Home

Saturday, December 28, 2019

NON NƯỚC NINH THUẬN - Tác giả Nguyễn Đình Tư - PHẦN THỨ NHẤT

TRANG NHÀ (HOME)

Tháp Chàm xưa và tháp Hải Đăng Mũi Dinh (Mũi Điện)

Ðôi lời giới thiệu

Tác phẩm NON NƯỚC NINH THUẬN của tác giả Nguyễn Ðình Tư là một trong rất ít sách biên khảo về Ninh Thuận khá công phu và có giá trị về nhiều mặt, tác phẩm này được xuất bản năm 1971 và được in lại sau năm 1975.  Diễn Ðàn Ái Hữu Ninh Thuận xin đăng lại toàn bộ để quý đồng hương, quý vị và các bạn tham khảo.  Bản chúng tôi có trong tay là bản in lại sau năm 1975, phẩm chất ấn loát rất kém, nhất là về mặt hình ảnh gần như không xem được gì nên chúng tôi chỉ đưa được phần bản văn lên mạng.

Xin chân thành cảm ơn chị Nguyễn Thị Cúc người bạn học cũ của chúng tôi, đã có nhã ý gởi tặng sách này cho chúng tôi làm tài liệu, và rất cảm ơn anh chị Nguyễn Nghiêm đã phụ trách phần đánh máy; mặc dù anh chị tuổi đã cao và mắt kém nhưng luôn nhiệt tình với những việc làm vô vụ lợi, chỉ vì duy nhất một tình yêu thiết tha quê hương Ninh Thuận!

Nếu có những sơ sót về mặt kỹ thuật chúng tôi xin tác giả và quý đồng hương, quý vị, và các bạn rộng lòng hỉ xả cho, và xin liên lạc trực tiếp với chúng tôi để chúng tôi được chỉnh sửa.

Trân trọng,

Lê Tự Do
Hoa kỳ, tháng Tư / 2007

NON NƯỚC NINH THUẬN

Tác giả NGUYỂN ĐÌNH TƯ

Công trình đánh máy: Ông và Bà Nguyễn Nghiêm
Hiệu chỉnh kỹ thuật:  Lê Tự Do
Lần đầu tiên được đăng tải trên Diễn Đàn Ái Hữu Ninh Thuận 04/2007

MỤC LỤC







B

Chương 3:  Phong tục tập quán của đồng bào Kinh
Chương 4:  Phong tuc tập quán của đồng bào Sắc Tộc

C

Chương 5:  Tôn giáo
Chương 6:  Nhân vật

PHẦN THỨ BA:  NGUỒN LỢI KINH TẾ

Chương 1:  Tài nguyên
Chương 2:  Hoạt động nông nghiệp
Chương 3:  Hoạt động ngư nghiệp
Chương 4:  Muối Cà Ná
Chương 5:  Ðường giao thông

HẾT


Hoài vọng của tôi là làm sao có đủ thì giờ, đủ hoàn cảnh và đủ phương tiện, đi đến từng tỉnh từng làng để tìm hiểu tận mắt, nghe tận tai những gì yêu quí của quê hương, hầu viết thành những cuốn biên khảo thật đầy đủ giúp đồng bào không có điều kiện đi đây đi đó cũng có thể biết được một cách tường tận quê hương mình, đồng thời để giới thiệu với khách năm châu mảnh giang sơn gấm vóc Việt Nam nhỏ bé này, với một dân tộc nghèo khó về vật chất, nhưng rất giàu về ý chí quật cường đã và đang làm cho cả thế giới khâm phục.

Nhưng than ôi! Chiến tranh vẫn kéo dài, bom đạn vẫn tiếp tục ngăn cản trên các nẻo đường, tình trạng kinh tế ngày càng một thêm bi đát khiến cho hoài vọng trên đây bị giới hạn rất nhiều. Vì vậy mà từ ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm Đinh Mùi (1967) đến nay, bốn năm trôi qua tôi mới hoàn thành được tập thứ ba trong bộ sách "GIANG SƠN VIỆT NAM" mà tôi đã khởi công biên soạn từ năm 1961.

Tuy nhiên với tinh thần trách nhiệm, tôi không thể làm việc một cách qua quít để đưa vào sách những tài liệu nghèo nàn, không chính xác, những tài liệu có tính cách tuyên truyền nhất thời, nên mặc cho bao khó khăn trở ngại, tôi vẫn tìm cách thu thập tài liệu ngay tại địa phương, do những người dân đã từng sinh trưởng nơi đây cung cấp, dù không đầy đủ và đúng hoàn toàn song cũng đáng tin cậy hơn.

Như trong lời nói đầu tập NƯỚC NON PHÚ YÊN, tôi đã trình bày quan điểm viết sách là cố gắng ghi lại những gì đã có, đã xảy ra trong mỗi tỉnh, cả về phương diện thiên nhiên lẫn nhân tạo, đã có rải rác trong các sách báo hoặc còn tiềm tàng trong dân chúng dù dở dù hay, để lưu lại cho hậu thế biết đến quá khứ của quê hương, vì với sự phát triển của khoa học chiến tranh không có gì tránh được sự tàn phá, tiêu hủy của bom đạn, đó là chưa nói đến sự tiêu mòn vì thời gian và mưa gió. Trong khi thu thập tài liệu, tìm hiểu địa phương, tôi vô cùng cảm động vì có những vị đã nhiệt tình giúp đỡ tôi mọi phương diện để đạt được một mục đích.  Hôm nay cuốn sách đã hoàn thành, trước khi cống hiến độc giả toàn quốc, tôi xin dùng lời nói đầu để chân thành cảm tạ các vị ân nhân của tôi, và xin quý vị coi tập sách này như là một công trình biên khảo tập thể trong đó có sự đóng góp của quý vị.

Viết tại Sài Gòn
Ngày giỗ Tổ Hùng Vương năm Tân Hợi (1971)
NGUYỄN ĐÌNH TƯ

(Xin độc giả lưu ý:  Sách này được ấn hành vào năm 1971, khi đó những số liệu thống kê, địa danh và phân bố đơn vị hành chánh có thể khác với những năm sau nầy  -  Ái Hữu Ninh Thuận)

KÍNH DÂNG
ANH LINH CÁC CHIẾN SĨ ĐÃ HY SINH CHO TRƯỜNG TỒN CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM

Bản đồ cũ tỉnh Ninh Thuận
Click trên bản đồ để phóng đại





Ninh Thuận là một tỉnh nhỏ ở phía Nam Trung Nguyên Trung Phần Việt Nam, Bắc giáp quận Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà và Thị xã Cam Ranh ở cây số 1525 trên Quốc lộ số 1, Nam giáp Quận Tuy Phong tỉnh Bình Thuận ở cây số 1585, 508 trên Quốc lộ 1, Đông giáp biển Đông Hải, Tây giáp quận Đơn Dương tỉnh Tuyên Đức ở cây số 67, 477 trên quốc lộ số 11.

Tỉnh Ninh Thuận trông như một hình bình hành, hai góc nhọn về phía Tây Bắc và Đông Nam chiều dài cạnh gần bằng nhau, khoảng 60 cây số. Tỉnh Ninh Thuận ở vào giữa vĩ tuyến 11° 18 và 12° 02, giữa Đông kinh tuyến 108° 35 và 109° 15 từ Bắc đến Nam theo đường chim bay qua Phan Rang làm tâm khoảng 70 cây số từ Đông qua Tây khoảng 60 cây số.

Phan Rang là tỉnh lỵ, ở vào khoảng cây số 1557 trên quốc lộ số 1, cách ranh giới phía Bắc 32 cây số, cách ranh giới phía Nam 32,5 cây số, cách ranh giới phía Tây 67 cây số, cách bờ biển 4 cây số theo đường chim bay, cách Cam Ranh về phía Bắc 50 cây số theo quốc lộ 1, Nha Trang 106 cây số, Qui Nhơn 244 cây số, Đà Nẵng 626 cây số, Huế 733 cây số, cách Phan Thiết về phía Nam 145 cây số, Sài Gòn 345 cây số, cách Đà Lạt về phía Tây 107 cây số theo Quốc lộ 11.  Diện tích toàn tỉnh năm 1966 là 3.384,800 cây số vuông.  Chia ra như sau:

Quận Thanh Hải:  325,98 CSV
Quận Bửu Sơn:  1.230,60 CSV
Quận An Phước:  1.099,42 CSV
Quận Du Long:  600,80 CSV

Trên đại thể, địa thế Ninh Thuận giống như một cái chảo, ba phía Bắc, Tây, Nam và một nửa phía Đông bị núi non bao quanh liên tục chỉ còn một nửa phía Đông, từ Sơn Hải đến Ninh Chữ là thông ra biển, ở giữa là đồng bằng khá rộng.  Cao độ giữa đồng bằng và núi non bao quanh sai biệt nhau từ 500m đến 1.000m.

Vì các núi non ở xung quanh đồng bằng có một cao độ rất lớn, như ở phía Bắc có những ngọn cao từ 480m dến 1.113m, phía Tây có những ngọn cao từ 1.015m đến 1.650m, phía Nam có những ngọn cao từ 790m đến1.178m, và Đông có những ngọn cao từ 437m đến 1.041m nên người ta có cảm tưởng tỉnh Ninh Thuận như một cái thành vĩ đại và kiên cố, chỉ có một cửa chính ra vào ngoảnh về hướng Đông ra biển. 

Trong cái thành này có các cơ sở chính quyền và nhà cửa dân chúng.

Ảnh số 1: Núi Hòn Thiên  (ảnh tác giả)

Đặt một giả thuyết chơi là, nếu có một trận lụt nào đó hay một trận đại hồng thuỷ thứ hai xảy ra mà đồng bằng Phan Rang bị ngập chìm dưới làn nước bạc, ngồi trên máy bay nhìn xuống, người ta sẽ cho tỉnh Ninh Thuận là một cái vịnh lớn mà thôi. Ngày nay đó là một giả thuyết, nhưng nguợc dòng thời gian trở về xa xưa, điều nhận xét trên đây là một sự thực mà chúng ta sẽ trình bày trong chương nói về đồng bằng Phan Rang.

Dãy núi ở về phía Tây, đặc biệt vùng đèo Ngoạn Mục, nằm theo địa thế “vồng khoai” (1) vì tại đây do sự cấu tạo của địa thế mặt địa cầu có những sự gãy sụp của vỏ quả đất, tạo thành những dốc thẳng (2), phía trên là đỉnh cao chót vót, phía dưới là thung lũng thấp. Hiện tượng trên đây đã tạo cho đèo Ngoạn Mục một vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt diệu mà không một du khách nào khi qua đây không xuống xe đứng ngắm…
_________________________________________________________________________________

(1) Hort là một danh từ địa lý mà các nhà địa lý học Việt Nam chưa dịch ra Việt ngữ. Trong cuốn Địa lý Đại cương của ông Lâm Thanh Liêm, tác giả vẫn để nguyên. Cứ theo định nghĩa và hình thể của HORT, chúng tôi xin đề nghị, dịch ra Việt ngữ là “địa thế vồng khoai” vì sự cấu tạo của vồng khoai cũng giống như sự cấu tạo của HORT và hinh dáng cũng vậy.

Do hiện tượng địa động, các lớp nham thạch xếp nếp trên vỏ đất bị gãy sụp và do sức ép của các khối địa chất bị gãy mà có những khối được nâng cao lên như vồng khoai gọi là HORT, những khối sụp sâu xuống gọi là hố sụp như rãnh khoai.

(2) Danh từ điạ lý gọi là phay (failles).
_________________________________________________________________________________



Sự thành lập địa chất tại tỉnh Ninh Thuận trải qua chuỗi dài thời gian, cùng chung hoàn cảnh của đất nước Việt Nam, khi là lục địa, khi biến thành đại dương, xuất hiện rồi lại biến mất rồi lại xuất hiện, cho đến nay đã có hàng trăm ngàn triệu năm.

Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ trình bày giai đoạn chót, giai đoạn đã tạo nên địa thế, và các lớp đất hiện thời của Ninh Thuận, vì nó có liên quan đến các chương sau và ảnh hưởng sâu đậm đến mọi phương dìện địa lý thiên nhiên, nhân văn và kinh tế của tỉnh nhà.

Căn cứ vào hiện tại, chúng ta có thể chia tỉnh Ninh Thuận làm hai khu vực khác nhau để nghiên cứu về địa chất; già một nửa diện tích toàn tỉnh là miền đồi núi được cấu tạo theo các thời kỳ thành lập địa chất của miền Nam Trung phần và miền Nam Việt Nam, non một nửa kia do sự bồi đắp của đất phù sa về sau.

Trong đệ nhất nguyên đại, vào thời Tiền Cam, cách đây độ 550 triệu năm, phần đất tỉnh Ninh Thuận thuộc lục địa Ca Thay là một lục địa bao gồm một phần rất nhỏ phía đông Trung Hoa, nưóc Nhật Bản, một nửa xứ Đông Dương sang đến vùng Boóc-nê-ô thuộc Nam Dương và nưóc Phi Luật Tân ngày nay. Đó là khu vực địa chất nước Việt Nam.

Khí hậu trên địa cầu ngày một ấm áp làm tuyết tan rã, nước tràn xuống biển làm cho biển dâng cao dần và tràn ngập các đồng tự.  Trên lục địa bấy giờ chưa có cây cối, những trận mưa và tiếp theo là các trận lụt kinh khủng đã làm vạt từng tảng đất xuồng biển, khiến cho sức xâm thực của biển nhanh chóng vô cùng, và toàn cõi Đông Dương ngày nay đắm chìm dưới biển cả, chỉ trừ một vùng trơ trọi ở Trấn Ninh miền Thượng Lào như một hải đảo nhỏ... Đó là thời Đề Kỳ kéo dài trên 50 triệu năm.

