. Ngọc Khoa qua buôn bán trên đất Chàm. Chẳng bao lâu, tin người đẹp đến tai vua. Nhà vua cho triệu vào cung bệ kiến. Khi trông thấy nhan sắc chim sa cá lặn của nàng, với nụ cười như hoa, với liếc mắt đưa tình quyến rũ, nhà vua đâm ra say mê và cưới làm vợ, gọi là Bia Út.
Ăn ở với nhà vua được ít lâu. Bia Ut biết rằng vương quốc Chiêm Thành sở dĩ còn tồn tại và bao lần quân Nguyễn vào đánh bị thua, vì có cây Krêk (1) trong hoàng cung che chở, nàng thông báo cho triều đình chúa Nguyễn biết. Bây giờ là chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần.
_________________________________________________________________________________
Chú thích của Ái Hữu Ninh Thuận:
(1) Cây Krêk tức là cây Lim xanh, tường truyền sau khi bị chính tay vua Pô Romé cầm búa rìu chắt đứt nó tuôn ra máu đỏ xối xả (Thật ra thì cây Lim xanh có nhựa màu đỏ). Cây Lim xanh mọc rất nhiều trong các vùng rừng thuộc quận An Phước.
_________________________________________________________________________________
Do kế hoạch vạch sẵn, một hôm Bia Út ngộ bịnh thình lình, khiến cho nhà vua vô cùng lo lắng. Bao nhiêu ngự y trong triều được mời tới xem mạch cho nàng đều tâu là không tìm thấy bịnh gì cả. Trong khi đó thì Bia Út kêu rên thảm thiết, chỉ nói đến chuyện chết, nàng bỏ bánh tráng dưới chiếu mỗi lần nhà vua vào thăm, nàng rên la và trở mình nghe kêu răng rắc như xương gãy từng khúc, càng làm cho vua si tình càng thêm lo lắng, bối rối.
Chộp lấy cơ hội, Bia Út đổ tội cho cây Krêk cố tình làm hại nàng. Vua cho mời các bà bóng vào hỏi ý kiến. Các bà này đã bị Phik Chơk mua chuộc cũng tâu là căn bệnh của hoàng hậu đúng là do cây Krêk. Nhà vua vẫn chưa tin, lại mời các nhà thiên văn vào hỏi xem có thể chặt cây Krêk được không, tất cả đều cản ngăn vì vương quốc sẽ bị diệt vong.
Than ôi! Khi đã bị sắc dục làm si mê thì không còn biết gì là lẽ phải trái nữa! Nhà vua vẫn không nghe theo các lời khuyên can ấy, nhất quyết chặt bỏ cây Krêk.
Nhưng ba ngày trôi qua, cây Krêk vẫn đứng vững như bàn thạch, vì mỗi nhát búa của quân lính chém vào thân cây tức thì thân cây liền lại như cũ. Được tấu trình sự mầu nhiệm ấy, vua Pô Romé đùng đùng nổi giận, đích thân chạy ra gốc cây, cầm búa phang vào thân cây. Ba nhát búa của nhà vua đã làm cho cây thiêng rên rỉ và ngã gục xuống, máu từ thân cây chảy vọt ra như xối.
Khi trở vào nhà vua rất đỗi vui mừng, vì ái hậu của Ngài đã hoàn toàn bình phục, miệng lại tươi như hoa, lại còn báo cho vua biết nàng đã có thai. Trong lúc nhà vua vui sướng với người đẹp, thì thần dân từ triều đình đến thôn xóm hẻo lánh đều đau đớn và thất vọng trưóc cái tin cây Krêk, cơ sở bảo vệ vương quốc đã bị chặt ngã.
Những ngày đen tối nhất đang chờ đón họ.
Bia Út bèn mật báo cho chúa Nguyễn biết về sứ mạng giao phó cho nàng đã làm xong. Ít hôm sau, vua Pô Romé nhận được thư của chúa Nguyễn báo tin hoàng hậu ngã bệnh yêu cầu vua Chàm và công chúa về thăm. Nếu nhà vua bận quốc sự thì công chúa về một mình cũng được. Thế là vua Pô Romé đã trúng kế để cho Bia Út về nưóc Việt một mình.
Chẳng bao lâu vua Pô Romé được cấp báo có một đạo quân của Việt vương theo đường biển tiến đánh Chiêm Thành. Nhà vua ra lệnh cho hai tướng tiên phong của Ngài là Sha Bin và Pa Lak Bin đừng động tịnh gì cả, chờ ngài đích thân cầm quân kháng cự. Nhưng hai tướng đã không tuân lệnh, tự động dàn quân giao chiến, giết được địch quân rất nhiều, đầu chất thành đống như cái tháp.
Trước những thắng lợi ấy, đáng lẽ nhà vua ban thưởng hai tướng, trái lại nhà vua phái nhiều lãnh chúa khác đến tận nơi truyền lệnh ngưng chiến, nếu bất tuân sẽ bị chém đầu. Hai tướng buôc lòng phải tuân lệnh, cùng trở về triều, xin trả lại tước phẩm, áo mão rồi lên miền núi ở ẩn.
Trong khi đó, quân Việt vẫn tràn tới ngày càng đông. Vua Pô Romé phải đích thân cầm quân kháng cự, giết hại địch quân khá nhiều. Địch quân không chịu nổi phải tháo lui.
Chỉ được ít lâu, địch quân trở lại xâm chiếm, lần này vua Pô Romé thất trận, bị bắt sống bỏ vào cũi sắt giải về kinh đô Huế. Một người con gái của vua là Pô Mul (vợ của Phik Ti Rai Da Pa Guh) đứng ra đốc thúc quân lính Chàm rượt theo đoàn tù xa để xin thương lượng. Tướng chúa Nguyễn bèn giết Pô Romé và trả xác lại cho Pô Mui đem về hỏa tang theo tập tục. Hoàng Hậu Bia Thanh Chanh, công chúa Rhadé, đã nhảy vào dàn hỏa chết theo nhà vua. Đó là năm con thỏ theo lịch Chàm, tức năm 1651 dương lịch.
Đến đây chấm dứt một triều đại mà cũng là một quốc gia, chỉ vì kẻ cầm đầu quá say mê sắc dục. Tuy vậy vua Pô Romé đối với dân tộc Chàm vẫn là một ông vua đã làm cho vương quốc Chiêm Thành được một thời hưng thịnh, nên đã được dân chúng thờ ngay trong ngôi tháp do ngài xây lên và cũng từ đó mang luôn tên ngài, cùng với bà hoàng hậu Bia Thanh Chanh, còn bà hoàng hậu Bia Thanh Chih vì không chịu nhảy vào dàn hỏa chết theo chồng, được thờ phía sau tháp, tượng để trong cái miếu tranh nhỏ như du khách đã thấy. Còn tượng của bà Bia Út, người đã làm cho vương quốc Chiêm Thành suy vong thì để thờ tại một nơi cách xa tháp chừng 8 cây số...!
