Home

Friday, December 27, 2019

CHUYỆN VỀ CÂY CAM ĐƯỜNG (ĐA TỬ BIỂN) MỘT CÂY QUÝ CỦA NINH THUẬN

TRANG NHÀ (HOME)

Cam đường (Đa tử biển, Cầm đàng, Cam Jepara - Jepara orange, Jeruk jepara, Jeruk Swing, Orange-jerukan) - Limnocitrus littoralis (Miq.) Swingle, Pleiospermium littorale Tanaka, Atalantia littoralis (Miq.) Guillaum, Limonia littoralis (Miq.) Backer, Paramignya littoralis Miq. - thuộc họ Cam quýt - Rutaceae. 

Cam đường là một loại cây rất quý gần bị tuyệt chủng, đã được liệt vào Sách Đỏ của IUCN (International Union for Conservation of Nature) năm 1969, hiện đã được chính phủ Nam-Dương (Indonesia) đưa vào gây giống và bảo tồn tại 2 trung tâm bảo tồn thiên nhiên Keling Nature Reserve và Clering Nature Reserve.  Hiện nay trên thế giới Cam đường được tìm thấy ở 2 nơi là Nam-Dương (tại Jepara, Rembang, Riau Islands) và Việt-Nam. Tại Nam-Dương, cây Cam đường được JE Teijsman tìm thấy lần đầu tiên vào ngày 6/10/1854 tại bờ biển Lasem, Rembang.
Theo tài liệu của GBIF (Global Biodiversity Information Facility), tại Việt-Nam Cam đường được tìm thấy tất cả là 36 lần từ năm 1880 đến 2007, lần đầu tiên nó được một nhà sưu tầm người Pháp tên là Germain tìm thấy khoảng năm 1880 tại Côn đảo lúc đó gọi là Poulo Condore. Sau đó nó cũng được tìm thấy ở Phong Ý, Thanh Hóa (Eug. Poilane - 15/7/1920), Tourane, Đà-Nẵng (S. Clemens - 5-7/1917), Nha-Trang (M. Krempf - 8/1912 & 1/1913), trên hòn Mỹ Giang gần Ninh Hòa, Khánh-Hòa (E. Poilane - 24/3/1923), Nha Trang và vùng bờ biển phụ cận (Aug. Chavalier - 5/2/1914 5/2/1916), Tourane, Đà-Nẵng (S. Clemens - 5/1927), Nha-Trang và vùng bờ biển phụ cận (Auguste Chavalier - 1943), Hòn Tre gần Nha-Trang (E. Poilane - 22/4/1922), Nha Trang và vùng bờ biển phụ cận (B. Robinson - 3/1911), Tourane, Đà-Nẵng (E. Poilane - 1/6/1926), Nha Trang (E. Poilane - 10/9/1922), vùng bờ biển phía bắc Nha Trang (E. Poilane - 19/8/1933), khu vực dưới chân núi Chúa trong Công viên quốc gia Núi Chúa, làng Vĩnh Hy, Vĩnh Hải, Ninh Hải, Ninh-Thuận (25/3/2004), Mũi Né, Phan Thiết (30/1/2007).  
Cây Cam đường từ xưa đã mọc rất nhiều trên đảo Bé (cù lao Lý Sơn) tỉnh Quảng-Ngãi, mọc thành đồi Cam đường và được người dân ở đây bảo vệ rất tốt.  Vào mùa mưa bão là mùa Cam đường chín, nó là thứ trái cây tươi rất quý báu đối với người dân ở đây tronng lúc phương tiện giao thông với đất liền gặp trở ngại vì thời tiết. Cây Cam đường trước đây cũng có rất nhiều trên vùng bờ cát khu vực bãi Bắc hòn Lao (cù lao Chàm), tỉnh Quảng Nam.  Dựa vào bản đồ phát hiện trong quá khứ, có khả năng là có thể tìm ra cây Cam đường ở nhiều nơi khác dọc bờ biển Việt Nam từ Thanh Hóa trở vào, trên các hòn cù lao, hay các đảo ít bị khai thác và tàn phá do bàn tay người.
Riêng phần chúng tôi vào những năm 1969-1972 đã có vài ba lần nhìn thấy cây Cam đường và nếm mùi vị quả cam đường tại vùng chân núi Chúa, Vĩnh Hy và vùng đồi cát phía Nam làng Sơn Hải (gần Mũi Dinh) cách bờ biển khoảng 300-400m; quả cam đường hình dạng giống nửa quýt nửa chanh, lớn cỡ quả chanh, cả lá và quả đều toát ra mùi rất thơm và nồng hơn vỏ quýt nhưng mùi ngửi thấy rất  khoan khoái dễ chịu, thịt quả thì khác xa quýt, nó khô dẻo, khi ăn cảm thấy như có nhựa dính vào răng và không có những tép nhỏ mọng nước như quýt, quả có khoảng 4-6 hột trơn tru và lớn hơn hột bưởi (có dạng tròn giống như hột mít nhưng nhỏ và nhẵn hơn), trong quả cam đường hầu như hạt chiếm hết phân nửa; có thể nói là quả cam đường vỏ dày, thịt ít, nhiều hạt lớn, trái chín có màu vàng cam, ít ngọt nhưng thơm, khi còn xanh thì chua và mặn, không hấp dẫn gì mấy.