Đến cuối đệ nhất Nguyên Đại, vào thời Than và Nhị Điệp, sau địa động Ca-lê-đô-ni, lục địa cũ lại nổi lên, nhưng đã biến dạng và nhiều chỗ thụt xuống thành các động tự, chia nưóc ta thành nhiều miền địa chất trong đó có miền In-đô-si-ni-a hay là lục địa Hoa Ấn, trong đó có phần đất tỉnh Ninh Thuận. Đây là một nền đất cổ kết tinh thạch (đá hoa cương hay đá nai) có phủ một lớp kết tầng thạch gọi lá In-đô-si-át...

Nham thạch In-đô-si-át gồm ba lớp:

Lớp dưới là sa thạch xanh lá cây hay xám lơ có lẫn tràng thạch. Lớp này có xen kẽ nhiều dải phún xuất thạch.

Lớp trên là sa thạch trắng hay đỏ có những lớp sỏi, thạch anh đất sét, sét vôi đỏ có muối và thạch cao.

Hiện nay chúng ta thấy đá hoa cương ở trên các vùng núi khắp tỉnh, nhiều nhất ở núi Chúa, Núi Cà Cho, đèo Ngọan Mục, núi Ya Ba, Núi Ngọc Tĩnh, núi Ma Vích, núi Tha Tou giáp Tuyên Đức và gần đập Ô Cam.

Như vậy kể từ cuối đệ nhất Nguyên Đại, cách đây chừng 230 triệu năm, phần đất tỉnh Ninh Thuận đã được thành lập và tồn tại cho đến ngày nay, chỉ phải chịu đựng những thay đổi về hình thể do tác động của địa động, núi lửa xâm thực.

Ảnh số 2: Đá hoa cương nổi lên giữa cánh đồng Phú Quý  (ảnh Lương Văn Hoà)

Sang đệ nhị Nguyên Đại, vào thời Tam Điệp, hai dãy núi lớn xuất hiện trên đất nước ta, dãy Trường sơn từ Bắc vào đến Quảng Ngãi, và dãy Nam Sơn chạy từ Đông Thái Lan sang, dãy này có nhiều chi chạy ra tận biển vùng Ninh Thuận.

Trong quá trình thành lập hai dãy Trường Sơn ấy, võ trái đất bị chuyển động mạnh đã uốn vồng lên nhiều lần, các lóp đá nhiều nơi bị vặn vẹo như một chiếc khăn bị vắt, sức chuyển động quá mạnh và quá nhanh làm cho các tầng địa chất bị gãy sụp, tạo nên những dốc phay.  Đó lá hình thái của núi non tỉnh Ninh Thuận mà chúng ta thấy rõ nhất ở vùng đèo Ngoạn Mục. Thời kỳ này nhiều loại kết tinh thạch xuất hiện như đá ri-ô-lít (rhyolite) mà ta thấy tại vùng ven núi Ya-Ba về phía Đông, vùng hữu ngạn núi Tía, đá đa-xít (dacite) tại vùng núi phía Bắc giáp Khánh Hoà, phía Nam giáp Bình Thuận, và đá vân ban (porphyrite) vùng núi Láng Mị và vùng Đồng Mé thuộc thôn Phú Thạnh...

Vào đầu đệ tam nguyên đại, vỏ quả đất lại một lần chuyển mình dữ dội, một dãy Trường sơn vĩ đại xuất hiện, chạy từ nước Pháp qua nước Ý, đến Ba Tư, vòng qua Hy Mã Lạp Sơn xuống Nam Dương và ngừng ở Úc Châu. Đất Việt Nam, nhất là vùng Khánh Hoà, Ninh Thuận ở gần con đường tạo sơn ấy đã bị ảnh hưởng khá lớn, một đường nứt hướng Bắc Nam xuất hiện dọc theo bờ biển, chỗ sâu nhất ở ngoài biển Nha Trang và Phan Rang.  Đường nứt sụp này quá lớn và mạnh lôi kéo thêm các đường nứt khác chạy từ đất liền ra tạo thành chỗ trũng sâu mà sau này là lưu vực các con sông dọc miền Trung, trong đó có sông Phan Rang.

Đồng thời với sự chuyển động nứt sụp trên đây, vô số núi lửa xuất hiện, chất lỏng ruột trái đất trào lên, lúc đầu là đá màu xanh, nhưng dần dà ngả qua màu đen.  Sau khi đông đặc, chất lỏng này tạo thành đá huyền vũ mà ngày nay chúng ta còn thấy nhiều nhất ở vùng Tây Nam đèo Ngoạn Mục và buôn Xa Bou giáp tỉnh Tuyên Đức.

Trên đây là quá trình thành lập địa chất trên hơn phân nửa diện tích của tỉnh Ninh Thuận. Còn phân nửa kia thì sao?

Như trên đã nói, vào đầu đệ tam nguyên đại, cách khoảng 70 triệu năm miền đồng bằng Phan Rang ngày nay là chỗ nứt sụp sâu xuống biển thành một cái vũng lớn.  Nước mưa trên các đỉnh núi miền Tuyên Đức, một mặt tìm lối thoát về phía Tây Nam xuống sông Đồng Nai, mặt khác từ trên một độ cao chảy về phía Đông để thoát ra biển.  Nước chảy trên một độ dốc khá lớn tất nhiên sẽ tạo thành sức mạnh kinh khủng, trên đường đi, nước đã bào mạnh sườn núi và đỉnh núi, bất luận đất đá gì cũng bị đập nát dưới sức mạnh cọ xát và bị mang theo xuống biển.

Khi đã rơi xuống biển, phần phù sa này lắng dần thành các lớp trầm tích dưói sâu, cứ một ngày một dày thêm, lúc đầu sát chân núi, rối dần dần tràn ra xa, xa mãi.  Trong những ngày không có mưa, dòng nước từ các khe suối chảy nhẹ xuống theo một đường đi nhất định, đưòng đi đó là tiền thân của con sông Phan Rang và các phụ lưu của nó.  Nhưng đến mùa mưa, nước chảy mạnh, con đường nhỏ hẹp kia không đủ chứa khối nước mưa chảy tràn qua các nơi, do đó phù sa được mở rộng và chất cao thêm.

Trải qua hàng chục triệu năm, mỗi mùa mưa đất phù sa lại trôi xuống một ít, trong thời gian đầu khối lượng nhiều hơn, vì sườn núi dốc hơn, đỉnh núi cao hơn cây cối chưa mọc dày đặc.  Cái công việc làm bền bỉ liên tục hàng triệu năm ấy đã biến vùng biển này thành đồng bằng Phan Rang phì nhiêu như ngày nay...

Nghiên cứu từng phần đất đai, chúng ta thấy phía trên Quốc lộ 1 vào tận chân núi, hầu hết là phù sa cũ, còn từ đó trở ra biển là phù sa mới.

Dọc thềm bờ biển, chúng ta lại thấy những đụn cát cao như núi, dài hàng chục cây số.  Đó là hiện tượng địa chất tạo nên bỡi những con nước biển dâng cao tràn vào bờ rồi rút lui. Vì hai đầu có hai dãy núi ăn sâu ra biển cản bớt sức nưóc, nên nước chỉ đủ tràn vào đồng bằng một giới hạn nào đó rồi hết đà phải rút lui, sau khi đã để lại vô số cát trên bờ.

Theo ông Saurin thì cách đây 4.500 năm, tức là trưóc đời Hùng Vương ít lâu, nước biển đã dâng cao hơn mặt biển ngày này 4 thước tràn lên như thế và đã tạo nên thềm biển Phan Rang với những đụn cát cũ từ An Thạnh vòng qua Tuấn Tú, Hoà Thủy, Văn Lâm, dọc quốc lộ số 1 giáp Lạc Nghiệp, đến chân núi vòng tận Sơn Hải.

Cách đây độ 2.000 năm lại một lần nước dâng lên, nhưng chỉ cao hơn mặt biển ngày nay hai thước, đã mở rộng thềm biển với những đụn cát mới mà ngày nay ta thấy từ Thái An vào Khánh Nhơn, vùng Mỹ Phước, Ninh Chữ và từ Sơn Hải đến Mũi Dinh.  Thềm biển Ninh Thuận dược duy trì, bảo vệ qua các cơn nước nhỏ hàng năm mà chúng tôi sẽ trình bày tiếp ở chương về bờ biển.



Toàn bộ núi non tỉnh Ninh Thuận đều thuộc dãy Nam sơn (1) mà tới đây là đoạn cuối.

Chúng ta có thể phân biệt thành hai hệ thống núi non:  hệ thống cao nguyên Lâm Viên và hệ thống cao nguyên Di Linh.  Giữa hai hệ thống này có con sông Dinh tức sông Phan Rang làm ranh giới.
_________________________________________________________________________________

(1) Theo các tài liệu địa chất học ngày nay, thì dãy Trường Sơn khởi từ phía Vân Nam chỉ chạy vào đến vùng Bình Định thì hết, còn từ đó trở vào núi non thuộc hệ thống dãy Nam Sơn (một danh từ mới được dùng) chạy từ Thái Lan sang.  Sự phân biệt trên đây căn cứ vào mạch núi và các địa tầng cấu tạo.  Xin xem quyển “ Lịch sử thành lập đất Việt” của tác giả Trần Kim Khánh, Lê Quang Xáng và Lê Thị Định.
_________________________________________________________________________________

Cao Nguyên Lâm Viên bao chiếm một diện tích khá rộng, từ Quốc lộ số 21, nghĩa là cao nguyên Darlac đến thung lũng sông Ba Dung, sông Đa Nhim, Quốc lộ số 11 và đèo Ngoạn Mục.  Độ cao trung bình của vùng này vào khoảng 1.500m.  Đặc biệt các ngọn núi ở phía Bắc và Đông Bắc thì cao, càng đi vào càng thấp dần.  Tới phía Tây Bắc Ninh Thuận, mạch núi xoè ra tận vùng biển tạo thành một bình phong khá cao ngăn cản gió mùa Đông Bắc.

Đứng ở Phan Rang hay Tháp Chàm nhìn ra, chúng ta sẽ thấy hệ thống núi non phía Bắc tạo thành một hình lòng máng mà hai đỉnh cao hay bờ máng là dãy núi Đá Mài (Đá Mài thượng và Đá Mài hạ) phía Tây thuộc Du Long, và dãy núi Kiền Kiền ở phía Đông thuộc quận Thanh Hải, đáy máng là Quốc lộ số 1 từ ranh giới Cam Ranh vào đến cầu Lăng Ông.

Tại phía Tây, nhiều ngọn núi cao ngút nằm dọc theo ranh giới hai tỉnh Tuyên Đức và Ninh Thuận, từ ranh tỉnh Khánh Hoà vào đến đèo Ngọan Mục với các ngọn núi cao như núi Gia Rích (1923m) nằm ngay ngã ba ranh giới Khánh Hoà, Tuyên Đức và Ninh Thuận, núi Hòn Chàm (1978m), núi Chuan (1657), núi Kanan (1515m), ba ngọn núi này nối tiếp nhau thành liên sơn nằm dọc theo ranh giới hai tỉnh Tuyên Đức và Ninh Thuận.

Từ liên sơn này được coi là những đỉnh cao nhất của tỉnh Ninh Thuận về phía Tây, dãy núi đi lần xuống phía Đông, các ngọn núi càng thấp dần và đều đặn theo chiều dọc.  Lần lượt chúng ta thấy từ Bắc vào Nam các ngọn La By (1840m), ngọn Thia Lao (1637m), ngọn Gou Karan (1818m), ngọn Hòn Ba (1213), ngọn Ca Cho (1451m), Nui Ra (1113m) gần Đồng Dày, và dãy núi Đá Mài nằm dọc theo Quốc lộ 1.

Ảnh số 3:  Đồng lúa Hộ Diêm  (ảnh Lương Văn Hoà)

Về phía Đông giáp biển là quần sơn mà chu vi giới hạn bởi vịnh Cam Ranh, vòng ra bờ biển phía Đông, xuống phía Nam, tỉnh lộ số 6, Quốc Lộ số 1 trở ra Cam Ranh. Đây là một quần sơn đông đặc, ngọn này kế tiếp ngọn kia, trong đó ngọn cao nhất là núi Chúa (1039m), núi Ông (950m) núi Chùa (604m), núi Hòn Tý (560m) ở mạn Bắc, núi Đá Vách (330m) núi Bà Dương (222m), núi Láng Mị (581m), núi Hòn Bà (800m) ở mạn Đông và Nam, mạn Tây núi lan ra tận Quốc lộ 1, và núi Kiền Kiền chạy dài từ địa đầu tỉnh Ninh Thuận vào tới vùng Ba Tháp.  Tại vùng Hòn Đà, núi Chúa có một sắc dân Thượng sinh sống mà dân chúng địa phương gọi là Thượng Cà Tiên.

Cái thế lòng máng của hệ thống núi non trên đây đã tạo nên một hiên tượng gió lùa rất mạnh.  Số là vào dịp gió mùa Đông Bắc, gió thổi mạnh ở vùng biển Cam Ranh, nếu ở một chỗ trống trải khác, gió sẽ tan loãng ra, trái lại ở đây, gió lùa vào lòng máng, bị dồn ép lại mà thổi mạnh vào Phan Rang, khiến cho thị trấn này phải hứng chịu luồng gió thổi liên miên với một tốc độ khá mạnh.

Hệ thống núi non này bao chiếm gần một nửa diện tích tỉnh Ninh Thuận, hầu hết là rừng rậm, cây cối um tùm, trên đó có những buôn ấp đồng bào Thượng thuộc sắc dân Roglai ở.