Tháp Pô Romé là một đền thờ, có vị chức sắc Chàm trông nom nhang khói. Hàng năm, cũng vào dịp tế lễ cùng với tháp Pô Klong Garai, dân chúng tập trung tới đây cúng bái rất trang nghiêm để tưởng nhớ tới vị vua quá khứ của họ đã lập được nhiều công trạng với dân tộc, nhưng chỉ vì một sự lỗi lầm là đã chặt mất cây Krêk, làm cho quốc gia phải bị tiêu diệt.
Ngày nay, cây Krêk đã mọc lại trên gốc cũ, nhưng uy linh không còn nữa. Tuy nhiên đồng bào Chàm vẫn nhìn nó với một vẻ cung kính và tin tưởng (1).
Ảnh số 18 : Tháp Bắc Hoà Lai (Ảnh của tác giả)
_________________________________________________________________________________
(1) Xin xem NON NƯỚC BÌNH THUẬN cùng một tác giả.
_________________________________________________________________________________
THÁP HÒA LAI
Tháp Hoà Lai hay là Ba Tháp tọa lạc tại làng Nhơn Sơn, tổng Kinh Dinh, nay thuộc ấp Gò Đền, xã Hộ Hải, quận Thanh Hải
Ảnh số 18: tháp Bắc Hòa Lai (ảnh tác giả)
Khác với các tháp mà chúng ta đã thấy, tháp Hòa Lai được xây trên một khu đất khá rộng, bằng phẳng giữa vùng đồng bằng. Từ phía Bắc đi vào, tháp nằm về phía bên trái quốc lộ số 1, chỉ cách đường chừng trên 10 thước. Bây giờ quốc lộ đi sau lưng tháp, nhưng xưa kia đường thiên lý đi phía trước.
Căn cứ vào dấu tích còn sót lại và đã được nhà khảo cổ H. Parmentier ghi nhận, chúng ta được biết khuôn viên khu tháp là một hình chữ nhật, chiều dài (hướng Đông Tây) khoảng 200 thước, chiều rộng (hướng Bắc Nam) khoảng 125 thước, trong có ba tháp chính và các kiến trúc phụ thuộc. Phía ngoài phạm vi trên đây, ở góc Đông Bắc có một cái ao hình chữ nhật, nằm dọc theo hướng Đông Tây, dài 50 thước, rộng 10 thưóc thành ao xây bằng gạch đã bị phá nát.
Trong phạm vi khu tháp, các kiến trúc được bố trí thành ba hệ thống rõ rệt theo hướng Đông Tây. Nhưng hệ thống chính giữa được xây cất đầy đủ hơn hai hệ thống hai bên. Đặc biệt ba tháp chính không cùng thẳng hàng với nhau, cũng không song hàng. Không hiểu là do dụng ý của vị kiến trúc sư vẽ kiểu, hay là do sự vụng về của người đốc công khi cho mở móng các tháp? Hiện chưa có tài liệu nào giải thích nghi vấn ấy.
Xung quanh khu đất còn dấu tích của bức tường gạch đã đổ nát. Như các bạn đã biết tất cả tháp Chàm đều quay mặt hướng Đông, chỉ trừ một tháp duy nhất ngoảnh mặt về hướng Nam là tháp Pô Dam ở Bình Thuận (1). Từ phía Đông, chúng ta sẽ đi qua cửa tam quan, nhà khảo cổ H. Parmentier còn thấy một hình vuông bằng tường mỏng, có lẽ đó là tường của tam quan mà bốn cột trụ và mái ngói đã sụp đổ từ lâu. Ba phía cửa tam quan trong vòng rào có sân hình chữ nhật.
_________________________________________________________________________________
(1) xin xem NON NƯỚC BÌNH THUẬN cùng tác giả.
_________________________________________________________________________________
Qua khỏi tam quan, ta sẽ bưóc vào một cái sân dài, xung quanh có tường hoa, có lẽ không cao lắm vì căn cứ vào chiều dày của móng tường còn sót lại. Cuối sân ấy, các kiến trúc phân làm ba hệ thống giống nhau. Chính giữa có một cái phòng dài, nền cao, nhiều cột trụ, mái ngói. Tiến đến một cái tháp nhỏ có hai cửa. Trên hai trục tả hữu cũng có hai tháp khác tương tự tháp nhỏ này tựa như tiền đình dẫn vào tháp chính ở giữa, qua một cái sân chung suốt cả chiều rộng khu đất (125m). Chung quanh sân này có tường vững chắc căn cứ vào chân móng còn lại.
Sự trình bày trên đây căn cứ vào tài liệu của ông H. Parmentier trong tập Inventaire des Tours Chams, chứ ngày nay các dấu tích này đã bị phá nát hết, một phần vì thời gian, mưa gió, một phần vì bàn tay phá hoại của con người, của thường dân, mà đối với họ sự bảo vệ cổ tích không có nghĩa lý gì khi cần lấy gạch đắp đường hay lát sân để đi lại cho dễ trong những ngày mưa gió. Du khách tới đây viếng cảnh không khỏi bùi ngùi trước cảnh tượng điêu tàn, đổ nát. Khung cảnh trên đây chỉ còn là những hố sâu, những gò đá, cây gai mọc lên xen với cỏ lau.
Ngày nay tháp giữa chỉ còn môt ít gạch vụn lẫn lộn với đất sỏi. Nhưng cách đây hơn 60 năm, nó chỉ mới đổ phần trên, nhà khảo cổ cho hay du khách còn có thể quan sát phần dưới để ước lượng sự kiến trúc của nó.
So với hai tháp tả hữu, tháp giữa nhỏ hơn, nhưng kiến trúc có vẻ cẩn thận và tinh xảo hơn. Lúc đến khảo cứu, ông H. Parmentier nhận thấy phía trên vách tường tầng dưới còn lại có một dãy lỗ tròn, chứng tỏ xưa kia có trần gỗ, vì những lỗ ấy dùng để gác các đà ngang. Các lỗ chiếu sáng được trổ ba phía Tây, Bắc và Nam, trong các cung và mặt tường. Tiền đình tức lối vào chánh cung cũng có trần gỗ, còn phía cửa vào thì không còn vết tích gì nên không hiểu được lối kiến trúc.
Tuy nhiên, căn cứ vào lối kiến trúc gần như duy nhất của người Chàm, ta có thể ước đoán rằng nó cũng không khác gì các tháp kia.