Cam đường là loại cây cho nhiều hoa và quả, vỏ quả và lá có chứa nhiều tinh dầu thơm và đậm đà hơn cam chanh hay quýt bưởi, có lẽ dùng làm thuốc hay lấy tinh dầu tốt hơn là để ăn thường xuyên như cam quýt. Hoa cam đường trắng, cánh dày, đẹp và thơm, thân và lá cam đường khi chà xát đều có mùi thơm cay nồng rất đặc biệt, nó là sự phối hợp giữa mùi thơm của lá Xào dông (Xoài dông) và lá chanh.  Những bụi Cam đường mà chúng tôi gặp lúc ấy chiều cao khoảng 2-3m, thân mảnh khảnh, gốc quằn quèo và có rất nhiều gai dài và sắc nhọn khắp nơi, lá giống lá chanh, dày, có nhiều gân.
Công dụng:  Cây Cam đường có một sức sống phi thường, nó chịu mặn và kháng bệnh rất giỏi, nó có thể mọc trong vùng rừng ngập mặn giống như cây bần, cây đước.  Ở Nam Dương trong vùng bờ biển phía bắc của miền trung Java, khi mà hầu như tất cả các giống cam quýt đều bị tàn hại vì sâu bệnh thì cây Cam đường vẫn sống mạnh và chẳng bị ảnh hưởng gì cả!  Cho nên dùng gốc cam đường để tháp ghép các loại cam quýt là giải pháp chống sâu bệnh tốt nhất ('anti' CVPD diseases).

Dân đảo Rembang dùng lá tươi đắp vào vết thương để giết giòi do ruồi gây ra.   Rễ cây Cam đường dùng trị ghẻ.

Người Chăm dùng Cam đường cả hoa, lá, cành và rễ để làm thuốc.  Các bộ phận khác nhau của cây đã được sử dụng như một loại thuốc trừ sâu (dùng cả thân, lá và rễ).  Lá và hoa chữa bệnh về phổi, rễ chữa ghẻ.

Trong y học cổ truyền Việt Nam, Cam đường có tác dụng chữa ho, long đờm, trị khan tiếng, giúp bài tiết, điều trị cảm lạnh và hạ sốt, dùng trong nồi xông giống như lá chanh hay lá bưởi v.v... chống viêm, chữa đau thần kinh tọa và ngăn ngừa sự lão hóa của tế bào da, rễ và lá dùng để nấu nước tắm trừ bệnh ghẻ, lá đốt để xông muỗi và côn trùng.