Cũng thuộc vào hệ thống này, xung quanh đầm Nại, nhô lên những núi đơn độc chồng chất những đá.  Nguyên đó là những hòn đảo lâu ngày bị phù sa bồi lấp mà dính vào đất liền.  Những đảo này đã bị xâm thực mạnh bởi nước mưa hoặc hồng thủy, đất cát trên đỉnh đã trôi để lộ ra toàn đá hoa cương khiến cho cây lớn không mọc được, phần nhiều dây leo hay củi tạp...

Các ngọn núi trên này trước hết có núi Đòn Gánh.  Sở dĩ núi này được gọi như thế vì núi này nằm dài, hai đầu mút cao gồ lên như hai cái mấu đòn gánh, du khách đi xe hơi trên Quốc lộ số 1 qua vùng Hội Diêm có dịp trông thấy.  Người ta truyền miệng rằng đây là chiếc đòn gánh xưa kia ông Khổng lồ đã dùng để gánh đất đào dưới biển đem lên làm thành núi, mà hiện thời hai sọt đất là núi Cà Đú và núi Đình.

Kề phía trong núi Đòn Gánh là núi Hòn Thiên, một ngọn núi tháp đươc tạo thành do nhiều tảng đá hoa cương chồng chất lên nhau. Dưói chân núinúi  còn một tảng đá có mang dấu chân của ông Khổng lồ, trên đỉnh có hai hòn đá nằm kê nhau, nếu đánh vào sẽ phát âm thanh như tiếng trống tiếng chuông.

Dọc phía Nam đầm Nại là núi Cà Đú, dưới chân núi có chùa Linh Sơn, núi Cà Đú là một núi được coi là hiểm trở nhất vùng Phan Rang, vì trong núi có vô số hang động, nhiều chỗ có thể vào hang bên này đi mãi sẽ ra phía bên kia.  Nhờ có địa thế hiểm trở ấy mà trong cuộc chiến tranh Việt Pháp 1946-1954, quân kháng chiến đã có thể trốn khỏi một cuộc bao vây của hàng chục tiểu đoàn quân Pháp hàng tháng để rồi bất thần xuất hiện đánh tập hậu khi quân Pháp rút lui.

Sát tỉnh lộ số hai thuộc thôn Dư Khánh có núi Dư Khánh tục gọi là núi Đá Chồng.  Sở dĩ có tên ấy là vì các tầng đá chồng lên nhau cao ngất.  Trên núi lại có Chùa Trùng Quang.  Lên đỉnh núi đứng nhìn tứ phía, khách nhàn du không khỏi tấm tắc khen ngợi bàn tay tạo hóa khéo phô bày.  Dưới chân núi, dựa lưng vào mấy tảng đá chồng, chùa Trùng Khánh là một thắng cảnh du ngoạn có hạng, phía nam là thị xã Phan Rang nhộn nhịp, phía đông là bãi biển Ninh Chữ, và phía Bắc là sông Tri Thủy có cầu bắc ngang.  Cảnh đẹp núi Đá Chồng đã được một nhà giáo ở Phan Rang mô tả trong bài thơ mà chúng tôi trích đoạn đầu để du khách thưởng lãm.

NÚI ĐÁ CHỒNG

Khen ai khéo tạc Đá Chồng,
Oai nghiêm đứng giữa cánh đồng Khánh Sơn.
Đồng trống trải nếu không có núi,
Núi không đồng núi lỗi bức tranh.
Trùng Sơn đá tượng bao hình,
Trời xưa bỡn cợt nên thành núi chăng?
Từng phiên đá rơi lăn chồng chất,
Sức thời gian gắn chặt lấy nhau.
Phơi mình sương tuyết dãi dầu,
Tảng nằm tảng đứng, gối đầu chênh vênh.
Chen kẹt đá xinh xinh hoa cỏ,
Bìm giăng leo xanh, đỏ, dại hoang.
Núi nằm sát nách đường quan,
Đón mời du khách tiện đàng ngoạn du.
Đá Chồng đẹp, đẹp như tranh vẽ,
Sáng tinh sương sáo sể từng đàn.
Líu lo trên những thạch bàn,
Mừng tia nắng mới reo vang họp bầy.
Vài mục tử đó đây chân núi,
Chăn ngạnh trừu quơ củi nấu cơm.
Khói lam mờ tỏa sườn non,
Chuông chùa Trùng Khánh đổ dồn, công phu.
……………………………………………………………………..
BÌNH HỒ
(Bút nhóm Hoàng Sa)

Qua cầu Tri Thủy du khách sẽ thấy núi Đình cũng toàn đá, nằm dọc theo bờ tả ngạn sông Tri Thủy.  Dưới chân núi đình thờ Thành Hoàng, nên mới có tên ấy.  Cách đình mấy chục thước có chùa Kim Sơn mới trùng tu, ngoảnh mặt ra sông, cảnh trí ngoạn mục, bên cạnh có lăng Voi và miếu Thủy Long.

Chữ Tri Thủy nghĩa là gì? Nếu viết ra chữ Hán thì chữ Tri: (湽 - Truy) chứ không phải Tri (知), và đọc cho đúng âm thì phải đọc là Chuy, tức là sông Chuy, tên một con sông bên Tàu.  Vậy Chuy Thủy là nước sông Chuy, ý người ta đặt tên cho làng là muốn được trường cữu miên viễn như nước sông Chuy.  Một giai thoại liên quan đến hai chữ Tri Thủy được kể lại như sau:

Dưói triều Bảo Đại, Lý hương Tri Thủy có làm đơn xin nhà vua phong sắc cho vị Thành Hoàng của làng, đơn đánh máy bằng chữ quốc ngữ, nhưng hồi đó máy chữ không có dấu, do đó khi ra Huế, các quan suy nghĩ mãi về hai chữ Tri Thủy vì nếu viết hai chữ Hán (知 水 - Tri Thủy) nghĩa là “biết nước” thì không có nghĩa gì cả, nên họ đã suy luận ra là Trì Thủy nghĩa là cái hồ nước hay nước hồ, dựa vào chỗ làng Tri Thủy nằm trên bờ Đầm Nại.  Khi viết sắc, Bộ Lễ phải viết bằng chữ Hán thành ra (池 水 - Trì Thủy).  Lúc nhận được sắc, hào lý mới làm đơn trình lên sửa lại cho đúng hai chữ (湽 水 - Truy Thủy) nhưng rồi cấp trên cũng im luôn.  Vì vậy, đạo sắc phong cho vị Thành Hoàng làng Tri Thủy vẫn còn nguyên làng Tri Thủy.

Ảnh số 4:  Chùa Tri Thủy (ảnh tác giả)

Giáp núi Đình là núi Quít thuộc địa phận ấp Tân An, lưng chừng sườn núi hướng về phía Nam có tượng Đức Mẹ Maria mới được dựng từ năm 1969.  Dưới chân núi có họ Thiên Chúa giáo là xứ Bình Chánh, nguyên là người gốc ở làng Bình Chánh tỉnh Quảng Bình vào đây sinh cơ lập nghiệp, di hạ đến ngày nay, hầu hết làm nghề đánh cá. 

Trên núi Quít có một hòn đá lớn ngoảnh mặt lên vùng Tri Thủy, Dư Khánh gọi là hòn đá Mặt Quỷ. Đó là một hiện tượng thiên nhiên.

Kề núi Quít là núi Thanh Hiếu, có đường đèo đi qua vùng Mỹ Tường.  Tại đây có chùa Hang và nhiều cảnh đẹp mà chúng tôi sẽ trình bày ở chương nói về danh lam thắng cảnh.

Hệ thống núi non thứ hai thuộc cao nguyên Di linh.  Cao nguyên này bắt đầu từ Quốc lộ số 11, nghĩa là giáp với cao nguyên Lâm Viên, chạy vào Bình Tuy, tựa như một hình chữ nhật, hơi tóp ở giữa.

Về phía Đông, cao nguyên này có một chi núi chạy dài ra biển tới mũi Dinh.  Phần lớn các ngọn núi thuộc chi này nằm trên địa phận tỉnh Bình Thuận, chỉ một số ít nằm về phía Tây Nam tỉnh Ninh Thuận mà thôi.  So với các đỉnh núi phía Tây Bắc, các đỉnh núi ở đây thấp hơn nhiều.  Ngọn cao nhất vùng này là núi Hòn Điều (1528m) nằm giáp ranh Ninh Thuận và Bình Thuận, nơi phát nguyên sông Giá, rồi đến núi Tà Trú (Thatou - 1178m) và núi Là A (Y ba - 1075m) là nơi phát nguyên sông Lanh Ra.

Từ đó mạch núi chạy thẳng ra biển như một dải áo, nằm ngang theo thế Hoành Sơn, bị cắt ngang ở giữa để mở lối cho Quốc lộ 1 và thiết lộ xuyên Việt băng qua. Vì các ngọn núi ở đây nằm sát đồng bằng, chu vi hẹp, nên chiều cao được nổi bật lên, kỳ thực không có ngọn nào cao quá 1.000m cả.  Từ Tây qua Đông, chúng ta thấy các ngọn Giá Loa (789m), núi ông Rốc (863m) núi Ngọc Tĩnh (898m), các núi này ở phía Tây Quốc lộ số 1.  Qua phía Đông, cũng là một quần sơn tưạ như quần sơn thứ nhất đã trình bày trên đây.  Quần sơn này chiếm một diện tích hẹp hơn, các đỉnh cũng thấp hơn.  Ngọn cao nhất là hòn Đá Bạc (644m) nằm sát Quốc lộ 1, núi Cà Ná (339m), Hòn Mây (220m), chạy dài ra đến mũi Dinh, núi Ma Dắc (354m) mà trong bản đồ địa dư đề là Mavich, sau cùng là núi Chà Bang cũng gọi là hòn Tam Sơn vì có ba đỉnh nổi bật trên cao.

Toàn bộ núi non tỉnh Ninh Thuận xếp thành hai hệ thống như trên, bao quanh tỉnh, đã ảnh hưởng lớn đến khí hậu vùng này.  Các núi hầu hết là rừng rậm, có nhiều thứ gỗ quý, nhưng chưa được khai thác mấy vì giao thông không thuận tiện, chỉ một số rừng ở gần đèo Ngoạn Mục là được khai thác mà thôi.



Ninh Thuận nằm trong điạ thế như một bức tranh vĩ đại, bờ thành là những dãy núi nối tiếp nhau bao quanh, mà cửa thành là bờ biển dài khoảng 25 cây số, từ Ninh Chữ đến Sơn Hải.

Điạ thế đặc biệt trên đây đã chi phối nặng nề sự hình thành của sông ngòi Ninh Thuận.  Nước mưa từ trên sườn núi quanh tỉnh dồn xuống thành các khe suối, tất cả các khe suối này đều chảy vào rún là khu lòng chảo ở giữa, tạo thành một con sông độc nhất là sông Dinh.

Sông Dinh còn gọi là sông Cái, hay sông Phan Rang, ngày xưa mang tên là sông Mai Nương, dài khoảng 100 cây số từ nguồn đến cửa biển.  Phát nguyên từ các dãy núi cao ngất về phía Tây Bắc với nguồn chính là sông Tô Hạp, chạy từ địa phận tỉnh Khánh Hoà theo hướng Đông Tây, quanh co khúc khuỷu vì dòng sông chảy giữa những dãy núi cao và nhiều đá.

Chảy vào nguồn Tô Hạp này có suối Ham Leo phát nguyên từ hòn Giao, men theo dòng suối này có đường mòn đi từ Đà Lạt xuống Nha Trang mà công binh Việt Nam có chủ trương kiến tạo thành liên tỉnh lộ để có thể đi xe hơi được, rút ngắn quảng cách Nha Trang – Đà Lạt rất nhiều, suối Đá Mài phát nguyên từ núi Gia Rích, dài khoảng 20 cây số, suối Gia Nhong phát nguyên từ núi Tha Nhanh, dài non 10 cây số.  Cả ba suối trên đây đều chảy theo hướng Tây Bắc Đông Nam.  Riêng suối Đá Mài phát nguyên từ trong lãnh thổ tỉnh Tuyên Đức, sát với nguồn của suối Đa Nhim.

Ảnh số 5: Cầu Đạo Long (ảnh Lương văn Hòa)

Từ ngã ba sông Tô Hạp và suối Gia Nhông, sông Dinh bắt đầu mang tên sông Cái, uốn mình quanh co giữa các dãy núi cao, bên hữu ngạn thì có núi Khassa, núi Dia Bil, hòn Gou Karan, núi Yang (núi Vàng) bên tả ngạn có núi Tha Ninh, núi A Sai, núi Đá Đen, núi Tia Fiai, núi Hòn Xanh.  Lòng sông hơi cạn, hơi rộng và rất nhiều ghềnh, nhiều thác, vì có nhiều tảng đá chồng chất giữa dòng.

Cách phía trên Tân Mỹ chừng 5 cây số, sông cái tiếp nhận phụ lưu về bên tả ngạn là sông Ma Lâm, sông này phát nguyên từ núi Marrai và núi A Sai, chảy theo hướng Bắc Nam, khoảng chừng 20 cây số.  Từ khoảng buôn Ma Lâm xuống lòng sông hơi rộng, quanh co khúc khuỷu vì bị kẹt giữa những dãy núi đá.  Trưóc khi chảy vào sông Cái hơn 2 cây số, sông Ma Lâm tiếp nhận sông Sắt chảy theo hướng Đông Bắc Tây Nam, song song với hưóng Quốc lộ 1.  Dòng sông tương đối thẳng vì nằm xa các ngọn núi.