Tháp ở phía Nam cũng tương tự như tháp giữa. Phía trong, ngoài cái phòng lớn chính giữa, tại ba phía tường có ba cái cung lõm sâu vào, tựa như có ba cái khảm ghép vào đó. Trên đầu tường về phía Đông và Tây có hai dãy lỗ đối diện nhau từng đôi một, có lẽ đó là gác đà trần nay đã bị đổ nát. Đặc biệt tháp này không có lỗ chiếu sáng, trong phòng hơi tối, ánh sáng chỉ lọt qua cửa chính mà thôi.
Phía ngoài chúng ta thấy các cột trụ xung quanh các góc tường tầng dưới rất lớn và đứng gần sát nhau. Các cửa giả hơi rộng. Phía trên còn có ba tầng nữa. Tầng thứ nhất đã bị sứt bể hết các bộ phận trang trí, nên chúng ta không còn phân biệt được gì. Tầng thứ hai mỗi phía có năm cột trụ, phía chân hơi nhỏ. Tại mỗi phía đều có cửa giả xây thành hai lớp nhô ra như mái hiên. Ở các bờ mí có đắp nhiều hình người ngồi.
Ảnh số 19: Tháp Nam Hoà Lai (ảnh của tác giả)
Tầng thứ ba tức là tầng phía trên tầng trệt, cách kiến trúc cũng giống như tầng thứ hai vừa tả, tức nhiên là kích thưóc lớn hơn. Tại mỗi cửa giả hay là cung giả có đắp một cái đầu quái vật.
Tiền đình của tháp cũng có những cột trụ hai bên, các đường đố cũng lớn như tháp chính và các cửa giả. Phía trên xây theo lối trồng diêm, cho nên ta cũng có thể nói là gồm hai tầng và tầng trên cũng có cung giả.
Tháp ở phía Bắc cũng giống như ở tháp giữa, nhưng nghệ thuật trang trí và kiến trúc vụng về hơn hai tháp kia. Tháp này lớn hơn và cao hơn. Thông thường, nhìn một phía tầng trệt của một tháp Chàm, du khách thấy từ góc trụ này đến góc trụ kia và từ nền đến đà ngang phía trên một hình chữ nhất nằm ngang, tức chiều ngang rộng hơn chiều cao, thì ở tháp này lại là một hình vuông, nghĩa là chiều ngang và chiều cao của tầng trệt bằng nhau.
Phía trong phòng cũng có nhiều cung lõm vào tường như tháp phía Nam, nhưng cao hơn. Phía tường sau mỗi cung có một lỗ chiếu sáng.
Tháp này có năm tầng và cách kiến trúc cũng giống như hai tháp kia, mỗi tầng cũng có cột trụ, các cung giả và các hình tượng trang trí. Tiền đình của tháp xây thành hai tầng rõ rệt, tầng trên cũng có cột trụ hai bên hông, cũng có các cung giả xây giống như kiểu các cửa giả.
Tóm lại, so với các tháp Chàm còn tồn tại, tháp Hoà Lai hay Ba Tháp kiến trúc đơn giản, nhưng kiểu đặc biệt. Tiền đình chỉ là khúc nối dài của cửa vào, nhưng lại có cửa giả. Phòng trong tháp có nhiều cung lớn giống như cái khảm đục vào tường. Các tầng đều thấp hơn các tháp khác. Bề thế của tháp cũng lớn hơn và cao hơn.
Tháp đều xây bằng gạch, chỉ trừ mấy cái đà lớn bằng đá. Không có dấu tích gì của các tượng hình trang trí ở các đỉnh góc, trái lại có đường biên lại đắp nhiều hình nổi.
Điều hơi lạ là các bức tường ba tháp này không thẳng đứng, mà lại chõm vào phía dưới giống như lối kiến trúc thời nay của Âu Mỹ.
Do đó đứng đàng xa nhìn lại ta có thể so sánh tháp với một cây rơm của nhà nông xây giữa đồng, trên to dưới nhỏ để khi trời mưa, nước sẽ chảy lướt trên mái rơm mà rơi xuống đất, chứ không chảy dọc theo rơm vậy.
Cũng như tháp Nhạn ở Tuy Hoà, tháp Hoà Lai hiện bỏ không, phía trong không có bệ cao và cũng không có thờ vị vua chúa hay thần thánh nào của dân Chàm cả. Chính vì không có sự thờ tự, ngôi tháp không có ý nghĩa linh thiêng như các nơi khác, lại ở xa cơ quan hành chánh có trách nhiệm bảo vệ di tích lịch sử này, nên chúng ta rất lo ngại sự phá hoại sẽ sớm làm cho hai tháp còn lại chóng sụp đổ như tình trạng tháp giữa.
Cho đến nay, chưa có một tài liệu nào cho biết tháp Hoà Lai do vị vua nào xây lên và thời gian xây cất. Người ta chỉ biết là lối kiến trúc tháp này giống tháp Pô Dam ở Bình Thuận mà thôi. Theo truyền thuyết như đã nói về tháp Pô Klong Gartai thì tháp này do người Cam Bốt xây, cho nên không được người Chàm nhìn nhận là sản phẩm văn hoá của họ.
ĐỀN THỜ PÔ NAGAR
Hiện nay tại thôn Hữu Đức, xã Hữu Phước thuộc quận An Phước có ngôi đền thờ nữ thần Pô Nagar. Đền làm bằng gạch lợp ngói theo kiến trúc Việt Nam. Trong đền hiện có ba pho tượng Chàm tô nhiều màu sắc. Đây là những pho tượng mới tạc để .thay thế các pho tượng cũ đã bị thất lạc trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp.
Nơi cửa vào gian đền chính còn có tượng một con bò Nandin bằng đá dài chừng 30 phân tây, ba cái kút bỏ lăn lóc ngoài vườn, gần bên đền.
Tại đây dân chúng còn giữ được một số đồ thờ gồm có 7 món: một bình vôi bằng bạc, một số đồ bằng đồng và thau, một hòm sắt kiểu Việt Nam nhưng trong không có đựng sắc phong, một cái cáng có mui (1).
Theo người Chàm cho biết, kho tàng chứa bảo vật thờ nữ thần Pô Nagar ở Giá, một địa điểm ở về miền núi, thuộc xã Đại Phước, quận An Phước mà từ trước đến nay chưa có ai đến xem cả. Kho tàng này mới là kho chính và chứa nhiều đồ vật quý giá.
Tại tháp Bà ở Nha Trang cũng thờ nữ thần Pô Nagar mà theo sự tích người Việt Nam đã được ghi rõ trong cuốn NON NƯỚC KHÁNH HÒA. Nay chúng tôi xin ghi lại sự tích của nữ Thần Pô Nagar theo truyền thuyết của người Chàm như sau (2):
_________________________________________________________________________________
(1) Theo Nghiêm Thẩm trong Khảo Cổ tập san số 1.
(2) Tài liệu rút trong bài “Thượng Cổ sử Chiêm Thành” của Bồ Thuận và Nguyễn Khắc Ngữ trong Khảo Cổ tập san số 3.