Dịch tiết Limnocitrus littiralis (Miq) có mặt trong một số công thức mỹ phẩm như: kem làm mờ vết nhăn, kem chống nắng, kem lót, phấn trang điểm, sữa dưỡng thể v.v... Tinh dầu chiết xuất từ lá bằng phương pháp thủy phân (hydrodistillation) dùng chống viêm sưng, cách dùng như dầu tràm, dầu khuynh diệp.
Theo kết quả nghiên cứu với đề tài: Nghiên cứu đặc điểm thực vật và thành phần hóa học cây Đa tử biển ở Ninh Thuận của Nguyễn Thị Thương, trường đại học Dược Hà Nội (2012) thì cây Cam đường, Đa tử biển có tính năng vượt trội như sau:

Hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả Đa tử biển (2,24%) cao hơn gấp 5 lần so với hàm lượng tinh dầu trong vỏ quả một số loài họ Cam (Rutaceae) như Chanh (0,5%), Cam (0,5%), Bưởi (0,15%), Mắc mật (0,55%). Hàm lượng tinh dầu trong lá Đa tử biển (1,44%) cũng cao hơn so với lá các loại dược liệu khác cùng họ như Chanh (0,09-0,11%, Mắc mật (0,535).  Do đó, Đa tử biển hứa hẹn là một nguồn nguyên liệu tinh dầu tiềm năng, triển vọng trong tương lai, tranh cấp được với các loài thuộc chi Cam Chanh mà tinh dầu vỏ quả được sử dụng rất nhiều trong công nghiệp thực phẩm, nước uống và công nghiệp hóa mỹ phẩm.

Kết quả cũng cho thấy sự có mặt của chất Scopoletin trong thân cây Đa tử biển với những tác dụng được biết đến của nó (giảm đau, chống oxy hoá, tăng cường sức khỏe, kháng khuẩn...) nó góp phần giải thích chứng minh tác dụng của vị thuốc và kinh nghiệm dân gian."

Ngộ Nhận, đồng âm khác chủng:  Nguyễn Trãi trong Quốc Âm Thi Tập (Môn Hoa Mộc) có bài thơ Cây Cam Đường (甘棠):

"Thấy bóng cam đường nhớ Thiệu công,
Đất dư dời được, bạn cùng thông.
Bút thơ đã chép hương còn bén,
Ngẫm nghĩ nào ai chẳng động lòng."

Có người cho rằng cây Cam đường trong bài thơ trên là cây Đa, chẳng biết dựa vào đâu mà nói như thế?!  

Cây Cam đường (甘棠) trong bài thơ trên là một giống cây khác, không phải là cây Đa, cũng không phải là cây Cam đường ở vùng Đông Nam Á mà chúng ta đang nói đến ở đây (là loại cây bụi thấp xấu xí, quằn quèo đầy gai bén; hơn nữa chắc cụ Thiệu/Triệu Bá (召伯) bên Tàu cũng không có thì giờ rảnh rỗi đến tận mấy cái đồi cát hoang miền Trung xa xôi mà ngắm nó!) mà là nói đến cây Lê dại mà người Tàu gọi là cây Đường, Cam Đường hay Triệu Đường (Cây Đường ông Triệu/Thiệu - 召棠), có 2 thứ trắng và đỏ, thứ đỏ là cây Đỗ lê (杜梨树 - Du Lishu, Pyrus xerophila - 赤者杜 Xích giả đỗ) rắn mà dẻo người xưa dùng đóng can cung, thứ trắng tức cây Đường lê (棠梨树 - Tang Lishu, Pyrus calleryana - 白者棠 - Bạch giả đường); là cây mà Lý Thời Trân (李时珍 - Li Shizhen) gọi là "cây lê mọc hoang ở khắp núi có lá mép răng cưa, hoa trắng nở vào tháng Hai, qua mùa sương muối (mùa Thu) thì quả mềm có thể ăn được, cây có hai loại trắng, đỏ, quả có loại ngọt, loại chua; giống cây rất khỏe, cây này và cây lê vườn có thể tháp ghép với nhau rất tốt"; đều gọi chung là cây lê dại có nhiều giống khác nhau.  

◇Thi Kinh 詩經: Tế phí cam đường 蔽芾甘棠 (Thiệu nam 召南, Cam đường 甘棠) Sum suê cây cam đường." (trích Tự điển Thiều Chửu). 