Chảy được chừng non hai cây số, sông Cái lại tiếp nhận một phụ lưu phía hữu ngạn là sông Krong Pha, mà dân chúng thường gọi là sông Ông.  Sông nầy phát nguyên từ suối Vàng, chảy song song song theo quốc lộ 11.  Sông Ông chảy giữa miền đồng bằng, nên dòng sông tương đối thẳng.

Chảy xuống non hai cây số nữa, sông cái lại tiếp nhận một phụ lưu khác phía tả ngạn là sông Ta Mo.  Sông này phát nguyên từ dãy núi Hao Chu Hi, chảy theo hướng Đông Tây, chắn ngang dòng sông này tại vùng Các Môn, có đập nước Ô Cam do đồng bào Thuợng đắp để dẫn nước vào ruộng rẫy.

Cách phía dưói Tân Mỹ non một cây số, sông cái tiếp nhận một phụ lưu phía hữu ngạn là sông Chá.  Sông này phát nguyên từ dãy núi A Tah phía Tây, chảy theo hướng Tây Nam Đông Bắc, qua nhiều buôn Thượng như Ma Nới, Cha Bú, Cha Vơ, và mang nhiều tên như suối Tía, suối Than.  Lại có môt nguồn nữa là suối K. Yao chảy vào, từ đó mới mang tên sông Chá.  Tại đây có một suối nhỏ tại xóm Gon thuộc ấp Tân Mỹ gọi là suối Nước Nóng.  Nước suối này nóng 50 độ, có tác dụng chữa bệnh ngoài da hoặc là bệnh đau gân, đau xương (rhumatism).

Nhìn vào bản đồ, từ Tân Mỹ trở lên, chúng ta thấy sông Cái và các phụ lưu nằm trong thế một bàn tay xoè năm ngón, mà dòng sông Cái là ngón giữa, phân chia đều khắp vùng thượng du Ninh Thuận.

Từ Tân Mỹ trở xuống đến biển, sông Dinh tương đối rộng và bằng không còn ghềnh thác nữa, vì đã chảy qua vùng châu thổ.  Cũng vì thế mà lòng sông cạn về mùa nắng.  Hai bên bờ là ruộng đồng, chỉ rải rác một vài cồn núi không cao quá 100m.  Đoạn này sông Cái mang tên sông Dinh là tên gọi phổ biến nhất, vì nó chảy qua thôn Kinh Dinh là nơi tỉnh Phan Rang.  Trong Đại Nam Nhất Thống Chí (大南一統志), sử quan nhà Nguyễn gọi sông này là sông Mai Nương, đó là phiên âm theo tiếng Chàm.  Trước đây có một làng nằm trên hữu ngạn sông Dinh mang tên Mai Nương, nay được đổi lại là ấp Lương Cang, thuộc xã Mỹ Sơn, quận Bửu Sơn.

Từ Tân Mỹ, sông Dinh chỉ còn một phụ lưu bên tả ngạn là suối Mỹ Hiệp.  Còn bên hữu ngạn thì có rất nhiều phụ lưu.  Từ trên xuống chúng ta thấy có suối Dầu, suối Me, sông Quao, sông Lu.

Ảnh số 6: Bến ghe Tân Thành  (ảnh Lương Văn Hoà)

Sông Quao dài khoảng 30 cây số, phát nguyên từ núi Tà Trú (Tha Tou) gồm hai nguồn, suối Nhung Tá hay là núi Tà Cai hay là suối Trai Thịt, sông Quao mang tên sông Lanh Ra hay là sông Trí, hay là sông Tà Cầu, hay là sông Na Lung.  Qua khỏi Quốc lộ số 1 mới chính thức mang tên sông Quao, chảy tới Phước Khánh thì nhập vào sông Dinh.  Trong Đại Nam Nhất Thống Chí, sông Quao được gọi là sông Ma Nê.

Sông Lu là phụ lưu lớn nhất của sông Dinh, dài khoảng 50 cây số, phát nguyên từ các dãy núi phía Tây, nơi ba ranh giới Bình Thuận, Tuyên Đức và Ninh Thuận.  Bắt đầu có hai nguồn, một nguồn là suối Là Hà, phát nguyên giáp ranh Tuyên Đức, nguồn thứ hai là suối Biêu phát nguyên từ Bình Thuận.  Hai suối này chảy nhập làm một tại vùng Nô Giá, cũng từ đó có tên sông Giá, chảy theo hướng Tây Bắc Đông Nam.  Gần Nô Giá có đập nước Cà Tiêu, chảy tới địa phận xã Đại Phước, qua bao nhiêu là núi non trùng điệp, sông này mới chính thức mang tên sông Lu.  Vì nằm sát triền núi, khi mưa lớn, nước trên núi đổ xuống sông chảy thành nước lũ, còn ngày thường nước không sâu lắm.  Đồng bào Thượng và Chàm ở vùng này đắp các đập chắn ngang sông để lấy nước tưới ruộng rẫy, như đập Chà Vin, Đập Kia.

Phiá dưới đập Chà Vin, sông Lu có nhiều suối chảy vào từ triền núi phía Nam như suối Trà Văn, suối Nha Ó,vsuối Lau.  Từ Hiếu Thiện sông Lu đổi tên là sông Giăng, chảy theo hướng Nam Bắc tới Nhuận Đức khoảng 8 cây số.  Trên khoảng này có hai đập nước là đập sông Giăng và đập Tà Nôm.

Từ đập Tà Nôm, dòng sông Giăng bị chia ra vô số đường mương, nưóc sông không còn hội tụ lại dòng chính nữa.  Khi mưa lớn, nước trên nguồn chảy về tràn qua các mương, rạch, chạy băng qua đồng ruộng mà tìm lối thoát xuống sông Dinh.  Tới đây du khách khó mà tìm thấy dòng chính của sông, vì nó cũng chẳng lớn hơn một con mương.  Sông Lu chảy qua Quốc lộ số 1, thôn Mỹ Nghiệp, vòng xuống thôn An Thạnh thì nhập vào sông Dinh.

Sau khi tiếp nhận sông Lu, sông Dinh chảy độ 3 cây số nữa thì đổ ra biển ở cửa Phan Rang.  Vì phù sa từ nguồn đổ ra phía ngoài cửa biển có bãi cát pha bùn non chắn ngang, khi mùa nước cạn hay thủy triều xuống, trên mặt cát có một lớp soude đóng thành tảng, khô cong lên nứt thành từng mảnh mà dân chúng địa phương gọi là cát lồi.

Sông Dinh hay là sông Phan Rang rất cạn, không thể dùng làm phương tiện thuỷ vận được, chỉ dùng vào nông nghiệp mà thôi.

Quả thế, từ xa xưa dân Chàm đã đắp mương nước phía hữu ngạn, từ xã Phước Sơn xuống đến Mỹ Đức, dài trên 10 cây số để dẫn nước vào ruộng.  Dân chúng thường gọi là mương Chàm, họ cũng đào thêm một mương tại tả ngạn, nhưng mương này bị bỏ dở, gọi là mương Tả Ngạn.  Về sau thời Pháp thuộc, chủ đồn điền cho đào tiếp nối mương Tả Ngạn một kinh mới gọi là kinh Pérignon chảy vòng lên vùng Ba Tháp, quanh xuống thôn Bĩnh Nghĩa.

Sau sông Dinh là sông chính của tỉnh Ninh Thuận, còn có một vài con suối khác không đáng kể, đa số không có lợi ích gì cho nông nghiệp.  Từ Bắc vào Nam chúng ta đã thấy:

Sông Cạn, sông này chỉ phần thượng lưu chảy trong địa phận Ninh Thuận, hạ lưu chảy trong thị xã Cam Ranh.

Sông Trâu chảy ra vịnh Cam Ranh, sông này có một phụ lưu nhỏ là Suối Vàng.

Suối Dầu chảy ra vịnh Cam Ranh.

Một số suối nước ngọt ở triền núi phía Đông Bắc chảy ra Đông Hải.

Suối Ồ Ồ chảy ra biển ở cửa Vĩnh Hy.

Khúc sông dẫn nước Đầm Nại ra cửa biển Ma Văn gọi là sông Tri Thủy.  Trên khúc sông này có cây cầu xi măng cốt sắt mới xây rất kiên cố.

Suối Kiền Kiền chảy qua vùng Bà Râu, đổ vào Đầm Nại.

Suối Phước Lập chảy ra biển ở vùng Từ Thiện.

Suối Sơn Hải chảy ra vùng Ðầm Sơn Hải.



Đồng bằng tỉnh Ninh Thuận đặc biệt hơn các tỉnh khác ở miền Trung là chỉ có một vùng liên địa, được mệnh danh là đồng bằng Phan Rang, trông hao hao như một hình chữ nhật nằm dọc theo bờ biển, phía Bắc giới hạn bởi chân núi từ cầu Lăng Ông trên Quốc lộ số 1 lên Đồng Dày đến Tân Mỹ giáp Quốc lộ số 11, phía Tây bởi chân núi từ Tân Mỹ thẳng xuống đến Trà Vân, và phía Nam từ ấp Trà Vân ra đến ấp Sơn Hải giáp biển.

Qua chương địa chất chúng ta đã biết vùng đồng bằng Phan Rang nguyên là một cái vịnh lớn, nằm sát chân núi thuộc hệ thống cao nguyên Lâm Viên và Di Linh. Lâu ngày các đỉnh núi và sườn phía Đông bị xâm thực mạnh bởi nước mưa, vì sườn núi phía này dốc đứng tạo nên bởi hiện tượng “phay” theo hưóng Bắc Nam.  Nước mưa từ trên cao đổ xuống tạo thành sông Dinh, sông Lu và các phụ lưu, mang theo phù sa lấp dần vịnh này.

Như trong chương khí hậu nói sau đây, chúng ta thấy gió mùa Đông Bắc, cũng như gió mùa Tây Nam không có tác động gì đối với khu vực lòng chảo này vì xung quanh có núi cao bao bọc, nên mặt nước trong vịnh luôn luôn được yên lặng, phù sa trên nguồn tràn xuống đều đọng lại để xếp nếp thành từng lớp mà không bị sóng biển lôi cuốn ra khơi.

Qua thời gian lâu dài, đất phù sa của hai con sông Dinh và sông Lu đã biến cái vịnh này thành một đồng bằng rộng lớn vào khoảng 1.500 cây số vuông như ngày nay.

Vì khí hậu nơi đây đặc biệt khô nóng, ít mưa, nên xưa kia việc khai khẩn trồng trọt trên đồng bằng này gặp rất nhiều trở ngại, nhất là thiếu nước.  Mỗi năm chỉ có mùa mưa, nông dân mới có thể cày bừa được và chỉ thu hoạch một mùa.  Diện tích được canh tác không đáng bao nhiêu, còn thì phải bỏ hoang vì khô cạn.  Cây gai mọc lên thành rừng, rắn rít và cọp beo dùng nơi đây làm sào huyệt sinh sôi nẩy nở, cho nên người dân địa phuơng có câu:

Ngày thì nắng gió
Đêm thì chó tru
Rắn nẹp nia gây oán gây thù
Gai chùm lé làm hung làm dữ.

Tuy nhiên con người không chịu đầu hàng thiên nhiên trên bước đường sinh tồn và phát triển, nên ngày xưa người Chiêm Thành đã biết xây đắp các công trình thủy lợi, ngăn nưóc sông, nước suối cho chảy vào các mương rạch xuyên qua các cánh đồng, tăng gia diện tích canh tác và một số ruộng cấy được hai mùa. Nhờ vậy số lúa sản xuất đủ nuôi sống, nhân số tăng vọt lên do làn sóng di cư của người Chàm chạy từ Phú Yên, Khánh Hòa vào đây trước cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt vào thế kỷ thứ 15 và 16.

Ảnh số 7:  Cửa biển Ma Văn (ảnh tác giả)

Dưói thời Pháp thuộc, các công trình thủy lợi được cải tiến vá khuếch trương, diện tích canh tác lại một lần nữa được gia tăng. Hiện nay diện tích đã khai khẩn được và có canh tác là 25.000 mẫu tây và 1.300 mẫu đất thổ cư. So với diện tích của đồng bằng Phan Rang, diện tích trên chỉ mới chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 17 phần trăm. Người ta dự liệu rằng nếu chương trình thủy điện Đa Nhim hoàn thành, khối lượng nưóc chảy thoát xuống sẽ được dùng vào thủy lợi để tưới thêm 13.000 mẫu tây nữa.  Chừng đó mức sản xuất lúa gạo của đồng bằng Phan Rang sẽ tăng lên gấp bội. Hiện nay (1967) mức sản xuất là 25.000 tấn lúa hay 15.000 tấn gạo mỗi năm, không đủ cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh, vì mỗi năm tỉnh Ninh Thuận còn phải nhập cảng thêm 3.000 tấn gạo miền Nam.

Một đặc điểm nữa của chất đất tại đồng bằng Phan Rang là độ chua trung bình từ 5.8 đến 6. nên đất ở đây rất thích hợp cho ngành sản xuất hoa màu phụ, nhất là hành tỏi.

Một đặc điểm khác nữa là về phía bờ biển, nhất là từ mũi Dinh đến ấp Phú Thọ, nhiều cồn cát nổi lên như núi, rộng có đến mấy cây số. Những núi cát này càng ngày càng cao và rộng thêm, nhưng với mức độ rất chậm bởi tác động từ ngoài xa của gió mùa Đông Bắc.

Qua hiện tượng đụn cát trên đây, chúng ta có thể đoán rằng đồng bằng Phan Rang trong tương lai sẽ tăng thêm diện tích về phía Đông do phù sa sông Dinh tập trung lại cửa biển Phan Rang và chảy tràn ra hai bên.  Có điều đáng lưu ý là vùng Phan Rang hiện thời không còn yên lặng như xưa bởi sự hoạt động của sóng biển tạo nên do gió mùa Đông Bắc thổi xẹt qua mũi Đá Vách thẳng xuống mũi Dinh.  Do đó, phù sa từ trong sông chảy ra đây chỉ để lại cát nguyên chất, còn bùn non đã bị sóng biển đánh tan vào nước và cuốn ra khơi.  Diện tích gia tăng đó không có lợi ích gì cho nông nghiệp cả, mà chỉ thích hợp cho việc trồng cây dương liễu.