_________________________________________________________________________________
Thuở sơ khai vũ trụ có 12 mặt trời và 12 mặt trăng, trái đất còn mỏng manh, trời thì thấp chưa có người.
Mãi tới giờ thứ ba, ngày thứ hai mồng hai tháng 6 năm Con Chuột theo lịch Chàm, bà Át Mư Hê Cắt mới bắt đầu trông coi vạn vật. Vì quá nhiều mặt trời nên sức nóng nung nấu, vạn vật không sinh phát được. May có thánh Nơ Mái Sa Bài Ca Dông giương cung bắn tan các mặt trời. Vũ trụ trở nên tối tăm u ám. Đó là thời mạt thế.
Đến ngày thứ hai mồng 6 tháng 5 năm Con Chuột, ông Âu Loa Hú thụ sắc của bà Át Mư Hê Cắt, từ trong cõi u tốt ra đời. Sau 10 năm tu luyện, ông đã thành công trong việc tạo thiên lập địa lại cho sáng sủa hơn. Ông hoá ra lần lượt các vị Thánh sau đây :
1. Ông Mư Ham Mach, ông này sinh ra Di Brai Ei và Di Brai Ei lại sinh ra I Bra Nim Mứ.
2. Ông Tầm và bà Hao Oa là hai người cận thần của ông Âu Loa Hú, vì có tội nên bị đày xuống trần gian. Hai ông bà sanh con đẻ cái tạo dựng loài người. Khi ông bà mất thì tất cả tiêu tan hết.
3. Ngày thứ ba mồng 6 tháng 2 năm Con Trâu, ông Cú từ trong cây Mô Si ra đời. Trưóc hết ông lo khai quang nhật nguyệt và tái tạo vạn vật: trước hết sinh ra các loài cá và động vật sống dưới nước. Tiếp đến sinh ra cây cỏ và thú vật. Kế đến là ma quỷ và sau cùng là loài người.
Bấy giờ người và vật sống lẫn lộn, có xác mà không có hồn. Đến năm con Dê, ông Cú sai người con gái đầu lòng là Mú Dụ xuống trần gian thay ông cai quản vạn vật. Đó là bà Nagar.
Khi xuống trần vào ngày thứ hai 19 tháng 7 năm Con Chuột, bà Nagar có các vị thánh là Âu Loá, Gia Mư và Tề Pa Ta Thor phò tá. Lúc đầu bà xuống hạt Ha Ngâu thuộc vùng Bra Ma xứ Tuy Hòa ngày nay. Ở đó bà có dựng một xóm đặt tên là Pầi Lai Sa Ri Oan Cá tức là xóm Bá Lài (?).
Sau đó bà lập đan đài ở xóm Pầi Hua Cu Ma Ra Ra San ở Pang Đa Rang tức xóm Cổ Hủ (?) ở Ninh Thuận, ít lâu sau bà dời ra Chớ Cà Lầu tức núi Đại An ở Diên Khánh, tỉnh Khánh Hoà ngày nay.
Thấy vũ trụ sắp đặt chưa yên, bà đem sửa lại, bà lấy một cái cân gồm có:
- Bầu trời là đĩa cân
- Trái đất là quả cân.
- Mặt trời và mặt trăng là dây xách trên cân.
- Các vì tình tú là hoa cân.
Bà giao cho các vị thánh sử dụng cân ấy để cân vũ trụ, Sau đó bà sắp xếp vũ trụ.
Theo hình thân thể của bà: đầu là phương Tây, chân là phương Đông, mặt trời và mặt trăng là hai mắt, sao Mai là trái tim, vòng sao Mỏ Cày là cánh tay, vòng Bắc Đẩu là ống chân, sao Đế Thích là đầu gối.
Khi bà hắng giọng lần đầu thì trời đất mở rộng ra một khoảnh, bà liền hóa ra nắm gạo hồn một thúng lúa và giao cho ông Gia Mư đem gieo ở chân trời, rồi truyền ông lấy cái Săng ca la đem ra thổi, trời đất nhờ đó càng ngày càng sáng tỏ. Bà lại sai ông Âu Lóa lập ra một thánh tự và sai hai vị thầy tu là I Mum và Ca Típ lo việc phụng tự và kinh kệ: đạo I Sa Lam ra đời từ đó. Bà cũng sai hai ông Tề Pa Ta Thor lập một cái Pa Ca Nơ Rái và tìm hai tu sĩ Pô Thìa và Pa Xế trông coi đạo A Ca Phiar, từ đó hỏa táng ra đời.
Bà hắng giọng lần thứ hai thì trời đất nổi sấm sét, lần thứ ba thì đất thét, lần thứ tư thì biển động núi rung. Tiếp đó có bốn vị thổi thành bốn luồng gió; hơi thổi của bà Nagar thành gió Bắc, của ông Âu Loa thành gió Ðông, của ông Gia Mư thành gió Tây, của ông Tê Pa Ta Thor thành gió Nồm. Mỗi ngọn gió có lợi hại khác nhau, trong đó ngọn gió Nam (Nồm) của ông Âu Lóa là tốt lành hơn cả.
Ba vị thánh phò tá bà Nagar mỗi người phụ trách một việc: ông Âu Loá coi nước Nô-sơ-ri-oan A-ti-cha-ná-chá gồm các nưóc Chân Lạp, Chà Và, Chiêm Thành, Cao Miên và Việt Nam ngày nay, từ đèo Ngang trở vào. Ông lập một thánh tự, giao cho hai thầy tu I-mum va Ca Típ lo việc truyền đạo I-sa-lam, lập nhiều chùa chiền để có nơi lễ bái, viết kinh sách để truyền dạy, lập ra lịch để mọi người biết tuổi tác, dạy dân cạo đầu đội mũ và cử người đi truyền đạo khắp nơi. Sau khi mọi việc đã sắp đặt xong, ông bèn truyền ngôi cho con là Nu-Pì-loa-hú rồi đi sang Ả Rập tu hành truyền đạo.
Ông Gia Mư thì ở Bra-ma thuộc Tuy Hòa ngày nay. Đền đài do ông lập tại Chăm Rai, nay là vùng thượng du tỉnh Phú Yên. Ông được bà Nagar giao cho cái Săng-ca-la để tạo lập vạn vật. Ông thổi Săng-ca-la lần đầu làm cho trời đất quang đãng, thổi lần thứ hai làm cho loài người sinh nở, cây cối đơm hoa kết quả, thổi lần thứ ba thì loài người biết cảm xúc, súc vật biết kêu và chim biết bay, thổi lần thứ tư thì trời sinh bốn phương Đông Tây Nam Bắc, thổi lần thứ năm thì đủ tám hướng hoàn toàn.