Cũng giống vậy, có một loại cây mà người Tàu gọi là Ngạc lê (鳄梨 - Cây Bơ - Avocado - Persea americana Mill.) lại chẳng ăn nhập gì với họ nhà lê cả!  Trung hoa đất rộng dân đông, tiếng nói mỗi miền mỗi khác, mạnh ai nói nấy, bất kể đúng sai!  Cho nên người Tàu thấy cây có trái giống hình đầu con cá sấu thì gọi là ngạc, hình thù lại giống trái lê nên cũng gọi là lê mặc dù chúng khác loài, khác chi, khác họ... chẳng ăn nhập gì với cây lê cả!

Tôi chưa có may mắn tìm ra được tài liệu nào của Trung Hoa nói về cây Cam đường (Đa tử biển), nên không biết người Tàu gọi cây Cam đường là gì (đến cuối năm 2019 vẫn chưa có), cũng không thấy nói đến tên trong thuốc Bắc, cho nên có lẽ là người Tàu trước đây chưa hề biết đến cây Cam đường; điều này cũng chứng minh thêm rằng người Tàu chưa hề làm chủ vùng đảo Hoàng Sa và Trường Sa là những vùng thích hợp với cây Cam đường, và tôi tin rằng nếu chúng ta chịu khó điều tra, sưu tầm, tìm hiểu thì sẽ gặp nó đã mọc sẳn ở đó từ hàng ngàn năm trước khi có cái bản đồ "Đường Lưỡi Bò" do Tàu cộng phịa ra để đi cướp đất.

Lê Tự Do
Hoa Kỳ, tháng 12/2019


Phần đọc thêm về Cây Cam Đường Jepara (Jeruk Jepara) của Nam Dương (Indonesia)
Cây Cam Đường Jepara (Jeruk Jepara) của Nam Dương

Cây Cam đường Jepara (Jeruk Jepara) còn gọi là Cam Jepara (Orange Jepara) hay là Cam Swing (Orange Swing) có tên khoa học là Limnocitrus littoralis (Mig) Swing là loại cây đặc hữu (endemic) chỉ mọc trong một số khu vực địa lý nhất định ở miền trung Java, Indonesia.  Ở Nam Dương nó được tìm thấy ở vùng đảo Jepara (Trong 2 khu bảo tồn Keling Nature Reserve và Celering Nature Reserve), và ở miền trung Java.  Cam đường thuộc họ Cam quýt (Rutaceae), là một loại cây rất quý gần bị tuyệt chủng, đã được liệt vào Sách Đỏ của IUCN (International Union for Conservation of Nature) năm 1969.

Cam đường Jepara là loại cây có sức kháng bệnh cực kỳ mạnh mẽ và có thể sống trong những vùng đất cát có độ muối mặn rất cao.  Nó cũng sống khỏe trong các vùng đầm lầy ven biển hay dọc theo các dải bờ sông gần biển, bản chất cũng giống như các loại Bần, Đước.  Khi mà hầu như các loại cây thuộc họ Cam quýt ở vùng bờ biển phía Bắc của miền Trung Java bị tấn công bởi các loại bệnh thì cây Cam đường vẫn bình chân như vại, sống khỏe mạnh và không bị ảnh hưởng gì cả.  Điều này chứng tỏ rằng cây Cam đường rất khỏe và có thể dùng làm gốc để tháp ghép các loại cam dùng trong thương mại giúp nó chống lại bệnh tật ('anti' CVDP diseases)
Một loại quả Cam đường Jepara của Nam Dương

Giá Trị Dinh Dưỡng của quả Cam đường - Nutritional value per 100 g (3.5 oz)

Energy:  288 kJ (69 kcal)
Carbohydrate:  18.1 g
- Gula:  15.48 g
- Food fiber:  0.9 g
Fat:  0.16 g
Protein:  0.72 g
Tiamina (Vit. B 1 ):  0.069 mg (5%)
Riboflavin (Vit. B2):  0.07 mg (5%)
Niasin (Vit. B 3 ):  0.188 mg (1%)
Pantothenic Acid (B 5 ):  0.05 mg (1%)
Vitamin B 6:  0.086 mg (7%)
Folate (Vit. B 9 ):  2 μg (1%)
Vitamin B 12:  0 μg (0%)
Vitamin C 1:  0.8 mg (18%)
Vitamin K :  22 μg (21%)
Calcium:  10 mg (1%)
Iron:  0.36 mg (3%)
Magnesium:  7 mg (2%)
Mangan:  0.071 mg (4%)
Phosphor:  20 mg (3%)
Potassium:  191 mg (4%)
Sodium:  3.02 mg (0%)
Zink:  0.07 mg (1%)