Trên đồng bằng Phan Rang, dân cư tập trung hai bên bờ sông Dinh, từ vùng Tháp Chàm trở xuống, tạo thành những làng mạc trù phú, nhất là xung quanh tỉnh lị Phan Rang. Mật độ dân cư tại vùng này rất cao, trừ Phan Rang là thị xã chính với 8.652 ngưòi trên một cây số (1969) vuông, tại xã Đông Hải là 1.320 người/CSV, xã Mỹ Hải là 1.126 nguời/CSV, xã An Sơn là 646 người/CSV, xã Phú Sơn là 582 người/CSV và xã Khánh Hải là 546 người/CSV. Các xã khác dân cư thưa thớt.

Trong tương lai với sự phát triển của nhà máy điện Sông Pha, mật độ dân cư tại vùng này chắc chắn sẽ tăng lên gấp bội, có thể ngang với Phan Rang và Tháp Chàm.



Ninh thuận là một tỉnh miền Duyên Hải, Bờ biển Ninh Thuận bắt đầu từ mũi Cà Tiên giáp với Cam Ranh ở phía Bắc xuống đến thôn Lạc Nghiệp, giáp Bình Thuận về phía Nam, dài chừng khoảng 100 cây số.  So với các tỉnh khác nằm dọc theo miền Duyên Hải miền Trung, tại tỉnh Ninh Thuận đường xe lửa và Quốc lộ 1 không chạy sát bờ biển, mà lại nằm sâu vào nội địa, chỉ trừ một đoạn độ mấy cây số ở gần Cà Ná, khiến du khách khi xử dụng hai con đường này băng qua tỉnh Ninh Thuận, không có được cái thoải mái ngắm cảnh biển rộng bao la, nước xanh biêng biếc như khi qua vùng Bồng Sơn ( Bình Định), vùng Sông Cầu (Phú Yên), vùng Đại Lãnh, Lương Sơn (Khánh Hoà).  Bởi vậy muốn quan sát bờ biển Ninh Thuận, du khách chỉ còn một phương tiện duy nhất là dùng ghe máy chạy theo bờ mà thôi.

Nếu quan sát bản đồ tỉnh Ninh Thuận, chúng ta thấy bờ biển theo chiều những đường thẳng gãy, mỗi chỗ như vậy được đánh dấu bằng một mũi đá nhô đầu ra biển, chỉ trừ trường hợp duy nhất, chỗ gãy lõm vào bằng một cửa sông: cửa Ma Văn.

Từ mũi Cà Tiên, bờ biển đi theo hướng Tây Bắc Đông Nam đến mũi Đá Vách dài khoảng 15 cây số.  Bờ biển nằm sát chân dãy núi cao, trong số có những ngọn cao 950m hoặc 1.041m khiến cho bờ biển dốc đứng và có nhiều đá, giống như bờ biển dọc theo đèo Cả ở phía Bắc Khánh Hoà.  Vài con suối từ dốc cao đổ xuống biển, nước chảy qua khe đá róc rách, cảnh trí thật u nhã.

Về phương diện thiên nhiên, đoạn bờ biển này đẹp nhất tỉnh Ninh Thuận. Nhưng vì giao thông quá trở ngại, ít ai ra đây ngắm cảnh, nên không được khai thác thành nơi nghỉ mát.

Tuy bờ biển cao dốc, nhưng ven mặt nước vẫn có những bãi cát đủ cho du khách nằm phơi nắng, hoặc đuổi nhau đùa giỡn. Từ ngoài vào, trước hết là bãi Cà Tiên tương đối dài, rồi đến bãi Chà Là, nằm sát cửa suối Nưóc Ngọt chảy ra biển. Sau khi tắm nước biển xong rồi, du khách có thể lại suối này tắm nước ngọt, mát rượi như nước suối tiên. Suối này không bao giờ cạn vì phát nguyên từ núi cao, cây cối um tùm, sườn núi ngoảnh về hướng Đông Bắc, tiếp nhận nhiều trận mưa của gíó mùa.

Ảnh số 8:  Bãi biển Cà Ná (ảnh Lương Văn Hoà)

Qua khỏi cửa suối Nước Ngọt, du khách lại gặp bãi Phan Rang, rồi đến bãi Nước Đỏ. Bãi này nằm ngay cửa suối Nước Đỏ, thường cạn về mùa nắng.  Về mùa mưa nước đỏ như son, vì chảy từ dãy núi Đất Đỏ xuống.  Bãi cát ở đây cũng pha chất bùn đỏ, nên mới được dân chúng địa phương đặt cho tên đó.

Tiếp đó du khách sẽ lần lượt qua bãi Kinh, bãi Chuối, bãi Hời rồi đến bãi Lớn.  Bốn bãi cát này đều nằm sát chân núi Hòn Tý.  Vòng qua một mõm đá khác lớn, du khách đến bãi Thanh ở lõm sâu vào như hình một cái vũng nhỏ.  Lại qua một mõm đá khác, du khách đến bãi Đá Vách, nằm sát chân núi Đá Vách và cuối cùng tới mũi Đá Vách, nơi mốc giới cho đoạn bờ biển này.

Ngoài những cảnh đẹp trên đây, đoạn bờ biển này lại được tô điểm thêm phía ngoài ba hòn đảo, xếp thẳng hàng, làm bình phong cho bờ phía trong.  Đó là đảo Hòn Trứng, vì nó tròn như quả trứng khổng lồ nằm lềnh bềnh trên mặt nước, đảo Hòn Chụt hay là Hòn Ly tương đối lớn, nằm dài theo bờ biển.  Sườn đảo phía trong có dân cư, đó là thôn Bình Hưng. Sau cùng là Hòn Sam, lớn hơn Hòn Trứng và cũng bằng đá, không có cây cối.

Muốn tới vùng bờ biển này, ngoài phương tiện ghe thuyền, du khách có thể đi theo con đường độc đạo từ thôn Vĩnh Hy, leo lên dốc núi băng qua bên kia giáp với bãi lớn, rồi từ đó men theo bờ biển đi ngược lên phía Bắc.

Từ Mũi Đá Vách bờ biển đổi hướng theo chiều Đông Bắc Tây Nam đến mũi Hòn Đỏ, dài khoảng 25 cây số. Đoạn này cũng nằm dọc theo chân núi, nhưng núi ở đây đã thấp dần, ngọn cao nhất chỉ có 582m, còn lại trên dưới 100m. Tại đây bờ biển có vẻ thay đổi. Khoảng 15 cây số phía ngoài vẫn còn lởm chởm gồ ghề, vì chân núi nằm sát biển, khoảng trong chân núi hơi lồi, đất phù sa bị xâm thực trên sườn núi cao chảy xuống tụ lại, tạo nên một vài khu đất bằng, dân cư quy tụ lại thành những xóm chuyên sống về chài lưới như xóm Vĩnh Hy, xóm Thái An.  Tại vùng này cũng có một ít con suối từ trên núi chảy ra biển, đáng kể nhất là suối Ồ Ồ chảy ra tiếng vang động, nhất là vào mùa mưa, ở xa mấy cây số vẫn còn nghe, nên mới có tên này, suối Nước Ngọt ở thôn Thái An, phát nguyên từ núi Chúa, tương đối dài, có nước quanh năm

Thôn Thái An tục danh là Bãi Lúa, vì đây là một bãi cát dài hàng mấy chục cây số. Địa danh Bãi Lúa đã gợi lên trong trí du khách bao nổi thắc mắc, vì đây lá bãi cát nằm dọc theo bờ biển, làm gì có lúa mà gọi như thế ? Cũng như du khách, chúng tôi đã hỏi thăm rất nhiều người, nhưng mỗi người nêu lên một giả thuyết khác nhau.

Giả thuyết thứ nhất cho rằng dân chúng ở đây tuy gần biển mà lại ít làm nghề biển, họ hay làm rẫy và gặt lúa thuê.  Hàng năm, cứ đến mùa lúa, từ sáng sớm tinh sương, họ kéo nhau từng đoàn già trẻ, trai gái, đi bộ từ miệt biển lên phía trên các làng dọc Quốc lộ 1 gặt lúa, đập lúa thuê, rồi chiều đến họ lũ lượt kéo nhau về, mang theo lúa công.  Khi về đến đây thì đã mệt, họ ngồi tụ lại nghỉ chân, chia nhau lúa trước khi về nhà.

Giả thuyết thứ hai cho hay trước kia tại ấp Thái An có thờ một vỏ lúa rất to, vỏ lúa của cái thời loài người chưa phải trồng trọt khó nhọc, lúa tự mọc ngoài đồng, khi chin thì tự lăn về cho loài người thụ hưởng, y như chuyện cổ tích.  Thuyết này quá mơ hồ.

Giả thuyết sau cùng cho rằng xưa kia có một đoàn ghe bầu của nhà nước chở lúa đi dọc bờ biển, đến vùng này chẳng may một chiếc bị chìm, viên quan tải lương bèn ra lệnh vớt lúa đem lên bãi phơi. Khi lúa khô và được thu góp lại, một số bị rớt lại trên bãi và sau một trận mưa, lúa mọc lên xanh cả bãi.  Do đó mà có tên bãi lúa.

Vĩnh Hy tuy ở xa ngoài một góc biển, trước kia là nơi tương đối đô hội, ruộng lúa phía trong đủ tự túc, lại nhờ có suối nước ngọt, ghe bầu từ ngoài vào hay trong ra phải ghé lại đây lấy nước, nên dân chúng làm thêm nghề buôn bán.  Do đó, về mặt kinh tế, dân chúng Vĩnh Hy tương đối sung túc.  Cái cảnh buôn bán vui chơi ấy đã được nhà thơ vô danh mô tả trong bài về các lái qua mấy câu sau đây:

Vũng Găng, Đá Vách như thành,
Hai bên núi tấn xung quanh như buồng.
Mặc dầu thuyền ghé bán buôn,
Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng.
Túi thơ chè rượu xem chơi,
Buồm giăng ba cánh nhắm vời chạy ra.

Qua khỏi núi Bàu Ông Gì, bờ biển đã hết cao, được viền bằng một bãi cát rộng và dài.  Đây là vùng dân cư tương đối đông đúc, vì trên bờ làng xóm nằm san sát như ấp Mỹ Hòa, ấp Mỹ Tân, ấp Mỹ Phong, ấp Mỹ Tường.  Khi nói đến vùng này, chúng ta liên tưởng đến một địa danh không mấy văn hoa là Cổ Hủ.

Nguyên vùng này xưa kia gọi là Cổ Hủ (Cổ Hủ trên và cổ Hủ dưới) không rõ danh từ này do đâu mà có.  Một giả thuyết được nêu lên là vùng này ở xa Phan Rang, phải qua một vùng núi non hiểm trở, có đèo cao, nên trưóc kia nếp sinh hoạt hãy còn đơn sơ.  Nếu chúng ta bước tới vùng này sẽ thấy tất cả những vật dụng của dân chúng địa phương toàn tự túc sản xuất tại chỗ, kém vẽ mỹ thuật.  Đặc biệt có loại xe trâu làm toàn bằng gỗ, không có chút gì là kim khí cả, từ vành bánh cho đến cái chốt, mỗi lần xe lăn trên đường đi, phát ra những tiếng “lộc cộc” nặng nề và buồn tẻ.  Việc trao đổi hàng hoá phần lớn dùng hình thức đổi chác, chứ không mua bán như các nơi khác.

Tuy nhiên vùng này cũng được nổi tiếng nhờ có nghề trồng dâu nuôi tằm và sản xuất thứ lụa rất tốt gọi là lụa “Cổ Hủ“ được dân chúng trong tỉnh ưa chuộng.  Ngày nay nếp sinh hoạt đã đổi mới và danh từ Cổ Hủ chỉ còn dùng để chỉ thứ lụa sản xuất ở đây mà thôi.

Ngoài khơi vùng bờ biển này cũng có một ít đảo, nhưng không quan trọng.

Chúng ta có thể kể từ ngoài vào Hòn Long Dơi, Hòn Tai, Hòn Đeo, Hòn Chồng, Hòn Đỏ.  Do khoảng biển này dài mà đảo lại nhỏ, nên rất trống trải.  Tuy nhiên nhờ nằm theo hướng Đông Bắc Tây Nam là hướng của gió mùa, mà gió mùa khi tới Ninh Thuận bị các bình phong núi ngăn cản lại, nên không lộng gió như những nơi khác.

Từ Mũi Hòn Đỏ vào đến cửa biển Ma Văn, bờ biển đổi hẳn theo hướng Đông Tây, dài khoảng 12 cây số, và từ Ninh Chữ vào đến Mũi Dinh, bờ biển lại theo hướng Bắc Nam dài khoảng 30 cây số, tạo nên một góc vuông mà chỏm góc là vùng Ninh Chữ, ôm quanh vùng Phan Rang.  Sở dĩ bờ biển vùng này có hình dáng như vậy, vì có sự tranh đấu kịch liệt giữa sức bồi đắp của phù sa sông Dinh và sức xâm thực của biển mà chúng tôi xin trình bày sau đây:

Căn cứ vào hình thể và địa chất đồng bằng Phan Rang hiện nay, vùng này xưa kia là một vùng biển rộng lớn.  Bằng chứng là khi đào giếng, người ta đã tìm thấy dưới các lớp đất sự hiện diện của dây neo và ghe bị vùi lấp lâu đời.  Bằng chứng thứ hai là sự hiện diện của đầm Nại hay là đầm Phương Cựu là một phần của vùng biển ấy còn sót lại.