Ông Gia Mư gieo lúa cho loài người có gạo mà ăn, dạy dân cách trồng luá, lấy lá cây làm thuốc, đánh đá lấy lửa. Ông lại đặt ra các luật lệ hàng năm. Ông cũng có sang Mơ Cá và kết duyên với một bà tiên, sinh năm mươi con gái xuống đồng bằng, sau lại sinh năm mươi con trai cho lên vùng thượng du cuối cùng sinh ông Cú. Ông Gia Mư về sau đi sang Trung Hoa.
Ông Tề-pata-thor thì ở ngay vùng Pang Đa Rang tức Phan Rang ngày nay. Ông lãnh thánh tự của bà Nagar và giao cho hai thầy tu Pô Thìa và Pa Xế trông coi phụng thờ và truyền đạo A-Ca-phiar.
Đan đài của ông lập tại Pang Đa Rang và sai các thánh lo truyền việc đạo. Sau đó ông qua Trung Hoa dạy người Tàu cách kết tóc để phân biệt với các giống khác.
Như trên đã nói, ông Âu Lóa truyền ngôi cho con là Loa Hú để sang Ả Rập tu hành. Con ông Gia Mư làm tướng. Vì Loa Hú vô đạo đức nên nước gặp nhiều tai ách, ma quỷ lộng hành, dân tình cùng khổ. Tiếng kêu than lên đến cung đình. Bà Nagar cho sứ giả là bà Xá Nư xuống điều tra, quả đúng như thế. Sứ giả về thượng giới mà than khóc, bà Nagar động lòng phải giáng trần, truất ngôi Loa Hú, bắt loài ma quỷ dồn xuống âm ty và và ban phép cho Loa Hú trấn áp chúng. Từ đó âm dương cách biệt, sự tiếp xúc giữa người và ma quỷ không còn nữa. Sau đó ba Nagar cho Pa Tao lên làm vua.
Được bà Xá Nư giúp đỡ che chở, Pa-Tao Pa-pô cho sửa sang mọi việc, tiếp tục cho tiểu trừ ma quỷ vì có một số còn lẩn trốn được, phân chia các giống người khác nhau, vì từ trước chỉ có một giống. Ông Pa-Tao Pa-pô trị vì được 77 năm thì thoái vị và trở về thượng giới. Bà Nagar bèn truyền ông Âu Lóa trở về làm vua. Các ông Gia Mư và Tề-pa-ta-thor cũng trở về phò tá. Ông Gia Mư coi về nông nhiệp, ông Tề-pa-ta-thor coi về số mạng, sinh tử của loài người.
Ông Âu Lóa chỉnh đốn lại lịch, mỗi năm chia ra làm 12 tháng, mỗi tháng 30 ngày, mỗi ngày 5 giờ, 2 giờ tốt và 3 giờ xấu.
Trong lúc mọi người đang tiến hành thì xẩy ra vụ bất hòa giữa bà Nagar và ông Gia Mư. Ông này xây dựng được cái gì thì bà Nagar thổi cho hỏng đi. Bà lại xoay chiều ánh sáng khiến trời đất mờ dần, đem vận mệnh nước Nơ-so-ri-oan A-ticha-ná-chá thắt làm ba gút. Ông Gia Mư chán nản không còn xây dựng gì nữa. Còn ông Âu Lóa thì biết vận nước gặp lúc suy nên cũng không cưỡng lại. Tuy nhiên, ông tiên tri sẽ có 9 vị thần linh giáng thế, sẽ gỡ ba gút ấy ra và tới khi bốn phương chỉ còn chín xóm thì nước ông sẽ thành một nước có tiếng tăm..
Mọi người chán nản bỏ đi tứ phương. Ông Âu Loá, Ba Xá Nư và ông Gia Mư sang Mơ Cá tu hành. Ông Tề-pa-ta-thor sang du lịch Trung Hoa một thời gian rồi trở về Pa Da Rang. Bà Nagar lại lên ngôi trị nước. Bà lo xây dựng đất nước, phát triển kinh tế để làm cho dân giàu nước mạnh. Bà dạy dân đóng cày làm ruộng, dùng xe trâu để chuyên chở. Bà cũng lo phần đạo đức cho dân, đem thuần phong mỹ tục dạy bảo cho mọi người.
Mặc dầu bà Nagar tận tình lo lắng cho dân trong nước, nhưng vì bà là tiên mà lại lấy chồng trần tục (1), nên phải chịu sự đọa đày, khiến cho dân chúng cũng chịu họa lây, nào là đói khát, bệnh tật, chết chóc. Vị thánh sinh ra bà là ông Cú thấy thế bèn ra lệnh cho Pa-tao Pa-pô sai bốn vị thái tử con bà là A Thum, A Ly, Thun Prang và Pin Thor (2) xuống thay bà. Thế là trong 90 năm trời bà làm vua, nước Nô-so-ri-oan A-ti-cha-ná-chá đã chẳng thịnh vượng được chút nào, mà còn gặp nhiều tai ương.
Tuy nhiên, trong lúc làm vua, bà đã hết lòng chăm lo cho dân chúng về mọi phương diện, bà vẫn được dân chúng Chàm đời đời sùng kính và thờ phụng rất thành khẩn. Hàng năm vào dịp lễ Păng Katê va Păng Chabul, dân chúng mang nhang đèn, hoa quả, mâm cộ đến cúng lễ nơi đền này rất đông.
_________________________________________________________________________________
(1) Xin xem sự tích Thiên Y A Na( Pô Nagar) trong NON NƯỚC KHÁNH HOÀ.
(2) Theo sự tích do người Việt kể thì bà Thiên Y Na lấy thái tử Trung Hoa chỉ sinh được một trai và một gái mà thôi.
_________________________________________________________________________________
KHO TÀNG CHÀM
Mỗi lần rút về phương Nam, các vua chúa Chiêm thành mang theo cả triều đình, dân chúng cùng bảo vật, chỉ những gì không khiêng đi được mới bỏ lại, như các bia đá, các tượng đá, và tháp. Vì vậy từ Khánh Hoà ra đến Quảng Bình, ngày nay chúng ta chỉ còn thấy một số tháp tượng mà thôi.
Trái lại Ninh Thuận và Bình Thuận là khu vực cuối cùng của Chiêm Thành. Vì thế ngoài những tháp, và tượng như ở các tỉnh miền ngoài, chúng ta còn được may mắn quan sát một số báu vật của hoàng gia Chàm để lại. Riêng tại Ninh Thuận, hiện có bốn kho tàng tại Phước Đồng thôn Hậu Sanh, thôn Hữu Đức và ở Giá. Trong bốn kho tàng này, kho tàng ở Giá cho tới ngày nay chưa một nhà khảo cổ nào được thấy.
Theo lời đồng bào Chàm cho biết kho tàng ở Giá chứa nhiều bảo vật quý giá của nữ thần Pô Nagar.
