Home

Friday, December 27, 2019

NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN VỀ CÂY DẠ MINH CHÂU

TRANG NHÀ (HOME)

Cây Dạ minh châu (Bạch dương, Dạ ngọc minh châu, Lan dương; thuộc chi Bân bấn - 海州常山, Hải châu Thường sơn; tên cây gọi là Thùy Mạt Lị - 垂茉莉, Nhài treo, Nhài rũ, còn gọi là Ngọc Điệp hoa - 玉蝶花, Bạch ngọc Hồ điệp - Chains of Glory, Light Bulb Plant) - Clerodendrum schmidtii, Clerodendrum smitinandii, C. smithianum, Clerodendrum wallichii, C. wallii, họ Hoa môi - Lamiaceae (trước đây lại thuộc họ Cỏ Roi ngựa - Verbenaceae).
Cây hoa này gốc từ vùng Hy-Mã-Lạp Sơn (Himalayas), sinh trưởng khắp vùng từ Vân Nam, Tây tạng, Nepal, Sikkim, đông bắc Ấn độ, Bangladesh, bắc Diến điện, Thái lan, Lào, Cambodia đến miền trung Việt nam, trong những vùng rừng thưa và đồi núi có cao độ từ 100m đến 1.190m; là giống cây bụi lưu niên nửa thân giây có thể cao đến 4 mét, lá dạng mũi mác (lanceolate) dài khoảng 11 - 18cm, rộng khoảng 2.5 - 4cm, có khoảng 7 - 8 cặp gân; chùm hoa hình nón (conical) rũ xuống từ cành mảnh mai dài khoảng từ 20 - 33cm, hoa trắng có 5 cánh, nhị dài, dạng hoa như bướm trắng nên còn gọi là Ngọc điệp, khi hoa nở tỏa ra hương thơm.
Khi hoa nở nên đưa cây vào trong râm, và thường tưới nước cho cây, nếu để ngoài nắng cuống hoa sẽ nám và cây sẽ chết nếu thiếu nước.  Khi ra hạt thì nhánh hoa, cuống và đài hoa trở thành màu đỏ, dày; khi hạt chín thì chuyển từ màu xanh sang màu tím đen đường kính khoảng 0.5 - 0.8cm.  Cây này là giống không chịu gió vì cành mảnh khảnh, vì vậy trong thiên nhiên nó phải thành dạng bụi đan xéo vào nhau để tự bảo vệ mình.  Khi trồng ở vườn hoặc trong chậu kiểng thì nên cắm thêm cây hoặc cọc để thân thẳng đẹp, lại phụ giúp thân và nhánh chống gió.
Có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành; tốt nhất là trồng vào mùa Xuân và Hè; nếu trồng vào mùa Thu thì khi cây phát rễ sẽ lập tức ra hoa nên chận đứng sự tăng trưởng của cây; lợi dụng điểm này để trồng kiểng bán Tết.
Theo sách Vân nam Thực vật chí (雲南植物誌), cây hoa này người Hoa lục và Đài Loan gọi là Thùy chi Mạt lị (垂枝茉莉 - Nhài rũ nhánh) hoặc là hoa Bướm ngọc (玉蝶花, Ngọc điệp hoa) với tên khoa học là Clerodendrum wallichii, đặt tên theo nhà giải phẫu kiêm thực vật học người Đan Mạch (Denmark) Nathaniel Wallich làm việc trong vùng Ấn độ - Hi mã lạp sơn (Himalayas) vào đầu thế kỉ 19; Tây phương và Ấn độ thì gọi nó là cây hoa Dây chuyền Vinh quang (Chains of Glory plant) hoặc cây hoa Bóng đèn (Light Bulb plant) có tên khoa học là Clerodendrum schmidtii hoặc C. smitinandii đặt theo tên nhà thiên nhiên học Ernst Johannes Schmidt người Đan Mạch (1877-1933) là người đã mang mẫu cây từ đảo Kochang, Thái Lan về, người Thái gọi cây này là Taai bai, Thao yaai mom paa, Put raa chaa.
Việt Nam ta, các cụ trồng hoa đặt cho nó những cái tên mĩ miều như Dạ minh châu, Dạ ngọc minh châu, Bạch dương, Lan dương v.v... lại vẽ vời phong thủy đủ thứ để thương mại và làm tăng giá trị của nó.

Thực ra các cây trong chi Clerodendrum (Bân bấn) đều là giống cây hoa  không may mắn  (Clero, "κλῆρος" - theo tiếng Hy Lạp là định mệnh và dendron, "δένδρον" tức là cây - Người dân Tích Lan - Sri Lanka gọi nó là “pinnacola” có nghĩa là "không may mắn" = unlucky).
Cây này cũng tương tự cây hoa nhài (Jasmin) rất là dễ trồng, cứ cắt nhánh cắm xuống đất là lên mà thôi.  Muốn tìm thấy nó trong sách Tàu thì phải tìm cây Thùy Mạt lị hay Thùy chi Mạt lị (垂茉莉, 垂枝茉莉, Nhài rũ nhánh) chứ tìm cây Dạ Minh Châu hoặc Dạ Ngọc Minh Châu thì e đến tận thế ... vẫn đi lòng vòng "trong cõi ta-bà"!!!  Đó là lý do tại sao mà trên các trang web hoặc blog của Việt nam vẫn chưa nhận diện được bản chất của cây này và người Tàu gọi nó là gì!
Lê Tự Do
Hoa Kỳ, ngày 02 tháng 12/2019

TRANG NHÀ (HOME)

2 comments:

  1. Rất cám ơn đã cung cấp thông tin đầy đủ ạ.

    ReplyDelete
  2. Không có chi, tôi còn bài viết về các loại hoa, rất có ích cho những người thích sưu tầm và yêu hoa, khi nào rảnh rỗi tôi sẽ đưa vào Blog này để tặng bà con mình. Trên đời có nhiều cây hoa rất đẹp nhưng không có hương thơm gì cả, ngược lại có những loại hoa tầm thường nhưng lại tỏa ngát hương thơm, con người cũng vậy, có nhiều tuyệt thế giai nhân nhưng công, dung, ngôn, hạnh đều không ra chi, tính tình rất khó gần gũi. Cho nên người xưa có câu nói rất khôi hài về hoa và con cá mòi như sau:

    "Hải đường hữu sắc hiềm vô hương
    Thùy ngư nhục mĩ hiềm đa cốt"

    "Hoa Hải đường thì đẹp nhưng ngặt cái chẳng có hương thơm chi cả
    Con cá mòi thì thịt rất ngon, nhưng ngặt nỗi là nó lại có nhiều xương!"

    ReplyDelete