Hằng năm, dòng nước sông Dinh mang phù sa từ trên các sườn núi về bồi lấp dần dần vùng biển này.  Đó là tác nhân tích cực.  Ngược lại gió mùa, nhất là gió mùa Tây Nam thổi dọc theo bờ biển, từ mũi Dinh lên mũi Hòn Đỏ tạo nên dòng nước chảy theo chiều gió.  Khi băng qua vùng biển trên đây, một phần nhỏ của dòng nước tràn vào vũng, nhưng tốc lực yếu vì không có sự hỗ trợ của gíó, đó là tác nhân tiêu cực.  Trong thời gian đầu, sức nước tràn vào chưa có tác dụng gì đến số phù sa bồi lấp phía trong, vì còn cách xa.  Nhưng đến một giai đoạn nào đó, hai tác nhân này đụng đầu nhau và kình chống nhau kịch liệt.  Dòng nưóc biển chảy lên Đông Bắc đã mang theo số phù sa mà nó có sức đụng đến lên phía trên.  Số phù sa này bị cuốn theo dòng nước vượt khỏi mũi Hòn Đỏ thì một phần cát lắng đọng dần thành ra bãi cát ở mấy thôn Mỹ Phong, Mỹ Tân, Mỹ Hòa đất bùn thì hoà tan trong nước biển trôi đi.

Ảnh số 9:  Bãi biển Ninh Chữ (ảnh tác giả)

Trên đường đi theo dòng nước biển này, một số phù sa lên đến phía Bắc thì đụng đầu vào dãy núi ở các xã Vĩnh Hải, Cát Hải, không vượt đi nữa, đành lắng dần, lắng dần mà bồi đắp thành vùng bình địa các thôn Bĩnh Nghĩa, Phương Cựu, Tri Thủy, Tân An, Khánh Hội, Khánh Tường, Khánh Nhơn, Mỹ Tường, Mỹ Phong, Mỹ Tân, Mỹ Hoà.

Khi húc đầu vào dãy núi phía Bắc, dòng nưóc sẽ có phản ứng dội lại, chảy vòng ra hai phía, phía Đông sẽ nhập vào dòng chính mà đi lên vô tận, phía Tây sẽ vòng sát vùng châu thổ tân tạo mà bỏ lại chất phù sa, nhưng đến cửa sông Phan Rang gặp sức nước đổ ra biển, dòng nưóc phải dừng lại, phù sa dừng lại đó, khiến cho việc bồi lấp tại vùng Nhơn Sơn, Ninh Chữ, Tri Thủy, Tân An, Khánh Hội nhanh hơn phía trong xa.  Đó là lý do khai sinh ra đầm Nại vậy.

Từ ngày đồng bằng Phan Rang được tạo lấp đến nay, hàng năm sự tranh đấu giữa hai lực lượng thiên nhiên là sự bồi đắp của phù sa sông Dinh và sức xâm thực của biển Đông Hải vẫn diễn ra vô tận.  Mùa mưa lớn tại Ninh Thuận là ba tháng 9,10 và 11 dương lịch, phù sa được mang về nhiều thì cũng chính là mùa gió Tây Nam thổi và bão ngoài biển, khiến cho số phù sa ấy không được lưu lại miền Duyên Hải để mở rộng thêm, mà lại bị mang ra đại dương, hoặc khi nước thủy triều dâng cao, bị gió đánh quật lên bờ, để lại đó phần cát, còn phần bùn non thì bị nước cuốn ra biển khi rút lui.  Vì thế dọc bờ biển từ Ninh Chữ đến thôn Sơn Hải đã có những đụn cát cao như núi và rộng khoảng hai hay ba cây số, không thích hợp cho việc trồng hoa màu, mà chỉ để kiến tạo những rừng dương liễu che mát cho khách đi qua.

Vùng bờ biển này hoàn toàn trống trải, không có một hòn đảo nào che phía ngoài cả. Qua khỏi cửa biển Phan Rang, bờ biển thẳng băng.  Vào tới thôn Vĩnh Tường, chúng ta thấy có một cái vũng rất xinh xắn tên là Vũng Tròn.  Vào tớí thôn Sơn Hải, du khách lại thấy một vũng nhỏ nữa là Vũng Sơn Hải, có suối Sơn Hải chảy vào.  Tại đây mời du khách lên thăm Dinh Ông, đền thờ cá Voi.

Tới mũi Dinh, mời du khách ghé lên xem đài khí tượng và cột Hải Đăng.  Đây là địa điểm rất quan trọng về phương diện nghiên cứu khí tượng, là đích phân chia hải phận mà hàng ngày đài phát thanh Sài Gòn, quý bạn được nghe nhà khí tượng loan báo thời tiết cho ghe tàu đi biển.

Rời khỏi mũi Dinh, bờ biển đổi hướng Đông Bắc về Tây Tây Nam, tới núi Sủng Trâu, dài khoảng 15 cây số.  Đoạn này cũng giống như đoạn đầu, bờ biển nằm sát chân núi cao từ 220m đến 629m nên dốc, sâu, lởm chởm những đá, hàng ngày phải chịu đụng sức công phá của sóng biển.

Từ mũi Sủng Trâu đến giáp giới Bình Thuận, bờ biển uốn lõm vào theo hướng Đông Đông Nam về Tây Tây Bắc, dài khoảng 8 cây số.  Tại vùng này có ruộng muối Cà Ná nổi tiếng khắp miền Nam Trung phần, sau Hòn Khói ở Khánh Hoà.

Tóm lại trên đại thể, bờ biển Ninh Thuận không gồ ghề khúc khuỷu như các tỉnh miền ngoài. Lại cũng không có những cảnh đẹp quyến rũ du khách như bờ biển Khánh Hoà.  Bờ biển trống trải, may nhờ nằm theo hướng gió mùa và xa hướng đi của các trận bão, nên không bị nạn mưa bão lớn như các tỉnh khác, ghe thuyền qua đây ít khi bị nạn. 

Ngày nay, thủy trình bằng ghe bầu từ Bắc đến Nam mất một ngày hoặc ngắn hơn nếu gặp gió mùa.  Dân đi ghe đã đặt bài ca chỉ nam truyền miệng cho nhau đề biết chừng các nơi nguy hiểm, các chỗ có thể ghé vào lấy nước ngọt hoặc tiếp tế lương thực.  Chúng tôi xin trích đoạn đi qua hải phận tỉnh Ninh Thuận như sau để du khách nhàn lãm:

Chụt Đèn(1) ngó xuống chỉnh ghê,
Ngó về hòn Tý (2) dựa kề Cam Linh.
Mò O (3) Giỏ Tó (4) rất kinh,
Lại thêm Đá Vách dựa kề vũng Găng (5).
Vũng Găng, Đá Vách như thành,
Hai bên núi tấn xung quanh như buồng.
Mặc dầu thuyền ghé bán buôn,
Nào ai đình trú ở luôn mặc lòng.
Túi thơ chè rượu xem chơi,
Buồm giăng ba cánh nhắm vời chạy ra.
Gió mù mù hòn Chông bãi lúa,
Khỏi Ma Văn mới tỏ Phan Rang,
Vũng Tròn lai láng mênh mông,
Trông xa thăm thẩm là ngàn (6) mũi Dinh.
Qua mũi Dinh cho liền Chín Vại (?),
Tắt mặt trời các lái ra đi,
Nhắm chừng bãi lưới một khi,
Tây phương chỉ mũi lái thì gác Đông(7).
Gò lèo ba cánh thẳng dong,
Cà Ná đã tới khu Ông (?) đã gần.
Lao Cau (8) sóng vỗ rần rần,
Cà Ná Bực Lở cũng lần mà qua.
Gò lèo ráng lái gác ra,
Lòng Sông (9), Mũi Chọ (10) thẳng ngay La Ngàn (11)
_________________________________________________________________________________

(1) Bãi Chụt Đèn ở Nha Trang, ghe bầu khởi hành từ đó.
(2) Hòn Tý hay là Hòn Chụt thuộc hải phận Ninh Thuận.
(3) và (4) Các hòn đảo nhỏ ở ngoài biển gần Hòn Tý.
(5) Vùng biển nhỏ ở vùng Bãi Thang gần Mũi Đá Vách.
(6) Rừng, bài này do người Quảng Bình làm nên dùng tiếng này.
(7) Vì bờ biển từ núi Sũng Trâu và đổi hướng, nên ghe đi theo bờ biển mũi hướng về phía Tây, còn lại quay về phía Đông.
(8) Đảo nhỏ ở vùng Cà Ná.
(9) (10) và (11) các địa danh thuộc về Bình thuận.  Xin xem NON NƯỚC BÌNH THUẬN của tác giả.
_________________________________________________________________________________



Tỉnh Ninh Thuận ở vào giữa vĩ tuyến 11°18 và 12°02 Bắc, kinh tuyến 108°35 và 109°15 Đông Greenwich.  Vị trí này hoàn toàn thuộc vào miền nhiệt đới và chỉ cách đường xích đạo hơn 2.500 cây số. 

Nếu tia nắng chiếu thẳng xuống đường xích đạo để làm cho nhiệt độ cao nhất trên mặt địa cầu, thi tia nắng ấy chiếu xuống lãnh thổ Ninh Thuận với một độ chếch là 12°, sức nóng của tia nắng này vẫn còn mạnh. 

Để chứng minh điều đó, chúng tôi sẽ trình bày sau đây bảng thống kê nhiệt độ trung bình, vũ lượng trung bình và số ngày mưa hàng năm của một số tỉnh từ Nghệ An trở vào để quý bạn tiện so sánh. Các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra Bắc gần vùng ôn đới, lẽ cố nhiên khí hậu ẩm ướt hơn và mát hơn. 

Theo bảng thống kê này, chúng ta thấy nhiệt độ trung bình hàng năm của một số tỉnh miền Nam như Định Tường, Phong Dinh, Kiên Giang là những vùng ở gần đường xích đạo hơn cũng xấp xỉ nhiệt độ trung bình hàng năm của Ninh Thuận. Tuy nhiên, vì các tỉnh miền Nam ở giữa đồng bằng mênh mông, thường có mưa gió, nên khí hậu vẫn mát mẻ và dễ chịu hơn ở Ninh Thuận. So sánh vũ lượng trung bình và số ngày mưa trong năm, ta thấy rõ điều đó. 

Ngoài yếu tố vị tri địa lý đối với đường xích đạo, còn có yếu tố thứ hai rất quan trọng khiến cho khí hậu tỉnh Ninh Thuận khô khan và nóng: đó là địa thế núi non bao quanh và đây là một đặc điểm.

Như chúng ta đã biết, ngoài điều kiện ở xa đường xích đạo, khí hậu của vùng, một xứ muốn được mát mẻ cần phải có các yếu tố sau đây: độ cao, gió, độ ẩm, mưa và ảnh hưởng của đại dương. Tỉnh Ninh Thuận đã không có được hoặc có một phần rất nhỏ các yếu tố trên đây.


Quả thế, cao độ của đồng bằng Ninh Thuận, tức là vùng cư dân, chỉ vào khoảng trung bình từ 10m đến 20m so với mặt biển.  Trong lúc đó, miền Đà Lạt cùng nằm chung trong một vị tuyến với Ninh Thuận, nhờ có độ cao khá lớn 1.500m nên khí hậu mát quanh năm.  Tại hai chương I và II trước đây nói về địa thế và núi non của tỉnh Ninh Thuận, quý bạn thấy rằng ba phía Bắc, Tây, Nam, và một nửa phía Đông tỉnh này bị núi non bao bọc với độ cao từ 1.000m đến 1.600m, khiến cho nội địa hầu như bị bao kín.  Địa thế núi non này đã ngăn cản một phần rất quan trọng các ngọn gió mùa thổi qua miền duyên hải Việt Nam. Từ khoảng trung tuần tháng 10 đến trung tuần tháng 4 dương lịch, gió mùa Đông Bắc thổi từ Trung Hoa tràn qua lãnh thổ Việt Nam, khi qua khoảng từ Bồng Sơn đến Mũi Dinh, chiều gió theo hướng Bắc Nam.  Trước khi tới Việt Nam, ngọn gió này đã đi qua  biển Trung Quốc, mang theo hơi nước tạo nên mưa lớn trên miền Bắc. Nhưng khi đến miền Khánh Hòa, Ninh Thuận, gió mùa Đông Bắc bị các ngọn núi cao thuộc hệ thống núi Vọng Phu (2.500m) ngăn cản, hơi nước tụ lại thành mưa ở triền núi phía Bắc, hoặc theo gió vọt lên cao mà tiêu tan.  Do đó, khi tới địa đầu Ninh Thuận, ngọn gió đã yếu lắm, lại vấp sức cản bình phong núi phía Bắc mà chẳng còn tác động gì đối với khí hậu tỉnh này nữa.  Từ trung tuần tháng 4 đến trung tuần tháng 10 dương lịch là thời gian của gió mùa Tây Nam.  Gió này xuất phát từ miền Tây Bắc Ấn Độ thổi qua Ấn Độ Dương, tràn tới miền Nam và miền Nam Trung  phần Việt Nam.  Gió múa Tây Nam đã có tác dụng lớn đối với khí hậu miền Nam, tạo nên mưa lớn.  Ngọn gió này khi đến địa đầu phía Nam và Tây Nam tỉnh Ninh Thuận, vấp phải những dãy núi cao thuộc hệ thống cao nguyên Di Linh và bình phong núi phía Nam Ninh Thuận cản lại, do đó triền núi phía Nam mưa nhiều.  Vì triền núi phía Ninh Thuận ở Tây Nam nằm trong hình thể "phay" và "vồng khoai", nên ngọn gió Tây Nam tràn qua rồi nhào xuống đồng bằng Phan Rang thành một loại gió mệnh danh là FOCHN (1) rất  khô và nóng.  Nều về mùa hè, các bạn có dịp đi qua Phan Rang, sẽ được quan sát tận mắt loại gió này, mà người ta chỉ nhớ bởi những đám bụi cát mù trời.
_________________________________________________________________________________

(1) Danh từ của khí hậu học. Muốn hiểu rõ hơn xin xem Địa Lý Đại Cương phần Khí hậu học của Lâm Thanh Liêm và cuốn Khí Hậu Việt Nam của Đỗ Đình Cương. 
_________________________________________________________________________________

Từ trước tới nay, các trận bão xảy ra ngoài Thái Bình Dương hoặc trên biển Đông Hải đều di chuyển lên miền Bắc Trung phần, từ Qui nhơn ra Bắc (1) hoặc xuống miền Nam (2), mà không ghé thăm Ninh Thuận, nên dân chúng ở đây tránh được thiên tai này.
_________________________________________________________________________________

(1) Các trận bão kinh khủng trong vùng 70 năm nay được ghi nhận: đêm 7 rạng 8-6-1903, bão tàn phá các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.  Ngày 11-9-1904 tàn phá Thừa Thiên, Hà Tĩnh, Nghệ An.  Ngày 16-10-1932 và ngày 1-11-1933 tàn phá Qui Nhơn.  Ngày 24-10-1934 tàn phá Đồng Hới, Quảng Trị, Hà Tĩnh.