Việc đến xem các kho tàng Chàm không phải dễ, vì bên cạnh sự gìn giữ các bảo vật của quốc gia khỏi bị mất, còn có khía cạnh tín ngưỡng của đồng bào Chàm đối với các bảo vật ấy là di sản của các vua chúa họ những vật kỷ niệm của một thời huy hoàng xa xưa của một quốc gia nay không còn nữa.
Để giúp các bạn không có được cái may mắn thấy tận mắt chúng tôi xin giới thiệu qua ba kho tàng ở vùng đồng bằng mà cách đây hơn nửa thế kỷ, các nhà khảo cổ người Pháp đã tới quan sát, kiểm kê, phân loại, viện khảo cổ cũng đã phái chuyên viên đến kiểm soát lại và nghiên cứu kế hoạch bảo vệ các kho tàng ấy.
I. Kho tàng ở thôn Phước Đồng
Tại thôn Phước Đồng Xã Hậu Phưóc, quận An Phưóc có một kho tàng chứa các bảo vật của vua Pô Klong Garai. Đầu thế kỷ 20 nhà khảo cổ Pháp H. Parmentier đã tới thăm, xem xét liệt kê và phân loại, gồm có một đồ bằng vàng, 84 món bằng bạc, còn lại thì bằng đồng, bằng thau, thiếc, gỗ v.v… được ghi lại trong tập kỷ yếu của trường Pháp quốc Viễn Đông Bác Cổ tập V (1905) dưới nhan đề "Le Trésor des Rois Cham".
Năm 1959, nghĩa là hơn nửa thế kỷ sau, nhà khảo cổ Việt Nam đầu tiên đến xem xét và kiểm kê lại kho tàng này là ông Nghiêm Thẩm. Nhờ có sự kiểm kê này, chúng ta mới biết kho tàng đã may mắn không bị tàn phá hoặc mất mát, hiện còn đủ 173 món đồ đã được ông H. Parmentier kể rõ trong tạp kỷ yếu trên. Kho tàng này vẫn do người Chàm bảo lưu.
Sau đây chúng tôi xin liệt kê các món đồ có giá trị về phương diên thực chất cũng như về phương diện khảo cổ và bảo tàng:
- 1 túi vải.
- Gương soi: 3 gương hình cái âu, hình như làm bằng chất sáp ong, ở giữa gắn một mặt gương tròn. Các lá cây viết chữ Chàm
- 2 cái khác, một cái đặt trong nửa trái dừa và cái kia gắn trong vỏ ốc mỏng.
- 1 hộp hình ống bằng bạc chạm trổ, nuốm nắp đậy bằng vàng làm hình mặt người, trong đựng một cái hộp khác, cũng tương tự, nhưng nhỏ hơn.
- 1 hộp khảm vàng, nuốm nắp đậy bằng vàng, làm theo hình mặt người, trong đựng một hộp khác bằng bạc.
- 1 hộp bằng đồi mồi đỏ và trong suốt, phía trong mạ vàng, nuốm bằng bạc.
- 1 hộp bằng đồng chạm trổ, bắt chước kiểu Tàu hay Việt Nam trong đựng một hộp khác tương tự.
- 1 hộp bằng đồng chạm hình vẩy cá.
- 1 hộp bằng đồng và bằng bạc chạm hình miếng trám, mất nắp, và 1 số hộp khác bằng đồng có chạm trổ hay để trơn. Những hộp hình ống trên đây là những hộp klong của vua chúa Chàm theo đạo Bà-la-môn dùng đựng xương trán người chết khi vào kút ở nghĩa trang.
- 1 hộp đựng cau bằng bạc, có nuốm vàng đỏ.
- 1 hộp bằng đồng, chạm hình lục lăng, theo kiểu Tàu hoặc Việt Nam.
- 1 hộp khác bằng thau không có nắp.
- 1 hộp bằng bạc đựng thuốc lá, hai nắp bằng thau, nuốm bằng vàng đỏ.
- 2 cái nuốm nắp hộp bằng bạc (không biết của hộp nào vì nắp đã hỏng).
- 1 hộp đụng vôi bằng bạc, chạm vẩy cá, nắp có gắn một miếng thuỷ tinh, trong hộp này có một cái bát nhỏ bằng đồng hiện còn có vôi (năm 1903 năm quan sát).
- 1 hộp vôi khác bằng bạc trong có chia thành ba ngăn.
Ảnh số 21: Trường trung học Poklong dành riêng cho học sinh sắc tộc
Các hộp trên đây sở dĩ phân ra nhiều loại như thế là căn cứ vào hình dáng khác nhau và to nhỏ khác nhau, làm bằng các chất khác nhau. Theo sự mô tả trên đây, chúng ta có thể biết đó là những hộp đựng thuốc hút, đựng trà, đựng trầu cau, đựng vôi của các vua chúa, các bà hoàng công chúa.
- 3 chân khay trầu bằng đồng điếu.
- 1 chân nến cũng bằng đồng điếu, hiện còn đang dùng trong việc thờ tự.
- 1 số tô, tách trà, chén đủ cỡ, đủ hình dáng, bằng bạc, đồng, gỗ, sứ và ít chén rượu bằng vàng. Một số trong các món đồ này hiện được dùng trong việc thờ cúng.
- 1 tô bằng sành, men xanh, có lẽ là sản phẩm Việt Nam.
- 3 cái chậu bằng đồng, một cái trong đó có hai quai xách.
- 1 nồi bằng đồng để bánh ngọt.
- 6 nồi đồng điếu khác cỡ.
- 1 ống nhổ bằng thiếc và 11 ống nhổ khác thường dùng của ta.
- 2 mâm thau.
- 1 mâm chữ nhật, góc tròn, khảm xa cừ.
- 1 muỗng tròn, cán dài và mỏng, 1 cái khác bằng đồng chạm trổ, cán bằng gỗ cong lên, 1 số dao trầu lớn nhỏ khác cỡ, sống dao bằng bạc hay bằng đồng, cán dao bằng gỗ hay bằng sừng.
- 1 nọ điều thuốc lá bằng kim khí.
- 1 phần của một chiếc quạt, sườn bằng gỗ mun và bằng bạc.
- 1 lược đồi mồi xung quanh viền bạc.
- 1 hỏa lò,1 cây kiếm (kriss) lớn, lưỡi lượn sóng.
- 1 cây kiếm, cán bằng gỗ hơi cong, làm theo hình mặt khỉ.
- 1 cây kiếm thường
- 1 búa bằng đá
- 1 một số nhẫn đeo tay lớn nhỏ đủ cỡ.