Percentage refers to US recommendations for adults.
Source: USDA Nutrition Data

Chưa bao giờ biến mất

Cam đường ở Nam Dương (Indonesia) trước đây từng được các nhà thực vật Nam dương cho là đã tuyệt chủng từ năm 1969.  Câu chuyện về cây Cam đường "biến mất" ở Nam Dương thật là thú vị.  Vào năm 1969, một nhà chuyên môn về cây trái ở Hawaii tên là Hamilton gởi 1 lá thư đến vườn thực vật Bogor (Bogor Botanical Gardens) yêu cầu họ gởi cho ông ta những cây Cam đường với hy vọng là sẽ dùng gen của nó để cái thiện các hạt giống cam quýt mới mà ông đang phát triển.  Thỉnh cầu của ông Hamilton không được thỏa mãn, bởi vì cây Cam đường trong nghi vấn "đã bị tuyệt chủng".  Trước khi tuyên bố như vậy, các viên chức trong Viện Sinh Học Quốc Gia LBN (National Biology Institute) đã đi tìm cây Cam đường dọc theo bờ biển Rembang và Jepara nhưng không có kết quả.

Theo hệ thống phân loại căn bản của GBIF (GBIF Backbone Taxonomy) vào năm 2016, yếu tố đe dọa cây Cam đường bị tuyệt chủng là do việc mất đi môi trường tự nhiên dành cho Cam đường.  Chính phủ Nam Dương đã có những cố gắng bảo tồn bằng cách trồng và nhân giống cây Cam đường trong hai khu bảo tồn thiên nhiên Keling Nature Reserve và Clering Nature Reserve.

Một loại Cam đường Jepara của Nam Dương
Tìm thấy trở lại

Sau mấy chục năm dò tìm, thì ra những cây Cam đường vẫn còn đó nơi chỗ cũ, sống hoang dã và chẳng có ai chăm sóc, nó chưa bao giờ biến mất cả!  Người "phát hiện" ra nó là ông Sutomo, một nhân viên làm việc trong Văn Phòng Nông Lâm Súc quận Rambang (Rembang District Agriculture Office) ở miền Trung Java.  Ông Sutomo "tuyên bố" rằng giống cây quý hiếm này lần đầu tiên ông nhìn thấy là vào năm 1979 (tức là sau những năm tôi được ăn quả Cam đường ở Vĩnh Hy và Sơn Hải hàng chục năm!), nhưng lúc bấy giờ ông không quan tâm vì sự hiểu biết của ông về cây Cam đường khi đó còn rất là hữu hạn.  Vài năm sau đó, sau khi được theo học tại Học viện Nông Lâm Súc UGM ở Yogyakarta (UGM Faculty of Agriculture, Yogyakarta), ông mới biết được rằng thì ra giống cây mà ông đã nhìn thấy là cây Cam đường mà người ta đang sục tìm từ lâu!  Sau đó ông quay lại chốn cũ vào ngày 6 tháng 10 năm 1984 và đã tìm thấy những cây Cam đường vẫn ở đấy, chẳng có ai đụng đến cả. Những người dân địa phương ở đây gọi nó là cây Cam Jerukan, trái của nó dùng làm đạn cho ná bắn chim!  Để cho chắc ăn, ông Sutomo hái rất nhiều hoa, quả và lá của nó đem về Phòng Thí nghiệm thuộc Bộ môn Sinh học của UGM và LBN (Laboratory of the Faculty of Biology, UGM and LBN, Bogor) để nghiên cứu.  Kết quả xác định chắc chắn, chính là cây Cam đường Limnocitrus littoralis mà trước đó từng bị tuyên bố là "đã biến mất"!