(2) Trận bão lớn nhất miền Nam xảy ra ngày 1-5-1905 tàn phá Mỹ Tho, Gò Công, Tân An, Chợ Lớn, Gia Định. 
_________________________________________________________________________________

Tuy nhiên, khí hậu thổi qua biển Việt Nam, một phần gió của các trận bão này xẹt qua địa phận tỉnh Ninh Thuận cũng như Khánh Hoà đã mang theo mưa vào đây, có năm mưa xối xả, nước sông dâng cao thành lụt, kinh khủng nhất được ghi nhận trong khoảng 100 năm nay là trận lụt năm Giáp Thìn (1964), nưóc dâng lên tại thị xã Phan Rang trên 3 thước. 

Ngoài ra khí hậu tỉnh Ninh Thuận còn chịu hậu quả của nạn đốt rừng làm rẫy của đồng bào Thượng thuộc các sắc dân Roglai ở miền cao nguyên phía Tây. Sau khi trồng tỉa một thời gian, đất hết màu, người Roglai bỏ đi khai phá nơi khác, chỗ rừng bị phá hủy không tái tạo được, khiến cho cả một vùng rộng lớn không còn giữ được độ ẩm, hiện tượng bốc hơi trở nên mạnh.  Hậu quả các vùng lân cận, tức tỉnh Ninh Thuận ở trong tình trạng khô khan. 

Mặt khác, về phía Đông lại có nhiều bãi cát và đụn cát. Cát sẽ hút nhiệt làm gia tăng sự bốc hơi. Vào mùa hè, trên những bãi cát này, du khách sẽ thấy những hạt trắng nhỏ phơi trên mặt cát.  Đó là những hạt muối đã được mang từ dưới lên do sự bốc hơi quá mạnh tạo nên bằng hệ thống mao quản. 

Trên đây là những lý do khiến cho độ ẩm tại tỉnh Ninh Thuận so với các nơi khác thuộc miền Nam Trung phần tương đối thấp. Sau đây là bảng so sánh độ ẩm trung bình hàng tháng và hàng năm giữa Phan Rang và một số địa điểm tỉnh theo tỷ lệ phần trăm (1).

_________________________________________________________________________________

(1)   Những nơi mưa suốt ngày suốt tháng như các tỉnh miền Bắc thì ẩm độ lá 100 phần trăm.  Các đồ đạc trong nhà khi nào cũng ẩm ướt, vì hơi nước trong không khí tụ lại. 
_________________________________________________________________________________

Tóm lại khí hậu Ninh Thuận khô khan và nóng nhất Việt nam, có thể nói là nóng quanh năm, vì nhiệt độ trung bình hàng tháng ban ngày thấp nhất là 29 độ (tháng giêng dương lịch) và cao nhất là 33°7 ( tháng 7 dương lịch), chênh lệch 4°7. So với số địa điểm khác có hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhiễt độ tối đa trung bình có nơi cao hơn Phan Rang như Tuy Hoà 34°1 ( tháng 6 dương lịch), nhưng số trung bình thấp nhất lại là 26°1( Tháng giêng dương lịch) chênh lệch 8°, Qui Nhơn 34°3 (tháng 8 dương lịch) và 25°7 (tháng giêng và tháng 12 dương lịch) chênh lệch 8°6, Quảng Ngãi 34°5 (tháng 6,7,8 dương lịch) nhưng số trung bình thấp nhất là 25°4 (tháng chạp và tháng giêng dương lịch) chênh lệch 9°1. Ban ngày tại Phan Rang nóng như vậy, nhưng về đêm nhiệt độ hạ thấp xuống với mức tối đa trung bình từ 21° (tháng giêng dương lịch) đến 25° ( tháng 7 dương lịch), sự chênh lệch quá rõ rệt giữa đêm và ngày (4° và 8°7) khiến cho ban đêm hơi lạnh.  Thêm vào đó, nhiệt độ hạ xuống quá thấp tại các vùng rừng núi như Di Linh ( từ 13°7 đến 19°2 ban đêm).  Đà Lạt từ 10°1 đến 15°5) làm cho áp suất cao hơn miền duyên hải, tạo nên ngọn gió đất thổi từ phía Tây qua phía Đông, khoảng từ 2  giờ đến 9 giờ sáng. Gió này phần nhiều độc, vì mang khí độc từ miền núi ẩm ướt về đồng nội. 

Sau đây là bảng kê các con số liên hệ đến thời tiết tỉnh Ninh Thuận.


Cước chú:  Thời qian quan trắc : 
                   Nhiệt độ (từ năm 1933 đến năm 1937) 
                   Độ ẩm (từ năm 1933 đến năm 1937) 
                   Mưa  (từ 1927 đến 1944 và từ 1957 đến 1963) 
                   Địa điểm quan trắc: Tỉnh Ninh Thuận. 

Tóm lại, tỉnh Ninh Thuận là một vùng nóng và khô khan nhất toàn cõi Việt Nam.  Khí hậu ở đây không được tốt lắm. Dân chúng ở miền Thượng du hay bị bệnh sốt rét rừng, ở miền trung du thì hay bị bệnh toét mắt vì bị cát bụi tung trời, nhất là mùa hè.  



So với các tỉnh khác, Ninh Thuận không có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng có thể thu hút du khách bốn phương.  Tuy nhiên đối với người dân địa phương, họ vẫn có cái tự hào rằng quê hương của họ vẫn có những cảnh thiên nhiên đủ làm thỏa mối tình gắn bó của họ đối với nơi chôn nhau cắt rốn, mỗi lần họ hát câu:

Ta về ta tắm áo ta,
Dầu trong dầu đục ao nhà vẫn hơn.

Và mỗi lần du khách có dịp đến đây vì công vụ, hoặc là đi qua để lên Đà Lạt, vào Sài Gòn hay ra Nha Trang, hoặc vì môt lý do nào khác mà phải lưu lại Ninh Thuận trong một thời gian, ngoài thì giờ đi xem những Tháp Chàm (1) là di tích lịch sử của dân tộc ngày nay đã hoà đồng trong đại gia đình Việt Nam, các bạn cũng có thể đi xem các nơi thắng cảnh như đèo Ngọan Mục, bãi biển Ca Ná v.v… mà không đến nỗi phải ân hận.

Sau đây chúng tôi xin lần lượt giới thiệu với các bạn từng cảnh một, để tùy ý du khách chọn đi thăm.

BÃI BIỂN CÀ NÁ

Đối với đồng bào khắp toàn quốc, dù chưa biết Cà Ná ở đâu, địa danh ấy vẫn có vẻ quen thuộc, vì nó được nhắc đến luôn nhờ vào một thứ hải sản quan trọng được sản xuất tại đây là muối biển.  Bãi biển Cà Ná, như các bạn đã biết trong khi tìm hiểu bờ biển Ninh Thuận, và một bãi biển ở về cực Nam tỉnh này, chạy dài trên ba cây số ngàn chia ra thành từng ô bởi những tầng đá hoa cương to lớn, chồng chất chạy dài từ chân núi ra tới biển.  Dựa vào những phiến đá này, người ta đắp một cái đập bao quanh khu ruộng muối hàng mấy trăm mẫu.

Bãi cát trắng phau, chạy dài từ trong bờ ra ngoài biển khoảng 30, 40 thước, sâu không đến một thước tây, khiến cho du khách không biết bơi lội cũng có thể tắm một mình mà khỏi lo cái nạn chết đuối.  Nước biển nơi đây lại trong veo, trông tận đáy.

Thỉnh thoảng, giữa mặt nước trong xanh nổi lên một vài tảng đá mà thời gian và mưa nắng cùng muối biển đã nhuộm màu đen sậm.  Đứng trên bờ nhìn ra, mỗi lần làn sóng bạc từ xa chạy vào, du khách có cảm tưởng những tảng đá kia cũng đùa giỡn, lặn hụp giữa những đợt sóng như những con hải cẩu khổng lồ ngắm mãi không chán:  Sóng biển Pô-Ri-Yak theo sự tích người Chàm kể.  

Đứng từ Phan Rang nhìn vào, vì khoảng cách xa, mắt ta thấy vùng Sơn Hải như nằm sát mũi Padarang.  Người bình dân không quen gọi tiếng Chàm nên chỉ gọi mũi đá này là mũi ở vùng Dinh Ông, và dần dà gọi rút ngắn lại cho tiện là mũi Dinh.

Mũi Dinh cao hơn mặt biển 177m là một địa điểm quan sát thời tiết.  Tại đây có đài Khí tượng, hàng ngày cung cấp cho nha khí tượng những chỉ dẫn cần thiết về thời tiết để loan báo trên đài phát thanh quốc gia.

Đây còn là một mục tiêu hướng dẫn cho ghe thuyền và tàu thủy khi cần xê dịch trên hải phận Việt Nam, nên tại đây có đặt trụ hải đăng, bảo rằng trụ hải đăng, sự thực đây là một cơ sở kiến trúc bằng vật liệu nặng, chiều cao bằng một tòa nhà 4 tầng.  Trên đỉnh đầu đặt một ngọn hải đăng.  Từ hồi Pháp thuộc, ngọn hải đăng này được điều khiển bằng điện lực do một máy phát điện đặt dưới đất cung cấp.  Ngọn đèn được lồng vào khung thủy tinh ba phía có ba màu khác nhau:  Xanh, đỏ và trắng.  Khung thủy tinh này quay luôn luôn, do đó ánh sáng phát ra cũng đổi màu, làm cho hoa tiêu các tàu thuỷ ở xa dễ nhận thấy.  Chính vì vậy mà có người gọi mũi này là mũi Điện.

Trong cuộc chiến tranh Việt – Pháp 1945 – 1954, khi quân đội Việt Minh rút khỏi Ninh Thuận để đi vào chiến khu, nhà máy điện và hải đang đã bi phá hủy.  Sau Quân Pháp trở lại cho sửa chữa như trước.

Khi quân Pháp rút khỏi Ninh Thuận, đài khí tượng và trụ hải đăng được giao lại cho ta, chính quyền VNCH ………………đã cho thay thế vào các tấm thuỷ tinh đặc biệt mua của Tây Đức.  Loại thủy tinh này có đặc tính khuyếch đại và phản chiếu ánh sáng xa hàng mấy chục cây số, khiến cho tại vùng Phan Rang, nhiều nhà ở nơi trống trải vẫn được chiếu sáng khắp vườn mỗi khi tấm kính quay về phía ấy.

Nhưng ngày nay không có gì tồn tại với chiến tranh!

Muốn tới mũi Dinh, du khách phải từ Quốc lộ số 1, khoảng cây số 1572, gần ga Hoà Trinh, rẽ theo hướng hương lộ số 2 đi về hướng Đông, qua thôn Nghĩa Lập, xuống thôn Sơn Hải, và từ đó theo đường mòn đi dọc bờ biển về hướng Nam.

Nhìn vào bản đồ chúng ta thấy mũi Dinh giống mỏ con diều, đâm thẳng ra biển. Cảnh trí nơi đây thật là hùng vĩ.  Sau lưng là núi cao rừng rậm, trước mặt là biển cả, nước xanh biềng biếc.  Bờ biển ở đây rất sâu và lởm chởm những đá.  Chính trên những hòn đá này, du khách có thể thả câu mà tiêu khiển cũng thú lắm, bởi vì ngoài tiếng sóng vỗ bờ róc rách dưới chân, không còn một tiếng động nào khác nữa.  Giữa mặt nước xanh biếc một màu trải rộng tận chân trời xa tít, thỉnh thoảng một cánh buồm xuất hiện từ phía Bắc hay phía Nam, ấy là một chiếc ghe bầu của khách buôn di chuyển vậy,

Tại đây còn có nhiều hang động với những vật lạ như những chén bằng đá dính vào những tảng lớn, gỡ không ra. Lại có một tảng đá lớn gọi là Hòn Trống vì nơi tảng đá đó, nếu ta nện ngót chân xuống sẽ phát ra tiếng vang như tiếng trống.