- .v.v…
II. Kho tàng ở thôn Hữu Đức
Tại thôn Hữu Đức thuộc xã Hữu Phưóc, quận An Phuớc, tên Chàm là Palei Hamù Tanran, có một kho tàng của người Chàm. Kho tàng này chỉ chứa các đồ thờ cúng Pa Pô Nagar, tức Thiên Y Na mà đền thờ cũng ở tại đây.
Ngôi đền chứa kho tàng bị đốt cháy trong thời chiến tranh Việt Pháp vào năm 1949. Sau đó đã được đồng bào Chàm làm lại. Kho Tàng này không quan trọng, vì kho chính ở Nô Giá, một vùng rừng núi nằm ở bên bờ sông Giá, ở phiá Tây Nam quận An Phước, đường đi rất khó khăn, chưa có một nhà khảo cổ nào đặt chân đến, do đó chúng ta chưa được biết tại kho tàng ấy có những gì.
Theo tài liệu kê cứu của ông H. Parmentier trong tập kỷ yếu của trường Pháp Quốc Viễn Đông Bác Cổ năm 1905, kho tàng ở Hữu Đức có các đồ vật sau đây:
- 1 tập giấy viết chữ Chàm.
- 2 cái tô bằng bạc.
- 1 cái tô bằng đồng có chạm trổ.
- 7 cái tô bằng đồng trơn, lớn nhỏ khác nhau.
- Ngoài ra có một ít đồ bằng vải.
Nhưng năm 1959, phái đoàn chuyên viên Viện Khảo cổ Sài Gòn đến kiểm kê lại thì chỉ thấy có 7 món đồ gồm có:
- 1 bình vôi bằng bạc.
- 4 đồ bằng đồng và thau
- 1 hòm sắt kiểu Việt Nam nhưng trong không có đựng sắc.
- 1 cái cáng có mui.
III. Kho tàng ở thôn Hậu Sanh
Tại thôn Hậu Sanh xã Hữu Phước, quận An Phước tên Chàm la Palei Thuơn, có một kho tàng chứa các bảo vật của Po Romé vị vua Chàm cuối cùng của nền độc lập vương quốc Chiêm.
Theo bảng thống kê của ông H..Parmentier đăng trong tập kỷ yếu của trường Pháp quốc Viễn đông Bác cổ năm 1905, kho tàng này có những bảo vật như sau:
- 1 hộp klong bằng bạc, hình như mới làm, vì bị ảnh hưởng mỹ thuật Việt Nam.
- 1 bát có chân bằng bạc, chạm hình vảy.
- 1 chiếc bát bằng bạc, nắp đậy bị bể, chạm rồng theo lối Việt Nam.
- 1 bát khác bằng bạc chạm hình vảy xen kẽ nhau theo chiều đứng.
- 1 bát khác bằng hợp kim bạc, chạm hình răng cưa, mới làm.
- 1 chiếc khác bằng bạc, và một chiếc bằng đồng chạm hoa lá.
- 4 chiếc bát bằng đồng đỏ trơn và hai chiếc bằng bạc khác.
- Trên 10 cái chén bằng bạc có chạm hình.
- 1 cái chén có nắp bằng vàng.
- 2 chén bằng đồng.
- 1 chén bằng gỗ.
- 1 chén hình cầu có chân bằng bạc, chạm hình vảy sơ sài.
- 1 chén khác cũng hình cầu bằng bạc, hình như dùng để thuốc lá.
- 2 cái xuyến bằng thau.
- 13 chiếc nhẫn lớn và thô.
- 7 chiếc vòng lớn nhỏ để trơn, 3 chiếc khác có cạnh răng cưa, đều bằng đồng.
- 3 bông tai bằng hợp kim vàng.
- .v.v…
Rất tiếc là kho tàng này đã bị cháy trong năm 1948 và trải qua thời kỳ chiến tranh, số lớn các bảo vật trên đây đã bị thất lạc, và các tài liệu bằng chữ viết đều cháy hết.
Năm 1959, chuyên viên viện khảo cổ Sài Gòn đến Hậu Sanh để kiểm kê lại kho tàng này thì chỉ còn thấy 14 món đồ sót lại bằng kim khí. Đặc biệt trong số bảo vật còn lại có mảnh phía trước cái mũ bằng vàng của vua Pô Romé, bảo vật này không thấy ghi trong bảng thống kê của ông H. Parmentier. Có lẽ lúc bấy giờ người Chàm giấu không cho ông xem chăng? Đây là một cổ vật rất qúy, vì hiện nay chỉ còn hai chiếc mũ vàng của vua Chiêm Thành, một ở Tịnh Mỹ thuộc tỉnh Bình Thuận (1) và một ở Hậu Sanh, tập kỷ yếu của ông đã không nói tới.
Nói đến kho tàng Chàm ở Ninh Thuận, chúng ta cũng cần ghi chú thêm là tại thôn Bĩnh Nghĩa, nơi đền thờ vua Chế Bồng Nga, xưa kia cũng có một kho tàng chứa một số bảo vật bằng vàng và bạc. Nhưng rất tiếc là năm 1903, ông H. Parmentier không được cái may mắn đến thăm kho tàng này nên trong tập kỷ yếu của ông đã không nói tới.
_________________________________________________________________________________
(1) Xin xem Non nước Bình Thuận cùng một tác giả.
_________________________________________________________________________________
DI TÍCH KINH ĐÔ CHÀM
Đọc lịnh sử nước nhà về triều Lê Thánh Tôn, chúng ta đều biết năm 1471, nhà vua thân chinh vượt biển đổ bộ lên kinh đô Chiêm Thành là Đồ Bàn, rồi thẳng đường chiến thắng, tiến quân vào tận đến đèo Cả. Sự kiện này được ghi lại bằng một di tích lịch sử là núi Đá Bia (1)
_________________________________________________________________________________
(1) Xin xem Non Nước Phú Yên cùng một tác giả.
_________________________________________________________________________________
Tuy vào tới đây, nhà vua chỉ lấy đất từ đèo Cù Mông trở ra mà thôi. Người Chàm lại trở về chiếm cứ khu vực Phú Yên ngày nay. Với sự thất thủ kinh đô Đồ Bàn, người Chàm nhận thấy phải lùi xa kinh đô phía Nam để có thể củng cố lực lượng tính chuyện lâu dài, nên họ dã dời kinh đô về xứ Anduranga, tức vùng Phan Rang ngày nay.