Sự xác nhận của trung tâm LBN Bogor được trình bày trong một văn bản chính thức của Tiến sĩ Giám đốc Setiyati Sastropradja vào ngày 17 tháng 10 năm 1984 dưới dạng thư gởi đi từ ông Giáo sư Ir. Moesa Soeryowinoto, Viện trưởng Viện Sinh Vật Học UGM, nhấn mạnh rằng loại cây được phát hiện bởi ông Sutomo chính là cây Cam đường đã từng bị tuyên bố là "tuyệt chủng".  Giáo sư Moesa cũng tuyên bố rằng nay cây Cam đường Jepara có tên mới là Pleiospernium littorale (Mig) Tanaka.
Những cây Cam được tháp ghép vào gốc cây Cam đường Jepara 
trong một trung tâm gây giống ở Nam Dương
Phát hiện cây Cam đường Jepara

Cây Cam đường Jepara lần đầu tiên được tìm thấy bởi ông JE Teijsman vào ngày 6 tháng 10 năm 1854 trên bãi biển Lasem, Rembang, Indonesia.  Vào ngày 24 tháng 8 năm 1930 người ta hình thành một bộ sưu tập đặc biệt về các loại cam trên bờ biển gần Lendang, khoảng 40 cây số về phía đông của thành phố Rembang.  Những cây Cam đường Jepara trong dạng lùm bụi cao khoảng trên dưới 3 mét phát triển thành từng nhóm vì được nẩy mầm từ hạt rụng xuống đất.  Hình dáng và mùi vị của quả chẳng hấp dẫn chút nào cả, không gây ấn tượng giống như cam quýt hoặc chanh.  Quả Cam đường Jepara có đường kính cỡ 3-5 cm, bên trong mỗi quả có 5 buồng, mỗi buồng có khoảng 2 hột.  Mùi vị thì chua và mặn, rất ít nước.  Vì vậy ruột trái Cam đường Jepara chẳng ăn ngon lành gì (Có lẽ các vị nầy ăn quả Cam đường khi nó chỉ mới chín tới, hoặc còn xanh)!
Một giống cam sau khi được ghép vào gốc Cam đường Jepara

Giống cây Cam đường Jepara cũng có ở vùng quần đảo Riau và ở Việt Nam nhưng tính chất có thể khác.  Ở Riau, loại cây Cam đường này được phát hiện vào năm 1980 trên đảo Rangsang, người tìm thấy là ông Ismail Husain một nhân viên của văn phòng Lâm sản Selat Panjang (Source: B. Sarwono. 1991. Oranges and their relatives. Panebar Swadaya).  Ở Nam Dương cây Cam đường có vài loại khác nhau, sau khi được tháp ghép với các giống cam thì cũng khác nhau, đều gọi chung là Cam Jepara (Jeruk Jepara).

Limnocitrus littoralis

Taxobox

name = "Limnocitrus littoralis"
status = EN
status_system = IUCN2.3
regnum = Plantae
unranked_divisio = Angiosperms
unranked_classis = Eudicots
unranked_ordo = Rosids
ordo = Sapindales
familia = Rutaceae
genus = "Limnocitrus"
species = "L. littoralis"
binomial = "Limnocitrus littoralis"
binomial_authority = (Miq.) Swingle|

Source:
https://blogs.uajy.ac.id/ngatini19/2016/09/02/jeruk-misterius-dari-bumi-kartini/
https://id.wikipedia.org/wiki/Jeruk_jepara

Lê Tự Do
Hoa Kỳ, tháng 12/2019

TRANG NHÀ (HOME)



1 comment:

  1. Hems can be open, leaving an air space within the bend, or closed, in which the folded metallic is pressed tight towards itself. Curling produces a rounded edge to a piece of metallic, also called a barrel hem. This can be used to simply eliminate the sharp edge or to serve a selected operational function Room Heater as in the case of a door hinge where it holds the pin round which the hinge rotates. This aluminum alloy uses magnesium as its major alloying factor. It has excellent corrosion resistance as a result of} lack of copper in its composition.

    ReplyDelete