ĐẦM NẠI

Nói về cảnh đẹp thiên nhiên tại đất Ninh Thuận khô khan, Đầm Nại cũng được coi là một thắng cảnh đáng được du khách đến xem.  Đầm Nại hay Hồ Nại tên là Đầm Hương Cựu, vì nó nằm về địa phận thôn Hương Cựu, ngày nay đổi thành Phương Cựu, cho nên dân chúng thường gọi là Phương Cựu.

Xưa kia đầm chỉ là vùng biển, dần dà đất phù sa bồi đắp phía ngoài mà thành ra một cái ao lớn, thông với cửa biển Ma Văn qua một sông dài vào khoảng hai cây số gọi là sông Tri Thủy. Tùy theo nước thủy triều lên xuống; nước đầm khi sâu khi cạn.  Trên con sông này người ta mới xây một cái cầu xi măng cốt sắt nối liền hai thôn Dư Khánh và Tri Thủy.  Đứng trên cầu này mà ngắm cảnh cũng thú vị lắm, nhất là bên kia bờ, chùa Tri Thủy mới được trùng tu, dựa vào sườn núi đá lô nhô, hướng mặt ra sông, trông rất đẹp.

Xung quanh đầm có những ngọn núi bao bọc, đặc biệt hai bên tả hữu có hai ngọn khá cao là núi Cà Đú (316m) và núi Quít (356m) tựa như hai cái tay của một chiếc ngai rỗng. Phía tay phải có núi Dư Khánh tức núi Đá Chồng gồm một tảng đá dựng đứng như hai cây bút và một tảng đá khác vuông bằng tựa cái nghiên.

Đối với chúng ta là khách nhàn du thì đầm này là một vị trí có thể biến thành một thành phố du lịch có hạng.  Trên những ngọn đồi vây quanh đầm, chúng ta có thể kiến tạo những ngôi nhà nghỉ mát, để từ đó du khách lần xuống đầm, thả thuyền hoặc bơi xuồng máy chạy trên mặt nước yên lặng như tờ, rồi lần theo dòng sông mà chạy thẳng ra vịnh Phan Rang, rồi lại quay về, vừa đi vừa ngắm cảnh trời mây, non nước.  Hoặc là một mình một chiếc thuyền nan, thả câu trong đầm mà hưởng cái thú:

Một thuyền một gối một cần câu,
Danh lợi nhường ai ta chẳng cầu.
Nước biếc non xanh là bạn lữ,
Tiêu dao ngày tháng, rượu lưng bầu.

Đầm Phương Cựu có hai con suối chảy vào, ngay tại địa phận thôn này là suối Kiền Kiền và suối Đông Nha.  Xung quanh đầm, xen vào giữa những ngọn đồi có các thôn ấp nghèo, phần đông dân chúng sống vào nghề chài lưới hoặc là nghề nông là thôn Phương Cựu, Tri Thủy, Dư Khánh, Hội Diêm, Cà Đú và Tân An.

Để tránh nạn nước biển tràn ngập vào ruộng, hồi Pháp thuộc, mấy anh chủ đồn điền cho xây những khoảng đập bao quanh phía trên đầm dựa vào các ngọn núi.

So với đầm Ô Loan ở Phú Yên, hoặc vịnh Cam Ranh ở Khánh Hòa, Đầm Nại còn thua xa về cảnh đẹp thiên nhiên.  Nhưng so với địa phương Ninh Thuận, du khách đến thăm đầm này cũng không đến nổi uổng thì giờ nhàn du.

ĐÈO NGOẠN MỤC

Danh lam thắng cảnh đáng giá nhất tỉnh Ninh Thuận với một vẻ đẹp độc đáo là đèo Ngoạn Mục.  Đèo này nằm trên Quốc lộ số 11 ( Phan Rang – Đà Lạt ), ở khoảng cây số 52 đến 64, cách thị trấn Sông Pha chừng trên 3 cây số, ở cao độ 980m.

Vào dịp mùa xuân và đầu mùa hạ là giai đoạn không có mưa tại đất Ninh Thuận, một buổi sáng nào đó, khi mặt trời bắt đầu xuất hiện, các bạn ngồi trên xe hơi từ giã thành phố Phan Rang đầy gió bụi, theo Quốc lộ số 11 thẳng đường lên Đà Lạt.

Chiếc xe hơi nổ máy đều đều đưa các bạn len lỏi giữa những cánh đồng lúa, hoặc qua những rẫy bái, chòm cây hướng về phía Tây. Ngồi bó chân trên xe hàng giờ đồng hồ, liếc mắt nhìn lên bộ áo quần đi đường, bạn đã thấy lốm đốm những hạt bụi đường, cũng vừa lúc chìếc xe dừng lại tại một thị trấn nhỏ bên đường để bạn có dịp bước xuống làm vài cử động cho thoải mái cặp giò bị bó gối đã lâu và vào quán uống nước trà tươi giải khát, nhất là để thưởng thức một vài quả chuối tiêu, thứ thổ sản đặc biệt của vùng này mà người ta đã tấm tắc khen ngon qua câu phương ngôn:

Cam Đầu Suối
Chuối Sông Pha

Ảnh số 12: Đèo Ngoạn Mục

Đây chính là thị trấn Sông Pha, một thị trấn rất quen thuộc của hành khách đi xe hơi từ Sài Gòn ra Nha Trang qua ngã Quốc lộ số 22 trong thời gian vùng Rừng Lá trên Quốc lộ số 1 bị kẹt lưu thông.  Phần nhiều xe đò từ Sài Gòn ra đến đây là vừa tối vi gặp mưa đường xấu, hoặc bị kẹt dọc đường vì hai bên giao chiến, hoặc đường bị Việt cộng đào hố, đấp ụ, khách đành phải nghỉ lại đây để thưởng thức cái cảnh ban đêm dưới chân đèo.

Sông Pha là do tiếng Chàm Krong Pha mà người Việt gọi đơn giản bớt.  Xưa kia, Sông Pha chỉ là một xóm nhỏ nghèo nàn, lơ thơ một ít túp lều tranh bên cạnh đường làm nơi nghỉ chân cho nhũng du khách bộ hành qua lại vùng này.  Ngày nay đã trở nên một thị trấn quan trọng nhờ vào hai yếu tố, thứ nhất là vì nó đã trở thành trạm nghỉ đêm của tất cả các xe đò và hành khách do đó người ta đua nhau làm lên những dãy hàng ăn, những nhà ngủ trọ.  Thứ hai là gần đó, công trường đập nước Đa Nhim được thiết lập để thực hiện một đại công tác quốc gia, nhà máy thủy điện Đa Nhim.  Biết bao công nhân làm việc tại đây, với gia đình của họ cư trú nơi thị trấn này, khiến cho dân số và nhà cửa tăng lên gấp bội.

Ban đêm nhà máy điện của công trường cung cấp ánh sáng cho những cơ sở cần thiết trong khu vực, cho thị trấn Sông Pha cũng được tăng thêm vẻ tân thời của một thành phố sơ thiết. Trong tương lai, khi chương trình Đa nhim hoàn thành, thị trấn Sông Pha sẽ đổi mới hơn nữa, và có thể đóng vai trò một thành phố kỹ nghệ biến chế lâm sản quan trọng của tỉnh Ninh Thuận.

Nghỉ ngơi tìm hiểu thị trấn Sông Pha đã đủ, du khách cho xe nổ máy và tiếp tục lên đường, càng lúc càng cảm thấy ngửa mình ra sau, thỉnh thoảng lại chao mình qua bên trái hay sang bên phải.  Ấy chính các bạn đã bắt đầu leo dốc vá quanh theo sườn núi để lên đèo.

Sau bao nhiêu giây phút bồn chồn lo lắng vì chiếc xe các bạn hết cua bên này, lại quẹo bên kia và trước mặt cứ xuất hiện những hố sâu thăm thẳm, chiếc xe các bạn bỗng dừng hẳn lại bên đường, người thạo nhất trong số các bạn nhảy xuống đất trước, miệng reo lên: đèo Ngoạn Mục!

Quả không sai với tên gọi.  Đứng đây phóng mắt ra xa, các bạn sẽ thấy một bức tranh tuyệt mỹ đã trải rộng trước mắt.  Này bạn hãy nhìn về phía Đông Nam, đồi lúp xúp nối tiếp nhau bao quanh bình nguyên Phanrang.  Bên kia bình nguyên, xa xa một màu xanh, đó là biển Đông Hải.  Này đây, về hướng Đông, san sát những rừng cây, xanh ngắt một màu chạy tận chân trời, thẳm tít.  Ở phía Bắc, một ngọn suối, chi lưu của sông Krong Pha, ẩn mình dưới lớp lá cây, chảy ào ào qua các hốc đá như một điệu đàn muôn thuở.

Một ngọn gió từ sau lưng thổi tới, làm cho các bạn thấy khoan khoái trong mình mà quên cái nóng của thành phố Phan Rang vừa trải qua.  Ngọn gió ấy đã từ trên vùng cao nguyên Đà Lạt thổi xuống, qua một triền núi gọi là Bo Gió mà lát nữa xe các bạn sẽ đi qua.

Ảnh số 13: Chùa Linh Sơn (ảnh Lương văn Hoà)

Ngắm mãi ngắm hoài mà không chán mắt, hết hướng về Đông Nam lại quay sang Đông Bắc. Nhưng thời gian cứ lặng lẽ trôi khiến các bạn phải nghĩ đến một nửa đọan đường qua đèo, qua núi còn phải vượt, nên mọi người đành phải quay lại xe, miệng còn tấm tắc khen: thật là tuyệt mỹ!

Những ngày trước kia chỉ qua đèo Ngoạn Mục một lần sẽ lấy làm lạ khi nghe bạn kể lại rằng: chiếc xe của bạn khi đi qua đèo đã phải hai lần chui dưới gầm cầu máng vĩ đại.  Quả thế, hai cầu máng này chỉ mới có từ năm 1963 do chương trình Đa Nhim.  

Qua hai cầu này, dòng nước sông Đa Nhim chứa trong hồ lớn trên cao thuộc tỉnh Tuyên Đức đổ xuống Sông Pha, tạo nên sức mạnh than trắng làm chuyển động nhà máy phát điện thiết lập gần thị trấn Sông Pha.  Từ nhà máy này điện được cung cấp khắp toàn quốc.

CHÙA HANG

Tại thôn Khánh Tường, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, gần bờ biển có một hang đá ăn sâu vào sườn núi rất rộng. Đây là một căn phòng thiên nhiên to lớn, do các tảng đá vĩ đại chồng chất lên nhau mà tạo thành, ba bề là vách đá, phía Nam hướng mặt ra biển là lối vào.

Trong hang đá này có thờ tượng Phật và là nơi chiêm bái hàng ngày của những phật tử quanh vùng.  Do đó mà có tên chùa Hang.

Cảnh thiên nhiên an bài đã đầy vẻ tuyệt mỹ, lại bồi thêm bàn tay tô điểm của con người, với nhiều hình tượng, nhiều tháp nhiều hòn, nên phong cảnh chùa Hang lại càng thêm quyến rũ khách nhàn du.

Tới đây du khách có thể tìm được cái không khí u nhã, thoát tục, khi nghe tiếng chuông ngân vang từ trong vách đá, chân đồi, khi nghe gió rít trên đồi, lá cây xào xạc, chim kêu vượn hót như dẫn ngưòi trần đi vào chốn sơn lâm cô tịch, lại khi phóng tầm mắt ra đại dương bao la, xa tít chân trời vô tận, bao nhiêu phiền nảo như lắng xuống, bao nhiêu tham vọng điên cuồng như tiêu tan theo bọt sóng quanh bờ.

Tại chùa Hang lại có cảnh là trên một phiến đá bằng phẳng, có một dấu chân người bên phải, dài khoảng 50 phân tây chiều sâu chừng 3 phân.  Theo tục truyền thì ngày xưa ông Khổng lồ đào đất dưới biển gánh lên xây núi, ông đã gìẫm một chân lên tảng đá này và một chân lên tảng đá ở núi Cà Đú, nên dấu vết còn lưu đến ngày nay.

CHÙA NÚI CHÀ BANG

Từ Quốc lộ số 1 men theo Hương lộ số 2 đi Sơn Hải, đến thôn Phước lập, nhìn về phía tay phải, du khách thấy khu rừng bao la xanh biếc, trong đó có ngọn Chà Bang cao 432m, thuôc địa phận xã Phước Hải Quận Thanh Hải.  Tại núi này cũng có một cái hang thiên tạo lớn hơn hang ở thôn Khánh Tường.  Các vị tu sĩ Phật Giáo đã biết chọn nơi này làm cơ sở tu hành.  Hang được dùng làm chánh điện, phía trước còn có bái đường, tổ đình làm bẳng gỗ lợp ngói.

Chùa núi Chà Bang cũng là một thắng cảnh khá hấp dẫn, thời bình du khách tới đây ngọan cảnh cũng được vừa lòng.  Nhưng có điều hơi phiền là trước khi đến thăm chùa, các bạn phải xem xét lại đầu gối hơi long nên nhờ mấy chú sửa xe Honda siết giùm lại, bởi vì từ chân núi lên đến hang, các bạn phải leo hàng trăm bực đá quanh co giữa rừng cây và cỏ lau.

Đối với người dân địa phương ngôi chùa này nổi tiếng không phải vì cảnh đẹp mà chính vì công phu tu hành của vị Hoà Thượng khai sơn.

Hiện nay tại chùa núi Chà Bang còn mộ tháp của vị Hoà Thượng nói trên, xây phía sau chùa, tức là trên đỉnh núi.

Cảnh chùa núi Chà Bang thơ mộng như vậy, hiền hòa như vậy mà trong cuộc chiến tranh vẫn không thoát khỏi cảnh tàn phá.

(Hết phần thứ nhất)

No comments:

Post a Comment