Theo bảng thống kê các triều đại vua Chàm, thì vua trị vì tại kinh đô Phan Rang đầu tiên là Pô Klong H’lâu (1579 đến 1603) và vị vua cuối cùng trước khi nước Chiêm Thành lệ thuộc vào lãnh thổ Việt Nam là Pô Romé (từ 1627 dến 1651) thời gian hơn 80 năm và trải qua 6 vị vua. Hiện nay chưa có tài liệu nào cho biết 6 vị vua ấy cùng đóng đô ở một địa điểm hay có thay đổi nhiều nơi, và vị trí đích xác của các kinh đô ấy ở đâu. Theo ý kiến của ông H. Parmentier khi nghiên cứu về di tích Chiêm Thành, có lập luận rằng tại vùng núi phía Bắc Ninh Thuận hiện nay là rừng rậm chưa thể khảo sát được, có thể có di tích một kinh thành đã đổ nát. Đó chỉ là một sự ước đoán và suy diễn vì sự hiện diện của khu tháp Hoà Lai. Duy chúng ta có thể biết đích xác tại địa phận làng Chung Mỹ, tổng Nghĩa Lập huyện An Phước, tên Chàm là Palei Bocon hay Caklin hay Coklin, nay là thôn Chung Mỹ, xã Phước Hải, quận An Phước, còn dấu tích của một kinh đô cũ của vua Chàm.
Ngày nay khu vực này trở thành bình địa, do sự cày bừa cuốc xới của nông dân địa phương, nên ta khó lòng tìm được dấu vết, nếu không có người chỉ dẫn. Nhưng khoảng đầu thế kỷ XX. Ông H. Parmentier đến khảo sát tại chỗ, còn thấy những bằng chứng sau đây:
- Từ một khu đất rộng có nhiều đống gạch và nền nhà có lẽ là vết tích của những tòa lâu đài, cung điện đã bị đổ nát.
- Lại có một cái gò hình tròn, cao độ 2 mét, có lẽ vết tích một đền thờ.
- Ngoài ra theo sự chỉ dẫn của đồng bào Chàm địa phương đào dưới đất còn thấy móng xây của một ngôi tháp chính và hai tháp phụ. Phía trưóc tháp chính cũng có dấu tích một đền thờ.
- Trong đống gạch của tháp chính, người ta còn tìm thấy một khúc đà ngang bằng đá hoa cương mà chúng ta thường thấy ở các tháp hiện còn, và một tảng bằng đất nung ở cửa vào.
- Cách đó chừng nửa cây số về phía Tây Bắc, trong cánh đồng thuộc thôn Mông Đức, có một tảng đá có khắc chữ, người Việt gọi là hòn đá chữ. Gần tảng đá ấy lại có dấu tích một cái tháp tí hon đã bị bể nát, loại tháp này thường đặt trên đỉnh các cột trụ phía góc ngoài các tháp chính. Những vật này có lẽ xuất xứ từ địa điểm trên đây được di chuyển đến đó chăng?
Đó là bằng chứng cụ thể trên mặt đất, trong một tài liệu viết bằng chữ Chàm do các chức sắc Chàm còn giữ được nói sơ lược về các triều vua, đoạn nói về vua Pô Romé có ghi rằng:
Lại đến Pô Romé, tuổi con Rắn, rể của Pô Mứh-ta-ha, lên ngôi năm con thỏ, kiến tạo nên môt đô thị tại kinh đô Pa-Rang (1).
_________________________________________________________________________________
(1) Dân tộc Chàm sử lược.
_________________________________________________________________________________
Đô thị đó ở đâu? Có lẽ tại Chung Mỹ vậy. Theo tài liệu khảo cứu của ông H. Parmentier thì đô thị này được xây cất gần bờ sông Krong Byuh. Khi người Việt đến đây, thấy có dấu tích đô thị trên bờ sông, mới gọi nơi ấy là sông Viêu, nghĩa là sông của thành lũy, khúc sông ấy là hạ lưu sông Lu.
Những người Chàm chỉ cho ông H. Parmentier vị trí của đô thị ấy đã cho ông biết thêm rằng có 4 đời vua Chiêm đóng đô tại đó, nhưng không rõ là vị vua nào.
Sở dĩ cả một kinh đô bị đổ nát tan tành đến nỗi ngày nay không còn dấu vết gì rõ rệt, theo ý chúng tôi do hai nguyên nhân sau đây:
Các triều đại phong kiến Việt Nam không có chánh sách bảo tồn cổ tích, nhất là đối với các di tích do các triều đại gọi là "kẻ thù "để lại thì còn mong cho chóng tiêu tan đi là khác. Một số danh gia vọng tộc biết chơi đồ cổ thì cũng chỉ chú trọng đến phần mỹ thuật hơn là lịch sử, và có tính cách cá nhân.
VĂN BIA PÔ SAH
Tại ấp Bình Quý, xã Thái Sơn, quận An Phước, cách nhà thờ công giáo Bình Quý chừng ba cây số, hiện có một văn bia ngoảnh về hướng Tây gọi là bia Pô Sah, đồng bào Việt thường gọi là Bà Xá. Theo ông ODEND’HAL một nhà khảo cổ, sở dĩ người Việt gọi như vậy để đối với một bia khác ở cách đó không xa về phía Tây gọi là Bà Ông, không có chữ. Nhưng khi ông H. Parmentier đến nơi đó vào năm 1903, không tìm thấy Bà Ông đâu cả.
Bia Pô Sah làm bằng sa thạch xám, hình chữ nhật, hai góc phía trên cắt xéo thành ra hình năm cạnh, giống hầu hết các bia khác. Trên hai mặt bia đều có khắc chữ, nét rất rõ, phía mặt có 22 dòng, phía sau có 9 dòng. Nội dung văn bia đã được dịch ra Pháp văn đại ý nói rằng: vua JAYA SINHAVARMAN III, Thái tử HARIJIT, CON VUA TRƯỚC (Jaya Sinhavarman II hay Indravarman III. Prince Hariver) và con bà hoàng GAUNEDRALAKAMI. Lên ngôi vào khoảng năm 1200 và 1220 còn trị vì năm 1228 nữa. Tác giả của bài văn bia này là Pô Klong Ga Rai. Văn bia được tạo vào thế kỷ thứ XIII (1).
Bia Pô Sah là di tích còn nguyên vẹn của một đền đài xưa của người Chàm đã bị tàn phá. Cách đây 70 năm, ông H. Parmentier còn thấy dấu tích tòa đền đài này giữa một khu đất rộng chừng nửa mẫu Tây, gồm nhiều nhà bị đổ nát chồng chất thành nhiều gò đống nằm rải rác. Trên gò chính có mấy cái naga, có lẽ là những bộ phận trang trí trên các góc mái đền. Ngay giữa gò này có bia PÔ SAH.
Ngày nay tại ấp Mỹ Nghiệp xã Phước Hải có một gia đình Chàm còn phụ trách việc thờ phụng cái bia này. Hàng năm vào các ngày giỗ, ngày kỵ, gia dình ấy vẫn mang lễ vật đến tận nơi cúng vái.
_________________________________________________________________________________
(1) Theo Lưu Quý Tân trong Phổ Thông số 44 ra ngày 15-10-1960.
_________________________________________________________________________________
(Còn tiếp)
No comments:
Post a Comment